Đắk Lắk: “ATM gạo nghĩa tình” giúp người nghèo trong dịch Covid-19
Hàng trăm người nghèo tại Đắk Lắk đã được nhận gạo miễn phí từ chiếc máy “ ATM gạo nghĩa tình”. Chiếc máy này sẽ hoạt động liên tục từ nay đến ngày 30/4.
Sáng 13/4, Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Ban quản lý Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột và Công ty Du lịch Ngày Mới đã triển khai lắp đặt một máy “ATM gạo nghĩa tình” để chung tay chia sẻ cho những người nghèo khó trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19. Máy ATM gạo này được đặt tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Với hệ thống cảm biến thông minh, người nhận chỉ cần quét tay gần vị trí nhận gạo, chiếc máy sẽ tự động chảy ra 2kg gạo.
Đây là chiếc máy được sáng tạo, cải tiến bởi anh Bùi Tuấn Anh (thí sinh top 10 Cuộc thi Khởi Nghiệp tỉnh Đắk Lắk 2018).
Chiếc máy sử dụng hệ thống cảm biến tự động, người tới nhận gạo không cần chạm vào nút bấm, chỉ cần quét tay cách 5cm với vị trí lấy gạo, hệ thống sẽ tự chảy 2kg gạo vào túi. Ngoài việc quét tay, người nhận gạo có thể chỉ cần đạp chân vào một chiếc máy đặt sẵn dưới đất, gạo cũng sẽ tự động chảy ra.
Video đang HOT
Một cụ già đến nhận gạo miễn phí.
Ngay từ sáng sớm, chiếc máy đã bắt đầu hoạt động. Người dân đến đây được hướng dẫn đứng giãn cách nhau 2m, rửa tay bằng nước sát trùng trước khi nhận gạo.
Ngoài người đến nhận gạo, tại đây, khi biết được hoạt động ý nghĩa này, nhiều người dân đã mang gạo đến để chung tay giúp đỡ cộng đồng. Anh Trần Văn Hùng (ngụ TP.Buôn Ma Thuột) chia sẻ, ngay sau khi biết được thông tin về điểm phát gạo cho người nghèo, anh và gia đình đã ủng hộ cho máy ATM 5 tạ gạo để giúp bà con.
Theo các đơn vị tổ chức, với phương châm: “Ai cần thì lấy, ai có thì góp cho, ai biết thì cùng làm”, những ngày qua máy “ATM gạo nghĩa tình” đã được sự hưởng ứng tích cực của nhiều người, góp được hàng tấn gạo chia sẻ với người nghèo.
Người đến nhận gạo được hướng dẫn rửa tay, đeo khẩu trang, đứng giãn cách 2m để phòng chống dịch Covid-19.
Dự kiến máy “ATM gạo nghĩa tình” này sẽ hoạt động liên tục đến ngày 30/4 tới (hoạt động lâu dài tùy thuộc vào nguồn gạo vận động được).
Hiện, chiếc máy đã nhận được hơn 2 tấn gạo và lượng người đăng ký nhận gạo vẫn đang tiếp tục tăng.
Duy Hậu
Chủ "ATM nhả gạo" sẽ tặng và chuyển giao công nghệ cho các địa phương muốn phát gạo cho người nghèo
Là một trong những người sáng kiến và vận hành, ông chủ máy "ATM gạo" hứa sẽ nỗ lực bằng trọn trái tim và tâm huyết để làm tốt nhất công việc phát gạo miễn phí đến khi hết dịch Covid-19. Bên cạnh đó sẽ tặng, chuyển giao công nghệ "ATM gạo" cho những địa phương muốn phát gạo cho người nghèo.
Chiều ngày 11/4, anh Hoàng Tuấn Anh - chủ máy "ATM gạo" cho biết, điểm phát gạo miễn phí thứ 2 bằng máy "ATM gạo" sắp hoàn tất, sáng mai (12/4) sẽ chính thức hoạt động.
Điểm "ATM gạo" thứ 2 này nằm tại trụ sở UBND xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP. HCM) để phát gạo miễn phí cho bà con nghèo tại khu vực này. Theo anh Tuấn Anh, việc mở thêm điểm "ATM gạo" nhằm giảm tải bớt cho "ATM gạo" đường Vườn Lài (quận Tân Phú, TP. HCM) và giúp bà con nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực huyện Bình Chánh có thể đến nhận 1 phần.
Sau điểm thứ 2 này, sẽ tiếp tục triển khai điểm tiếp theo tại Quận 12 (nhà thiếu nhi quận 12, TP. HCM).
Điểm "ATM gạo" thứ 2 tại TP.HCM
Đối với các điểm "ATM gạo" thứ 2 và 3 này, anh Tuấn Anh cho biết, sẽ hoạt động dựa trên sự kết hợp theo nguyên tắc đơn vị sẽ cung cấp hệ thống tự động miễn phí, việc tiếp nhận gạo và tổ chức sắp xếp, điều phối người nhận do từng địa phương quản lý.
"Ngoài 3 địa điểm trên (tại 3 quận/huyện của TP. HCM: Quận 12, Quận Tân Phú, Huyện Bình Chánh), tất cả các nơi đang tổ chức hình thức tương tự hoặc dưới danh nghĩa "ATM gạo", thì hoàn toàn không liên quan đến chúng tôi", anh Tuấn Anh cho hay.
Bên cạnh việc tự phát gạo miễn phí bằng công nghệ "ATM gạo", anh Tuấn anh cho biết sẽ tặng và chuyển giao công nghệ cho các cho các quận huyện khác ở TP. HCM hoặc các tỉnh, thành khác nếu mọi người có mong muốn lắp đặt các hệ thống tương tự.
Theo anh Tuấn Anh, hiện bình quân 1 ngày có 3.000 lượt người xếp hàng trật tự để nhận gạo. Lượng gạo phát ra bình quân khoảng 4 tấn.
"Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo việc nhận và cấp phát công khai, minh bạch, an ninh trật tự. Với tấm lòng thiện nguyện, chúng tôi cam đoan không làm thất thoát bất cứ một hạt gạo nào của các mạnh thường quân, đúng với tâm niệm khai sáng kiến hệ thống này", chủ "ATM gạo" chia sẻ thêm.
Tứ Quý
Huế: 'ATM gạo' đóng cửa do người dân tập trung quá đông Do lượng người đến tập trung nhận gạo quá đông nên kế hoạch phát gạo qua hệ thống máy tự động tại trường Đại học Phú Xuân của một nhóm thiện nguyện đã buộc phải tạm hoãn lại đợi sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Máy phát gạo tự động đến từ ý tưởng của những Giảng viên Đại học...