Đăk Lăk quây bạt để đâm trâu tại lễ hội
Nhằm tránh hình ảnh phản cảm nhưng vẫn giữ được lễ hội truyền thống, tỉnh Đăk Lăk sẽ đâm trâu ở góc sân, che bạt, để người dân không chứng kiến.
Ngày 25/2, ông Vũ Minh Thoại – Trưởng phòng Văn hóa huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) – cho biết, Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc của địa phương năm nay sẽ thay đổi một số chi tiết trong nghi lễ đâm trâu.
“Địa phương vẫn tổ chức lễ hội để thực hiện theo phong tục nhưng sẽ không trực tiếp đâm trâu như mọi năm. Khi Thông tư 15 có hiệu lực về việc bỏ các lễ hội mang hình ảnh man rợ, huyện đã họp những người lớn tuổi để lấy ý kiến. Tuy nhiên, họ không đồng ý vì cho rằng như vậy là lừa dối thần linh”, ông Thoại nói.
Nghi lễ đâm trâu tại lễ hội truyền thống huyện Buôn Đôn 2016 sẽ thay đổi. Ảnh:Kh.Uyên
Cũng theo ông Thoại, đây là lễ hội được người bản địa Êđê tổ chức từ thời xa xưa nhưng bị gián đoạn một thời gian do chiến tranh. Sau giải phóng, các già làng ở Tây Nguyên đã phục hồi lễ hội cho đến nay.
Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Buôn Đôn bao gồm 3 phần chính với các nghi lễ như: cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi, liên hoan văn hóa cồng chiêng… Đặc biệt, huyện huy động 18 con voi để tổ chức thi voi chạy, bơi vượt sông và đá bóng nhằm tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi rừng truyền thống của người dân bản địa.
Trước đó, tại lễ hội hằng năm, UBND huyện đều tổ chức đâm trâu để dâng lên Yàng (trời) và các đấng thần linh. Theo quan niệm của người đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên, việc này sẽ giúp dân làng tránh được rủi ro, bệnh tật, tai nạn, không bị “chết xấu”, mùa màng sẽ bội thụ, cuộc sống sẽ ấm no.
“Tuy nhiên, do yếu tố phản cảm của nghi lễ nên sau nhiều lần họp, Ban tổ chức quyết định vẫn tổ chức nghi lễ đâm trâu để duy trì lễ hội nhưng năm nay không đâm trâu trước mắt du khách mà đâm ở góc sân, được căng bạt che kín không để người dân chứng kiến”, ông Thoại thông tin.
Video đang HOT
Lễ hội truyền thống huyện Buôn Đôn được đánh giá là hoạt động văn hóa có ý nghĩa, nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh ở lĩnh vực du lịch và xúc tiến đầu tư của địa phương, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, vào các năm chẵn. Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 12 đến 14/3 tại Nhà văn hóa cộng đồng xã Krông Ana.
Kh.Uyên
Theo VNE
Gia Lai, Lễ hội đâm trâu, thông tư, cộng đồng, xử phạt, ý nghĩa, tổ chức, địa phương, chém lợn, đâm trâu
Trước việc Bộ VHTT&DL cấm đâm trâu, chém lợn, các địa phương đang phải tìm cách để vẫn có thể tổ chức lễ hội mà không lo xử phạt.
Đắc Lắc: Dùng trâu giả thay cho trâu thật
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL vừa ký ban hành Thông tư 15 về tổ chức lễ hội. Thông tư yêu cầu "không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: Mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo...".
Theo thông tư 15, nếu không thay đổi cho phù hợp, các lễ hội này sẽ không được tổ chức và bị xử phạt theo nghị định 158 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Là nơi thường xuyên tổ chức lễ hội đâm trâu, trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 12/1, ông Bùi Văn Khối - Trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa, Sở VHTT&DL Đắc Lắc cho biết: "Chúng tôi cũng đã nhận được Thông tư của Bộ, nhưng để thực hiện được thì phải nghiên cứu xem xét.
Bởi vì, lễ hội đâm trâu là một trong những nét sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật nhất của các dân tộc ở trên địa bàn tỉnh. Nó có ý nghĩa tâm linh, biểu tượng cho sức mạnh. Sau lễ hội đâm trâu, theo quan niệm của họ thì những hiềm khích, nỗi buồn sẽ không còn mà thay vào đó là niềm vui để chuẩn bị cho một mùa màng mới".
Bên cạnh đó, theo ông Khối, lễ hội đâm trâu không phải tổ chức thường xuyên, riêng có huyện Buôn Đôn là dân làng tổ chức gắn liền với lễ hội đua voi. Cho nên việc thực hiện Thông tư trên cũng sẽ phải bàn bạc để đưa ra phương án phù hợp.
Hiện nay, Sở cũng đã giao cho phòng văn hóa tham mưu với UBND huyện Buôn Đôn, xây dựng đề án về cách tổ chức lễ hội này sao cho phù hợp với Thông tư của Bộ.
"Trách nhiệm của Sở là phải đưa ra phương án tổ chức hợp lý, gắn với quy định trong thông tư. Chúng tôi cũng đang tính đến phương án, vẫn tổ chức lễ hội bình thường, nhưng chỉ làm trâu giả, theo hình thức mô phỏng.
Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên
Phải cách điệu lên với tính chất nghệ thuật cao, để không gây cho du khách cảm giác ghê rợn", ông Khối nói.
Thế nhưng, theo ông Khối thì hiện nay, nhiều gia đình đồng bào Ê Đê có điều kiện, họ tự mua trâu về mổ trâu, để khóc trâu, tế trâu vì cảm ơn lộc của thần linh ban tặng gia đình, tuy không nhiều, nhưng có tồn tại.
Cho nên, ông nhấn mạnh: "Để thực hiện theo đúng Thông tư của Bộ VHTT&DL thì chỉ có hai cách: Một là, thay đổi hình thức, hình tượng hóa dùng trâu giả. Hai là,giảm quy mô tổ chức lại thành buôn làng, thì sẽ không xử phạt được".
Gia Lai: Lễ hội chỉ mang tính chất cộng đồng buôn làng
Cũng là địa phương có nhiều lễ hội đâm trâu được tổ chức, ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Gia Lai cho rằng: "Vừa qua, Bộ VHTT&DL đã có thông tư, chúng tôi sẽ trên cơ sở đó triển khai xuống địa phương. Nhưng các lễ hội đâm trâu của dân tộc Tây Nguyên, mỗi lễ hội đều có những đặc trưng riêng và ý nghĩa tâm linh rất lớn, mang tính chất thân thương.
Nếu như đối với người Kinh, con trâu là đầu cơ nghiệp, còn người Tây Nguyên, con trâu mang tính cộng đồng, đâm trâu để chuyển tải ý nghĩa của cả cộng đồng đến với thần linh.
Thực ra nó cũng giống như tục lệ đầu năm làm cặp heo quay cúng lên chùa, cầu lên chức, lên quyền của người miền Bắc. Nhưng nó khác ở chỗ, nếu như người miền Bắc chỉ cầu cho gia đình, họ hàng, thì lễ hội đâm trâu mang ý nghĩa cầu an lành cho cả cộng đồng, mong cho tất cả cộng đồng khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt".
Vì thế, theo ông Vũ, Sở VHTT&DL vẫn đang phải nghiên cứu, vận động, cũng như tìm cách để đảm bảo cho việc tổ chức lễ hội.
Ông nói: "Năm 2009, khi chúng tôi tổ chức lễ hội tại buôn làng Gia Lai, chỉ tiến hành phần lễ, chứ không thực hiện nghi lễ đâm trâu, giao trâu cho bà con mang về, thì người dân đã phàn nàn, và cho rằng như vậy là đang lừa dối thần linh, vô cùng bức xúc.
Cho nên, không thể dừng việc tổ chức lễ hội, cũng như không thể không đâm trâu, nhưng phải nghiên cứu làm sao thực hiện đúng chủ trương của Bộ, một bài toán đau đầu cho các địa phương, làm sao để gạt bỏ những yếu tố không có lợi và lưu giữ những yếu tố văn hóa tích cực phải bảo tồn".
Thế nhưng, về quan điểm chung, theo ông Vũ, Gia Lai vẫn sẽ duy trì việc tổ chức lễ hội, để gìn giữ ý nghĩa thiêng liêng của nó, chỉ là tổ chức quy mô nhỏ hơn, trong quy mô buôn làng.
"Chúng tôi sẽ không làm thương mại, không thu hút du khách, chỉ làm trong cộng đồng làng, xã thì không thể xử phạt được, vì nó không ảnh hưởng đến ai", ông Vũ nói.
Châu An
Theo_Báo Đất Việt
Dân Ném Thượng chém lợn trong nhà kín Màn chém lợn trong lễ hội truyền thống làng Ném Thượng diễn ra trong khu vực được quây bạt kín đáo, sau nhiều sức ép phản đối liên tiếp những năm gần đây. Sáng 13/2 (mùng 6 Tết Bính Thân), lễ hội truyền thống làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) bắt đầu trong bầu không khí khá căng thẳng sau...