Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua hồi ức của nữ nhà báo Mỹ
Năm 1994, nữ nhà báo Mỹ Catherine Karnow, có cha là một nhà báo nổi tiếng từng phỏng vấn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, được đích thân Đại tướng mời tháp tùng tới Điện Biên Phủ. Nhờ đó mà cô hiểu hơn về vị Đại tướng người Pháp ví là “núi lửa phủ tuyết”.
Catherine Karnow đã có bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đăng tải trên tờ Huffington Post, Mỹ, vào tháng 12 năm ngoái. Dân trí xin được trích đăng:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Catherine Karnow năm 1994.
Ngày 25/8 là ngày sinh nhật 101 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có lẽ là vị tướng còn sống vĩ đại nhất ngày nay. Vào thời điểm này, Đại tướng nằm viện đã được gần 2 năm. Đại tướng là “khối óc” của trận đánh Điện Biên Phủ nổi tiếng, trận đánh giúp giành độc lập cho Việt Nam từ người Pháp, vào tháng 5/1954. Ông cũng đóng góp lớn cho chiến thắng của Việt Nam trước quân Mỹ vào tháng 4/1975. Người Pháp gọi ông là “núi lửa phủ tuyết” vì mái tóc bạc trắng và sự mạnh mẽ, quyết đoán của ông.
Năm 1994, tôi được Đại tướng Giáp mời, với tư cách là nhà báo phương Tây duy nhất tháp tùng riêng ông tới Điện Biên Phủ. Tôi đã ở nhà ông vài ngày trước đó, chụp ảnh ông và ăn tối cùng gia đình ông, khi ông ghé về phía tôi, nói nhỏ lời mời vào tai tôi, nói tôi không được nói cho ai biết.
Các nhà báo và phóng viên ảnh đã tới Hà Nội vài ngày trước, băn khoăn không biết Tướng Giáp có tới thăm Điện Biên Phủ trong lễ kỷ niệm 40 chiến thắng hay không. Và giờ đây ông đang mời tôi đi riêng cùng ông, ngay tuần trước khi ngày kỷ niệm chính thức, 7/5.
Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Catherine Karnow chụp.
Nhưng hãy để tôi giải thích làm sao tôi lại có mối quan hệ đặc biệt với nhân vật lịch sử này. Cha tôi, Stanley Karnow, nhà báo có tiếng và nhà sử học về Chiến tranh Việt Nam, đã phỏng vấn Đại tướng cho tờ New York Timesvào năm 1990. Vài tháng sau, tôi tới Việt Nam, gặp Đại tướng, chụp ảnh ông và gia đình ông. Và từ đó, mối quan hệ được hình thành.
Rồi đến ngày 1/5/1994. Tôi vô cùng háo hức và hồi hộp khi chúng tôi bay từ Hà Nội tới Điện Biên. Đại tướng sẽ không chỉ thăm chiến trường xưa và một nghĩa trang chiến tranh, ông sẽ lần đầu tiên trong 40 năm trở lại Mường Phăng, trại bí mật trong rừng, nơi ông đã ở trong những tháng cuối cùng trước trận chiến Điện Biên Phủ và từ đó ông đã vạch ra chiến lược Điện Biên Phủ nổi tiếng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ đến Điện Biên Phủ bằng trực thăng, còn tôi đi bằng xe jeep, trên chặng đường quanh co, gập ghềnh kéo dài 6 tiếng đồng hồ.
Video đang HOT
Bức ảnh Catherine Karnow chụp người dân tộc Thái Đen ở Điện Biên Phủ.
Có hàng trăm người đã tới trận địa xưa để đợi Tướng Giáp đến. Do ước tính Đại tướng Võ Nguyên Giáp có thể đến bất kỳ lúc nào, tôi chuẩn bị sẵn phim cho máy ảnh và đứng ở vị trí đẹp để chụp. Nhiều phút trôi qua. Rồi một giờ và một giờ nữa. Trời nóng và mặt trời chói chang. Nếu tôi vào tán cây để tránh nắng, tôi có thể bỏ lỡ mất khoảnh khắc Tướng Giáp tới. Thật ngốc, tôi đã không mang đủ phim để có thể chụp người dân địa phương. Người dân nơi đây thật tuyệt vời. Nhiều người là người Thái Đen, người dân tộc sống ở vùng cao. Có cả những em nhỏ được mặc như những chiến sỹ nhỏ, với khăn quàng đỏ, vẫy cờ hoa.
Trực thăng chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ cánh.
Cuối cùng, có tiếng động trên bầu trời và chúng tôi thấy một con chim lớn đang tiến về phía chúng tôi. Mọi người chạy tới chỗ chiếc trực thăng hạ cánh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước xuống, vẫy tay chào mọi người. Chúng tôi bắt đầu đoạn đường dài lên núi để tới trại bí mật trong rừng. Chúng tôi bước trên những tấm gỗ nhỏ bắc qua suối, bước qua những cây gỗ bị đổ. Với một người 83 tuổi, Tướng Giáp rất nhanh nhẹn. Khi chúng tôi tiến tới địa điểm Tướng Giáp đã từng sống trong nhiều tháng để lên kế hoạch cho trận chiến cuối cùng, người dân làng đã đón chào ông trong niềm hân hoan và kính trọng lớn. Ông đã không gặp một số người 40 năm qua.
Người dân làng ở Mường Phăng chào đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp với niềm vui và kính trọng lớn.
Rồi chúng tôi ở trong căn lều bé xíu, đúng nơi Đại tướng đã vạch ra chiến lược của trận Điện Biên Phủ. Trên tường là một bản sao của chính tấm bản đồ Đại tướng và các đồng chí của mình đã dùng 40 năm về trước. Tướng Giáp nhớ lại kỷ niệm của những ngày đã ở trong lều: “Điều đáng tiếc duy nhất của tôi là những đồng chí đã cùng với tôi ngày đó giờ không còn với chúng ta nữa và không thể ở đây hôm nay”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại kỷ niệm xưa trong căn lều nhỏ.
Đối với tôi, ở trong căn lều bé xíu ở giữa rừng miền bắc Việt Nam, là thời khắc quan trọng trong đời, khi được chứng kiến một huyền thoại sống nhớ lại những giây phút cá nhân góp phần tạo nên lịch sử.
Theo Dantri
Những nỗi đau nơi đại ngàn sau tập tục "ngủ thăm, bắt vợ"
Đi cùng với tập tục đẹp đẽ, trong trẻo của không ít các dân tộc thiểu số bị biến dạng, lạm dụng là sự tăng lên về nỗi đau của các sơn nữ trên chốn đại ngàn.
Khi tập tục bị lạm dụng, rất nhiều thiếu nữ vùng cao đã mất đi tuổi hồn nhiên của mình
"Chồng" ơi!
Cũng như người Dao đeo tiền ở các nơi khác, người Dao đeo tiền ở Sinh Tàn (Thanh Sơn, Phú Thọ) cũng có tục ngủ thăm (có nơi gọi là ngủ ngửi). Thế nhưng, tại bản Sinh Tàn, tập tục này đã đến lúc bị cảnh báo. Tôi tìm vào Sinh Tàn, vào nhà Bàn Thị T. Chiếc bếp củi leo lét, trong thứ tro nóng là những củ sắn còi đang được vùi, chờ chín để làm bữa trưa cho bốn mẹ con. Ba đứa bé mà T. cho là con mình đều "trứng gà trứng vịt" cả, và có cái lạ là chúng đều là con của những người đàn ông khác nhau. T. cũng không biết những người đàn ông ấy ở đâu.
T. hồn nhiên kể, không giấu diếm mà tôi cảm thấy thương người mẹ trẻ này quá. T. kể cho tôi mối tình đầu, khoảng 10 năm về trước, trái tim thiếu nữ của cô gái bản nghèo này rung động trong một lần đi chơi và bắt gặp một người đàn ông. Thế rồi, T. cho người đàn ông ấy địa chỉ nhà mình. Sau những cuộc hẹn hò và trao gửi thân phận, trái tim thiếu nữ của T. đang ngất ngây thì anh ta lặng lẽ bỏ đi khi cái thai bắt đầu xuất hiện trong người T. Nhà anh ta T. không biết, địa chỉ cũng không, T. đành ôm sầu một mình vượt cạn, để lại cho bản Sinh Tàn nghèo khó một đứa trẻ không cha.
Nỗi sầu nguôi ngoai thì T. lại gặp người đàn ông nữa. Lại cả tin, lại cho họ là người tử tế, T. lại trao thân lần hai. Lần này T. hy vọng về người con trai này vì anh ta cũng là người nghèo khó và thật thà hơn người cha của đứa con đầu. Thế rồi, hy vọng của T. cũng lại nhanh chóng tan vỡ. Người đàn ông này cũng lại lặng lẽ bỏ đi giữa đêm vắng đại ngàn, để lại cho T. và bản Sinh Tàn thêm một đứa con nữa. Cứ lặng lẽ, chấp nhận và hy vọng, vì sự kém hiểu biết của mình, T. lại có thêm đứa con thứ 3 mà không biết bố nó tên thật là gì, ở đâu.
Bản nghèo Sinh Tàn ngoài nghèo đói nay lại đang gánh thêm áp lực về những đứa trẻ không cha, những người phụ nữ không chồng đang phải nuôi con một mình. Ngoài thân phận Bàn Thị T. thì Bàn Thị H. cũng là một người có hoàn cảnh hết sức trớ trêu.
Cũng như T., mới bước vào tuổi thiếu nữ, với đủ các đường nét đam mê và hấp dẫn thì H. có một người đàn ông tìm đến. Anh ta chủ động tỏ tình với H. Vẫn chỉ là một suy nghĩ yêu rồi sẽ lấy, vẫn là một sự kém hiểu biết nên H. đã nhanh chóng trao thân, gửi phận trong những lần ngủ thăm với anh ta. Rồi cũng như những người đàn ông đã đến với T., người đàn ông kia cũng lại nhanh chóng bỏ H. cùng cái thai nhi đang lớn dần trong bụng. H. tự sinh, tự dưỡng đứa con không bố trong ngôi nhà tuyềnh toàng và những bữa đói no phập phù nơi đầu bản. Càng gặp, tôi càng chỉ thấy lo thêm cho thân phận những cô gái trẻ ở đây.
"Lấy chồng" từ thuở... 13
Cũng như các bộ phận người Mông khác ở Tây Bắc, người Mông Hoa ở Hang Kia cũng có tập tục "bắt vợ". Bản chất của tập tục "bắt vợ" vẫn là nét văn hóa của người Mông, thế nhưng hiện tại tập tục này lại đang bị lạm dụng. Nhiều thiếu nữ Mông ở đây chưa đủ tuổi, xót xa nhất là có cả những bé gái chỉ mới 12 đến 13 tuổi đã bị thanh niên các thôn bản bắt về làm vợ.
Bàn Thị T. trong căn nhà tuềnh toàng tại bản Sinh Tàn
Ngồi đối diện với tôi trong chiếc quán là Vàng A Sếnh và Khà Y Chứ. Thú thực, nhìn Sếnh và Chứ, tôi cứ nghĩ họ là... anh em. Không ngờ, họ lại là vợ chồng, vừa cưới nhau vào dịp Tết của người Mông. Theo tuổi, Sếnh có vợ từ khi tròn 14 tuổi, còn Chứ "bị" làm vợ từ lúc em mới 13.
Ngồi nói chuyện cùng Sếnh, tôi thấy Sếnh có vẻ rất tự hào khi mình bắt được người vợ trẻ có tên là Khà Y Chứ này. Theo lời kể, gần Tết năm trước, Sếnh đã gặp Chứ ở một bãi ném còn. Lời qua, lời lại, Sếnh đã theo Chứ về nhà, rồi tìm đến lớp học của Chứ. Vài tuần sau, khi Chứ còn đang ngồi trên lớp, sắp sửa kết thúc buổi học cuối năm thì ào một cái, Sếnh cùng mấy người bạn đến, xông thẳng vào lớp, bắt Chứ đi trước sự sững sờ của cô giáo.
Từ một cô gái còn đang tuổi hồn nhiên, Chứ đã bắt đầu phải làm vợ. Gánh nặng của một người vợ đã được đặt lên vai Chứ và, tôi không thể hình dung được cuộc sống của họ sẽ như thế nào.
Số lượng trẻ em gái ở Hang Kia và các xã lân cận với Hang Kia bị trai Mông "bắt" về làm vợ tăng lên thêm mỗi năm. Người ta đã quá quen và không có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng vợ chồng trẻ con lấy nhau rồi sinh ra trẻ con ở cái xã này. Các lớp học, các gia đình có các bé gái cứ bất chợt lại mất người. Và, họ cũng không phải lo lắng, không phải đi tìm khi biết rằng họ mất người chỉ do tập tục. Cuốn sổ tay ghi chép những vụ tảo hôn của xã cứ ngày một dày thêm.
Trong 25 hộ gia đình có trẻ con lấy trẻ con vì tập tục "bắt vợ" ở Hang Kia đã thống kê được thì "vợ chồng" Khà A Pha và Giàng Y Sao được các cặp vợ chồng trẻ "khen" nhiều nhất. Họ khen Pha vì anh ta đã "bắt" được vợ ở ngay cùng xã. Tôi tìm vào nhà vợ chồng Khà A Pha, thấy hai người ngồi ủ uột mỗi người một góc nhà. Kha phì phèo thuốc lá còn cô vợ trẻ Giàng Y Sao đang tranh thủ lúc nhàn rỗi, mệt mỏi khâu quần áo cho con.
Pha bảo, Pha đã để ý đến Sao từ lâu. Ở xã này, những cô gái tuổi như Sao nếu chưa bị bắt là rất hiếm. Thế nhưng do nhà Pha là gia đình có "máu mặt" ở trong xã nên không một chàng trai nào dám "qua mặt" Pha để bắt Sao. Pha cũng chưa có ý định bắt Sao về làm vợ vì Pha muốn lấy vợ... trẻ hơn nữa. Chuyện Pha phải bắt Sao về làm vợ như thế này. Năm ngoái, bố của Pha là Khà A Nhà sang xã khác ăn cỗ. Thấy người ta cũng có con như mình thế nhưng cháu chắt đã đầy nhà rồi nên bố Pha thèm lắm. Ông ấy cứ bắt Pha phải đi bắt vợ.
Chiều lòng bố, không có thời gian để tìm và bắt các cô gái khác trẻ hơn, Tết vừa rồi, Pha đã phải rủ bạn đi bắt Sao. Thế là họ lại thành vợ, thành chồng từ lúc mới 15 tuổi. Tôi cũng chẳng biết rồi cuộc sống và sức khỏe ra sao. Thế nhưng, tôi vẫn ám ảnh câu chuyện của một cán bộ y tế xã chuyên về hộ sinh cho biết: Nhiều bé gái chỉ 12 tuổi đã phải vào phòng sản. Nhìn những cơ thể thiếu nữ chưa kịp phát triển hết cùng những cơn đau vì sinh nở mà tôi chẳng thể khuyên họ được điều gì.
Ven trời Tây Bắc... "nhức đau"
Lên Lai Châu, ngoài uống rượu, chơi chợ, ăn những món đặc sản được chế biến từ rêu suối, săn cá trên suối Nậm Sỏ thì người ta còn được chứng kiến tục "kéo vợ", "bắt vợ". Mảnh đất Tây Bắc thượng nguồn con sông Đà, mỗi "mùa bắt vợ" qua đi, người ta không thể thống kê được sẽ có bao nhiêu thiếu nữ các dân tộc thiểu số môi đỏ, tóc dài, da trắng đã trở thành nạn nhân của tập tục này.
Tại bản Nậm Se, tôi đã tìm vào với thân phận người mẹ trẻ Lý Thị Hợp. Trong ngôi nhà tranh gió thốc bốn bề, nằm sát bìa rừng, nơi một con suối cạn, ngôi nhà của vợ chồng trẻ Lý Thị Hợp và Vàng Văn Việt nằm đó. Lý Thị Hợp, người con gái phải chấp nhận tập tục "bắt vợ" của người Mông này đã phải làm vợ từ năm em 12 tuổi.
Hợp rất xinh gái, với đầy đủ đường nét và tố chất của một cô gái Mông vùng biên ải. Năm em 12 tuổi, đang váy áo xúng xính cùng bạn bè đồng lứa thì em được Vàng Văn Việt (chồng của em bây giờ, hơn em 2 tuổi) "để ý". Thế là Tết năm ấy, cuộc đời thiếu nữ của em khép lại khi Vàng Văn Việt rủ tụi bạn chặn đường "bắt" em về làm vợ. Cũng giống như những cô gái Mông khác, cuộc đời con gái Mông miền Tây Bắc của em đã chấm hết từ đó. Có học, có làm, có ở với bố mẹ đẻ nữa cũng bằng không thôi. "Ma nhà chồng" đã "ghi tên" em vào "sổ" nhà khác rồi! Không có một lối thoát, không có một sự lựa chọn, theo tập tục, em đành gạt nước mắt, bước chân qua bậu cửa nhà chồng.
Vào Phong Thổ, tại Mù Sang, tôi cũng gặp Vàng Thị Dợ. Dợ là một cô gái Dao, so với Hợp, Dợ vẫn "may mắn" hơn vì em được sống hết tuổi 16 của mình mới "bị" người ta "kéo" về làm vợ. Dợ bảo Dợ chẳng yêu ai, em bị người ta "kéo" trong một lần đi lấy rau cho lợn. Bị người ta lấy vải bịt mắt, vác về nhà cúng ma. Và, cũng như cô gái người Mông Lý Thị Hợp kia, em cũng đành phải lựa chọn một khúc quanh nghiệt ngã, ấy là đi lấy chồng. Không biết người chồng ấy là người thế nào, bao nhiêu tuổi, tính nết ra sao.
Gái Mông, gái Dao ở đây là thế, bị người ta 'bắt", người ta "kéo" là phải lấy người ta thôi... Những câu lý giải hết sức đơn giản và đáng thương của những thiếu nữ vùng cao này làm lòng tôi trĩu nặng những nỗi buồn.
Theo báo công lý
Hạnh phúc bình dị của các gia đình vùng cao Rất nhiều "tổ ấm" trên vùng cao Lào Cai hôm nay thực sự là những điển hình "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc". Những gia đình từ thành thị đến vùng cao, từ người Kinh đến người Dao, Mông, Phù Lá... đang là những hạt nhân tích cực đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chung của vùng cao Lào...