Đại tướng Võ Nguyên Giáp đau đáu hướng về đồng bào Tây Nguyên
Cách đây 35 năm, ngày 28-10-1978, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư cho đồng bào vùng kinh tế mới huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Bức thư ấy không chỉ thể hiện tình cảm yêu thương, lời dặn của Đại tướng mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà quân sự lỗi lạc.
Cũng như bao trái tim đồng bào Việt Nam, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, ông Nguyễn Công Huân – nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp không kìm nổi những giọt nước mắt. Ông lần giở và đọc đi đọc lại từng chữ trong bức thư của Đại tướng: “Thay mặt Bộ Chính trị và Hội đồng Chính phủ, tôi có lời hỏi thăm thân thiết nhất đến toàn thể anh chị em, đến các đảng viên, đoàn viên, cán bộ, đến toàn dân đồng bào vùng kinh tế mới Ea Súp.
Các đồng chí là những người chiến sỹ dũng cảm đã đáp ứng lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, có tinh thần yêu nước và tinh thần làm chủ đất nước cao, lên đây xây dựng quê hương mới, góp phần cố gắng lớn của mình cùng đồng bào các dân tộc xây dựng Tây Nguyên chiến lược giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, vì sự nghiệp Tổ quốc xã hội chủ nghĩa yêu quý của chúng ta. Ea Súp là một địa bàn xung yếu, có tiềm năng về kinh tế, có ý nghĩa về quốc phòng, trước mắt có những thuận lợi nhưng còn những khó khăn phải khắc phục.
Thời gian qua, trong điều kiện khó khăn ấy, đồng bào ta ra sức phấn đấu, không quản gian khổ vì trở ngại, giành được thành tựu về nhiều mặt, đặc biệt là về an ninh chính trị. Trung ương và Chính phủ biểu dương tinh thần ấy, những thành tựu ấy…”.
Bút tích của Đại tướng trong bức thư gửi đồng bào Ea Súp
Trong niềm xúc động, ông Huân nói: “Tôi mong muốn vùng Ea Súp có công trình hoặc tuyến đường mang tên Đại tướng”.
Kể về câu chuyện bức thư của Đại tướng, ông Huân rưng rưng nước mắt: Sau ngày đất nước giải phóng, Đảng và Nhà nước có chủ trương đưa các hộ dân của các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới. Năm 1976, bốn Trung đoàn thanh niên xung phong (khoảng hơn 4.500 người) từ Thái Bình đã vào huyện biên giới Ea Súp lập nghiệp. Những ngày đầu trên quê hương mới, cuộc sống vô cùng khó khăn, họ vừa phải chống lại bọn phản động Fulro, vừa tiến hành đắp đập, khai hoang đất sản xuất.
Video đang HOT
Năm 1978, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có chuyến công tác vào Đắk Lắk. Đại tướng dự định sẽ về Ea Súp để thăm đồng bào vùng kinh tế mới nhưng do yêu cầu công tác Đại tướng phải quay về Hà Nội gấp. Trước khi ra Hà Nội, đêm 28/10, Đại tướng đã viết bức thư gửi đồng bào vùng kinh tế mới Ea Súp. Bức thư sau đó được đọc trước toàn thể Đảng ủy, lực lượng thanh niên xung phong và đồng bào Ea Súp.
Đối với ông Huân và thế hệ thanh niên xung phong lúc bấy giờ cũng như hiện tại, bức thư của Đại tướng là một báu vật. Đó không đơn thuần là tình cảm, lời dặn của Đại tướng mà đã trở thành phương châm hành động ” xây dựng vùng xung yếu này trở thành một trong những địa bàn vừa phát triển về kinh tế vừa vững chắc về quốc phòng của Tây Nguyên, của Tổ quốc”
“Đọc bức thư đó, chúng tôi rất xúc động và thấm thía. Chúng tôi đã hành động đúng theo tinh thần bức thư của Đại tướng” – ông Huân chia sẻ.
Hiện nay, bản gốc của bức thư được ông Huân giao lại cho Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk lưu giữ làm tư liệu. Ngày Đại tướng gửi thư cho đồng bào vùng kinh tế mới đã trở thành dấu mốc đặc biệt trong lịch sử hình thành và phát triển của huyện Ea Súp.
* Vững vàng nơi biên cương
Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, hơn 30 năm qua, đồng bào các dân tộc huyện Ea Súp đã nỗ lực xây dựng, phát triển, từng bước gặt hái được những thành tựu đáng tự hào. Kinh tế phát triển với tốc độ nhanh, tình hình chính trị ổn định, chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Từ một vùng đất hoang vu, Ea Súp đang thay đổi mỗi ngày.
Ông Vũ Đình Trưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho biết: Bằng nhiều nguồn vốn, huyện đã từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội; đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao và áp dụng những tiến bộ của khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên từng bước thay đổi tập tục canh tác lạc hậu, tự cung, tự cấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện năm sau cao hơn năm trước. Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Ea Súp thượng – một trong những công trình thủy lợi lớn nhất ở khu vực Tây Nguyên, biến vùng đất khô cằn trở thành vựa lúa nước lớn nhất của tỉnh.
Hiện nay, huyện đã có gần 10.000 ha lúa nước, với năng suất đạt 71 tạ/ha/vụ, nông dân đã có của ăn của để. Cùng với đó, Ea Súp còn chú trọng phát triển các loại cây lương thực khác như ngô lai, sắn; cây công nghiệp ngắn ngày như đậu, bông… và đưa các cây công nghiệp dài ngày như: điều, xoài, cà phê, cao su, keo lai vào trồng, tạo tiền đề phát triển kinh tế bền vững.
Việc phát triển đàn đại gia súc, gia cầm được huyện chú trọng để phát huy lợi thế của vùng rừng biên giới. Đàn đại gia súc, gia cầm ở Ea Súp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo của địa phương. Nhiều gia đình đã thoát nghèo, trở thành những hộ khá, giàu nhờ phát triển chăn nuôi.
Bên cạnh việc đầu tư cho phát triển sản xuất, Ea Súp cũng rất chú trọng đến công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Đến nay, 100% số xã của Ea Súp có đường ô tô đến trung tâm, 90% số xã có điện lưới quốc gia. Các hoạt động văn hóa – thể thao được mở rộng đến từng cơ sở, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn, gìn giữ và phát huy…
Những thành quả trên là động lực cho Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện vững tin bước tiếp, thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch đã đề ra trong những năm tiếp theo.
Theo TTXVN
Máy bay phục vụ Quốc tang mang số hiệu tuổi và năm sinh của Đại tướng
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam cho hay, 2 chiếc máy bay phục vụ Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ lần lượt mang số hiệu VN103 và VN1911, là tuổi thọ và năm sinh của Đại tướng.
Theo đó, chiếc chuyên cơ ATR72 chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào ngày 13/10 sẽ mang số hiệu VN103 - biểu thị tuổi thọ 103 của Đại tướng. Máy bay Airbus 321 phục vụ tang lễ sẽ mang số hiệu VN1911 - thể hiện năm sinh 1911 của Đại tướng.
Số hiệu VN103 của chuyên cơ ATR72 mang ý nghĩa là tuổi thọ
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đối với ATR72 - chuyên cơ chở linh cữu Đại tướng, đại diện Vietnam Airlines cho biết, máy bay này được sản xuất và đưa vào khai thác năm 2010. Trong khi đó chiếc Airbus 321 được sản xuất và đưa vào khai thác năm 2012.
Quy trình phục vụ chuyến bay được thực hiện chu đáo theo quy định chuyên cơ. Nội dung phát thanh trên chuyến bay cũng được điều chỉnh cho phù hợp với sự kiện đặc biệt về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phi công lái chính của chuyên cơ chở linh cữu Đại tướng tên là Vũ Tiến Thắng. Ông đã từng có 20 năm phục vụ trong quân đội và hiện đang là Đội trưởng đội tàu bay ATR72, thanh tra bay của Cục Hàng không Việt Nam.
Các phi công khác là Phạm Thanh Sơn, Võ Tuấn Dũng đều là những phi công có thâm niên, kinh nghiệm và giờ bay tích lũy lớn.
Mọi hoạt động phục vụ sẽ được tổ bay Vietnam Airlines thực hiện nghi thức chuyên cơ đặc biệt. Mỗi máy bay đều được bố trí đầy đủ lực lượng phục vụ gồm phi công, tiếp viên, kỹ sư kỹ thuật và phục vụ bay.
Riêng tiếp viên phục vụ chuyên cơ vận chuyển linh cữu của Đại tướng có 3 người, tăng cường nhiều hơn các chuyến bay thông thường. Tất cả các tiếp viên hàng không trên 2 chuyến bay này đều là nam. Các tiếp viên sẽ mặc đồng phục bay, đeo cà vạt và băng tang màu đen.
Theo Dân Trí
Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và quyết định "sinh tử" trong đời cầm quân Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã phải đứng trước một quyết định cực kỳ khó khăn là đổi phương châm tác chiến từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang "Đánh chắc, tiến chắc". Đây là một quyết định mà nửa thế kỷ sau, khi tiếp xúc với báo chí phương Tây, ông đã thổ lộ là "khó khăn...