Đại tá Việt Nam: 2 lớp phòng hộ, xe tăng sẽ “bất khả xâm phạm”?
Xe tăng T-90 của Nga được đánh giá là có hệ thống bảo vệ tốt nhất thế giới hiện nay và thực tế chiến trường Syria thời gian qua đã chứng minh hiệu quả gần như hoàn hảo.
Đã có nhiều giải pháp mà người ta áp dụng nhằm nâng cao khả năng phòng hộ cho xe tăng. Trong đó, sự kết hợp giữa giáp phản ứng nổ với hệ thống bảo vệ chủ động được xem là khả dĩ nhất.
Trước sự phát triển như vũ bão của các loại vũ khí chống tăng, xe tăng có lúc tưởng chừng như đã hết thời. Tuy nhiên, các nhà chế tạo xe tăng cũng đã rất tích cực nghiên cứu tìm ra nhiều giải pháp nhằm khắc chế dẫn đến vô hiệu hóa những đối thủ của mình.
Trong các giải pháp đó thì công thức “Giáp phản ứng nổ Hệ thống bảo vệ chủ động” tỏ ra hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, nó có thể trở thành tấm lá chắn “bất khả xâm phạm” cho xe tăng hay không thì còn câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
Giáp phản ứng nổ- người cận vệ trung thành
Thoạt đầu, để tăng cường khả năng phòng hộ (tự bảo vệ) của xe tăng người ta chỉ còn có cách là tăng độ dày vỏ giáp hoặc nâng cao chất lượng vỏ giáp. Tuy nhiên, không thể tăng độ dày của giáp một cách vô hạn được vì nó sẽ ảnh hưởng đến kích thước, trọng lượng và khả năng cơ động của xe.
Trong khi đó, với những cải tiến sâu sắc, khả năng xuyên của các đầu đạn lõm lại tăng lên một cách đáng sợ – đến vài trăm milimét thép đồng chất. Vì vậy, người ta phải tìm giải pháp khác và giáp phản ứng nổ (ERA) đã ra đời.
Tuy nhiên, ban đầu việc sử dụng giáp này bị bỏ qua vì nó ảnh hưởng đến sinh lực bộ binh đi cùng xe tăng. Nhưng càng ngày, thực tế chiến tranh càng cho thấy sự cần thiết của ERA, và chính người Israel đã chế tạo rồi đưa ERA vào sử dụng trong chiến trận lần đầu năm 1982.
Kết quả cho thấy chúng rất hữu dụng. Từ đó, ERA được nhiều nước chấp nhận sử dụng.
Xe tăng Merkava MK4 của Israel.
Về cơ bản, ERA gồm nhiều phần tử nổ, ngọi là “ngói ERA”. Các phần tử nổ bao gồm thuốc nổ mạnh chứa trong các khối hộp có vỏ bọc bằng thép và có nắp đậy là thép cường độ cao. Các khối này được lắp thành hình chữ V úp vào sườn tháp pháo và lắp phủ trên thành xe.
Cho đến nay, hầu hết các xe tăng hiện đại trên thế giới đều được lắp ERA. Căn cứ vào thời gian chế tạo, ứng dụng và nguyên lý làm việc của chúng người ta phân ra thành 3 thế hệ ERA:
Thế hệ thứ nhất:
Thế hệ giáp phản ứng nổ đầu tiên có Bleyzer của Israel và Kontakt-1 của Nga. Kontakt-1 sử dụng chất nổ 4S20 được đặt trong 2 ngăn, ở 2 góc độ khác nhau nhằm tạo ra góc tương tác đạt hiệu quả tối đa với đạn chống tăng chủng xuyên lõm.
Hiệu quả tác động của ERA thế hệ này chủ yếu phụ thuộc vào góc tiếp xúc giữa đầu quả đạn với luồng xuyên lõm tạo ra từ vật liệu nổ. ERA thế hệ này có tác dụng khá tốt đối với đạn xuyên lõm song kém hiệu quả đối với đạn xuyên dưới cỡ.
Thế hệ thứ hai:
Thế hệ giáp phản ứng nổ thứ hai xuất hiện vào đầu những năm 1980. Chúng có khả năng chống lại đạn xuyên động năng loại mới (APDS) với sức công phá lớn vượt quá mức độ bảo vệ của bất kể loại giáp hỗn hợp thụ động nào. Trong số giáp phản ứng nổ thế hệ 2 của Nga nổi tiếng có Kontakt-5 sử dụng vật liệu nổ cực mạnh 4S22.
Năm 1990, thử nghiệm của khối NATO chỉ ra rằng, giáp phản ứng nổ Kontakt-5 của Liên Xô trang bị trên tăng T-72 là bất khả xâm phạm. Vào thời điểm đó, đạn chống tăng của khối NATO đứng đầu là Mỹ có M-829 với lõi Uran nghèo là mạnh nhất, nhưng nó lại bị vô hiệu hóa trước Kontakt-5.
Thế hệ thứ ba:
Thế hệ giáp phản ứng nổ tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới thuộc thế hệ 3, chúng được trang bị trên các dòng xe tăng hiện đại dẫn đầu thế giới như như Leclerc (Pháp), Type-90 (Nhật), K1A1 Type-88 (Hàn quốc), Merkawa Mark4 , M1A2 Abram (Mỹ) và Nga là T-90M.
Xe tăng M1A2 SEP V2 của Mỹ.
Video đang HOT
Giáp phản ứng nổ thế hệ 3 của Nga với tên gọi Relikt trang bị trên T-90M có nền tảng là phần tử phản ứng nổ mới 4S23 sử dụng thành phần chất nổ hoàn toàn mới, hoạt động hiệu quả chống được cả các loại đạn lõm hiện đại và tương lai, trong đó có đạn tandem (2 lượng nổ), cũng như chống được đạn xuyên giáp dưới cỡ.
Tuy nhiên, theo những thông tin mới nhất thì rất có thể một thế hệ mới của ERA đã ra đời. Đó là loại ERA do Nga chế tạo và được trang bị cho xe tăng T-14 Armata. Nó có nhiều cải tiến và ưu điểm vượt trội so với tất cả các loại ERA trước đây.
Theo lời người phát ngôn của cơ sở chế tạo thì: “Nó không có địch thủ tương tự trên thế giới”. Tuy nhiên, tên gọi của giáp này và các tính năng của nó vẫn đang trong vòng bí mật.
Hệ thống bảo vệ chủ động – tấm khiên che chắn từ xa
Không chỉ nghiên cứu tăng cường sức phòng hộ cho xe tăng một cách thụ động như trên, các nhà sản xuất còn nghiên cứu chế tạo thêm hệ thống bảo vệ chủ động cho nó bằng cách phá hủy hoặc “lái” các đầu đạn chống tăng đi hướng khác, không cho chúng chạm đến xe tăng.
Có thể ví von hệ thống này như một chiếc khiên bao bọc lấy xe tăng, tạo ra một bán cầu an toàn xung quanh nó.
Nhìn chung, mỗi hệ thống bảo vệ chủ động thường là kết hợp của ba thành phần chủ yếu:
Một là các thiết bị cảm biến, có khả năng phát hiện các mối đe dọa từ tên lửa, đạn pháo, lựu phóng… của đối phương đang hướng đến xe tăng và cung cấp các thông số này cho hệ thống xử lý. Ngoài ra, nó có thể giúp cho kíp xe phát hiện được vị trí ẩn nấp của đối phương.
Hai là, phải có hệ thống tự động xử lý dữ liệu nhằm xác định được quỹ đạo đường đạn, tốc độ bay và góc tiếp xúc của đầu đạn v.v… Trên cơ sở đó lựa chọn và kích hoạt các biện pháp đối phó.
Ba là, phải có các biện pháp đối phó hiệu quả nhằm phá hủy hoặc vô hiệu hóa mối đe dọa. Tùy theo biện pháp đối phó này mà người ta chia hệ thống bảo vệ chủ động thành hai kiểu: bảo vệ cứng và bảo vệ mềm.
Bảo vệ cứng là biện pháp dùng các viên bi hoặc mảnh kim loại bắn về phía tên lửa chống tăng (TLCT) hoặc đầu đạn chống tăng đang bay đến để phá hủy hoặc làm giảm động năng của chúng khi chúng cách xe tăng từ 7- 10 mét. Hệ thống này có thể ngăn chặn đối với mọi loại đạn và TLCT.
Bảo vệ mềm là loại hệ thống sử dụng các biện pháp nhằm gây nhiễu hoặc làm mù xạ thủ đối phương, làm thay đổi quỹ đạo bay của TLCT… được thiết kế để chống lại hoạt động chỉ thị mục tiêu bằng laser, dẫn đường cho TLCT dẫn bằng laser bán chủ động hoặc TLCT có đầu tự dẫn.
Các xe tăng có thể áp dụng kết hợp cả hai loại bảo vệ cứng và mềm hoặc từng loại một.
Hệ thống bảo vệ chủ động kiểu cứng đầu tiên trên thế giới được Liên Xô nghiên cứu và chế tạo những năm 70 thế kỷ trước là Dzort.
Hệ thống này được lắp cho các xe tăng T-55AD từ những năm 80 và đã được thử thách ở chiến trường Afghasintan, đã loại bỏ đên 80% các loại tên lửa và đạn phóng lựu chống tăng bắn tới.
Tuy nhiên, thiết bị này có nhược điểm là phòng thủ trên nóc yếu và chùm đạn bắn ra lớn có thể ảnh hưởng đến bộ binh đi cùng. Vì vậy, người Nga tiếp tục cải tiến và cho ra đời hệ thống phòng thủ tích cực ARENA có nhiều điểm ưu việt hơn.
Hiện nay, ARENA đã được sử dụng cho hầu hết các xe tăng và xe bọc thép hiện đại như T-80, T-90, BMP-3… Ngoài ra, có phiên bản ARENA-E dành cho xuất khẩu và Hàn Quốc là khách hàng đầu tiên của mặt hàng này.
Tiếp nối người Nga là Israel cũng rất chú trọng nghiên cứu chế tạo hệ thống phòng thủ tích cực. Xuất phát từ chiến tranh Lebanon năm 2006, hơn 40 xe tăng của Israel đã bị tiêu diệt bởi tên lửa chống tăng.
Ngoài ra, hàng năm có rất nhiều xe tăng bị tiêu diệt khi đang làm nhiệm vụ bởi các súng chống tăng cá nhân RPG được các tay súng của phiến quân Hezbollah sử dụng. Điều này đã dẫn đến nỗ lực phát triển một hệ thống bảo vệ chủ động APS (Active Protection Systems) cho các xe tăng và xe thiết giáp.
Và Rafale Trophy ASPRO-A ra đời là kết quả sự nỗ lực nghiên cứu của giới khoa học quân sự nước này. Xe tăng Merkava Mk-4 vốn đã nổi tiếng bởi hệ thống giáp bảo vệ tuyệt hảo, nay được trang bị thêm hệ thống bảo vệ chủ động APS đã biến chúng thành một trong những loại xe tăng bất khả chiến bại.
Xe tăng T-14 Armata mới nhất của Nga.
Người Mỹ lúc đầu có phần coi nhẹ các giải pháp này nên không quan tâm cho lắm. Khi nhận thấy tác dụng của nó họ đã đề nghị mua lại của Nga hệ thống ARENA song không được chấp nhận.
Gần đây, quân đội Mỹ cũng đã đặt hàng hãng Sander (thuộc công ty Lockheed Martin) nghiên cứu chế tạo Thiết bị phản ứng chống tên lửa AN VLQ-8A. Thiết bị này có khả năng chống lại hầu hết TLCT có điều khiển cho các loại xe tăng, xe thiết giáp.
Hơn 1.000 hệ thống đã được giao cho quân đội Mĩ. Hệ thống này thường được đặt trên nóc tháp pháo xe tăng Abrams. Tuy nhiên, các thông tin chi tiết về thiết bị này vẫn còn được giữ kín.
Về hệ thống bảo vệ chủ động kiểu mềm hiện nay mới chỉ có người Nga nghiên cứu và chế tạo thành công. Nó được gọi là hệ thống cảnh báo và đối kháng quang-điện tử Shtora-1 TShU-1-7, được thiết kế để phá hoại sự chỉ thị mục tiêu bằng laser và dẫn đường cho TLCT dẫn bằng laser bán chủ động.
Hệ thống Shtora-1 cũng bao gồm ba thành phần chủ yếu như trên, tuy nhiên biện pháp xử lý của thiết bị này là “mềm” – nghĩa là không phá hủy đầu đạn hoặc TLCT mà chỉ “lái” cho nó lệch đi hoặc bị “mù” trong một thời gian.
Trước hết, Shtora-1 liên tục phát ánh sáng hồng ngoại công suất lớn từ hai đèn pha nằm hai bên pháo để gây nhiễu cho các đầu tự dẫn của TLCT.
Khi các cảm biến của hệ thống phát hiện mình đã bị định vị bởi laser hoặc TLCT đang hướng tới mình thì máy tính sẽ tính toán xác định các thông số về quỹ đạo của tên lửa và sẽ phát lệnh phóng các quả đạn khói về phía đó tạo thành một màn khói cách xe khoảng 70 mét che kín xe tăng.
Khi gặp màn khói này, tín hiệu điều khiển bằng laser sẽ bị vô hiệu hóa và đầu đạn sẽ chỉ còn bay theo quỹ đạo thông thường của nó mà thôi. Trong khi đó xe tăng tiếp tục cơ động và đã di chuyển tới vị trí khác.
Ngoài ra, màn sương này cũng làm “mù” các thiết bị ngắm bắn bằng quang học. Hiện hệ thống này được lắp đặt trên xe tăng T-90 của Nga và một số T-80UK, T-80U, T-84 của Ukraine. Tuy nhiên T-90 “Bhisma” của Ấn Độ lại không được trang bị Shtora.
Tiến xa thêm một bước nữa, người Nga lại cho ra đời hệ thống bảo vệ chủ động Afganit với nhiều điểm ưu việt hơn nữa lắp trên xe tăng T-14 Armata. Người ta cho rằng thiết bị này sẽ bảo vệ được xe tăng cho dù TLCT tiến công từ bất cứ phương tiện mang nào, từ bất cứ hướng nào.
Với việc được trang bị cả ERA loại Relikt, ARENA và Shtora-1, xe tăng T-90 của Nga được đánh giá là có hệ thống bảo vệ tốt nhất thế giới hiện nay.
Chúng ta hãy hình dung để tiêu diệt được nó, đầu đạn chống tăng hoặc TLCT phải vượt qua 3 vòng bảo vệ trước khi tiếp cận được lớp giáp thật. Vòng 1 là các can nhiễu đánh lạc hướng và màn khói gây “mù” của Shtora-1.
Xe tăng T-90 của Nga.
Vượt qua được vòng 1 rồi thì nó sẽ bị các chùm nổ mảnh của ARENA bắn phá. Có thể nói hầu hết đầu nổ lõm sẽ nổ ở đây, còn các đầu đạn khác sẽ bị giảm động năng. Tiếp đó, chúng sẽ bị cản trở bởi giáp phản ứng nổ ERA.
Sóng nổ của ERA sẽ phá hủy hoặc làm thanh xuyên chệch hướng đi nên khó có thể xuyên qua được lớp giáp thật của xe. Thực tế chiến trường Syria thời gian vừa qua đã chứng tỏ hiệu quả của hệ thống bảo vệ này.
Và có lẽ cũng chính vì ưu điểm này mà một số quốc gia chọn T-90 làm nòng cốt để từng bước hiện đại hóa lực lượng xe tăng của mình trong thời gian tới.
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại có thể nói sự kết hợp giữa giáp phản ứng nổ hiện đại với Hệ thống bảo vệ chủ động (cả cứng và mềm) dường như đã trở thành tấm lá chắn “bất khả xâm phạm” cho xe tăng và góp phần trả lại vị thế của nó trên chiến trường.
Tuy nhiên, “vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn”. Chắc chắn những nhà chế tạo vũ khí chống tăng sẽ không chịu ngồi yên thúc thủ. Và kết quả cuộc đấu này ra sao câu trả lời sẽ chỉ có trong tương lai.
(Theo Soha News)
Giới Ngoại giao và Quân sự Nga mâu thuẫn về Cam Ranh
Các quan chức ngoại giao và giới học giả Nga không đồng tình với phát biểu của giới chức quốc phòng nước này về vấn đề Nga trở lại Cam Ranh.
Việt Nam không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự
Bài viết trên hãng thông tấn đa phương tiện và phát thanh Sputnik Nga cho biết, ngày 13/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã tuyên bố rằng, lập trường nhất quán của Việt Nam là "không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam".
"Lập trường nhất quán của Việt Nam là không liên minh quân sự, không liên minh với nước nào để chống lại nước thứ ba và cũng không cho nước nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Tất cả các luận điểm tôi đã nêu là không thay đổi" - ông Lê Hải Bình nói.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam cho biết, trong thời gian, qua quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Nga cũng như với các đối tác lớn khác trên thế giới đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ.
Việt Nam luôn thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển hợp tác với tất cả các đối tác trên cơ sở cùng có lợi, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.
Các chuyên gia Nga lưu ý rằng, tuyên bố này đã được đưa ra trong bối cảnh cuộc tranh luận của giới truyền thông Nga về việc Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đang xem xét khả năng "quay trở lại" Cuba và Việt Nam, nơi trước đây đã có căn cứ quân sự Liên Xô (Nga).
Đây là điều mà Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Nikolai Pankov đã đề cập đến hồi tuần trước, trong buổi điều trần trước Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga về việc nước này sẽ lập căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartous, thuộc tỉnh Latakia của Syria.
Hai tàu chiến Nhật Bản Ariake (DD109) và Setogiri (DD156) sang thăm cảng Cam Ranh ngày 12/4/2016
Thứ trưởng Nikolai Pankov công bố trước Hạ viện Nga rằng, Bộ Quốc phòng Nga đang xem xét khả năng trở lại căn cứ quân sự ở các nước đã từng bố trí trong thời Liên Xô như Việt Nam và Cuba. "Chúng tôi nhìn thấy vấn đề quan trọng này và đang tiến hành công việc đó" - ông Pankov nói.
Tiếp theo đó, Phó Chủ tịch đảng "Nước Nga công bằng" Oleg Nilov phát biểu trong phiên họp của Duma Quốc gia Nga về việc phê chuẩn Hiệp định với Syria về triển khai nhóm Không quân Nga vô thời hạn rằng, Nga nên trở lại các căn cứ quân sự ở Việt Nam và Cuba.
"Nếu cần thiết, thì những căn cứ như vậy, cần trở lại cả ở Việt Nam và Cuba. Nếu người ta không muốn nói chuyện với chúng ta bằng ngôn ngữ ngoại giao, thì chúng ta sẽ đấu tranh với các mối đe dọa trên thế giới. Điều đó áp dụng trước hết với những tổ chức tân phát-xít Nhà nước Hồi giáo IS và tất cả những kẻ bảo trợ chúng" - ông Oleg Nilov nói.
Bộ ngoại giao Nga không hài lòng về phát ngôn của Bộ quốc phòng
Trong một cuộc phỏng vấn với "Sputnik", một quan chức có thẩm quyền muốn ẩn danh của Bộ Ngoại giao Nga bình luận về cuộc tranh luận này như sau, giới truyền thông Nga không cần phải xôn xao, bởi "không có gì mới, không có gì giật gân trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam".
Cảng Cam Ranh đã từng được 2 cường quốc lớn nhất thế giới sử dụng. Năm 1965, sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã cho phép Mỹ sử dụng Cam Ranh làm căn cứ quân sự. Đến năm 1972, Mỹ bàn giao căn cứ này cho quân đội Sài Gòn.
Sau đó, quân cảng nằm ở vị trí trọng yếu bên bờ Biển Đông này là địa điểm mà hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Liên Xô (sau này là Nga tiếp quản) thuê làm căn cứ quân sự trong 24 năm, từ 1979 đến 2002.
Năm 2002, Nga đã quyết định rút khỏi căn cứ quân sự Cam Ranh và sau đó Việt Nam đã tuyên bố rằng, ở Việt Nam sẽ không có các căn cứ quân sự nước ngoài. Lập trường nhất quán của Việt Nam là cơ sở hạ tầng của các căn cứ phải được sử dụng vì lợi ích của đất nước.
Từ đó, lập trường nhất quán của Nga khi bàn bạc về hợp tác quốc phòng giữa hai nước, đặc biệt là về cảng Cam Ranh và Biển Đông cũng dựa trên quan điểm mà Việt Nam đã công bố.
Do đó, tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Nikolai Pankov về việc Bộ quốc phòng Nga đang xem xét khả năng quay trở lại các căn cứ cũ, ví dụ như ở Việt Nam là đáng ngạc nhiên, bởi vì giới chức lãnh đạo Nga không ai đặt ra vấn đề như vậy.
Nhà khoa học chính trị, Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Vladimir Kolotov cũng nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik rằng, Việt Nam hoạt động theo phương châm chiến lược nhất quán của mình là bảo vệ các lợi ích quốc gia, dựa trên những nguyên tắc chủ đạo bất biến.
Trước đây, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định chính sách "ba không": Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
Căn cứ Cam Ranh đã từng được cả Liên Xô và Mỹ sử dụng
Việt Nam đã nghiêm túc thực thi chính sách này nhằm tăng cường bảo vệ chủ quyền quốc gia. Về mặt này Việt Nam có ưu thế nổi bật so với các nước láng giềng, ví dụ như Thái Lan, Philippines, mà trên lãnh thổ các nước đó có bố trí các căn cứ quân sự Mỹ.
Việt Nam không cho nước nào bố trí căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước mình và chỉ sử dụng cơ sở hạ tầng ở Cam Ranh để cung cấp hậu cần cho các tàu chiến nước ngoài hoạt động ở Biển Đông và Thái Bình Dương, các tàu chiến Nga cũng được cấp dịch vụ sửa chữa kỹ thuật, nạp nguyên liệu.
Tàu chiến của Mỹ và những quốc gia khác như Nhật Bản và thậm chí là cả Trung Quốc khi tiến hành các hoạt động trên Biển Đông cũng được mời cập cảng này, nếu đạt được các thỏa thuận với phía Việt Nam.
Gần đây các tàu hải quân của một số nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia đã đến thăm hỏi, giao lưu với hải quân Việt Nam tại Cam Ranh. Khu trục hạm USS John S. McCain và tàu tiếp liệu USS Frank Cable của Mỹ hồi đầu tháng 10 cũng đã lần đầu tiên ghé thăm Cam Ranh.
Vì vậy, không có thông tin gì giật gân từ phát biểu của Bộ Ngoại giao Việt Nam như tin đưa trên các phương tiện truyền thông thế giới, tất cả mọi việc đang diễn ra như bình thường như nó vốn có.
Chỉ có việc không hiểu tại sao giới chức lãnh đạo quân sự không chú trọng tới đường lối chính trị mà Việt Nam đang thực thi trong những năm qua. Đáng lẽ Bộ quốc phòng Nga nên kiềm chế không đưa ra những tuyên bố mà chưa thống nhất với Bộ Ngoại giao.
Theo Đất Việt
Trung Quốc đã xây ít nhất 24 gara máy bay tại Trường Sa của Việt Nam Tờ Minh báo của Hong Kong ngày 10/10 đưa tin, những bức ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đã xây dựng hàng chục gara máy bay với các loại kích cỡ khác nhau tại đá Xu Bi và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các tàu nạo vét của Trung Quốc trong các vùng nước...