Đại sứ Trung Quốc không kịp thắt cà vạt khi họp WHO
Đại sứ Trung Quốc tại trụ sở Geneva Chen Xu không kịp cài hết cúc áo, tay vẫn cầm cà vạt khi tham dự cuộc họp trực tuyến của WHO.
Trong cuộc họp trực tuyến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đêm 18/5, Đại sứ Chen Xu, trưởng phái đoàn Trung Quốc ở trụ sở Geneva của Liên Hợp Quốc, bất ngờ xuất hiện thiếu chỉn chu khi màn hình cuộc họp chuyển quyền phát biểu cho Trung Quốc.
Ông Chen chưa cài hết cúc áo sơ mi, tay vẫn cầm một chiếc cà vạt chấm bi đỏ chưa kịp thắt khi tới lượt phát biểu. Trợ lý của ông Chen, người đã sắp xếp mọi thứ trước cuộc họp, cũng bị dính vào màn hình chớp nhoáng trước khi vội rời đi. Trên bàn làm việc của Đại sứ Trung Quốc, biển tên nước cũng bị đặt ngược.
Trước khi có bài phát biểu dài khoảng hai phút trong cuộc họp, Đại sứ Chen Xu phải tạm dừng tầm 30 giây để vuốt phẳng áo và chỉnh lại tóc cũng như “lấy lại bình tĩnh”.
Đại sứ Chen Xu xuất hiện trong cuộc họp trực tuyến của WHO hôm 18/5. Ảnh: SCMP.
Đại sứ Chen không phải nhà ngoại giao duy nhất gặp rắc rối với các cuộc họp trực tuyến. Các cuộc họp này từng khiến quan chức các nước vấp phải nhiều vấn đề, từ kết nối mạng cho tới chất lượng âm thanh và những góc quay khó lường.
Các vấn đề kỹ thuật xảy ra ngay đầu cuộc họp hôm 18/5 khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu. Với sự hỗ trợ của đội kỹ thuật cấp Liên Hợp Quốc, màn hình của Guterres vẫn bị mờ và chuyển đen khi ông nói. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphos, diễn giả chính trong cuộc họp, còn không thể kết nối khi tới lượt phát biểu.
Tới cuộc họp ngày 19/5, các vấn đề kỹ thuật đã không xảy ra khi nước thành viên WHO nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi điều tra độc lập về những biện pháp ứng phó với Covid-19 của tổ chức này.
Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, sau khi khởi phát từ Trung Quốc hồi tháng 12/2019. Toàn cầu hiện ghi nhận hơn 4,9 triệu ca nhiễm, hơn 320.000 người chết và hơn 1,9 triệu người hồi phục.
Trung Quốc nói không ngại bất cứ loại điều tra nào về dịch COVID-19
Bắc Kinh sẽ không mời chuyên gia quốc tế điều tra về nguồn gốc dịch COVID-19 cho tới khi đảm bảo "chiến thắng cuối cùng".
"Ưu tiên của Trung Quốc trước tiên là đánh bại đại dịch và chống lại nỗ lực chính trị hóa "vô lý và lố bịch" về virus SARS-CoV-2", Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, Chen Xu nói với các phóng viên trong cuộc họp tại Geneva hôm 6/5.
Khi được hỏi khi nào WHO có thể nhận được lời mời tới điều tra về nguồn gốc dịch, ông Chen nhắc lại rằng ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là tập trung vào cuộc chiến chống dịch cho tới khi giành được chiến thắng cuối cùng.
"Chúng tôi cần tập trung và phân bổ đúng nguồn lực của mình. Không phải chúng tôi "dị ứng" với bất cứ cuộc điều tra, đánh giá nào vì chúng có thể hỗ trợ nỗ lực quốc tế để chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trong tương lai.
Về việc lời mời được đưa ra thế nào và khi nào, chúng tôi cần có ưu tiên phù hợp vào thời điểm này và mặt khác, chúng tôi cần bầu không khí phù hợp", ông này nói thêm.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, Chen Xu. (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC tuần trước, Đại diện của WHO tại Bắc Kinh - Tiến sĩ Gauden Galea cho biết Trung Quốc nhiều lần từ chối yêu cầu tham gia vào cuộc điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 mà tổ chức này đưa ra.
"Chúng tôi biết rằng một số cuộc điều tra ở Trung Quốc đang diễn ra nhưng ở giai đoạn này, chúng tôi vẫn chưa được mời tham gia", ông Galea cho biết.
Khi được hỏi liệu có lý do chính đáng để Trung Quốc từ chối WHO hay không, ông Galea trả lời: "Theo quan điểm của chúng tôi thì không".
Thuyết âm mưu virus SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán lan truyền nhiều tháng qua và được nhiều quan chức Mỹ ủng hộ.
Video: WHO kêu gọi điều tra những ca mắc COVID-19 ban đầu
Trong cuộc họp báo hôm 30/4, Tổng thống Trump tuyên bố có bằng chứng về mối liên hệ giữa virus SARS-CoV-2 với phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Mới đây, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết Washington sẽ công bố bằng chứng về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 một cách rõ ràng và minh bạch.
Hàng loạt các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Đức, Australia nhiều tuần qua kêu gọi Trung Quốc minh bạch và mở cuộc điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, Bắc Kinh nói họ kiên quyết phản đối cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch, nhấn mạnh đây là việc làm của các nhà khoa học.
Trump dọa 'từ mặt' WHO Trump cảnh báo Mỹ sẽ rút khỏi WHO nếu tổ chức không cải thiện cách đối xử với nước này cũng như những quốc gia khác. "Họ phải cải tổ các hành động và làm việc tốt hơn. Họ phải công bằng hơn nhiều với những quốc gia khác, bao gồm Mỹ. Nếu không, chúng tôi sẽ không dính líu đến họ nữa",...