Đắk Lắk: Hạn hán kéo dài, dân xót xa cắt lúa non cho bò ăn
Trước tình hình hạn kéo dài, nhiều vùng tại Đắk Lắk đã thiếu nước tưới khiến cây trồng héo khô, một số người dân tại phải “bấm bụng” cắt lúa non làm thức ăn cho bò.
Nhiếu cánh đồng bị bỏ hoang vì thiếu nước tại huyện Lắk.
Hàng ngàn hecta cây trồng thiếu nước
Theo báo cáo sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, trên toàn tỉnh có 782 công trình thủy lợi gồm: 118 đập dâng; 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 650 triệu m3.
Tuy nhiên, hiện mực nước ở các hồ chứa trên địa bàn đều giảm nhanh do quá trình phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng. Đặc biệt, các hồ chứa nhỏ còn khoảng dưới 35% dung tích thiết kế. Trong đó, có 34 hồ đã cạn khô. Các hồ chứa vừa và lớn còn khoảng từ 40-60% trữ lượng nước theo dung tích thiết kế. Nhiều đập dâng, trạm bơm không đảm bảo năng lực thiết kế do lượng dòng chảy giảm mạnh.
Mương dẫn nước khô khốc ở huyện Lắk.
Cũng theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, trong vụ Đông-Xuân 2019-2020, trên toàn tỉnh có khoảng 290.000 ha cây trồng. Hiện, có khoảng 5.415 ha cây trồng bị hạn, gồm 2.344 ha lúa, 1.416 ha cây hoa màu, 1.655 ha cây lâu năm.
Video đang HOT
Nếu đến giữa tháng 4/2020 vẫn không có mưa, dự kiến toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 30.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới (gồm 4.000 ha lúa, 1.000 ha hoa màu và 25.000 ha cây lâu năm). Đặc biệt, nếu tình trạng hạn hán kéo dài, sẽ có khoảng 2.000 ha cây trồng (gồm 500 ha lúa, 300 ha cây hoa màu và 1.200 ha cây lâu năm) đối diện nguy cơ mất trắng.
Theo ông Mai Trọng Dũng (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk), hiện các địa phương, đơn vị liên quan đang tích cực triển khai các giải pháp để khắc phục tình trạng hạn hán, bảo vệ sản xuất. Đồng thời, phía Sở NN&PTNT Đắk Lắk đang tổng hợp kết quả báo cáo từ các địa phương về tình trạng thiệt hại do thiếu nước gây ra trên địa bàn.
Lúa non thành thức ăn cho bò
Tình trạng nắng nóng kéo dài, hồ hủy lợi, ao suối cạn khô đã khiến nhiều diện tích cây trồng tại Đắk Lắk thiếu nước trầm trọng.
Lúa thiếu nước khô héo, chị H’Hiu đành dắt bò ra cho ăn lúa.
Vào thời điểm đầu tháng 4, khung cảnh hạn hán khốc liệt đang trải dài khắp cánh đồng các xã Bông Krang và Yang Tao (huyện Lắk). Tại đây, hàng trăm ha ruộng phải bỏ hoang trong vụ Đông-Xuân vì thiếu nước. Nhìn khắp cánh đồng, chỉ thấy màu rạ trải dài và những những kênh mương thủy lợi nằm trơ đáy, khô khốc.
Tại cánh đồng xã Bông Krang, PV gặp chị H’Hiu đang dẫn đàn bò của mình ra cho ăn lúa. Người phụ nữ này cho biết, năm ngoái mưa ít, năm nay hạn sớm nên nhiều diện tích ruộng của bà con không thể gieo sạ.
Riêng gia đình chị H’Hiu có 1 sào ruộng ở gần suối, năm ngoái đã xuống giống. Tuy nhiên, gần cả tháng nay suối cạn, thiếu nước nên lúa héo. Hết cách, chị H’Hiu đành dẫn bò ra cho ăn dần. “Thời điểm này lúa đang trổ đòng đòng nhưng thiếu nước, không thể phát triển. Nếu để lại thì lúa cho toàn hạt lép nên tôi cho bò ăn dần”, chị H’Hiu kể.
Tiếp tục đến địa bàn xã Cư Pui (huyện Krông Bông), PV cũng chứng kiến cảnh ruộng đồng nứt nẻ, nhiều diện tích lúa héo úa hoặc chết khô. Vừa gặt vội đám lúa non đang có dấu hiệu héo úa, ông Lý Văn Tu (thôn Ea Lang, xã Cư Pui) vừa kể, gia đình ông có gần 3 sào lúa trên cánh đồng thôn Ea Lang. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích lúa của ông bị hư hết vì nắng hạn. “Mỗi ngày tôi đành cắt một ít lúa héo về cho bò. Tình hình này chắc hạn hán còn kéo dài, chúng tôi hết cách cứu lúa rồi”, ông Tu buồn rầu kể.
Ông Tu cũng “bấm bụng” cắt lúa non về cho bò vì hạn hán.
Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk đề nghị đơn vị quản lý các hồ chứa chủ động nâng cao ngưỡng tràn, tăng dung tích trữ nước. Các địa phương chủ động đắp các đập tạm trên suối, nạo vét, cải tạo kênh mương; lắp đặt các trạm bơm dã chiến dọc vùng ven sông, suối lớn, bơm chuyền hoặc xả nước từ những công trình dư thừa nước, nhằm hỗ trợ cho công trình vùng hạ du phục vụ sản xuất.
Trần Nhân
Đồng bằng sông Cửu Long lại bước vào đợt xâm nhập mặn
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến 25/3, xâm nhập mặn trên Đồng bằng sông Cửu Long có tăng nhẹ theo kỳ triều cường cuối tháng 2 âm lịch.
Tuy nhiên, so với đợt xâm nhập mặn ngày 7 - 15/3, chiều sâu xâm nhập với ranh 4g/l trên các cửa sông Cửu Long thấp hơn khoảng 3 - 5 km, sông Vàm Cỏ cao hơn 10 - 15 km, sông Cái Lớn cao hơn 3 - 5 km.
Dự án Cống Vũng liêm kết hợp cầu giao thông (Huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Nam Mang Thít triển khai thi công hạng mục cuối cùng, dự án nhằm kiểm soát xâm nhập mặn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Phạm vi cách biển từ 35 - 45 km trở vào ở cửa sông Cửu Long khả năng xuất hiện nước ngọt khi triều thấp, chân triều, thuận lợi cho việc lấy nước. Tuy vậy, trên sông Hàm Luông, Cửa Tiểu, Cửa Đại mặn vẫn còn khá cao. Khả năng lấy được nước ngọt tại các cửa sông: Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây) từ 85 - 95 km trở lên, Cổ Chiên từ 35 - 40 km, Hậu từ 40 - 45 km, Cái Lớn từ 45 - 50 km.
Riêng khu vực sông Hàm Luông, Cửa Tiểu, Cửa Đại (thuộc tỉnh Bến Tre và tỉnh Tiền Giang), mặn nền vẫn còn duy trì ở mức cao, khó có khả năng xuất hiện nước ngọt, kể cả vào lúc chân triều.
Khu vực Nam Trung Bộ tiếp tục bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn. Hiện có khoảng 2.034 ha diện tích cây trồng khu vực này bị ảnh hưởng do tình trạng trên. Điển hình tỉnh Quảng Nam có 500 ha lúa bị thiếu nước một số thời điểm do phụ thuộc hoàn toàn vào lưu lượng phát điện của thủy điện thượng nguồn. Tỉnh Phú Yên có 684 ha lúa đang được hỗ trợ bơm tưới.
Tỉnh Khánh Hòa có 300 ha đang phải sử dụng các giải pháp bơm tát chống hạn. Tỉnh Bình Thuận có 550 ha lúa vùng sản xuất tự phát ngoài kế hoạch sản xuất của tỉnh Bình Thuận, nhân dân khai thác nước từ nguồn nước cấp cho cây thanh long để tưới lúa dẫn đến bị thiếu nước...
Ứng phó với tình trạng trên, vùng Nam Trung Bộ đã có tổng diện tích dừng, chuyển đổi sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 là 26.650 ha. Riêng tỉnh Bình Thuận đã phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất 15.000 ha cho các diện tích sử dụng nước sau thủy điện Đại Ninh và một số công trình thủy lợi khu vực phía Bắc. Tỉnh Ninh Thuận phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho 7.500 ha trong các công trình thủy lợi vừa và nhỏ có dung tích trữ đạt thấp...
Khu vực Tây Nguyên hiện cũng có gần 5.900 ha diện tích cây trồng bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, bao gồm: Kon Tum 168 ha, Gia Lai 333 ha, Đắk Lắk và Đắk Nông 3.912 ha, Lâm Đồng 1.448 ha.
Khu vực hạ lưu thủy điện An Khê - Ka Năk trên địa bàn huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, có 8 trạm bơm điện lấy nước trực tiếp từ sông Ba để tưới cho 550 ha lúa và một số diện tích hoa màu sản xuất dọc hai bên bờ sông Ba.
Từ cuối tháng 2, nguồn nước trên sông Ba đã cạn kiệt, không đủ cho các trạm bơm hoạt động. Chính quyền địa phương đã phối hợp với Công ty thủy điện An Khê - Ka Năk vận hành hồ chứa thủy điện An Khê - Ka Năk cấp nước cho hạ du. Nguồn nước hiện đã đảm bảo cho các trạm bơm hoạt động trở lại bình thường để phục vụ sản xuất.
Bích Hồng
Cống Âu thuyền Ninh Quới-công trình ngăn mặn phát huy hiệu quả Sau khi đưa vào hoạt động, bước đầu công trình ngăn mặn đã giúp địa phương này chủ động tốt trong điều tiết nước tưới, kiểm soát mặn, giữ ngọt. Dự án cống Âu thuyền Ninh Quới được triển khai xây dựng trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu nhằm giải quyết nước ngọt sản xuất...