Đại tướng giữa lòng dân
Gần nửa thế kỷ trường chinh kháng chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống trong lòng dân, được dân bao bọc. Khi về với đất mẹ, biển người tiễn đưa ông.
Quốc tang chính thức bắt đầu khi cờ rủ được treo trưa 11/10, song người dân dọc chiều dài đất nước đã bày tỏ nỗi tiếc thương như mất đi người thân từ 18h9 ngày 4/10 – thời khắc Đại tướng nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng.
Trên con đường linh cữu Đại tướng đi qua hàng người xếp hàng dài tới 40 km. Ảnh: Phương Phương.
Lễ viếng diễn ra vào 12/10 – một ngày trước khi Hà Nội và cả nước tiễn người anh hùng dân tộc về với đất mẹ. Dù đã đến nhà riêng, tưởng niệm ông suốt nhiều ngày trước đó, hàng triệu lượt người vẫn đổ đến Nhà tang lễ Quốc gia. Khắp mọi miền Tổ quốc, từ người già tới trẻ nhỏ, thậm chí cả người nước ngoài cũng về Hà Nội để tiễn vị tướng đã đưa đất nước ra khỏi chiến tranh bằng chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khi đồng hồ điểm 24h ngày 12/10, cánh cổng nhà tang lễ khép lại, họ vẫn lặng lẽ xếp hàng trong đêm, mong mỏi được nhìn lần cuối vị anh hùng.
Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời – năm 1969, lại có thêm một lễ viếng với một biển người lớn như thế. Họ đứng cạnh nhau trong nỗi đau chung. Có những thanh niên dân tộc ở Cao Bằng, phải bán cả vật nuôi để làm lộ phí, xuống thủ đô từ nửa đêm, mang theo nỗi tiếc thương được cả bản làng gửi gắm. Có phụ nữ bán hàng rong bỏ việc nhiều ngày, lặng lẽ xếp hàng để được viếng Đại tướng. Họ nói, làm việc thì còn cả đời, nhưng nếu không đến đây, sẽ chẳng còn cơ hội để bày tỏ sự biết ơn và ngưỡng mộ đối với Đại tướng. “ Sự ra đi của Đại tướng là lúc người dân bỗng nhiên xích lại gần nhau và hơn bao giờ hết người ta lại cảm nhận rõ ý nghĩa thân thương của hai chữ: lòng dân”, một nhà sử học chia sẻ.
Tiễn đưa Đại tướng là hàng triệu người với nước mắt thấm đẫm trên gương mặt người già, trẻ nhỏ, cựu binh… Ảnh: Nick M.
Nếu như lễ viếng là ngày thủ đô tiễn biệt vị anh hùng dân tộc thì lễ truy điệu và an táng là ngày Quảng Bình đón trở lại người con đã hàng chục năm sống xa cách. Cảm xúc của người dân dâng lên đến đỉnh điểm ở cả Hà Nội, trung tâm đất nước, và Quảng Bình – nơi Đại tướng chọn an nghỉ.
Trong chặng cuối rời xa cõi tạm, Đại tướng đã không cô độc. Trên đoạn đường hơn 40 km từ Nhà tang lễ tới sân bay Nội Bài, người dân xếp thành hàng dài chen kín bên đường. Nhiều người đã quỳ gối, đã khóc nức nở trước địa chỉ 30 Hoàng Diệu khi Đại tướng về qua nhà lần cuối. Giữa những tiếng nấc, người ta gọi ông là Thánh. Ngay khi đoàn xe đã khuất, ở chân Cột cờ Hà Nội, phố Lý Thường Kiệt nhiều người hô to: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm”.
Thanh Tùng – một phóng viên tham gia đưa tin lễ truy điệu chia sẻ trên Facebook: “Xe linh cữu đi đến đâu, người dân quỳ lạy đến đó. Người dân khóc, thanh niên tình nguyện nức nở, bác dân phòng dập đầu cúi lạy, còn chiến sĩ công an, bộ đội canh gác hai bên mắt đỏ hoe… Đến những người làm truyền hình cũng buông máy, khóc như một đứa trẻ. Có lẽ, đây là lần đầu và cũng là lần cuối tôi được quay những tư liệu đặc biệt như thế”.
Video đang HOT
Nhiều chiến sĩ an ninh đã bật khóc giữa dòng người chung cảm xúc. Ảnh: Phan Dương.
Không được trực tiếp nhìn thấy linh cữu Đại tướng, người dân TP HCM phải theo dõi lễ truy điệu qua màn cầu truyền hình. Thế nhưng, đôi mắt của hàng nghìn người dân ở Hội trường Dinh Thống Nhất vẫn mọng nước. Qua những câu chuyện của các cựu binh, hình ảnh vị tướng hiện lên rõ nét. Nhiều ngườiđã quỳ xuống khi hình ảnh Đại tướng được di quan xuất hiện trên truyền hình. Hàng nghìn học sinh truyền tay nhau dải băng tang, thắp hương tưởng niệm.
Suốt quãng đường 70 km từ sân bay Đồng Hới về Vũng Chùa – Đảo Yến, dòng người chật kín như nêm. Nếu hôm 11/10 người Quảng Bình dầm mưa tưởng niệm Đại tướng thì hai ngày sau, họ kiên mình dưới nắng cháy miền Trung để chờ đợi linh cữu đi qua. Khu an nghỉ của Đại tướng trở nên chật hẹp khi biển người khắp mọi miền Tổ quốc đổ về đưa tiễn.
Nhân dân, chiến sĩ mang theo hoa và di ảnh của Đại tướng, đứng dọc hai bên lối lên phần mộ và cả một khu vực rộng ở chân núi Thọ Sơn.
Dòng người tỏa đến khu vực Vũng Chùa khiến đoạn đường dài trên quốc lộ tắc nghẽn. Người dân Quảng Bình nói, họ đã quen với đau thương vì năm nào cũng bị thiên nhiên tàn phá. Nhưng nỗi đau mất Đại tướng là mất mát quá lớn. Nước mắt cứ lăn dài trên gương mặt khắc khổ của những người dân vừa hứng chịu sự tàn phá của cơn bão Wutip.
Đoàn người nối dài suốt hàng trăm cây số tiễn biệt Đại tướng chính là chiến thắng cuối cùng của ông – không chỉ bằng tài năng quân sự mà bằng khả năng thu phục lòng người.
Người dân Việt Nam nghiêng mình trước một nhân cách lớn. Một nhà báo viết trên mạng xã hội: Dân đã chọn thì không sai.
Trong bài phát biểu đáp từ tại lễ truy điệu, con trai cả của Đại tướng, ông Võ Điện Biên nói: “Tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của hàng trăm, hàng chục triệu người dân nước Việt, biến thành sức mạnh vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng”.
Hoàng Thùy
Theo VNE
Hàng nghìn người đổ về mộ phần Đại tướng
Sáng nay, hàng nghìn người dân tiếp tục đổ về cầu nguyện tại núi Mũi Rồng, nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sáng nay, núi Mũi Rồng không còn cảnh biển người chen chân như hôm qua. Tiếng chuông chùa vang lên đều đặn cầu siêu cho Đại tướng. Hàng nghìn vòng hoa, câu đối được xếp kín dọc các bậc tam cấp dẫn lên khu mộ.
Đêm qua, các thủ tục an táng đã hoàn tất, tuy nhiên ngôi mộ chưa được ốp đá mà mới chỉ đắp phần đất phía trên. Gia đình Đại tướng và ban tổ chức tang lễ đã đồng ý để người dân được đến sát bên phần mộ thắp hương cầu nguyện cho ông.
Đầu giờ sáng, hàng nghìn người dân, tăng ni phật tử... tiếp tục đổ về Vũng Chùa để tận mắt nhìn thấy nơi an nghỉ cuối cùng của vị tướng.
Nhiều người dân hôm qua không thể đến tiễn đưa Đại tướng, hôm nay đã vào Vũng Chùa thật sớm để viếng.
Họ đứng cầu nguyện rất lâu.
Sụp lạy bên mộ Đại tướng.
Nhà ở ngay xã Quảng Đông, cách nơi an táng Đại tướng an nghỉ chừng 4km nên vợ chồng ông Nguyễn Xuân Tùng (65 tuổi) là những người đến thắp hương đầu tiên. Ông Tùng bảo, người Vũng Chùa tự hào khi được Đại tướng chọn làm nơi yên nghỉ. "Chúng tôi sẽ đến đây hương khói và chăm sóc phần mộ cho bác Giáp thay cho đồng bào chiến sĩ cả nước", ông Tùng tâm sự.
Gần trưa, một chiếc trực thăng của không quân Việt Nam hạ cánh xuống Vũng Chùa.
Chiếc chuyên cơ chở theo đoàn cán bộ Bộ Quốc phòng do Trung tướng Nguyễn Quốc Khánh, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, dẫn đầu về kiểm tra công tác an ninh khu vực an táng.
Hầu hết các gia đình ở Vũng Chùa đều lập bàn thờ tưởng nhớ Đại tướng. Nhiều nhánh hoa rừng được đặt trước di ảnh ông.
Lê Hoàng
Theo VNE
Hành trình về đất mẹ Đúng 7 giờ 30, linh cữu Đại tướng được di chuyển lên cỗ linh xa. Lễ chuyển linh cữu được cử hành theo nghi thức trang trọng nhất của quân đội, với đội danh dự đại diện cho ba quân chủng: hải quân, lục quân và không quân. 7 giờ 40, đoàn xe bắt đầu chuyển bánh, đưa linh cữu Đại tướng đi...