Đắk Nông: Giá lợn giống “khét lẹt”, “lùng” cả tháng mua được 4 con
Dịch tả lợn châu Phi ở huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã được dập tắt từ tháng 2/2020 và huyện cũng đã triển khai các kế hoạch để tái đàn lợn trên địa bàn.
Tuy nhiên, do khan hiếm nguồn lợn giống, nên hầu hết người dân vẫn để chuồng trống, không thể tái đàn lợn.
Theo các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Chư Jút, đợt dịch tả lợn châu Phi năm ngoái đã khiến bà con thiệt hại rất nặng nề. Dịch chủ yếu tấn công hầu hết các đàn lợn nái, nên khi hết dịch, trên địa bàn không còn cơ sở nào cung cấp lợn giống cho bà con.
Do đó, dù hiện nay các hộ nuôi lợn sẵn sàng mua lợn giống với giá cao, nhưng vẫn không có nguồn cung cấp.
Công suất chuồng nuôi lên tới 30 con, nhưng ông Hà Văn Hạnh ở thôn 5, xã Cư K’nia (Cư Jút) chỉ mua được 4 con lợn giống.
Là người có nhiều năm trong nghề chăn nuôi lợn, ông Cao Xuân Giao, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông), cũng giống như hàng chục hộ dân khác trên địa bàn đều bỏ chuồng trống.
Nguyên nhân là vì ông không mua được lợn giống để tái đàn. Hiện tại, gia đình ông đã thực hiện tiêu độc, sát trùng chuồng trại để chờ con giống về là nuôi. Thời gian qua, ông đã đi nhiều nơi, nhờ người mua giúp, nhưng không nơi đâu có giống lợn con để bán.
Ông Giao cho biết: “Hiện lợn giống không có để tái đàn. Gia đình tôi trước đây lúc nào trong chuồng cũng có trên 30 con lợn vừa nái, vừa lợn thịt. Bây giờ một con cũng không có”.
Còn tại xã Cư K’nia, hầu hết các hộ chăn nuôi lợn đều bế tắc trong việc tìm nguồn lợn giống về nuôi. Gia đình ông Hà Văn Hạnh, ở thôn 5, xã Cư K’nia, hiện có hệ thống chuồng nuôi trên 60 con lợn thịt và lợn nái. Tuy nhiên, cả tháng nay, ông đi nhiều nơi hỏi mua lợn giống, nhưng chỉ mua 4 con lợn con.
Mấy ngày qua, trên địa bàn khi nghe nơi nào nhập được lợn giống về thì người dân đến tranh nhau mua. Giá lợn giống cũng vì vậy mà tăng vọt.
Ông Hạnh mua được một con lợn giống khoảng 10 kg, với giá 2,2 triệu đồng, cao hơn trước đây rất nhiều. Đó là giống lợn thịt, còn giống lợn sinh sản càng cao hơn, với giá từ 3,5 – 4 triệu đồng/1 con.
Video đang HOT
Không tìm ra lợn giống, gia đình ông Hà Văn Hạnh ở thôn 5, xã Chư K’nia (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) vẫn bỏ trống chuồng.
Theo ông Lê Lương Kế, Phó Chủ tịch UBND xã Cư K’nia, để giúp người dân cải tạo chuồng trại, tái đàn lợn, xã cũng đã triển khai các giải pháp cần thiết, phù hợp với điều kiện của địa phương. Thế nhưng, thời gian qua, do thiếu lợn giống, nên hầu hết bà con vẫn chưa thế tái đàn, phát triển đàn lợn được.
Hiện trên địa bàn xã có một công ty chăn nuôi lợn quy mô lớn, nhưng lại không sản xuất lợn giống để cung cấp cho người dân. Còn đối với các cơ sở, hộ chăn nuôi lợn thì chỉ bảo đảm lợn giống theo kiểu tự cung tự cấp chứ không có bán ra ngoài. Do đó, hiện nay bà con rất khó khăn trong việc tìm nguồn lợn giống để chăn nuôi.
“Trong thời gian tới, UBND xã sẽ liên hệ với các ngành chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Cư Jút làm để tìm nguồn lợn giống cho người dân tái đàn”, ông Kế cho biết.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), trên địa bàn đang xảy ra thực trạng thiếu lợn giống để cung cấp cho gia đình, hộ chăn nuôi. Nguyên nhân chủ yếu là do đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua đã triệt xóa hết đàn lợn nái, nên người dân chưa thể sản xuất lợn giống kịp thời để cung cấp cho thị trường.
Trong khi trên địa bàn huyện Cư Jút cũng chưa có cơ sở nào chuyên sản xuất, cung cấp lợn giống. Do đó, người dân hiện nay đang gặp khó khăn để tái đàn, phát triển nuôi lợn. Để giải quyết vấn đề này, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiến hành rà soát, sớm có tham mưu, đề xuất với các cấp để có hướng giải quyết, hỗ trợ người dân về nguồn lợn giống.
Ngoài ra, ông Sơn cũng lưu ý, khi thực hiện tái đàn, chăn nuôi lợn trong giai đoạn hiện nay, người dân đặc biệt quan tâm đến chất lượng giống. Bà con không nên vì khan hiếm con giống mà mua lợn giống trôi nổi trên thị trường, vì không được kiểm soát về dịch bệnh. Quá trình nuôi lợn, bà con phải bảo đảm các điều kiện an toàn sinh học, chủ động ngăn ngừa dịch.
Giá heo hơi hôm nay 22/12: Mỗi nơi 1 giá, ai có lợn như có "hũ vàng"
Giá heo hơi hôm nay 22/12 tại các miền vẫn ở mức cao, đạt trên dưới 90.000 đồng/kg. Trong đó, giá heo hơi tại miền Bắc đang có xu hướng giảm nhiệt, song vẫn đạt bình quân trên 90.000 đồng/kg; giá heo hơi tại miền Nam dao động từ 82.000 - 93.000 đồng/kg. Đáng chú ý, lượng heo hơi về chợ đầu mối ngày càng giảm, thương lái buôn bán gặp nhiều khó khăn.
Giá heo hơi hôm nay 22/12 tại các miền vẫn ở ngưỡng trên 90.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay 22/12 tại miền Bắc: Không có biến động
Ông Nguyễn Như Thức, chủ một trang trại lợn ở Ân Thi (Hưng Yên) cho hay: Thời điểm này giá lợn hơi đã giảm khá nhiều so với những ngày đầu tuần vừa qua, song vẫn đang ở mức cao kỷ lục.
"Với giá lợn hơi hôm nay đạt trên 90.000 đồng/kg, người chăn nuôi còn giữ được đàn lợn sẽ không chỉ nhanh thu hồi được vốn thua lỗ trong thời gian vừa qua mà còn có lãi đậm, trung bình khoảng trên dưới 10 triệu đồng/con lợn hơi trên 100kg", ông Thức nói.
Cũng theo ông Thức, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất hiện giờ là các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi. Bởi họ có tiềm lực về kinh tế và có đàn lợn nái lớn, khả năng tái đàn nhanh nên các đơn vị này sẽ thu lợi cực khủng. Ngoài ra, các lái buôn, trung gian cũng đang tận dụng cơ hội tốt để kiếm ăn vào những ngày này.
"Khổ nhất vẫn là các trại lợn nhỏ, lẻ không còn lợn, dù đã hết vốn, nợ nần nhiều nhưng vừa qua nhiều chủ trại vẫn bất chấp tình hình dịch bệnh phức tạp vay vốn nặng lãi để tái đàn, có trại thành công, có trại lại tiếp tục rơi vào thảm cảnh nặng nề hơn", ông Thức tiết lộ.
Khảo sát của PV tại Hà Nam, Hải Dương, Nam Định..., giá heo hơi hôm nay 22/12 cũng đang ở mức cao, trên dưới 93.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá heo giống vẫn đang được các trang trại lớn, công ty xuất ra với giá trên 2,5 triệu đồng/con.
Các lái buôn vẫn tấp nập giao dịch heo hơi tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam. Giá heo hơi hôm nay 22/12 tại chợ này còn 94.000 đồng/kg loại 1, giảm nhẹ so với trước đó vài ngày.
Giá heo hơi hôm nay 22/12 tại miền Trung - Tây Nguyên: Mỗi nơi một giá
Ông Phương Vũ, một lái buôn heo ở Đà Nẵng cho hay: Sau nhiều ngày tăng giá, đến hôm nay giá heo hơi đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại và quay đầu giảm nhẹ, tuy vậy, heo hơi xuất chuồng thời điểm này thấp nhất vẫn ở mức 90.000 đồng/kg.
"Trước tình trạng khan hàng như hiện tại, từ nay đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá heo hơi khó có thể giảm sâu được mà sẽ vẫn giữ ở mức trên dưới 90.000 đồng/kg", ông Vũ dự đoán.
Tại Bình Định, giá heo hơi siêu nạc hôm nay đang đứng ở mức 90.000 đồng/kg, giá heo hơi thường từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Theo đó, giá thịt heo tại các chợ và siêu thị cũng tiếp tục tăng cao.
"Giá heo hơi ở Bình Định đang tăng cao là do chạy theo giá mặt bằng của thị trường cả nước, chứ nguồn cung trên thị trường vẫn ổn định nhờ đàn heo trong tỉnh vẫn còn nhiều", ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục phó phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho hay.
Tuy nhiên, tại khu vực Thừa Thiên - Huế, giá heo hơi lại ở mức thấp hơn. Tại lò Bãi Dâu, giá heo hơi các tỉnh nhập về hiện khoảng 85.000đồng/kg. Giá mua trong dân dao động từ 80.000 - 83.000 đồng/kg đối với heo F1.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, hôm nay chúng tôi ghi nhận được giá heo hơi vẫn ở mức trên 90.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam: Ai có heo như có "hũ vàng" trong nhà
Hiện các tỉnh Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang, giá heo hơi đang ở mức cao nhất toàn miền Nam, đạt khoảng trên 93.000 đồng/kg, các tỉnh còn lại giá heo hơi vẫn được giao dịch bình thường, ở ngưỡng từ 91.000 đồng đến 93.000 đồng/kg, tùy loại.
Bà Nguyễn Thị Mến, một cò heo ở An Giang cho hay: Giá heo hơi hôm nay 22/12 tại địa bàn tỉnh đạt khoảng 93.000 đồng/kg, các loại heo xấu vẫn bán được với giá trên 90.000 đồng.
"Tại các trại heo lớn vẫn còn nhiều hàng nhưng để mua được, chúng tôi phải quen thân và đưa ra giá hợp lý, bắt số lượng lớn họ mới xuất chuồng", bà Mến tiết lộ.
Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, bây giờ ai có heo trong trại cũng như có hũ vàng trong nhà nhưng thực sự không nhiều người có cơ hội hưởng lợi từ giá heo hơi tăng cao như hiện nay.
Ngành chức năng thống kê, con số thiệt hại trên tổng đàn ở Đồng Nai hiện nay khoảng 46% nhưng Hiệp hội đánh giá con số này có thể lên đến 65 - 70%. Đồng Nai có nhiều người vẫn chần chừ chờ cơ hội nhưng cũng không ít người nôn nao muốn tái đàn.
"Dịch bệnh hiện đang tạm lắng là cơ hội tốt để bàn tìm biện pháp tái đàn hiệu quả, đem lại lợi ích lâu dài. Tuy nhiên thực tế tái đàn hiện nay vẫn cực khó khăn", ông Công chia sẻ.
Nhằm ổn định nguồn cung và bình ổn giá thịt lợn cuối năm 2019, đầu năm 2020, mới đây, tại văn bản gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ NNPTNT đã đề nghị: Ban Chỉ đạo 389 các cấp chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam, nhất là tình trạng buôn lậu lợn qua Trung Quốc.
Cũng trong văn bản này, Bộ NNPTNT đã đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo và hướng các địa phương hoàn thiện hồ sơ khẩn trương hỗ trợ cho người chăn nuôi, nhằm giảm thiểu khó khăn và có thêm nguồn lực để người chăn nuôi kịp thời khôi phục sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách tạo điều kiện thuân lợi để doanh nghiệp, người chăn nuôi được vay vốn đầu tư mở rộng, khôi phục sản xuất chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ vật nuôi có gia súc, gia cầm buộc phải tiêu hủy vì dịch bệnh theo quy định...
Theo Danviet
Đắk Lắk: Dân bất an vì đàn voi rừng vài chục con kéo đi phá rẫy Thời gian gần đây, người dân sống gần khu vực rừng thuộc hai huyện Buôn Đôn, Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) luôn trong cảnh lo lắng, đề phòng vì đàn voi rừng thường xuyên "ghé thăm", phá hoại hoa màu, chòi rẫy. Hơn hai tháng nay, anh Ma Văn Canh (huyện Buôn Đôn) luôn phải túc trực tại rẫy cả ngày lẫn đêm...