Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tỉnh táo đến giây phút cuối
37 người là bác sĩ, điều dưỡng, cấp dưỡng và công vụ của khoa A11 Bệnh viện Quân y 108 là những người đã gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt 1.559 ngày Đại tướng nằm tại đây (ông nhập viện từ ngày 24-6-2009).
Tình cảm của anh chị em nơi đây gắn bó với ông như người thân trong gia đình. Khi chia sẻ về những giây phút gần gũi, chăm sóc Đại tướng tại phòng bệnh không ai tránh khỏi những giây phút nghẹn ngào.
Thiếu tướng – TS Nguyễn Trọng Chính (bìa trái), chính ủy Bệnh viện 108, đưa đoàn cán bộ Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 7-2012
Là bác sĩ điều trị chính cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều ngày ở Bệnh viện 108, thượng tá bác sĩ Vũ Phi Hải – phó chủ nhiệm khoa A11 – rất xúc động: “Lúc đầu bác là bệnh nhân, nhưng bởi chăm sóc, giao tiếp với bác nhiều nên bác trở nên gần gũi và thân thiết với chúng tôi như một người ông”.
Bác sĩ Vũ Phi Hải rưng rưng khi nhắc đến mới hôm qua thôi, mọi người vẫn còn nhìn thấy ông: “Có lúc Đại tướng khỏe, có lúc Đại tướng yếu, đó là chuyện thường gặp ở người già. Trong 1.559 ngày ông ở viện, có nhiều lần ông trở bệnh nặng nhưng rất may mắn là những lần ấy đã điều trị cho ông thành công. Dù nhiều lần ông trải qua những giây phút rất nguy hiểm nhưng ông tỉnh táo đến giây phút cuối cùng”.
Là người tình cảm nên Đại tướng quan tâm đến tất cả anh chị em đang làm việc tại khoa: “Ông hỏi thăm mọi người về gia đình, con cái. Ông cũng thích nói chuyện về cây và hoa, bởi nhà ông có cả một vườn lan và ông có rất nhiều kinh nghiệm trồng cây. Ông có thể nói say mê về cách chăm sóc cây hay kể chuyện về những đứa cháu nội ngoại của mình” – bác sĩ Hải kể.
Là người quan tâm đến mọi chuyển biến của xã hội và tình hình thời sự trong nước và quốc tế, những ngày nằm ở bệnh viện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất thích đọc báo: “Khi mắt kém, không đọc được nữa thì các điều dưỡng đọc báo cho ông nghe, hoặc chúng tôi thường xuyên kể với ông về những chuyện xảy ra ở bên ngoài, ví như mọi người gọi ông và bảo: Ông ơi, cây xăng ở gần bệnh viện cháy ông ạ” – chị Lê Thị Kim Nhung, điều dưỡng ở khoa A11, tâm sự.
Và mỗi lần đến chăm sóc cho Đại tướng, bao giờ các chị cũng ghé vào tai cụ mà nói: “Ông ơi, cháu xoa bóp tay cho ông nhé”, hay: “Ông ơi, cháu rửa mặt giúp ông nhé”… Và mỗi lần như vậy, dù bàn tay rất run, đôi mắt kém nhưng Đại tướng vẫn kéo cái bảng tên của điều dưỡng lên đọc xem đó là ai. Và hầu hết, Đại tướng nhớ tên tất cả những người đang chăm sóc cho ông, từ bác sĩ điều trị đến điều dưỡng, cần vụ và đầu bếp.
Khi còn trò chuyện được nhiều, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay hỏi han các chị về gia đình, con cái và thường khuyên mọi người chịu khó bảo ban cho con cái học hành: “Khi chúng tôi đọc báo cho ông nghe mà gặp những từ tiếng Anh chúng tôi phát âm sai, bao giờ ông cũng dạy chúng tôi phát âm lại cho đúng và giảng giải những nghĩa của từ đó. Rồi sau ông bảo: Mình học nhiều, biết nhiều thì dạy cho con được nhiều” – chị Nhung nhớ lại.
Video đang HOT
Từ đầu năm 2013 bệnh tình của Đại tướng trở nặng, nhưng ông vẫn lắng nghe những câu chuyện mà các chị điều dưỡng kể và tuân thủ nghiêm ngặt mọi phác đồ điều trị, dinh dưỡng. “Có những điều ông không thích, nhưng nếu đấy là yêu cầu của bác sĩ thì ông thực hiện rất nghiêm túc” – bác sĩ Hải chia sẻ.
Chiều 4-10-2013, toàn bộ người thân của Đại tướng và các bác sĩ đã tề tựu đông đủ tại bệnh viện khi sức khỏe của Đại tướng đã suy giảm rõ rệt: “Giây phút ấy mọi người đều có mặt và tất cả chúng tôi hiểu rằng điều này rồi sẽ đến nhưng không ai cầm được nước mắt. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào tin được ông đã ra đi” – chị Trần Ngọc Lan, một trong hai đầu bếp đã phục vụ những bữa ăn cho Đại tướng ở bệnh viện, bật khóc.
Và từ hôm nay cũng như nhiều ngày khác nữa, những điều dưỡng, những bác sĩ, công vụ… có thể vẫn đi ngang qua căn phòng trên tầng 2 mà Đại tướng đã ở trong suốt 1.559 ngày qua, nhưng không ai còn có thể chạy vào đó mà gọi “ông ơi” nữa!
Các giáo sư đã nỗ lực hết sức
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-10, một lãnh đạo của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe trung ương cho hay trong ba ngày cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở dương thế (từ ngày 2 đến 4-10), mỗi ngày các thành viên của hội đồng chuyên môn đều hội chẩn một lần về sức khỏe Đại tướng. Trước đó, khi sức khỏe Đại tướng khá hơn, 2-3 tuần hội đồng chuyên môn gồm các thầy thuốc đầu ngành lại hội chẩn một lần.
“Tinh thần mọi người rất quyết tâm, chúng tôi luôn nỗ lực còn nước còn tát. Nhưng do tuổi cao, suy kiệt, Đại tướng đã qua đời do “bệnh già”. Đại tướng hoàn toàn không có bệnh thực thể nguy hiểm nào” – vị lãnh đạo này cho biết.Lan Anh
Hà Nội mong có tên đường Võ Nguyên Giáp
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết với một vị tướng tài ba, đức độ, có nhiều đóng góp cho đất nước như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, TP Hà Nội lúc nào cũng mong muốn được lấy tên Đại tướng để gắn với một tuyến đường phố của thủ đô.
Về thông tin mới đây giáo sư sử học Phan Huy Lê đã có ý tưởng đề xuất Hà Nội nghiên cứu đặt tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho con đường mới từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết hiện TP Hà Nội vẫn chưa nhận được đề xuất chính thức về việc này. “Với một người có nhiều đóng góp cho đất nước như Đại tướng, nếu nhận được đề xuất TP sẽ nghiên cứu ngay. Và ngay cả khi không có đề xuất, Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu và nếu điều kiện cho phép sẽ lựa chọn những con đường xứng tầm để xin ý kiến đặt tên đường Võ Nguyên Giáp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu thận trọng và nghiêm túc về việc này” – bà Ngọc cho hay.
Theo Tuổi Trẻ
"Vũng Chùa Đảo Yến: Đại tướng chọn nơi an nghỉ tuyệt vời!"
Với Đại tướng, quê hương ruột rà không chỉ là làng Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy, mà cả Quảng Bình. Lệ Thủy có vinh dự là nơi sinh thành Đại tướng thì huyện Quảng Trạch là nơi ôm ấp giấc ngủ ngàn thu của Người.
Khi biết thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được an táng tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình), nhiều người dân Quảng Bình đã vô cùng xúc động và ngưỡng mộ Đại tướng.
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Ông nói, lúc đầu ông cũng ngỡ ngàng không hiểu vì sao gia đình của Đại tướng không chọn làng quê của Người để an táng, mà lại chọn Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (huyện của ông).
"Dù sao thì cũng phải tôn trọng sự lựa chọn của gia đình Đại tướng. Hơn thế, có thể lúc còn sống, Đại tướng đã lựa chọn Vũng Chùa - Đảo Yến và nói ước nguyện của mình cho con cháu. Mình càng hiểu hơn, với Đại tướng, quê hương ruột rà được Người coi không chỉ là làng Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy, mà là cả Quảng Bình. Vũng Chùa - Đảo Yến nằm trong khu vực Khu Công nghiệp Cảng biển Hòn La, dưới chân Đèo Ngang, là nơi mà với tầm phát triển của mươi năm nữa thôi, sẽ là một Khu kinh tế biển, du lịch cực lớn và đầy tiềm năng. Hòn La còn là cảng biển được coi là sâu và lý tưởng nhất nước ta.
Đại tướng đã chọn nơi an nghỉ thật tuyệt vời.
Từ đây, đêm ngày, Người làm bạn với tiếng sóng biển khơi, với cát trắng, với tiếng vi vu của rừng cây phi lao già, với cả những tiếng hót líu lo của ngàn vạn đàn chim yến mùa làm tổ.
Nơi đây, Người thanh thản yên giấc ngàn thu, giữa thiên nhiên, trong đất đai Quảng Bình quê hương.
Vũng Chùa - Đảo Yến nhìn từ xa.
Và chắc chắn, khu mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cảnh quan lý tưởng của Khu du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến ở Hòn La này sẽ trở thành một Khu du lịch vừa tâm linh ngưỡng vọng Đại tướng, vừa là nơi nghỉ dưỡng của khách du lịch trong và ngoài nước.
Và hình như, ngay cả khi nghĩ tới ngày ra đi, Đại tướng của chúng con cũng nghĩ về một vùng quê nghèo Quảng Bình và Người muốn khi mình nằm xuống, danh thế của Người sẽ góp sức làm cho Khu du lịch Vũng Chùa - Đảo Yến và cả khu kinh tế biển Hòn La - Quảng Bình có sức vươn dậy.
Đại tướng của chúng con là như thế, luôn bên cạnh nhân dân, luôn nằm trong quê hương Quảng Bình yêu dấu.
Và huyện Lệ Thủy, có vinh dự là nơi sinh thành Đại tướng thì huyện Quảng Trạch của mình là nơi ôm ấp giấc ngủ ngàn thu của Người.
Xin đợi ngày đón Người về với Vũng Chùa - Đảo Yến", nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.
Theo người dân địa phương thì đảo Yến là tên gọi xuất hiện sau này, khi có một công ty khai thác, nuôi yến đến hoạt động. Trên đảo có rất nhiều chim yến. Trước kia, người dân gọi là Hòn Nồm theo hướng gió nồm.
Khu vực biển Vũng Chùa rất kín gió vì được bao bọc bởi 3 hòn đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm. Vì vậy đó là nơi neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Và ngày xưa trên Hòn Nồm có dấu tích nền móng một ngôi chùa lớn nên người dân địa phương gọi đó là biển Vũng Chùa, theo tiếng địa phương là "Vụng Chùa". Sau này, trải qua thời gian, mưa bão nên không còn dấu ngôi chùa nữa.
Đảo Yến cách đất liền tại thôn Thọ Sơn chừng hơn 1 km, có diện tích khoảng 10 ha, khung cảnh trên đảo còn khá hoang sơ.
Quang cảnh Vũng Chùa - Đảo Yến mênh mông, thoáng, đẹp. Đứng trên đảo, nhìn vào đất liền là những bãi cát chạy dài, cây cối xanh tươi. Đảo có nhiều bãi đá đẹp. Từ đảo Yến trông ra xa có thể thấy được Hòn La và Hòn Gió; ba hòn tạo thành một hình tam giác. Những lúc bình minh hay chiều tà, khung cảnh ở đây đẹp mê hồn, chìm ảo như trong cổ tích.
Theo Kiến Thức
Những bức ảnh tư liệu quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc, là vị tướng huyền thoại được nhân dân Việt Nam và bè bạn quốc tế yêu mến, ngưỡng mộ. Ngôi nhà của ông bà Võ Quang Nghiêm, Nguyễn Thị Kiên tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình - nơi...