“Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là Đại tướng số 1 Việt Nam”
Trung tướng Lê Hữu Đức khẳng định, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng, thống soái đạo đức vẹn toàn, đức tài vẹn toàn và có tín nhiệm rất lớn…
Trong chương trình giao lưu trực tuyến được tổ chức vào ngày 23/8, nhân kỷ niệm 103 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu đã có những chia sẻ hết sức sâu sắc về quãng thời gian được sống, làm việc dưới quyền vị Tổng tư lệnh tài đức vẹn toàn. Dưới đây là một số ý chính mà chúng tôi đã lược ghi được.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nói về vị Tổng tư lệnh của mình, người từng được mệnh danh là “Hổ cụt đường 9 nam Lào” và đã từng bị Mỹ Ngụy treo giải thưởng nhiều ngàn đô cho ai lấy được đầu nói:
“Cá nhân tôi dẫu có ở gần Đại tướng nhưng khi nói thì cũng chỉ nói được một phần nào đó về Đại tướng mà thôi. Bởi lẽ, Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một vị tướng, thống soái đạo đức vẹn toàn, đức tài vẹn toàn và có tín nhiệm rất lớn đối với nhân dân, đối với cán bộ, đối với tổ quốc, quân đội.
Không chỉ là Đại tướng số 1 của quân dân ta mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn được bầu là 1 trong những vị tướng lừng danh nhất thế giới”.
Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4.1975). Trong ảnh, từ trái sang phải: Đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục tác chiến), Thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó tổng tham mưu trưởng), Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), Thượng tướng Song Hào (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương), Trung tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị)
Theo Trung tướng Lê Hữu Đức, điều mà ông khâm phục nhất ở “anh Văn”, đó chính là cách làm việc dân chủ
“Cách làm việc dân chủ chính là điều mà tôi khâm phục nhất ở “anh Văn”. Anh luôn tiếp thu, chắt lọc từ nhiều ý kiến trong các cuộc họp bàn kế hoạch tác chiến để có được một lựa chọn tối ưu nhất cho từng trận đánh. Anh đề cao những người đi sau như chúng tôi và cho rằng những người trẻ hơn luôn có những tiếp cận mới mẻ và nhiều sáng kiến.
Video đang HOT
Được làm việc dưới quyền Đại tướng, chúng tôi thấy rõ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chiến thắng thì tối đa nhưng thương vong thì tối thiểu, phải tìm mọi cách khắc phục từ nghệ thuật chiến lược đến đường lối chiến dịch. Cho nên các tư lệnh chiến trường đều nói, Đại tướng là người biết quý từng giọt máu của chiến sỹ. Điều đó là rất hiếm và vô cùng quý.
Là Tổng tư lệnh nhưng Đại tướng luôn căn nhắc, lý lẽ phân tách sâu sắc, thuyết phục. Ông không hề ép ai, không hề to tiếng, đập bàn, đập ghế kể cả trong họp Bộ Chính trị, họp Quân uỷ Trung ương đều thế. Ông luôn dùng lý lẽ để thuyết phục đến lúc mọi người hiểu và cùng đồng ý thực hiện.
Tôi còn nhớ năm 1975, sau khi ta giải phóng Buôn Mê Thuột và gần như tiêu diệt quân đoàn 2 và sư 2 của Nguỵ. Bấy giờ một vấn đề đặt ra là phải thành lập ngay Bộ chỉ huy chiến dịch Huế – Đà Nẵng để giải quyết nốt quân đoàn 1 của địch, mà ở đây địch có 2 sư đoàn dự bị chiến lược là thuỷ quân lục chiến và dù, cùng 2 sư đoàn của Quân đoàn 1, mà quân đoàn này của địch là quân đoàn mạnh nhất.
Đồng chí Lê Trọng Tấn lúc đó được chỉ định là Tư lệnh và khi được giao nhiệm vụ, đồng chí Tấn xin 5 ngày nhưng Đại tướng không đồng ý. Đại tướng nghiêm khắc nói, nếu 5 ngày thì có thể địch còn lại hoặc chạy mất.
Nếu chạy mất tức là địch sẽ đưa quân đoàn này về Sài Gòn – Gia Định thì cuộc tấn công cuối cùng vào đây của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, ta sẽ bỏ mất thời cơ. Vì vậy, Đại tướng chỉ cho có 3 ngày và không thảo luận thêm.
Đồng chí Lê Trọng Tấn lúc đầu hơi khó chịu nhưng sau khi đánh xong, tới gặp Tổng tư lệnh nhận khuyết điểm là đúng để 5 ngày thì địch chạy mất rồi còn 3 ngày thì đã tiêu diệt hoàn toàn địch.
Vì thế, Thượng tướng Trần Văn Trà đã từng nói: “Võ Đại tướng là Chỉnh uỷ của mọi chính uỷ, tư lệnh của mọi tư lệnh”", Trung tướng Lê Hữu Đức nhấn mạnh.
Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu.
Đánh giá về nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Lê Hữu Đức khẳng định: “Trong nghệ thuật quân sự của” anh Văn” điều có sức ảnh hưởng sâu rộng nhất chính là phương pháp luận hết sức trong sáng, sâu sắc và luôn luôn khoa học, không hề có chút mảy may nào là duy ý chí cả.
Trên chiến trường thực tế cũng như chiến lược, đồng chí luôn giữ vững điều đó. Khi quyết định kéo pháo ra khỏi Điện Biên Phủ, cả ngày, họp Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ, không ai đồng ý với ý kiến của Đại tướng, ai cũng cho rằng, đã có điều kiện đầy đủ như vậy thì cần phải đánh ngay để giải quyết địch trong 13 cứ điểm mà trong 2 đêm 3 ngày.
Khi Đại tướng hỏi, đồng chí Hoàng Văn Thái, người được cử đi trước 1 tháng với cố vấn, phó đoàn chuyên gia lên chuẩn bị cho rằng, anh Văn lo thế thì khó, theo tôi, có đầy đủ như thế thì đánh nhanh, thắng nhanh…
Rồi nhiều ý kiến cho rằng, đã động viên bộ đội kéo pháo vào nay lại kéo pháo ra thì nói thế nào với bộ đội, rồi lùi lại một tháng, mưa ập tới thì vận chuyện sẽ rất khó khăn…
Nhưng Đại tướng vẫn kiên trì thuyết phục mọi người. Đại tướng đã lấy chỉ thị của Bác Hồ và nhắc với mọi người, “trước khi đánh trận này, Bác Hồ đã chỉ thị nếu chắc thắng 100% thì mới đánh còn không chắc thắng 100% thì không đánh, liệu có ai dám chắc thắng”.
Đại tướng cũng nêu rõ, trước đây, mới chỉ đánh địch trong 1 tiểu đoàn còn ở đây là một cứ điểm rất lớn, với tận 13 cứ điểm, thì liệu các đồng chí có đánh thắng được ngay không.
Đại tướng cũng nhấn mạnh, động viên tinh thần bộ đội và các vấn đề khác đều quan trọng nhưng phải đảm bảo đánh thắng thì mới đánh. Sau đó, tất cả đều đồng ý với quyết định kéo pháo ra của Đại tướng.
Sau này, khi tổng kết lại chiến dịch Điện Biên Phủ tại Hội trường câu lạc bộ quân đội, đồng chí Phạm Hùng nói rằng, khi nghe thấy điện của Đại tướng nói rằng, kéo pháo ra, tôi đã thở phào, nhẹ người và sau đó, kéo pháo vào thì tôi tin chắc thắng.
Còn đồng chí Lê Trọng Tấn sau này nói với Tổng tư lệnh, nếu lúcđó, đánh nhanh, giải quyết nhanh thì chắc chúng tôi không còn để hôm nay đánh Pháp, đánh Mỹ với Tổng tư lệnh”…
Theo soha
Tướng Giáp dạy gì cho giới doanh nhân Mỹ?
Ngày nay lại được rất nhiều doanh nhân ưa chuộng; binh pháp của tướng Giáp, vị tướng vĩ đại của dân tôc Việt Nam, cũng ẩn chưa rất nhiều giá trị sâu sắc.
Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang được cả thế giới vô cùng quan tâm. Người Pháp gọi ông là "ngọn núi lửa phủ tuyết". Người Mỹ vừa "chữa thẹn" nói ông không có chiến lược gì nhưng cũng phải cúi đầu công nhận ông luôn là người chiến thắng.
Còn dưới góc nhìn của Robert Grant, tác giả cuốn Phân tích chiến lược đương đại (Contemporary Strategy Analysis), nghệ thuật chiến tranh của tướng Giáp là cuốn cẩm nang đáng để giới doanh nhân học hỏi.
Mở đầu ấn phẩm của mình, tác giả đã đề cập đến chiến lược cho doanh nghiệp. "Chiến lược là nói về cách giành chiến thắng. Chương đầu của cuốn sách sẽ giải thích chiến lược là gì và tại sao chiến lược thành công là điều vô cùng quan trọng, cho cả tổ chức lẫn cá nhân".
Và để lấy một dẫn chứng điển hình nhất, ngay trong chương đầu tiên này, tác giả viết về "Tướng Giáp và Chiến tranh Việt Nam, 1948-1975" để minh chứng cho "Vai trò quan trọng của chiến lược" đối với kinh doanh.
Quay lại thời điểm những năm 1948, khi chúng ta bắt đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tác giả phân tích: "Cho dù có một đội quân đông nhất Đông Nam Á, Bắc Việt Nam không thể sánh kịp với Nam Việt Nam lúc đó có Mỹ, siêu cường số 1 thế giới về quân sự và công nghiệp, đứng đằng sau.
Nam Việt Nam và đồng minh Mỹ bị đánh bại không phải vì đối phương có lực lượng mạnh hơn mà bởi vì họ có một chiến lược hơn hẳn, Bắc Việt Nam đã giành chiến thắng theo cách mà Tôn Tử đề cao nhất, đó là: Để kẻ thù tự hàng."
Trích dẫn lại những phân tích của các tác giả khác về chiến lược của tướng Giáp khi đối đầu với quân Mỹ, bao gồm chiến tranh trường kỳ, lấy yếu địch mạnh, đánh chắc, thắng chắc ... Grant đã đúc kết ra triết lý kinh doanh của thời đại.
Đó là bên cạnh lợi thế so sánh "cứng" (có hạn) chủ yếu dựa vào vị thế, vào nguồn lực sẵn có, doanh nghiệp phải chú ý tới lợi thế so sánh "mềm" (vô hạn), đó là nhân tố con người. Những nhân tố mềm trong kinh tế sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ cho lợi thế so sánh cứng vốn có, đồng thời giúp nó thích ứng với những biến động trong kinh doanh, trong khoa học kỹ thuật, nhu cầu khách hàng,....
Xuyên suốt cuốn sách, tác giả đã phân tích các chiến lược kinh doanh, từ cách tìm "giá trị cốt lõi" cho doanh nghiệp, phương hướng hoạt động phù hợp, cho tới việc tạo ra sự khác biệt, ...
Điều này cũng giống như nghệ thuật quân sự mà tướng Giáp đã áp dụng: Tìm giá trị cốt lõi (lòng yêu nước, tính chính nghĩa) - chọn phương hướng hoạt động phù hợp (đánh chậm, thắng chắc) - môi trường phù hợp (tinh thần dân tộc) và chớp thời cơ.
Nếu xác định đúng các tiêu chí trên, dù là người tí hon vẫn có khả năng chiến thắng gã khổng lồ có cường quốc đứng sau nhưng thiếu đi sách lược phù hợp. Nó trả lời cho câu hỏi của Đại tá Harry G.Summers Jr, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược, Trường chiến tranh quân đội Mỹ rằng tại sao nước Mỹ không thắng được mà lại thất bại thảm hại.
Tất nhiên, chiến lược trong kinh tế và quân sự không thể hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, cũng giống như binh pháp Tôn Tử, được đặt ra với mục đích ban đầu là phục vụ chiến tranh, ngày nay lại được rất nhiều doanh nhân ưa chuộng; binh pháp của tướng Giáp, vị tướng vĩ đại của dân tôc Việt Nam, cũng ẩn chưa rất nhiều giá trị sâu sắc, đáng để cho giới doanh nhân học hỏi.
Theo soha
[Trực tiếp] Con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người đã ra đi thanh thản Sáng nay 5-10, tại nhà riêng, con trai út của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Đại tướng đã trút hơi thở cuối cùng một cách nhẹ nhàng. Đại tá Nguyễn Huyên, thư ký phụ trách văn phòng Đại tướng trầm ngâm, nói ít nhưng mỗi lời như rút gan, rút ruột. Từ sáng sớm nay 5-10, ngôi nhà 30 phố Hoàng Diệu...