Đại tá, luật sư Lê Ngọc Khánh: “Bà Phương Hằng nêu nghi vấn về từ thiện chưa được minh bạch là tốt, nhưng soi mói quá sâu vào đời tư nghệ sĩ”
“Mục đích của từ thiện là làm việc tốt, việc tử tế, vậy tại sao lại không minh bạch, công khai?”, Đại tá, Tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh nói.
Hôm 2/10, tại cuộc họp báo Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Bộ Công an đã nhận được tin báo, tố giác tội phạm và đơn tố cáo liên quan đến một số cá nhân trong hoạt động gây quỹ, quyên góp từ thiện, tài trợ trong đợt bão lũ ở miền Trung năm 2020.
Theo tướng Xô, hiện Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát Hình sự phối hợp với các ngân hàng để rà soát, xác định những tài khoản đã huy động từ thiện, nhằm làm rõ việc tiếp nhận quyên góp và quá trình giải ngân.
Bên cạnh đó, Cục Cảnh sát Hình sự cũng phối hợp với UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc một số tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… để xác minh, làm rõ số tiền, hàng mà các cá nhân đã cứu trợ, từ thiện ở các địa phương đó. Cơ quan công an đã mời một số cá nhân, tổ chức làm việc và đề nghị cung cấp thông tin.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá, Tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh về các “ồn ào” từ thiện trong thời gian qua.
“Muốn làm từ thiện tốt trước hết chúng ta phải có tâm”
PV: Ông đánh giá như thế nào sự vào cuộc của Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an liên quan tới các “ồn ào” từ thiện vừa qua?
Đại tá, luật sư Lê Ngọc Khánh: Tôi thấy rất hợp lý, đáp ứng được nguyện vọng đòi hỏi của số đông người dân. Trước những “lùm xùm” dư luận và ý kiến phản ánh của nhân dân suốt một thời gian dài thì tại sao công an không vào cuộc? Tôi nghĩ rằng họ phải nắm bắt thông tin từ lâu vì những “lùm xùm” không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn làm mất an ninh trật tự.
Theo tôi, cái mà Bộ Công an cần làm bây giờ là nhanh chóng đưa ra một kết luận minh bạch, công khai để trả lời cho dư luận rằng “ai đúng, ai sai” và một số nghệ sĩ làm từ thiện có chiếm đoạt tiền, tài sản của “mạnh thường quân” gửi gắm hay không.
PV: Một số nghệ sĩ trước áp lực dư luận vừa rồi đã làm sao kê, việc làm này chứng minh điều gì thưa ông?
Đại tá, luật sư Lê Ngọc Khánh: Sao kê vừa rồi của các nghệ sĩ là cần thiết, rất tốt, nhưng chưa đầy đủ đâu. Việc sao kê chỉ phản ánh một phần sự minh bạch thôi. Sao kê chỉ chứng minh được quá trình đầu vào và đầu ra qua ngân hàng. Nhưng khi đã ra khỏi ngân hàng rồi thì làm sao có thể kiểm soát được?
Tôi lấy ví dụ một cá nhân vận động quyên góp chuyển qua ngân hàng được 100 tỷ đồng, rút ra 100 tỷ từ ngân hàng nhưng sau khi rút ra thì tiêu vào việc gì, tiêu cho ai thì ai biết? Vì vậy, chi cho ai, chi việc gì cần có danh sách, có ký nhận đầy đủ. Cho nên sau khi rút tiền từ ngân hàng ra thì tiêu cho ai, làm gì phải hết sức rõ ràng!
Các cụ nói “cây ngay không sợ chết đứng”. Tôi đã từng đi làm từ thiện, cũng kêu gọi quyên góp, nhưng chúng tôi không bao giờ cầm tiền mà chuyển cho các đơn vị chức năng địa phương nơi cần hỗ trợ.
Chúng tôi chỉ kiểm soát bằng các thông tin từ người nhận cụ thể thôi. Ví dụ vừa rồi Hội Cựu chiến binh E 741, F326, Quân khu 2 chúng tôi đã quyên góp tiền và chuyển tiền vào tài khoản của Hội Chữ thập đỏ huyện Phong Thổ, Lai Châu để nhờ họ mua vật liệu lợp lại các ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Khi khánh thành nhà họ chụp ảnh, quay video gửi cho chúng tôi.
Vấn đề từ thiện là hết sức cần thiết. Xã hội cần sự góp sức của các nhà hảo tâm để chung tay tới những nơi khó khăn một cách nhanh nhất.
Về hành lang pháp lý chúng ta có tương đối đầy đủ. Như Nghị định 64 của Chính phủ; Nghị định 93 cũng nêu rõ cá nhân được làm từ thiện. Đặc biệt Nghị định 93 tôi rất quan tâm và nói rõ mọi cá nhân được làm từ thiện – nhưng có một điều là chúng ta phải lập quỹ. Đây là vấn đề mấu chốt.
Video đang HOT
Tôi thấy, muốn làm từ thiện tốt trước hết chúng ta phải có tâm, sau đó chúng ta lập quỹ theo quy định của Nghị định 93. Làm đầy đủ theo pháp luật như vậy thì không cần cơ quan chức năng vào cuộc. Khi có biểu hiện sai sót, có đơn kiện, tố cáo thì người ta mới vào cuộc thôi.
Nếu các cá nhân không muốn lập quỹ thì cần công khai quá trình làm từ thiện và tốt nhất là thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa phương mà cá nhân đó muốn hỗ trợ.
“Quy trình thành lập quỹ từ thiện rườm rà và mất thời gian”
PV: Mấu chốt của câu chuyện để cá nhân, tổ chức làm từ thiện được vẫn là phải thành lập quỹ và được cấp phép, nhưng hiện nay, Nghị định 93/2019/NĐ-CP nêu rõ tài sản đóng góp đối với quỹ thành lập và hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh là 6,5 tỷ đồng; quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh 1,3 tỷ; quỹ hoạt động phạm vi cấp huyện 130 triệu và phạm vi cấp xã 25 triệu đồng, ông nhìn nhận thế nào về quy định này?
Đại tá, luật sư Lê Ngọc Khánh : Tôi đánh giá, hiện nay quy định của Nghị định số 93/2019/NĐ-CP về quy trình thành lập quỹ từ thiện cũng rườm rà và mất thời gian làm thủ tục, ngoài ra lại còn phải có tài sản đóng góp khi thành lập quỹ. Vì vậy, nhiều cá nhân đã bỏ qua việc thành lập quỹ để tự mình đi làm từ thiện.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, các cá nhân đi làm từ thiện nếu không muốn thành lập quỹ từ thiện như quy định tại Nghị định 93 thì nên gửi số tiền mà mình quyên góp được nhờ các tổ chức chính trị tại địa phương đó chuyển đến tận tay người dân cần ủng hộ, giúp đỡ. Trong quá trình phân phát tiền, vật chất của tổ chức chính trị, các cá nhân làm từ thiện có quyền kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Còn việc quy định đóng góp thành lập quỹ với số tiền hàng tỷ đồng như vậy là quá cao so với mức thu nhập của các cá nhân muốn làm từ thiện, nhất là đối với quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc, liên tỉnh. Quan điểm của tôi về việc quy định số tiền đóng góp là cần thiết nhưng cần sửa đổi mức tiền thấp hơn, điều chỉnh cho phù hợp.
Thủy Tiên – Công Vinh trong buổi công bố sao kê. Ảnh: Huy Hậu.
PV: Theo ông, giới nghệ sĩ bây giờ cần làm từ thiện như thế nào để không gặp thị phi và vướng mắc pháp lý?
Đại tá, luật sư Lê Ngọc Khánh: Khung pháp lý hiện nay như tôi đã nói, nên làm theo các Nghị định ở trên và thành lập quỹ.
Trên thế giới nhiều nước cũng quy định, hoặc họ không cho “cá nhân” làm từ thiện. Ai làm thì phải thông qua các tổ chức chính trị hoặc tổ chức xã hội. Họ không cho phép các “cá nhân” làm như trường hợp Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên…. vừa rồi tự đứng ra kêu gọi và nhận tiền vào tài khoản của mình.
Tôi cho rằng, nghệ sĩ muốn làm tốt từ thiện bây giờ vẫn nên thông qua các tổ chức. Ví dụ như Thủy Tiên, nếu cô ấy vận động kêu gọi tiền rồi thông qua tổ chức chính trị như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ tiếp nhận và chuyển đến người dân thì không ai có thể nói gì được cô ấy.
Quá trình Mặt trận Tổ quốc hoặc Hội Chữ thập đỏ chuyển tiền, Thủy Tiên có quyền giám sát xem họ làm đúng hay sai. Hai bên đều có thể kiểm tra giám sát, đó là phương pháp tối ưu, chứ không phải cá nhân mình đứng ra cầm hàng trăm tỷ đồng đi phân phát, thích cho ai thì cho, không ai có thể kiểm tra, giám sát dẫn đến nảy sinh nghi ngờ.
PV: Với những gì diễn ra từ một bộ phận nghệ sĩ, ông có lời khuyên gì cho các cá nhân muốn tiếp tục hoạt động từ thiện?
Đại tá, luật sư Lê Ngọc Khánh: Tôi đồng ý với các bạn, đầu tiên chúng ta phải minh bạch đã. Nếu không minh bạch thì chúng ta không nên làm từ thiện. Vì mục đích của làm từ thiện là làm việc tốt, việc tử tế, vậy tại sao lại không minh bạch, công khai?
Nếu muốn làm tốt, mỗi cá nhân chúng ta có thể phối kết hợp, giám sát giữa các cá nhân và các tổ chức chính trị xã hội. Nếu chúng ta hoạt động cá nhân nhưng thông qua các tổ chức địa phương sẽ đảm bảo an toàn. Chứ bây giờ bạn thấy, khi chưa minh bạch phải đối diện với dư luận.
Đòi hỏi của dư luận là hoàn toàn chính đáng!
Bà Phương Hằng nêu nghi vấn về từ thiện chưa được minh bạch là tốt, nhưng soi mói quá sâu vào đời tư nghệ sĩ
PV: Xin ông chia sẻ quan điểm trước việc, những phát ngôn của bà Nguyễn Phương Hằng khơi ra rất nhiều góc khuất về hoạt động từ thiện của nghệ sĩ. Ông thấy có gì hợp lý và chưa hợp lý?
Đại tá, luật sư Lê Ngọc Khánh: Tôi không nắm rõ hết quá trình bà Nguyễn Phương Hằng nói, chỉ theo dõi một phần những phát ngôn cá nhân của bà Hằng thông qua mạng xã hội. Nhưng theo quan điểm của tôi, việc bà Hằng nêu lên nghi vấn về từ thiện chưa được minh bạch, lên tiếng cho công chúng biết khuất tất như vậy là tốt.
Nếu không có những ý kiến của bà Hằng, chắc chắn nhiều người vẫn tin tưởng vào lời kêu gọi từ một bộ phận giới nghệ sĩ.
Tuy nhiên, cũng có những khía cạnh mà tôi không hài lòng về cách phát ngôn của bà Hằng, như soi mói sâu vào đời tư của các nghệ sĩ quá nhiều là điều không nên làm. Việc soi mói càng sâu, không kiểm soát tốt có thể khiến bà ấy vi phạm pháp luật.
Nếu bà Hằng có căn cứ về việc làm từ thiện của các nghệ sĩ không minh bạch thì đáng lẽ có thể làm đơn tố cáo với cơ quan công an thay vì đưa lên mạng xã hội thì sẽ tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Quy trình, thủ tục để thành lập một quỹ từ thiện ở Việt Nam hiện nay.
Bước 1: Ban sáng lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh, quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản để thành lập, hoạt động trong phạm vi tỉnh gửi hồ sơ đến Bộ Nội vụ đề nghị cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ.
Bước 2: Vụ Tổ chức phi chính phủ xem xét hồ sơ đủ điều kiện thì thụ lý trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật thì tham mưu Bộ Nội vụ trả lại hồ sơ.
Bước 3: Vụ Tổ chức phi chính phủ nghiên cứu, thẩm định hồ sơ, thực hiện quy trình lấy ý kiến các cơ quan có liên quan; tổng hợp các ý kiến góp ý đề nghị bổ sung thêm hồ sơ theo ý kiến góp ý (nếu có).
Bước 4: Trong thời hạn 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp pháp, Vụ Tổ chức phi chính phủ xem xét, trình Lãnh đạo Bộ quyết định cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Bộ Nội vụ cũng được quy định có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể; đình chỉ có thời hạn hoặc cho phép hoạt động trở lại…đối với Quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên tỉnh; Quỹ có tổ chức, cá nhân nước ngoài góp tài sản với công dân, tổ chức Việt Nam.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ; cho phép hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể; đình chỉ có thời hạn hoạt động; cho phép quỹ hoạt động trở lại….. đối với quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh.
Những vụ việc 'ồn ào trên mạng xã hội' liên quan bà Nguyễn Phương Hằng hiện ra sao?
Liên quan việc bà Nguyễn Phương Hằng lên mạng xã hội tố cáo nhiều người không minh bạch tiền kêu gọi từ thiện, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương rà soát, xác minh.
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, trả lời báo chí về vấn đề minh bạch tiền từ thiện - Ảnh: VGP
Đầu tiên bà Hằng liên tục livestream tố cáo ông Võ Hoàng Yên lợi dụng lòng tốt của bà để nhận rất nhiều tiền bạc nhưng lại không làm từ thiện. Sau đó bà bày tỏ nghi ngờ nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong làng giải trí không minh bạch về thu chi tiền kêu gọi từ thiện.
Hiện đã có ít nhất 3 vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng được cơ quan chức năng đang thụ lý.
3 vụ việc
Với vụ việc của ông Võ Hoàng Yên, không chỉ dừng lại ở những buổi livestream, bà Hằng đã làm đơn gửi đến Công an TP.HCM đề nghị điều tra hành vi vi phạm của ông này.
Bà Hằng cho rằng ngoài việc lừa tiền bạc dưới danh nghĩa làm từ thiện, việc ông Yên xưng là "thần y" có thể chữa bách bệnh là lừa đảo, bởi không ai được ông Yên chữa khỏi bệnh.
Sau tố cáo của bà Hằng, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã vào cuộc xác minh việc ông Yên chữa bệnh cho 776 người nghèo tại huyện Bình Sơn vào tháng 7-2020. Qua kiểm tra, công an xác định không có trường hợp nào được chữa khỏi bệnh. Việc khám chữa bệnh của ông Yên là phản khoa học.
Không chỉ dừng lại ở việc tố cáo ông Yên, bà Hằng còn tố cáo nghệ sĩ Hoài Linh "ngâm" tiền kêu gọi tiền từ thiện đồng bào miền Trung. Sau đó Hoài Linh xác nhận đã kêu gọi được 14 tỉ nhưng do bận, do dịch bệnh nên chưa đi trao được.
Sau Hoài Linh, bà Hằng tiếp tục nêu tên các nghệ sĩ khác đã kêu gọi quyên góp tiền từ thiện như Thủy Tiên, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng...
Sau nhiều lần "lời qua tiếng lại trên mạng", các nghệ sĩ đã làm đơn tố cáo ngược lại bà Hằng. Cụ thể ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên... đều gửi đơn đến Công an TP.HCM tố cáo bà Hằng vu khống, nhục mạ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm và gây thiệt hại lớn cho mình.
Như vậy cho đến nay đã có ít nhất 3 vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng được cơ quan chức năng đang thụ lý.
Thứ nhất, vụ án bà Hằng tố cáo Võ Hoàng Yên lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ này sau khi thụ lý và thu thập chứng cứ, giám định các tài liệu, Công an TP.HCM đã thông báo cho bà Hằng biết cơ quan điều tra đã phục hồi điều tra.
Vụ thứ hai, Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an mới đây đã ra thông báo và đề nghị công an các địa phương kiểm tra, xác minh. C02 đã gửi văn bản yêu cầu Công an TP.HCM rà soát các đơn tố cáo liên quan đến các cá nhân kêu gọi từ thiện. Công văn nêu rõ tên các cá nhân Võ Hoài Linh, Thủy Tiên, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng. Vụ này mặc dù bà Hằng không viết đơn tố cáo nhưng Bộ Công an đã nắm bắt các thông tin liên quan đến các chia sẻ của bà Hằng và chủ động rà soát, thu thập bằng chứng.
Vụ thứ ba là vụ bà Hằng bị chính các nghệ sĩ tố cáo. Trong đó, Công an TP.HCM đã chuyển đơn tố cáo của ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) tới Công an tỉnh Bình Dương để giải quyết theo thẩm quyền.
Chủ động xác minh khi có dư luận
Liên quan việc Bộ Công an chủ động rà soát các thông tin, đơn thư liên quan đến tố cáo các cá nhân trục lợi từ thiện từ phản ánh của bà Hằng, lãnh đạo một viện KSND cấp quận tại TP.HCM cho rằng chỉ cần một vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm thì các cơ quan tố tụng sẽ chủ động rà soát. Đây là quy định tại thông tư 28/2020 của Bộ Công an, về việc tiếp nhận thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm phản ánh qua phương tiện thông tin đại chúng, qua thư điện tử, báo nói, báo hình.
Đối với thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cán bộ được phân công phải tiếp nhận bằng cách sao chụp, ghi chép hoặc in bài viết ra giấy báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để xử lý. Còn đối với tin báo về tội phạm đã xác định được dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó ghi nhận và giải quyết.
Thời gian qua, các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng về việc các "nghệ sĩ trục lợi từ thiện" đã khiến dư luận xã hội hết sức quan tâm. Do đó dù có đơn tố cáo hay không thì cơ quan điều tra cũng chủ động nắm bắt thông tin, rà soát.
Vị này còn cho biết, trước đây có vụ đầu cơ khẩu trang của một giám đốc bệnh viện cũng bắt đầu từ việc tố cáo nhau trên Facebook. Sau đó cơ quan điều tra cũng vào cuộc và thu thập dữ liệu điện tử từ chính các bài viết trên Facebook để làm tài liệu điều tra. Do đó việc cơ quan điều tra Bộ Công an chủ động thu thập tin báo tố giác tội phạm từ livestream của bà Hằng là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.
Quảng Ngãi lên tiếng xác nhận ca sĩ Thủy Tiên hỗ trợ người dân 14 tỷ đồng Đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định, ca sĩ Thủy Tiên đã hỗ trợ cho người dân địa phương bị ảnh hưởng bão lụt số tiền 14 tỷ đồng. Việc này có đầy đủ các chứng từ liên quan. Thời gian qua, có nhiều thông tin trái chiều liên quan hoạt động hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng...