Đắk Lắk: Trai 8X làm trang trại hữu cơ theo kiểu “liên hoàn cước”
Bản thân đang là cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Ea H’leo (Đắk Lắk) nhưng với niềm đam mê, chàng trai sinh năm 1988 Nguyễn Huy Quang đã vượt khó xây dựng trang trại nông nghiệp hữu cơ, bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Sau khi đi nhiều tỉnh trong Nam, ngoài Bắc để học tập các mô hình, anh Quang thuyết phục gia đình đầu tư mua 23 ha đất tại thôn 3, xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo) thành lập Quang Minh Farm. Trang trại được anh quy hoạch thành các phân khu một cách bài bản, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, khép kín.
Hiện nay, Quang Minh Farm đã được phủ xanh bởi 4.000 cây mít Thái bắt đầu cho trái bói và 20.000 cây nhàu; khu vực đất bằng phẳng, màu mỡ hơn thì anh Quang trồng các loại cây ngắn ngày chủ yếu là đậu phộng để ép lấy dầu, thân cây ủ làm phân, bánh dầu làm thức ăn cho gia súc.
Anh Nguyễn Huy Quang (người ngồi bên phải) cùng công nhân trồng cây khi mới thành lập trang trại.
Ngoài ra, trang trại còn nuôi 200 con bò, 50 heo nái lai rừng hằng năm sinh sản khoảng 500 heo con và khu nuôi giun quế được ví như là nhà máy xử lý chất thải của trang trại.
Video đang HOT
Điểm nổi bật của Quang Minh Farm là xây dựng quy trình sản xuất khép kín, toàn bộ phân bò được dùng để nuôi giun quế, phân giun quế được bón trở lại cho các loại cây trồng, giun quế một phần được sấy khô làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất dịch giun quế – sản phẩm rất giàu dinh dưỡng thường dùng tưới hoa lan, sầu riêng…
Nhờ được đầu tư bài bản, quy trình sản xuất hợp lý, tiết kiệm tối đa các chi phí đầu vào nên sau gần 2 năm đi vào hoạt động, trang trại hữu cơ của anh Quang bước đầu mang lại hiệu quả. Hơn 90 tấn phân giun quế sản xuất chủ yếu được anh dùng để cải tạo đất của trang trại, tiết kiệm đáng kể chi phí phân bón, anh còn xuất bán hơn 10 tấn phân với giá 3.000 đồng/kg.
Hơn 500 heo con nuôi đạt trọng lượng từ 10 – 15 kg là anh xuất bán với giá trung bình 120.000 đồng/kg, thu về gần 800 triệu đồng. Anh cũng xuất bán 2 lứa với 80 con bò thịt thu về hơn 650 triệu đồng. Điều đáng mừng là các sản phẩm của trang trại mặc dù có giá thành cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường nhưng vì là sản phẩm hữu cơ nên vẫn được người tiêu dùng chấp nhận.
Trang trại của anh Quang tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định 6 triệu đồng/tháng
Thời gian tới, anh Quang dự định sẽ trồng thêm một số cây dược liệu và khi cây nhàu cho thu hoạch thì trang trại sẽ đầu tư nuôi gà dược liệu – loại gà chỉ cho ăn giun quế và các loại cây dược liệu, sản phẩm có nhu cầu thị trường lớn nhưng nguồn cung chưa nhiều.
Nói về trang trại hữu cơ Quang Minh, ông Đoàn Tử Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo nhận xét, đây là hướng sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, hiệu quả, góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân trên địa bàn.
Theo Nguyễn Văn Bông (Báo Đắk Lắk)
Dân "sống khỏe" nhờ rau, quả không hóa chất
Ngày 14/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Việt Nam (VOAA) phối hợp với Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch châu Á (ADDA) tổ chức hội thảo "Đánh giá hoạt động sản xuất, thị trường và đổi mới chính sách nông nghiệp hữu cơ 2016-2019".
Tại hội thảo, ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, sau 3 năm triển khai Dự án Tăng cường cơ cấu sản xuất và tiếp thị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại phía Bắc Việt Nam (MOAP), vào thời điểm kết thúc dự án, hầu hết các chỉ số đánh giá mục tiêu phát triển đều đạt và vượt ngưỡng yêu cầu.
Đại diện Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam thăm mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn PGS của Liên nhóm hữu cơ Lương Sơn, Hòa Bình. Ảnh: Báo Hòa Bình
Các hộ gia đình nông dân nghèo đã được tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống thông qua việc tham gia vào sản xuất các sản phẩm NNHC: Có 63,3% số hộ khảo sát đã được tăng thu nhập so với thời điểm trước khi tham gia dự án (2016), tỷ lệ tăng trung bình là 25,9% số hộ sản xuất NNHC có thu nhập tăng so với 2016, mức độ tăng thu nhập trung bình của các hộ này là 20,8%; đặc biệt các hộ ở Hàm Yên (Tuyên Quang) tăng thu nhập từ sản xuất cam hữu cơ lên đến 83,8%.
Hiểu biết của người nông dân vùng dân tộc thiểu số ở vùng dự án với hệ thống sản xuất nông nghiệp sinh thái/NNHC và bảo vệ môi trường được nâng cao rõ rệt. Có 100% số nông dân được hỏi cho rằng họ được nâng cao nhận thức hiểu biết về sản xuất NNHC, trong đó 83,9% đánh giá này là họ đã có thay đổi nhận thức rất nhiều.
Số các trường hợp mắc bệnh nặng của nông dân dân tộc thiểu số do sử dụng thuốc trừ sâu học đã giảm. Số lần ốm trung bình/năm của nông dân giảm từ 5,1 lần chúng còn 4,3 lần; số lần ốm phải đi khám, chữa bệnh ở trạm xá xã hoặc bệnh viện giảm từ 2,1 xuống còn 1,7 lần.
Là một trong những tỉnh tham gia dự án MOAP của ADDA, Tuyên Quang đã triển khai thực hiện một số hoạt động về sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ năm 2017.
Ông Nguyễn Đại Thành-Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tuyên Quang cho biết, năm 2018 toàn tỉnh thành lập được 3 nhóm nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích 29,7ha/17 hộ tham gia; công nhận sản xuất chuyển đổi cho 17,2ha của 9 hộ dân tại 3 nhóm sản xuất tại liên nhóm Hàm Yên, bao gồm cam sành, cam V2, cam Vinh và cam Canh với sản lượng 76 tấn...
Bà Nguyễn Thị Cẩm Phương - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hòa Bình thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại huyện Lương Sơn và Tân Lạc, như trồng nấm công nghệ cao, trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS; nuôi lợn, trồng dược liệu theo hướng hữu cơ.
"Dự án đã giúp các hội viên nông dân nâng cao chất lượng của sản phẩm, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế. Đây là hướng đi mới bền vững, góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ môi trường nông thôn cũng như sức khỏe của cộng đồng, góp phần giải quyết việc làm cho người dân nông thôn"-bà Phương khẳng định.
Theo Danviet
Dân "sống khỏe" nhờ rau, quả không bón phân, thuốc sâu hóa học Ngày 14.6, tại Hà Nội, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (VOAA) phối hợp với Tổ chức Phát triển nông nghiệp Đan Mạch Châu Á (ADDA) tổ chức hội thảo "Đánh giá hoạt động sản xuất, thị trường và đổi mới chính sách nông nghiệp hữu cơ 2016-2019". Lợi ích kép Tại hội thảo, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp...