Đại sứ Việt Nam nói về khả năng Philippines và Trung Quốc ‘đi đêm’ ở Biển Đông
Bên lề Hội nghị Ngoại giao 29, sáng 23.8, Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương phân tích về tình hình Philippines sau khi có Tổng thống mới và những động thái sắp tới ở Biển Đông.
Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương
Khả năng Philippines đàm phán với Trung Quốc là rất có thể xảy ra
Ông có nhận định gì về tình hình Philippines sau khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức Tổng thống?
Đại sứ Trương Triều Dương: Tình hình Philippines sau khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức có một số điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, về cơ bản người dân Philippines rất phấn khởi lần đầu tiên có một tổng thống xuất phát bình dân, nói tiếng nói của người bình dân, thể hiện được nguyện vọng của người dân, nên ông ấy trở thành một người rất nổi tiếng và được sự ủng hộ rất cao của dân chúng.
Thứ hai là ông Duterte có hai mũi nhọn đang được giương cao là phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm buôn bán, sử dụng ma túy và chống tham nhũng được tiến hành mạnh mẽ.
Người dân Philippines về cơ bản rất phấn khởi, tệ nạn ma túy giảm hẳn và đã có hơn 500 nghìn người ra đầu thú là đã sử dụng hoặc liên quan đến mua bán ma túy. Các nhà tù của Philippines bây giờ chật hơn rất nhiều.
Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng thống Duterte cũng được tiến hành rất mạnh mẽ. Rất nhiều người thuộc giới chức cao cấp đang nằm trong tầm ngắm và người dân Philippines cũng đang rất thích điều này.
Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt của nó. Hoạt động chống ma túy với việc cho phép lực lượng cảnh sát có thể ở mức độ nào đó bắn hạ các nghi phạm không cần xét xử đã gây ra những lo ngại. Một số nghị sĩ lo lắng hành động như vậy là bị lạm dụng dẫn tới người dân có thể bị giết nhầm. Cũng có những ý kiến e ngại về việc vi phạm nhân quyền.
Những động thái của Tổng thống Duterte còn đi đến đâu thì hiện tại chúng tôi chưa dám có sự bình luận gì. Chúng còn phải đợi thêm một thời gian nữa.
Ông đánh giá như thế nào về những động thái của tân Tổng thống Rodrigo Duterte sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Biển Đông?
Đại sứ Trương Triều Dương: Phải nói ông Rodrigo Duterte là một tổng thống rất bộc trực. Trong phát ngôn, ông ấy luôn nói thẳng những suy nghĩ của mình. Suy cho cùng, ông ấy là người khôn ngoan.
Video đang HOT
Tới lúc này, có cảm giác ông Duterte đang lựa chọn một giải pháp mang tính chất hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Dù sao điều quan trọng nhất là ông ấy vẫn coi phán quyết của Tòa trọng tài là cơ sở để đàm phán với Trung Quốc trong thời gian tới. Tôi nghĩ rằng đây là một điều rất khôn ngoan.
Ông Duterte mặt khác cũng vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ. Với chính sách tương đối cân bằng như vậy, trong tương lai, khả năng Philippines đàm phán với Trung Quốc là rất có thể xảy ra. Nhưng về lĩnh vực gì, mức độ đến đâu chúng ta còn phải chờ đợi. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Philippines và Trung Quốc có thể xuất phát bằng đàm phán hợp tác đánh bắt cá. Đó là điều rất quan trọng.
Ngoài ra, ông Duterte cũng có những phát biểu liên quan đến Liên hợp quốc, quan hệ với Mỹ. Nhưng với tất cả những gì ông Duterte phát ngôn thì chúng ta còn phải chờ đợi xem xét tiếp đằng sau đó là gì.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa rút khỏi Liên Hiệp Quốc
Có đi đêm hay không, cuối cùng mọi thứ cũng phải lộ rõ hết
Theo ông, Việt Nam có thể học được kinh nghiệm gì từ vụ kiện của Philippines với Trung Quốc?
Đại sứ Trương Triều Dương: Điều đầu tiên có thể nói là chính nghĩa luôn thắng mà chúng ta có chính nghĩa, vì thế hiện giờ chúng ta vẫn bảo lưu quyền của mình để xử lý những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Về cơ bản, Việt Nam và Philippines có phương cách ứng xử tương đối giống nhau. Chỉ có một điểm khác là Việt Nam chưa mang những tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế. Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam từ bỏ quyền đó của mình. Cũng như Philippines không từ bỏ quyền đó của mình.
Tôi cho rằng, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, vì điều quan trọng nhất mà Việt Nam theo đuổi từ trước đến nay đó là kiên quyết, kiên trì tìm cách giải quyết những bất đồng trong quan hệ với các nước kể cả tranh chấp ở Biển Đông bằng những biện pháp hòa bình. Việc đưa những tranh chấp ra tòa quốc tế cũng chính là một biện pháp hòa bình.
Ông đã gặp Tổng thống Rodrigo Duterte chưa?
Tôi đã gặp Tổng thống Rodrigo Duterte và ông ấy có nói một câu mà tôi ghi nhớ mãi. Đó là ông ấy rất khâm phục và kính trọng nhân dân Việt Nam và sẽ cố gắng học tập phương cách của người Việt Nam trong xử lý nhiều vấn đề quốc tế.
Có nhiều ý kiến cho rằng sau Hội nghị thượng đỉnh G20 (diễn ra ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc từ 4 – 5.9), Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động cứng rắn gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông?
Đại sứ Trương Triều Dương: Nhận định đó rất có thể là đúng. Điều đáng lo ngại là những hành động quân sự hóa, bồi đắp tôn tạo ở Biển Đông của Trung Quốc đang làm ảnh hưởng đến môi trường biển rất nặng nề. Philippines đã có những thống kê rất rõ ràng đầy đủ về vấn đề này. Nếu những hành động đó tiếp tục xảy ra thì môi trường sống ở Biển Đông sẽ còn tiếp tục bị phá hủy một cách nghiêm trọng.
Việc Philippines sau phán quyết của Tòa Trọng tài lại có những động thái “xuống nước” kêu gọi đàm phán với Trung Quốc theo ông sẽ tạo ra những hệ quả gì? Quan điểm Việt Nam về vấn đề đó như thế nào?
Đại sứ Trương Triều Dương: Chúng ta không bao giờ phản đối các nước khác sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, trong đó có việc đàm phán thương lượng. Đó cũng chính là những gì chúng ta đang làm. Những xung đột, tranh chấp mang tính chất song phương thì giải quyết song phương. Những vấn đề đa phương thì giải quyết bằng biện pháp đa phương.
Những gì Philippines đang làm cũng không đi ngược lại chủ trương mà Việt Nam đã và đang theo đuổi, do vậy chúng ta không thể dùng tiêu chuẩn kép (double standard) được. Tôi nghĩ rằng, đàm phán để giải quyết các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là điều nên được khuyến khích.
Nhưng hành động của Philippines có làm cho Trung Quốc tiếp tục những hành động leo thang ở Biển Đông hay không, khi họ thấy nước này tuy thắng kiện nhưng vẫn phải xuống nước?
Đại sứ Trương Triều Dương: Với tư cách một quốc gia lớn và có trách nhiệm, Trung Quốc không thể và không nên làm những việc như vậy. Một khi đã có phán quyết của Tòa thì với tư cách một quốc gia tham gia vào Công ước Liên hiệp ước về luật Biển (UNCLOS), Trung Quốc phải tuân thủ.
Có thể trước mắt Trung Quốc phải tỏ thái độ cứng rắn, nhưng về lâu dài, theo kinh nghiệm của chúng tôi, có tới 95% phán quyết của Tòa án công lý quốc tế (ICJ) được chấp hành. Ví dụ như vụ kiện Nicaragua – Mỹ năm 1984 – 1986, mặc dù như Mỹ từ chối chấp hành phán quyết nhưng sau đó 5 năm, họ lại tiến hành bồi thường cho Nicaragua, và nhiều vụ việc khác cũng vậy. Tôi mong rằng Trung Quốc với tư cách một nước lớn, thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, thành viên UNCLOS, sẽ phải ứng xử một cách đúng mực.
Nhiều chuyên gia cho rằng Philippines và Trung Quốc có thể “đi đêm” với nhau về vấn đề Biên Đông. Ông có đánh giá như thế nào về nhận định đó?
Đại sứ Trương Triều Dương: Tôi không bình luận về vấn đề này, vì tất cả những điều đó chỉ có tính chất ước đoán. Tôi nghĩ rằng, có đi đêm hay không thì cuối cùng mọi thứ cũng sẽ phải lộ rõ hết.
Theo ông Việt Nam cần chuẩn bị điều gì cho khả năng trên?
Đại sứ Trương Triều Dương: Việt Nam luôn phải chuẩn bị và cảnh giác với tất cả các khả năng có thể xảy ra, và Việt Nam có thể làm được điều đó.
Theo Thanh Niên
Giáo sư Carl Thayer: 'Nhiều nước được lợi từ phán quyết của Tòa Trọng tài'
Chuyên gia đến từ Học viện Quốc phòng Australia cho rằng tòa Trọng tài đã bác bỏ sự mở rộng của "đường lưỡi bò" vào trong 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia ven biển như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei.
"Phán quyết của Tòa trọng tài đã chỉ ra yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, các quyền chủ quyền và tài phán khác trên Biển Đông được bao quanh bởi đường chín đoạn là &'trái với công ước và không có giá trị pháp lý' bởi chúng vượt quá giới hạn được xác lập bởi UNCLOS (Công ước Liên hợp quốc vè Luật biển)", Giáo sư Thayer nói tại hội thảo Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phục lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, diễn ra ngày 23/7 tại TP HCM.
Chuyên gia đến từ Học viện Quốc Phòng Australia cho rằng Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei sẽ được lợi từ phán quyết của Tòa trọng tài mà theo đó Trung Quốc không thể yêu sách các vùng biển vượt ra ngoài phạm vi cho phép của UNCLOS. Nói cách khác, Tòa trọng tài đã bác bỏ sự mở rộng của "đường lưỡi bò" vào trong 200 hải lý vùng EEZ của các quốc gia ven biển.
Ông Carl Thayer - Giáo sư danh sự Học viện Quốc phòng Australia trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Trung Sơn
Cũng theo Giáo sư Thayer, hành vi thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông có thể thấy vượt hơn những lời hùng biện khoa trương của quốc gia này. Nếu sắp tới, các tàu thực thi pháp luật biển và các tàu đánh cá nhà nước gắn cờ của Trung Quốc tiếp tục vi phạm quyền tài phán của Philippines và các quốc gia khác, những hành động này nên được thống kê và công bố công khai.
Nếu Trung Quốc tiếp tục sự hung hăng của mình thì các quốc gia cần phải họp kín và thông qua các chiến lược cũng như cái giá áp đặt phù hợp và xử phạt thông minh. Vai trò của ASEAN, Viện nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, Hội đồng hợp tác an ninh châu Á - Thái Bình Dương (CSCAP) và các nhóm nghiên cứu có thể đưa ra danh sách các lựa chọn phù hợp.
"Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc vi phạm có thể bị từ chối cập cảng. Các nước trong khu vực cũng có thể phát triển một chương trình để báo cáo các tàu đánh cá treo cờ nhà nước có liên quan đến đánh bắt cá bất hợp pháp, phá hủy môi trường hoặc cướp có vũ trang", ông Thayer gợi ý.
Về góc độ chiến lược quân sự, ông Thayer đánh giá cao vai trò của Mỹ trong việc đưa ra cho Trung Quốc một cánh cửa hợp tác, cũng như để nhắc nhở Trung Quốc cái giá phải trả nếu quốc gia này tiếp tục có những hành động hung hăng bất chấp luật pháp quốc tế. "Các vấn đề về an ninh hàng hải cần phải được tiếp tục nâng tầm và nhấn mạnh ở tất cả các tổ chức đa phương, trong đó có Hội nghị cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng", Giáo sư Thayer nói.
Hội thảo được tổ chức với sự tham dự của khoảng 200 học giả trong nước và quốc tế. Ảnh: Trung Sơn
Tại hội thảo, PGS.TS Batongbacan - Giám đốc Viện các vấn đề Hàng hải và Luật biển, ĐH Philippines - chia sẻ một số kinh nghiệm từ việc nước này kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế. Ông cũng cho rằng Việt Nam có thể xem xét việc tiến hành một vụ kiện riêng với Trung Quốc trên cơ sở hoạt động liên tục của quốc gia này trong việc phủ nhận toàn bộ quyền và thẩm quyền của Việt Nam trên vùng biển của mình. Đặc biệt là là quyền đối với nghề cá, dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
"Với phán quyết trong vụ Phillippines kiện Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể theo đuổi hành động pháp lý chống lại Trung Quốc trên cơ sở các hành vi vi phạm của Trung Quốc. Tuy nhiên, rõ ràng Việt Nam không chỉ đơn giản là phản ánh cách tiếp cận của Philippines và phải thiết kế cho riêng mình một bản yêu sách", ông Batongbacan nói.
Theo chuyên gia người Philippines, nếu Việt Nam không quyết định bắt đầu vụ việc được giải quyết bằng trọng tài riêng của mình thì cần chuẩn bị cho các áp lực về ngoại giao. Một cách để giải quyết những áp lực này là tiến hành một chiến dịch thông tin như Philippines đã làm với cộng đồng quốc tế.
"Chiến dịch này được dự định ủng hộ tinh thần cho những người nắm giữ các chức vụ ngoại giao của Philippines theo đuổi phán quyết trọng tài, đặc biệt là khi Trung Quốc một mực yêu cầu đàm phán song phương. Nỗ lực giành lấy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế giúp ngăn ngừa việc trọng tài thiên vị và bị ngưng giữa chừng do thiếu sự ủng hộ và vận động hành lang", ông Batongbacan cho biết.
Trao đổi với báo chí bên hành lang hội thảo, Giáo sư Donald Rothwell - Trưởng Khoa luật (ĐH Quốc gia Australia) cho rằng, Việt Nam sẽ cần phải xem xét kỹ lưỡng các hệ quả trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc sắp tới. Một trong những hệ quả có khả năng xảy ra, đó là phía Trung Quốc sẽ bắt đầu đàm phán cụ thể và thực chất hơn với phía Philippines về vấn đề Biển Đông. Khi đó, có thể phía Trung Quốc cũng sẽ cởi mở hơn trong đàm phán với phía Việt Nam.
"Tuy nhiên, nếu Trung Quốc không tuân theo phán quyết của tòa trọng tài, Việt Nam cần phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa các phương án tự tiến hành kiện theo đúng luật pháp quốc tế, hoặc cố gắng sử dụng các cơ chế khu vực", ông Donald Rothwell lưu ý.
Theo Vnexpress
Biển Đông: Sự thật thật sự vẫn rất mù mờ Trong tâm khảm người viết, dân tộc Nga, con người Nga văn hóa Nga vẫn thấm đẫm nhân hậu và yêu thương. Chỉ có điều, chính trị dường như đã đổi thay. Gần đây dư luận đã mất quá nhiều giấy mực và công sức bàn cãi trên các diễn đàn xuất phát từ những phát biểu của Nga xung quanh lập trường...