Đắk Lắk: Bàn giao và tập huấn sử dụng bản đồ địa hình biên giới Việt Nam – Campuchia
Ngày 14-1, tại Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk (BĐBP Đắk Lắk), Bộ Ngoại giao – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền phối hợp với Bộ Tài nguyên – Môi trường và Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh Đắk Lắk tổ chức bàn giao và tập huấn sử dụng bản đồ địa hình biên giới Việt Nam – Campuchia tỷ lệ 1/25.000.
Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao trao bản đồ địa hình biên giới Việt Nam – Campuchia tỷ lệ 1/25.000 cho Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Ngọc Lân
Tham dự bàn giao và tập huấn có đồng chí Phó Hoàng Hân, Phó Vụ trưởng Vụ Biên giới phía Tây, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao; đồng chí Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng Ban Chỉ đạo Phân giới cắm mốc tỉnh Đắk Lắk; đại diện các sở, ngành trong tỉnh, các đồn Biên phòng và 4 xã biên giới.
Sau khi bàn giao bản đồ biên giới Việt Nam – Campuchia tỷ lệ 1/25.000 cho Ban Chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh Đắk Lắk, các chuyên gia kỹ thuật bản đồ của Bộ Tài nguyên – Môi trường đã tổ chức cài đặt, hướng dẫn sử dụng bản đồ số trên máy tính, thiết bị điện thoại di động smartphone và tập huấn sử dụng bản đồ trên thực địa.
Video đang HOT
Bản đồ địa hình biên giới Việt Nam – Campuchia tỷ lệ 1/25.000 là văn kiện pháp lý – kỹ thuật thể hiện đầy đủ thành quả phân giới cắm mốc biên giới đất liền hai nước đã đạt được cho đến nay và là bộ phận cấu thành không thể tách rời của Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia ký ngày 5-10-2019 và có hiệu lực từ ngày 22-12-2020.
Bản đồ địa hình biên giới Việt Nam – Campuchia được xây dựng theo các tiêu chí kỹ thuật cao nhất về bản đồ hiện nay trên thế giới, thể hiện chính xác đường biên giới đã phân giới cắm mốc, do Công ty NIRAS Mapping A/S của Đan Mạch sản xuất và được chuyên gia Việt Nam và Campuchia nghiệm thu chặt chẽ.
Bản đồ địa hình cùng với hai văn kiện pháp lý ký năm 2019 và hệ thống mốc giới khang trang, hiện đại trên thực địa là thành quả to lớn mà hai nước Việt Nam – Campuchia đã đạt được sau hơn 36 năm đàm phán. Qua đó, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự, trật tự an toàn xã hội và các nhiệm vụ công tác khác trên tuyến biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.
Nỗ lực khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn, chất độc hóa học/dioxin tại Việt Nam
Sáng 8/1, tại Hà Nội, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng, các thành viên Ban Chỉ đạo 701.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701, những năm qua, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; giải quyết chế độ, chính sách trợ cấp, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ; tăng cường hiệu quả quản lý, thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ. Trên cơ sở số liệu điều tra, khảo sát các khu vực ô nhiễm bom mìn, vật nổ, Bộ Quốc phòng-Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 đã phối hợp với các địa phương triển khai bảo đảm nguồn vốn, vận động tài trợ quốc tế thực hiện các dự án.
Giai đoạn 2010-2020, tổng diện tích khảo sát, rà phá bom mìn là hơn 500.000 ha, trong đó hơn 400.000 ha do các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện, 80.000 ha do các tổ chức quốc tế thực hiện. Hơn 12.624 tỷ đồng là tổng nguồn lực đã được dành cho công tác khảo sát, rà phá bom mìn, trong đó từ Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 là 1.427 tỷ đồng, từ các dự án đầu tư phát triển là 9.000 tỷ đồng, từ viện trợ không hoàn lại của nước ngoài khoảng 2.197 tỷ đồng (tương đương với 95,5 triệu USD). Trong giai đoạn hiện nay, việc rà phá bom mìn thực hiện được khoảng 30.000-50.000 ha/năm.
Các điểm nóng tồn lưu chất độc hóa học/dioxin được tổ chức khắc phục cơ bản, trong đó có việc hoàn thành xử lý, cô lập ở sân bay Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng), sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định), đang tiến hành nghiên cứu xử lý ở sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), sân bay ASo (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế); tổ chức thực hiện dự án hỗ trợ cho nạn nhân ở các tỉnh bị phun rải nặng chất độc hóa học/dioxin.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo 701 đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện điều tra, thu gom, xử lý chất độc CS, đến nay, đã xử lý khoảng 260 tấn chất độc CS trên địa bàn các tỉnh thuộc các Quân khu 4, 5, 7, 9; khoanh vùng chống lan tỏa cho 18 điểm xử lý tập trung tại các tỉnh; xây dựng bản đồ các điểm phát hiện tồn lưu...
Tính đến nay, có khoảng 163.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hơn 73.000 con đẻ của họ đang được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Chất lượng cuộc sống và sức khỏe của các nạn nhân bom mìn, chất độc da cam/dioxin từng bước được cải thiện thông qua các chương trình, dự án, hoạt động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các tổ chức có liên quan.
Kết luận Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề nghị Ban Chỉ đạo 701 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43 năm 2015, số 14 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Nghị định số 18 của Chính phủ về quản lý, thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn; thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam nhằm đạt được những mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo 701 tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch quốc gia, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin; tập trung hoàn thiện các văn bản về bảo đảm chế độ, chính sách, biện pháp hỗ trợ đối với những người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học/dioxin và con cháu của họ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong nước, quốc tế để tiến tới khắc phục hoàn toàn hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh đối với con người, môi trường ở Việt Nam; tổ chức thực hiện các dự án về xử lý dioxin, dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc hóa học, dự án rà phá bom mìn bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Quá trình triển khai các dự án cần chú ý bảo đảm an toàn đối với con người, tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư công, quản lý, sử dụng vốn ODA.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 701 chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu chế tạo thiết bị, công nghệ rà phá bom mìn; đề tài nghiên cứu làm chủ công nghệ xử lý chất độc hóa học/dioxin có nguồn gốc từ chiến tranh hóa học kết hợp với xử lý các chất hữu cơ khó phân hủy có nguồn gốc từ công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt.
Song song với việc tăng cường giải quyết chế độ, chính sách, trợ giúp nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học sau chiến tranh và con cháu của họ, công tác nghiên cứu cơ sở pháp lý, căn cứ khoa học, tình hình thực tiễn để đấu tranh giành quyền lợi, công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin cần được tiếp tục tiến hành, bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế./.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại tỉnh Lào Cai Phổ biến, giáo dục pháp luật là quá trình hoạt động thường xuyên, liên tục và lâu dài của chủ thể tuyên truyền lên đối tượng, là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Trong công tác quản lý nhà nước, phổ biến, giáo dục pháp luật được hiểu theo nghĩa rộng và được xác định là một công việc...