Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về Điện Biên Phủ
“Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt huyền thoại bất khả chiến bại của phương Tây, truyền cảm hứng cho các lực lượng chống đế quốc thực dân trên toàn thế giới”.
Wilfred Burchett, một trong những nhà báo chiến trường người Australia nổi tiếng của thế kỷ 20 đã có cuộc phỏng vấn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 13/4/1964. Trong cuộc phỏng vấn này, với độ lùi thời gian 10 năm kể từ chiến thắng lừng lẫy ở Điện Biên Phủ, ông đã đặt câu hỏi với Đại tướng về “những bài học cần thiết”.
Cuộc phỏng vấn đã được đưa vào cuốn “Rebel Journalism” – một tuyển tập các bài viết của ông Burchett. Kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2013), xin giới thiệu bạn đọc bài phỏng vấn này.
Nhà báo Wilfred Burchett trò chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu
Nhà báo Wilfred Burchett giới thiệu trong lời đề dẫn bài phỏng vấn:
“Năm 1954, Tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy chiến dịch 57 ngày đêm chống lại tập đoàn cứ điểm Pháp ở Điện Biên Phủ, phía tây bắc Việt Nam. Cuộc chiến đánh dấu hồi cáo chung của chủ nghĩa thực dân.
Chiến thắng của Việt Minh là chiến thắng đầu tiên của một phong trào kháng chiến ở châu Á chống lại quân đội thực dân trong một cuộc xung đột quân sự thông thường. Nó chấm dứt huyền thoại bất khả chiến bại của phương Tây, dẫn tới sự rút lui nhục nhã của Pháp khỏi Việt Nam và truyền cảm hứng cho các lực lượng chống đế quốc thực dân trên toàn thế giới”.
Video đang HOT
Con đường chiến thắng
10 năm sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định những giá trị, bài học trước nhà báo phương Tây:
“…Từ kinh nghiệm chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi nghĩ, chúng ta có thể rút ra các kết luận sau:
Thứ nhất, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi to lớn cho nhân dân Việt Nam mà còn cho nhân loại tiến bộ; một chiến thắng cho tất cả các dân tộc bị áp bức đang chống lại chủ nghĩa thực dân ở mọi hình thức, cũ và mới; cho độc lâp và tự do, một chiến thắng vĩ đại cho các lực lượng chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hoà bình trên toàn thế giới.
Chiến thắng Điện Biên Phủ chứng minh rằng, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, nếu được dẫn dắt bởi chính sách đúng đắn, đoàn kết thống nhất trong một cuộc đấu tranh kiên quyết vì độc lập và dân chủ, chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức, nếu được sự tán thành và ủng hộ của nhân dân thế giới, thì một dân tộc bị áp bức, thậm chí có thể yếu hơn, chắc chắn cuối cùng sẽ giành chiến thắng.
Trong mọi trường hợp, các sự kiện diễn ra ở một số nơi những năm gần đây đã chứng minh điều này. Nhân dân Cuba, Lào, Algeria và các nước khác đã đứng lên và giành chiến thắng. Đó là kết luận đầu tiên.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát tình hình mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu
Kết luận thứ hai là, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, khi đối mặt với các hành động bạo lực và chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và mới, nhân dân bị áp bức ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phụ thuộc chỉ có một con đường duy nhất: đấu tranh chính trị và quân sự kiên quyết để chống lại hành vi bạo lực và chiến tranh thông qua cách mạng bạo lực dựa vào chính trị của toàn dân và vũ trang nhân dân.
Đấu tranh chính trị và quân sự của toàn dân, chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân, mặt trận dân tộc thống nhất của toàn dân, hình thành con đường giải phóng dân tộc và chiến thắng.
Chống lại toan tính xảo quyệt
Kết luận thứ ba là lợi ích to lớn và có tầm quan trọng sống còn với chúng tôi. Nếu trong quá khứ, nhân dân Việt Nam có thể đánh bại thực dân Pháp, thì đồng bào của chúng tôi ở miền Nam Việt Nam, cho dù có muôn vàn khó khăn phải vượt qua, đã đạt được những thành công vang dội và sẽ giành chiến thắng cuối cùng.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam để giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước sẽ chiến thắng. Chúng tôi có niềm tin không lay chuyển trong chiến thắng này. Hãy nói với dư luận thế giới rằng, người Việt Nam là một trong những dân tộc yêu chuộng hoà bình nhất thế giới, và đã tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng trong những điều kiện cực kỳ khó khăn.
Đồng bào chúng tôi ở miền Nam Việt Nam đang ở năm thứ 20 của chiến tranh. Dân tộc chúng tôi, đồng bào của chúng tôi ở miền Nam đang đấu tranh cho tự do, giải phóng, cho hoà bình, hoà bình đích thực, hoà bình trong độc lập và dân chủ.
Tôi cho rằng, kết luận thứ tư có thể rút ra. Chúng ta biết, Điện Biên Phủ mở ra con đường đi tới ký kết Hiệp định Geneva 1954, tái lập hoà bình ở Đông Dương, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Vì những lý do này, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng, mọi cuộc đàm phán với đế quốc cần được hỗ trợ bởi cuộc đấu tranh kiên quyết dưới mọi hình thức chống lại những toan tính xảo quyệt. Chỉ khi các lực lượng của nhân dân đã phát triển trong cuộc đấu tranh của họ thì đế quốc buộc phải từ bỏ đặc quyền và lợi ích của chúng, công nhận quyền hợp pháp của chúng tôi.
Do đó cũng có thể rút ra kết luận rằng, bằng cuộc đấu tranh kéo dài, khó khăn và anh hùng, bằng chiến đấu và chiến thắng vĩ đại ở mặt trận Điên Biên Phủ, nhân dân Việt Nam đã đấu tranh không chỉ cho độc lập dân tộc mà còn cho hoà bình ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Bây giờ tôi nói tới kết luận thứ năm với đặc điểm tổng quát hơn.
Bằng sự can thiệp và xâm lược, đế quốc Mỹ đã hoàn toàn tự bóc trần bộ mặt của họ trong mắt nhân dân Đông Dương cũng như thế giới. Họ tự cho thấy họ là kẻ xâm lược tàn bạo với nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia, một sen đầm quốc tế, kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân và các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Đó là lý do tại sao nhân dân trên thế giới cần tăng cường đấu tranh và tạo nên mặt trận thống nhất rộng lớn nhất chống lại đế quốc Mỹ. Chúng tôi tin tưởng rằng, ở khắp nơi trên thế giới, ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, đế quốc Mỹ cuối cùng sẽ thất bại. Cuộc đấu tranh của nhân dân châu Á, châu Phi và Mỹ Latin cuối cùng nhất định sẽ giành chiến thắng.
Đây là những kết luận tóm tắt mà chúng tôi có thể rút ra từ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến dịch Điên Biên Phủ. 10 năm trôi qua và rất nhiều sự kiện đã diễn ra. Tôi cho rằng, những sự kiện ở Đông Dương cũng như những nước khác trên thế giới đang xác thực những kết luận này.
Nhà báo Wilfred Burchett làm việc cho nhật báo London Express, từng có mặt ở nhiều nơi trên thế giới để viết về Chiến tranh thế giới thứ II. Cuộc gặp gỡ lịch sử với Chủ tịch Hồ Chí Minh (1954) đã đưa ông sau này trở thành người bạn lớn của nhân dân Việt Nam. Ông là nhà báo phương Tây đầu tiên đặt chân đến nhiều vùng giải phóng ở miền Nam ngay trong những ngày chiến tranh ác liệt. Ông đã đi rất nhiều nơi ở vùng giải phóng, theo dấu chân các chiến sĩ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ngày đó. Wilfred Burchett có mối quan hệ thân thiết với nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đó như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình…
Theo 24h