Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ yên nghỉ tại quê nhà Quảng Bình
Tang lễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 12 và 13/10. Lễ an táng được tổ chức tại Quảng Bình vào ngày 13/10 theo nguyên vọng của gia đình.
Chiều 5/10 của Văn phòng Ban chấp hành trung ương Đảng đã có thông cáo đặc biệt về về lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo đó, tang lễ Đại tướng được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang.
Thông báo ghi rõ, linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp quàn tại Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ viếng được tổ chức cùng địa điểm từ 7h30 ngày 12/10. Một ngày sau, 13/10, sẽ diễn ra lễ truy điệu trọng thể.
“Thể theo ý nguyện của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyện vọng của gia đình, lễ an táng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tổ chức cùng ngày tại quê nhà (tỉnh Quảng Bình)”, thông báo có đoạn.
Cũng theo Văn phòng Ban chấp hành trung ương Đảng, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp lễ truy điệu và an táng Đại tướng. Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng tại Hà Nội, sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu tại Trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình.
Trong hai ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (12-13/10), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng hoạt động vui chơi giải trí.
Đại tướng ra đi khi vừa bước sang tuổi 103.
Sinh ngày 25/8/1911 tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vốn là một thầy giáo dạy sử đã trở thành “người anh cả” của lực lượng vũ trang Việt Nam, là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại tướng trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn. Đặc biệt tên tuổi ông gắn liền với chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Hồ Chí Minh (1975) – những bước ngoặt trong lịch sử dân tộc.
Sau khi đất nước thống nhất, Đại tướng là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng (đến 1980); Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 – 1991). Ông cũng là đại biểu Quốc hội các khoá I – VII.
Video đang HOT
Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự trong nước và thế giới đều đánh giá Đại tướng là người toàn tài kể cả trong thời chiến lẫn thời bình. Ông đặc biệt được người dân Việt Nam nhiều thế hệ yêu mến, kính trọng bởi tài năng cũng như sự gần gũi, bình dị trong cuộc sống.
Trong Bách khoa toàn thư của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như một trong những vĩ nhân quân sự hiển hách nhất.
Nguyễn Hưng
Theo VNE
Cựu TT Nam Phi: "Tướng Giáp là anh hùng dân tộc của chúng tôi"
Tờ AFP (Pháp) ca ngợi, những chiến thắng mà Tướng Giáp giành được là nhờ thiên tài bẩm sinh chứ không phải do được đào tạo chính quy.
Sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần đã được báo chí quốc tế đồng loại đưa tin cùng những lời ca ngợi đầy ngưỡng mộ dành cho người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài về Đại tướng trên hãng tin Pháp AFP với tựa đề: "Tướng Giáp: Thiên tài quân sự được phương Tây kính nể".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara.
Một thiên tài bẩm sinh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được coi là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất lịch sử và là kiến trúc sư của những chiến thắng lừng lẫy của Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Thế nhưng, bài học quân sự đầu tiên của viên tướng từng là một giáo viên lịch sử lại đến từ một mục trong bách khoa toàn thư cũ về cơ chế hoạt động của lựu đạn.
Là con trai của một nhà nho nghèo, năm 1954 ông đã đánh bại thực dân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ, trận chiến chấm dứt sự cai trị của Pháp ở Đông Dương nhưng lại mở đầu cho sự can dự trực tiếp của Mỹ vào chiến trường Việt Nam.
Sau sự kiện trên, các chiến thuật chiến tranh du kích của ông đã truyền cảm ứng cho các chiến binh chống thực dân trên toàn thế giới.
Hai thập kỷ tiếp theo, người cha đẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam một lần nữa lại lãnh đạo quân đội mình chiến thắng Đế quốc Mỹ, kết thúc bằng sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn ngày 30/4/ 1975.
"Khi còn trẻ, tôi có một giấc mơ rằng một ngày nào đó sẽ được nhìn thấy đất nước tôi tự do và thống nhất", Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại sau này trong một cuộc phỏng vấn PBS."Ngày hôm đó, giấc mơ của tôi đã thành sự thật".
Nhà báo, sử gia người Mỹ Stanley Karnow từng viết rằng, tầm vóc lỗi lạc của một nhà chiến lược đã đưa Tướng Giáp vào hàng ngũ "những lãnh đạo quân sự vĩ đại" của thế giới như Công tước xứ Wellington Ulysses S. Grant và Thống tướng Douglas MacArthur của Mỹ.
"Tuy nhiên, không giống như họ, những thành công mà ông gặt hái được là nhờ thiên tài bẩm sinh chứ không phải do được đào tạo chính quy".
Ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 7/2008
Từ giảng đường đến chiến trường
Sinh ngày 25/8/1911 tại tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam, Tướng Giáp là người ngưỡng mộ Napoleon và Tôn Tử nhưng không phải ông sinh ra đã trở thành người lính.
Thông thạo tiếng Pháp, ông từng nghiên cứu kinh tế chính trị ở Hà Nội trước khi giảng dạy lịch sử và văn học và cũng từng làm nghề viết báo.
Năm 1939, ông sang Trung Quốc với tư cách là đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng để cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia lãnh đạo cách mạng từ ngoài nước.
Năm 1941, ông cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về cánh rừng phía Bắc Việt Nam để huấn luyện những người lính nông dân làm cách mạng và đồng sáng lập tổ chức Việt Minh.
Các chiến thuật chiến tranh du kích với sự coi trọng đặc biệt vai trò của quần chúng nhân dân, giá trị các cuộc tấn công "đánh nhanh, rút nhanh" và ý chí chiến đấu một cuộc chiến tranh trường kỳ đã giúp tướng Giáp đánh bại cả Thực dân Pháp và quân đội Mỹ sau này.
"Chiến tranh du kích là cuộc chiến tranh của đông đảo quần chúng nhân dân ở một quốc gia lạc hậu về kinh tế chống lại một đội quân xâm lược hùng mạnh, được trang bị hiện đại và được huấn luyện bài bản", Tướng Giáp viết trong hồi ký của mình.
"Mỗi người dân là một người lính, mỗi xóm làng là một pháo đài"
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập chính phủ đầu tiên và bổ nhiệm Tướng Giáp là Bộ trưởng nội vụ, Tổng tư lệnh quân đội và sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng.
Khi quân đội Pháp tái lập chế độ thực dân sau Thế chiến thứ Hai, những người cách mạng Việt Nam buộc phải rút vào rừng để chống trả kẻ thù suốt 9 năm, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ.
"Đó là thất bại lớn đầu tiên đối với phương Tây", Tướng Giáp kể lại. "Cuộc chiến đã làm rung chuyển thành lũy của chủ nghĩa thực dân và cổ vũ mọi người dân đấu tranh cho tự do của họ - đó là sự khởi đầu của nền văn minh quốc tế".
Tướng Giáp vẫn giữ vai trò Tổng tư lệnh quân đội trong suốt cuộc chiến tranh kéo dài với Mỹ và chế độ Miền Nam Việt Nam do Mỹ hậu thuẫn sau này.
Sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn vào ngày 30/4/ 1975 đã đưa Tướng Giáp lên vị trí gần như huyền thoại trong mắt người nước ngoài như một chiến lược gia bậc thầy và đã khích lệ phong trào giải phóng dân tộc ở khắp mọi nơi.
"Khi chúng tôi lớn mạnh trong cuộc đấu tranh của chính mình, Tướng Giáp là một trong những anh hùng dân tộc của chúng tôi", cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki phát biểu năm 2007.
Theo soha
Đàm Vĩnh Hưng: Được dự tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đặc ân Ngay trong đêm, Mr Đàm nói với phóng viên qua điện thoại: "Tôi ước được tham dự tang lễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là một đặc ân vinh dự". Đang chuẩn bị trình diễn, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã dừng lại, xúc động khi hay tin đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần vào lúc 18h9 phút chiều 4/10/2013...