Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết lòng với sự nghiệp Khuyến học – khuyến tài
Từ khi thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (2/10/1996), đã trải qua 4 kỳ Đại hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội nhân dân VN, luôn được suy tôn là Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học VN.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Người đã hết lòng chăm lo sự nghiệp Khuyến học – Khuyến tài
Nguyên là một nhà giáo có danh từ cách đây 80 năm tại Trường Thăng Long, do vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết sức ưu ái các trí thức trong ngành giáo dục và có những sự động viên, khích lệ rất đáng trân trọng.
17 năm qua, hàng năm, biết được sự phát triển rộng khắp của phong trào khuyến học khuyến tài trong cả nước có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ở nước ta mà Hội Khuyến học đã gây dựng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rất vui.
Vài năm trở lại đây do sức khỏe Đại tướng yếu nên không đến dự được nhiều sự kiện của Hội Khuyến học như Đại hội đại biểu khuyến học, Đại hội Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, Cuộc thi Nhân tài Đất Việt… nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã luôn gửi thư và lẵng hoa tới chúc mừng và căn dặn: “Bác Hồ là người tiêu biểu nhất cho truyền thống hiếu học của dân tộc. Người luôn quan tâm đến giáo dục, đến khuyến học, khuyến tài, đến việc tạo cơ hội và điều kiện cho mọi người dân đều được học, học thường xuyên, học suốt đời. Người mong muốn “dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái”. Tư tưởng của Bác về học tập, học tập suốt đời phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở nước ta”.
Tâm huyết với vấn đề Học tập suốt đời, Xây dựng Xã hội học tập ở nước ta, Đại tướng đã nhấn mạnh trong thư gửi tới Đại hội đại biểu khuyến học toàn quốc lần thứ III: “Nhân dân ta đang ra sức đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Nhiều lĩnh vực sản xuất sử dụng công nghệ cao theo hướng phát triển kinh tế tri thức. Nước ta hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu. Tình hình đó đòi hỏi từng người dân, từng cán bộ, từng Đảng viên không những phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời, mà còn phải gắn học với hành, và hành phải đảm bảo chất lượng tốt, năng suất cao. Làm được như vậy là chúng ta nghiêm túc học tập và làm theo tư tưởng của Bác, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ”.
Video đang HOT
Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm chúc mừng sinh nhật Đại tướng năm 2007
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ vui mừng về việc sau một số năm nhân dân ta hưởng ứng chủ trương khuyến học, khuyến tài, nhà nước ta đã có quyết định lấy ngày 2/10 là Ngày Khuyến học Việt Nam và Hội ta đã từng bước đưa Tháng 9 khuyến học thành một sinh hoạt toàn dân. Đại tướng tin rằng, Hội Khuyến học sẽ động viên được ngày càng đông đảo các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân, nối tiếp xứng đáng sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, hướng tới mục tiêu xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập.
Với cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, mỗi năm diễn ra Lễ trao giải, Đại tướng đều gửi thư chúc mừng các nhà khoa học và các thí sinh được nhận giải thưởng. Đại tướng mong rằng, các sản phẩm và các công trình nghiên cứu được trao giải sẽ được tiếp tục hoàn thiện và được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội thiết thực.
Mỗi dịp “Nhà giáo Việt Nam”, Đại tướng luôn chúc Hội Khuyến học Việt Nam, chúc các thầy giáo và cô giáo, với tâm huyết và trí tuệ của mình, sẽ đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, để cho nền giáo dục Việt Nam thực sự là cội nguồn của nguyên khí quốc gia, đảm bảo cho mọi nhân cách và tài năng đất Việt được vun đắp và phát huy vì sự trường tồn, sự phát triển tiến bộ và bền vững của đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Tấm gương tận tụy hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điều mà mỗi trí thức, mỗi người dân Việt Nam đều ghi nhận. Một trong những câu nói nổi tiếng của bác Giáp được trí thức ghi nhớ là “Tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó.” (dantri.com.vn, 5/7/2009). Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhằm thống nhất giang sơn, không ai quên được mệnh lệnh kiên cường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, xốc tới quyết chiến quyết thắng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.
Từ khi thành lập đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam đã qua 4 kỳ Đại hội. Đại hội lần thứ nhất ngày 2/10/1996 là Đại hội thành lập Hội. Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân được bầu làm Chủ tịch Hội. Đại hội suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch danh dự của Hội. Đại hội lần thứ II vào 16/6/1999. Đại hội bầu đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng làm Chủ tịch. Đại hội tiếp tục suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch danh dự. Đại hội lần thứ III vào ngày 5/12/2005, Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội. Đại hội tiếp tục suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch danh dự. Đại hội lần thứ IV vào 28/9/2010. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm tái cử giữ chức Chủ tịch Hội. Đại hội suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục là Chủ tịch danh dự của Hội Khuyến học Việt Nam.
Theo Dantri
Nghẹn tiếng khóc tiếc thương nơi quê hương tướng Giáp
Đại tướng đã vĩnh viễn ra đi về với cõi vĩnh hằng, để lại trong lòng mỗi người dân Quảng Bình và đất nước Việt Nam niềm tiếc thương vô hạn. Đại tướng đã không còn nữa nhưng những kỷ niệm về ông luôn in đậm trong trái tim của mỗi người.
Ngay từ sáng sớm, người dân Lệ Thủy đã tập trung rất đông tại ngôi nhà tuổi ấu thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy để thắp hương, chia buồn. Từ lúc nhận tin bác mất, người dân Quảng Bình ai cũng rơi nước mắt khóc thương vị tướng tài, lỗi lạc của cả dân tộc, một người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Bà Võ Thị Lài (cháu gọi Đại tướng bằng bác) xúc động kể: "Sáng nay nhận được điện thoại báo tin từ Hà Nội mà tui không tin đó là sự thật. Trong đầu tôi cứ miên man nghĩ về từng kỷ niệm trong những lần Đại tướng về thăm quê". Nuốt dòng nước mắt nghẹn ngào, bà Lài thuật lại, lần nào về thăm quê, sau khi thắp hương lên bàn thờ gia tiên xong Đại tướng cũng ra mộ viếng các cụ thân sinh, rồi vào nghĩa trang thắp hương lên mộ anh trai. Tiếp theo đó, Đại tướng đi thăm bà con lối xóm, đi đâu cũng dặn dò mọi người phải chăm chỉ làm ăn. Bác yêu cầu người dân An Xá cần giữ gìn nghề làm chiếu cói, phát triển chăn nuôi để ổn định cuộc sống.
Bà Võ Thị Lài (cháu gọi Đại tướng bằng bác) ôm tượng của Đại tướng khóc nức nở.
Vượt gần 50 cây số từ TP Đồng Hới vào huyện Lệ Thủy, ông Nguyễn Thanh Hoanh, nguyên là trợ lý tham mưu công binh, Binh trạm 14, đường 20 - Quyết Thắng (thuộc Binh đoàn Trường Sơn) không ngớt khóc thương. Ông Hoanh cho biết vừa nhận tin buổi sáng và tức tốc vào Lệ Thủy. Ông Hoanh chưa bao giờ quên được kỷ niệm Đại tướng về thăm đơn vị Bộ đội Trường Sơn vào năm 1973. Trong lần vào thăm ấy, Đại tướng động viên cán bộ, chiến sĩ trong toàn đơn vị nêu cao quyết tâm đánh giặc. Kể đến đây, ông Hoanh lại không ngăn được nước mắt.
Ông Nguyễn Thanh Hoanh, nguyên là trợ lý tham mưu công binh, Binh trạm 14, đường 20 - Quyết Thắng (thuộc Binh đoàn Trường Sơn) khóc nghẹn khi nghe tin Đại tướng về cõi vĩnh hằng.
Ông Bùi Hữu Liên (74 tuổi) nghẹn ngào: "Đại tướng là một con người rất đỗi bình dị. Lần nào về thăm quê bác cũng ân cần hỏi thăm bà con lối xóm về tình hình sức khỏe, công việc làm ăn. Bác mong muốn mọi người hãy phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương Lệ Thủy anh hùng".
Nhiều bà con khóc thương khi xem lại những bức ảnh tư liệu của Đại tướng
Ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng.
Nghe tin Đại tướng từ trần, các em nhỏ cũng đến quét dọn, chăm nom khu vực xung quanh nhà Đại tướng.
Đăng Đức - Đặng Tài
Theo Dantri
Khóc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp! Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, người dân làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình bàng hoàng, tiếc thương. Làng xóm khóc thương Đại tướng Trận bão lịch sử vừa quét qua Quảng Bình, làng An Xá cũng như những làng quê khác chịu nhiều thiệt hại, người dân chưa kịp gượng dậy thì nhận hung...