Đắk Nông: Điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng phù hợp với thực tế
Nhiều diện tích đất đai tại một số địa phương tỉnh Đắk Nông đã được người dân cư trú, sản xuất ổn định nhưng vẫn thuộc quy hoạch ba loại rừng.
Tình trạng này kéo dài nhiều năm đã gây ra nhiều khó khăn trong quản lý dân cư, quản lý bảo vệ rừng nên cần sớm được xử lý, điều chỉnh.
Đất sản xuất của người dân tại xã Đắk P’lao, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông vẫn còn nằm trong quy hoạch ba loại rừng. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN
Khổ vì canh tác, cư trú trên đất rừng
Đoàn Kinh tế – Quốc phòng Quảng Sơn được thành lập năm 2001 và được giao quản lý hơn 9.000ha rừng, đất rừng tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là một trong số các đơn vị có thành tích giữ rừng vào loại tốt nhất tỉnh với diện tích rừng hầu như không có biến động nhiều năm nay.
Theo lãnh đạo Đoàn Kinh tế – Quốc phòng Quảng Sơn, trước khi đơn vị được thành lập và được giao đất, giao rừng, nhiều khu vực đơn vị được giao quản lý đã có dân cư trú, sản xuất ổn định. Trong các năm 2003 – 2006, tỉnh Đắk Lắk (sau năm 2004 là tỉnh Đắk Nông – PV) có một số quyết định ổn định dân di cư không theo quy hoạch tại các khu vực hiện thuộc các thôn Đắk Snao, Đắk Snao 2 (xã Quảng Sơn) và một số khu vực thuộc xã Đắk R’Măng (đều thuộc huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông).
“Sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền, các hộ dân thuộc diện di cư không theo quy hoạch được cấp đất ở tại vị trí thuận lợi với định mức mỗi hộ 1.000m2. Đất sản xuất mỗi hộ 10.000m2. Đơn vị cũng cùng với địa phương xây dựng, hỗ trợ người dân và ngày càng hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường trạm để phục vụ người dân cư trú, sản xuất ổn định” – Thượng tá Trịnh Quang Lâm, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế – Quốc phòng Quảng Sơn chia sẻ thêm với phóng viên.
Tuy nhiên hiện nay, dù đã cư trú ổn định trên dưới 20 năm, khu vực đất đai mà hàng trăm hộ dân tại các thôn Đắk Snao, Đắk Snao 2 (xã Quảng Sơn) và một số khu vực thuộc xã Đắk R’Măng vẫn đang cư trú, canh tác vẫn nằm trong quy hoạch ba loại rừng của tỉnh. Theo một lãnh đạo Đoàn Kinh tế – Quốc phòng Quảng Sơn, sau nhiều năm cư trú, sinh sống ổn định, hầu hết người dân đều cần được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác lập quyền sở hữu hợp pháp, đầy đủ đối với đất đai, tài sản. Đây cũng là điều kiện cần để người dân thực hiện việc thế chấp, vay vốn ngân hàng hoặc mua bán, cho tặng đất đai, nhà cửa… Thế nhưng trên thực tế, các nhu cầu này của người dân đều không được đảm bảo.
Video đang HOT
Cao su của Công ty TNHH MTV Cà phê 15 (Quân khu 5) tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long vẫn nằm trong quy hoạch ba loại rừng. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN
Tương tự, xã Đắk Plao (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) cũng là địa phương có nhiều hộ dân cư trú, canh tác bất đắc dĩ trên đất lâm nghiệp. Theo ông K Tam, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Plao, năm 2011 – 2012, hàng trăm hộ dân của xã được định canh, định cư tại khu vực xã Đắk Plao mới sau khi khu vực xã Đắk Plao cũ bị Nhà nước thu hồi đất phục vụ công trình thủy điện Đồng Nai 3. Toàn xã hiện nay có 181ha đất định canh được Nhà nước cấp cho dân từ năm 2011 – 2012 vẫn nằm trong quy hoạch ba loại rừng. Tổng số hộ dân khoảng 300 hộ. Người dân, chính quyền địa phương đều mong muốn diện tích này được đưa khỏi quy hoạch ba loại rừng để cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất cho dân.
“Gần như lần nào tiếp xúc cử tri người dân Đắk Plao đều kiến nghị nội dung này. Họ nói rằng có sổ đỏ mới yên tâm sản xuất, mua bán, cho tặng, vay vốn ngân hàng được. Còn nếu cứ để như hiện nay thì không khác gì canh tác trái phép trên đất của Nhà nước, trong khi dân đã được cấp đất để tái định canh, định cư” – ông K Tam chia sẻ.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Theo UBND huyện Đắk G’Long, toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 144.000ha; trong đó, đất thuộc quy hoạch ba loại rừng hơn 100.000ha, chiếm gần 70% diện tích tự nhiên.
Đáng chú ý hơn, diện tích rừng thực tế trên địa bàn huyện hiện nay chỉ khoảng 62.000ha, phần còn lại gần 40.000ha đã bị người dân cư trú, sinh sống ổn định nhiều năm nay; trong đó, có cả các diện tích đã nêu ở trên.
Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có gần 330.000 ha rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp, chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên; trong đó, diện tích đất có rừng đạt gần 248.000 ha, diện tích đất chưa có rừng đạt gần 82.000 ha.
“Nhiều khu vực người dân đã cư trú, sản xuất ổn định hơn 20 năm nhưng hiện vẫn nằm trong quy hoạch ba loại rừng. Có nhiều diện tích đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định giao đất để ổn định dân di cư không theo quy hoạch, hoặc tái định cư cho người dân bị Nhà nước thu hồi đất, nhưng các ngành chức năng lại không tiến hành các thủ tục điều chỉnh ra khỏi quy hoạch ba loại rừng.
Mấy năm nay người dân khiếu nại liên tục và các vấn đề này trở thành nội dung chính tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri” – ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’Long chia sẻ với phóng viên.
Cũng theo ngành chức năng huyện Đắk G’Long, các cấp có thẩm quyền cần điều chỉnh tổng thể và phù hợp với các quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Quy hoạch và các văn bản pháp luật liên quan. Bởi đất nằm trong quy hoạch ba loại rừng thì không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nông nghiệp, đất ở…) cho người dân. Tình trạng này càng kéo dài sẽ càng dễ dẫn tới tranh chấp, lấn chiếm đất đai cũng như nhiều hệ lụy phức tạp về an ninh trật tự.
Tại kỳ họp chuyên đề được tổ chức ngày 28/10 vừa qua, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Nông khóa IV, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về việc cập nhật, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, HĐND tỉnh Đắk Nông quyết định điều chỉnh, đưa ra khỏi quy hoạch ba loại rừng của tỉnh tổng diện tích hơn 568ha thuộc địa giới hành chính các huyện Đắk G’Long, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Song và thành phố Gia Nghĩa. Như vậy, tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp của tỉnh Đắk Nông hiện nay hơn 293.039 ha.
Theo Ban Kinh tế Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông, việc điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng đối với một số diện tích trên địa bàn huyện Đắk G’Long và một số huyện như Tuy Đức, Đắk Song, Krông Nô nhằm giải quyết những bất cập giữa quy hoạch ba loại rừng và quy hoạch ngành, lĩnh vực của tỉnh trong thời gian qua.
Một khu vực đất đai người dân cư trú ổn định tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông nhưng vẫn nằm trong quy hoạch ba loại rừng. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN
Thực tế hiện nay, nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã được UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định, chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án, công trình từ nhiều năm trước hoặc nhiều diện tích người dân đã cư trú ổn định nhiều năm nhưng các cơ quan nhà nước chưa kịp thời đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch ba loại rừng.
Việc điều chỉnh đợt này nhằm phục vụ việc triển khai các dự án đường giao thông, các công trình phục vụ mục đích quốc phòng – an ninh, và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân ổn định cuộc sống theo các chủ trương, quyết định của UBND tỉnh trước đó…
Có thể nói, quy hoạch ba loại rừng cần được điều chỉnh cho phù hợp các quy định pháp luật liên quan, quy hoạch chung tổng thể và thực tế đời sống dân sinh. Đây cũng là nền tảng quan trọng để các ngành chức năng và chính quyền địa phương thực hiện tốt hơn quản lý dân cư, quản lý bảo vệ rừng và đảm bảo các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.
Thêm nữa, việc điều chỉnh, “công nhận” diện tích rừng, đất rừng sát với thực tế sẽ giúp các cơ quan chức năng có cái nhìn tổng quan, chính xác hơn về diện tích rừng, cũng như độ che phủ rừng thực tế của tỉnh Đắk Nông hiện nay.
Đắk Nông: Công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao đầu tiên
UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban hành quyết định công nhận vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil.
Đây là vùng cà phê công nghệ cao đầu tiên ở Đắk Nông có liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước đột phá, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chuyên gia nước ngoài tham quan vườn cà phê của HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An. Ảnh tư liệu: baodaknong
Cụ thể, vùng sản xuất có tổng diện tích 335 ha với 186 hộ nông dân ở các thôn Thuận Hạnh, Đức An và 1 tổ chức (Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An). Người dân nơi đây đã áp dụng các quy trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, RainForest, UTZ, hữu cơ... để nâng cao giá trị, đáp ứng thị trường; trong đó, sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của Hợp tác xã Nông nghiệp Công Bằng Thuận An được UBND tỉnh Đắk Nông công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2020.
Theo UBND huyện Đắk Mil, thời gian qua, người dân nơi đây đã thực hiện các biện pháp như: Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm tự động, bán tự động để tưới nước cho cây cà phê; quả cà phê được thu hái khi chín trên 85%; sử dụng trang thiết bị hiện đại, quy trình công nghệ tiên tiến chế biến sau thu hoạch; môi trường sản xuất bảo đảm vệ sinh, an toàn sinh học, vỏ cà phê được tái sử dụng...
Nhờ áp dụng công nghệ, năng suất cà phê ứng dụng công nghệ cao bình quân cao hơn cà phê thông thường từ 10-30%. Bên cạnh đó, hạt cà phê Thuận An được dán tem truy xuất nguồn gốc, có đăng ký mã vùng trồng và đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hóa, sản phẩm...
Huyện Đắk Mil hiện có hơn 20.000 ha cà phê, trong đó hơn 1.410 ha sản xuất theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ, Fairtrade. Hiện, cà phê Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công bằng Thuận An là 1 trong 7 sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử OCOP quốc gia nằm trong chương trình hỗ trợ, kết nối nông sản do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông tổ chức.
Năm 2021, tỉnh Đắk Nông đã công nhận 4 vùng sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất lúa tại xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô (Đắk Nông) và 2 vùng sản xuất hồ tiêu tại xã Thuận Hạnh, Thuận Hà, huyện Đắk Song (Đắk Nông). Đây là những cố gắng của tỉnh trong việc thực hiện Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Với mục tiêu là phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Đắk Nông chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế UBND tỉnh Đắk Nông vừa có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, các ban, ngành liên quan chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và rác thải phát sinh tăng mạnh. Theo đó, UBND tỉnh Đắk...