Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lời kể người trợ lý
Được coi là một trong những danh tướng hàng đầu thế giới nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là người rất dung dị, đời thường. Trên chiến trận, Đại tướng là người hiên ngang, hùng dũng, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, Đại tướng vẫn là một “anh Văn” hết sức từ tốn, giản dị, một người chông rất mực thương vợ, yêu con.
Suốt hơn 40 năm làm việc cận kề Đại tướng, Đại tá Nguyễn Huyên – là người hơn ai hết hiểu rất rõ con người của Tướng Giáp. Trợ lý thân cận của ông chưa bao giờ thấy Đại tướng cáu bẳn hay to tiếng với vợ con. Mỗi lần có chuyện gì không hài lòng, Đại tướng thường rất nhỏ nhẹ nhắc nhở. Theo Đại tá Nguyễn Huyên, Đại tướng cũng là người hết mực yêu thương vợ con. Tuy một tay vợ Đại tướng chăm sóc các con nhưng cụ vẫn là người luôn định hướng, nhắc nhở các con.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người trợ lý Nguyễn Huyên. Ảnh: Trần Hồng
Không chỉ ông mà rất nhiều người thân cận đều ấn tượng về tình yêu thương vô bờ bến với con cái của Đại tướng. Ngày Giáo sư Võ Hồng Anh, con gái của Đại tướng ra đi mãi mãi (năm 2009) thì Đại tướng đang nằm điều trị trong Bệnh viện 108. Ấy là do trong một lần đi họp, cụ bị vấp phải cái thảm nên bắt đầu vào nằm điều dưỡng trong Bệnh viện 108. Khi ấy cụ còn khá khỏe. Lúc cô Hồng Anh bắt đầu bị bệnh, cả nhà lo lắng nhưng giấu Đại tướng. Đến hôm cô mất, cả nhà vẫn không ai nói cho cụ biết nhưng chẳng hiểu linh tính sao, Đại tướng cứ hỏi đi hỏi lại một câu là ở gia có chuyện gì không. Có lẽ, bằng trực giác của người cha mà Đại tướng đã linh tính có việc gì đó. Cho đến hôm sau thì gia đình mới quyết định cho cụ biết vì không thể giấu mãi.
Đại tá Nguyễn Huyên kể khá nhiều chuyện khi cụ còn khỏe mạnh. Điều ông ấn tượng nhất ở Đại tướng chính là tinh thần làm việc không ngừng nghỉ. Ông nói: “Cụ là người rất hiếm có. Cụ đã làm việc một cách cần mẫn cả ngày nhưng đêm về cụ lại tiếp tục nghiên cứu. Anh em chúng tôi nhiều lúc nhìn mà xót. Khuyên cụ thi thoảng nên dành cho mình thời gian thảnh thơi để giữ sức khỏe thì cụ bảo: “Cậu tưởng cho mình nghỉ là mình khỏe à, một ngày không có gì vào trong đầu óc cảm giác mệt mỏi và trì trệ”. Có những lúc làm việc khuya, Đại tướng cứ chắp tay sau lưng đi đi lại lại quanh văn phòng vì trăn trở suy nghĩ về công việc”.
Video đang HOT
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hầm tướng De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tháng 4/2004. Bên cạnh đại tướng là đại tá Nguyễn Huyên, Trưởng văn phòng đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mặc dù bận rộn nhưng Đại tướng vẫn luôn cố gắng sắp xếp thời gian để gặp những người dân bình thường nhất. Đại tá Nguyễn Huyên còn nhớ, có lần, đội cảnh vệ vào báo với anh em trong Văn phòng có một người thương binh đến cổng xin được gặp Đại tướng. Do chưa có lịch hẹn nên anh em khá băn khoăn. Thế nhưng, Đại tướng vẫn đồng ý gặp người thương binh ấy. Hóa ra, người thương binh quê ở tận Hải Phòng. Anh bắt xe khách lên Hà Nội và chỉ mong được gặp Đại tướng một lần. Sau khi gặp gỡ, người thương binh ấy đã khóc rưng rức, nói: “Giờ em về quê có chết cũng được rồi. Cả đời em chỉ mong được gặp anh một lần”…
Ông Huyên cũng chia sẻ, mấy chục năm ở bên Đại tướng, ông biết rõ tính cách của vị Tổng tư lệnh “yêu ghét rõ ràng, ghét xu nịnh, thích những người có chính kiến và trung thực”, cách làm việc khoa học, dân chủ, luôn coi trọng lắng nghe ý kiến các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân.
Đại tá Nguyễn Huyên cũng kể khá nhiều về sở thích của Đại tướng. Ông sống khá giản dị và có thói quen ăn uống không cầu kỳ. Món mà Đại tướng thường xuyên ăn nhất là thịt kho trứng. Ông cũng thích nhiều món ăn có xuất xứ từ quê hương Quảng Bình như bánh đa xúc hến, sò huyết nướng và bánh bèo. Đây là những món mà lần nào về quê ông cũng ăn.Một sở thích nữa của Đại tướng là trồng phong lan nên đến giờ trong vườn nhà vẫn còn hàng trăm giò phong lan. Chỉ tiếc rằng, chủ nhân của những giò lan ấy giờ không còn có thể trực tiếp hàng ngày chăm sóc, tưới tắm và ngóng đợi từng bông hoa bừng nở nữa.
Theo Ngươi đưa tin
Tóm tắt tiểu sử đồng chí đại tướng Võ Nguyên Giáp
Báo ANTĐ xin trân trọng giới thiệu Tóm tắt tiểu sử đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh Võ Giáp, bí danh: Văn. Sinh ngày 25-8-1911, tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 1925 đến năm 1926, đồng chí tham gia phong trào học sinh ở Huế; năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1930, đồng chí bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, đồng chí hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: Báo Lao động, Báo Tiếng nói chúng ta, Báo Tiến lên, Thời báo Cờ Giải phóng.. . Đồng chí được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc kỳ.
Tháng 6-1940, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; đồng chí được Đảng cử ra nước ngoài gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Năm 1941, đồng chí về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng.
Tháng 12-1944, đồng chí được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tháng 4-1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc kỳ, đồng chí được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc kỳ. Từ tháng 5-1945, đồng chí là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.
Tháng 8-1945, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 3-1946, đồng chí là Chủ tịch quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10-1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 1-1948, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 2-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Từ tháng 9-1955 đến tháng 12-1979, đồng chí là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tháng 9-1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương; được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương; được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.
Từ tháng 1-1980, đồng chí là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4-1981 đến tháng 12-1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). Đồng chí liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Theo ANTĐ
Bác Hồ đã chọn vị tướng tài của dân tộc như thế nào? Tháng 6-1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người dìu dắt từ ngày đó. Sau chiến thắng Thu Đông 1947, ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ. Chủ tịch Hồ...