“Đại sư phụ” và phí giải hạn 1,5 tỷ đồng
Đối tượng Bùi Văn Phúc
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của chị Nguyễn Thị Xoan (1963, trú khối 8, P. Cửa Nam, TP Vinh, Nghệ An), Bùi Văn Phúc (1973, trú ấp Mỹ Xuân, xã Tân Trung, TX Gò Công, Tiền Giang) đóng giả “đại sư phụ” để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên tới gần 1,5 tỷ đồng.
“Thấy bở đào mãi”, 21 giờ ngày 24-9-2012, tại phòng 302 khách sạn Phan Gia (P. Hưng Bình, TP Vinh), Phúc tiếp tục đòi chị Xoan phải đưa cho y 67,7 triệu đồng để “ trừ tà ma quỷ” thì bị lực lượng Đội án 4, Phòng CSĐTTPVTTXH CA tỉnh Nghệ An bắt giữ.
Tháng 2-2012, chị Nguyễn Thị Xoan bất ngờ đón tiếp một người đàn ông tên Lâm, tự giới thiệu là người của nhà chùa Kim Quang và Phước Quang ở tỉnh Tiền Giang đi bán hương công đức. Thương tình “nhà sư” khó nhọc, chị Xoan đã hào phóng mua giúp toàn bộ số hương công đức với số tiền 5 triệu đồng. Cứ tưởng mình làm công đức sẽ thanh thản, nhưng chị Xoan không hề biết rằng đây chính là “bước mở màn” của một kịch bản lừa đảo hết sức tinh vi mà nhóm “sư giả” do Bùi Văn Phúc cầm đầu, dựng lên để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chị.
Video đang HOT
Nhận thấy chị Xoan là một “mỏ vàng” có thể khai thác, đối tượng tên Lâm này đã gọi điện về cho “sư phụ” Bùi Văn Phúc để bàn bạc, tìm cách tiếp cận bằng những chiêu bài đánh vào lòng tin. Một số thông tin liên quan đến gia cảnh, con người, từ số điện thoại, vóc dáng, đến cái nốt ruồi trên bàn tay của chị Xoan đều được Lâm cung cấp về Tiền Giang cho Phúc. Khi có được số điện thoại do Lâm báo về, Phúc gọi điện ra cho chị Xoan nói là “đang làm lễ cầu an cho gia đình” vì đệ tử báo về cho biết chị vừa mua toàn bộ số hương công đức nên “nhà chùa rất cảm kích tấm lòng của thí chủ, muốn báo đáp bằng lễ cầu an”. Qua điện thoại, Phúc không quên nhắc nhở chị Xoan, rằng “thí chủ có một nốt ruồi ở bàn tay nên phải hết sức kiêng kỵ, vì đây là… tử điểm”. Phúc “bồi” thêm, chính nốt ruồi này sẽ làm chồng của chị Xoan gặp tai nạn rất nặng trong thời gian tới. Chưa gặp “thầy” bao giờ, sao cái nốt ruồi ở bàn tay mình “thầy” cũng biết? Quả là “đại sư phụ” – chị Xoan hoảng hốt và nhờ “thầy” về giải hạn cho gia đình. Sau một lúc than vãn “xa xôi cách trở”, cuối cùng Phúc đã đồng ý “giúp đỡ thí chủ”.
11 giờ một ngày đầu tháng 7-2012, Bùi Văn Phúc lặn lội từ Tiền Giang ra Nghệ An, đến nhà chị Xoan để làm lễ giải hạn. Đến nhà, thấy chồng chị Xoan đang bị đau lưng, Phúc còn bày trò chữa bệnh bằng cách bấm huyệt để lấy lòng tin. Sau khi “bấm huyệt chữa bệnh” cho chồng chị Xoan xong, Phúc nhắc khéo anh chồng và các cháu ra ngoài để thầy và mẹ giải hạn. Khi làm lễ, Phúc đưa ra một mảnh vải màu đỏ có in hình gương bát quái và nói với chị Xoan viết đầy đủ họ tên và cho số 375 gọi là số cầu an cho gia đình.
Sau khi làm thủ tục cầu an và giải hạn xong, Phúc nói chị Xoan đưa tiền. Chị Xoan đang có phần lưỡng lự, thì Phúc nói: “Con số 375 là con số cầu lộc, cầu tài của gia đình, tương ứng mỗi số là một thẻ hương với giá 50 ngàn đồng, thầy về chùa cúng cầu an, gia đình con ở đây không phải cúng nữa”. Nghe vậy, chị Xoan lấy 18,5 triệu đồng đưa cho “thầy” Phúc và cung kính tiễn chân.
Một tuần sau, Phúc lại nhắn tin cho chị Xoan với nội dung: gia đình thầy hiện rất khó khăn, hôm nay là ngày lễ thắp hương cho vong của hơn 2.000 sọ người ở di tích lịch sử TX Châu Đốc (An Giang) mà thầy lại không có tiền, thầy thấy con là người có thể làm được việc này. Nếu con ủng hộ làm công đức thì Sư tổ sẽ phù hộ gia đình con nhiều hơn số tiền con ủng hộ (giá tiền mỗi bộ đồ là 15.000) và chị Xoan đã tin lời, đưa tiền cho Phúc.
Thấy ngon ăn, khoảng một tháng sau, Phúc tiếp tục mang theo 3 bức tượng Quan Âm ra Nghệ An, đến nhà chị Xoan. Tại đây, Phúc lại “uốn ba tấc lưỡi” khi gặp thêm 2 mẹ con chị Nguyễn Thị Lục (ở xã Nam Tân, H. Nam Đàn – bạn của chị Xoan). Phúc ba hoa: “3 tượng Quan Âm này sư thầy mua từ Campuchia về và đã làm phép vào đó. Nếu ai treo vào người sẽ giải trừ được tà ma và ăn nên làm ra. Song, muốn đeo lên người, thầy phải làm lễ thêm 2 ngày 2 đêm nữa ở ngoài trời mới linh. Sau 2 ngày 2 đêm giở trò ma quái, Phúc mang 3 tượng Quan Âm đó giao cho chị Xoan một cái, thu 14 triệu đồng giao cho chị Lục và con gái 2 cái, thu 15 triệu đồng. Nhận 29 triệu đồng tiền bán tượng Quan Âm, Phúc cáo từ.
Một thời gian sau, “sư thầy” Bùi Văn Phúc lại nhắn tin cho chị Xoan với nội dung: hiện nay có người hiến đất để xây dựng chùa Núi Ông Cấm ở H. Châu Đốc (An Giang), kinh phí xây dựng hết khoảng 600 triệu đồng và ngỏ ý mượn tiền. “Nếu con ủng hộ, thầy sẽ cũng cầu phúc cho gia đình và sau đó lấy tiền công đức trả dần cho con”. Và, không biết ma quỷ xui khiến thế nào mà chị Xoan lại chuyển số tiền này vào tài khoản cho Phúc mà không một chút đắn đo.
Với nhiều chiêu bài lừa lọc về phật pháp để đánh vào tâm lý của chị Xoan, Phúc đã moi được rất nhiều tiền một cách quá dễ dàng. Không những thế, Phúc còn tự nghĩ ra thủ đoạn: “Do cúng cầu an giải hạn cho gia đình chị Xoan quá nhiều nên bị ma quỷ đọa đày, ám ảnh. Giờ gia chủ phải cống nộp một số tiền để sư thầy cúng giải hạn” và số tiền Phúc yêu cầu là 67,7 triệu đồng. Lần này, như đã tỉnh cơn mê, chị Xoan tố cáo toàn bộ sự việc lên cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An.
Như đã hẹn, ngày 24-9, Bùi Văn Phúc ra Nghệ An để lấy tiền giải hạn cho mình. 21 giờ cùng ngày, Phúc ung dung ngồi ở phòng 302 khách sạn Phan Gia (thuộc P. Hưng Bình, TP Vinh) để nhận tiền của chị Xoan. Cầm 67,7 triệu đồng chưa ấm tay, “đại sư phụ” Bùi Văn Phúc đã bị TS Đội án 4, Phòng CSĐTTPVTTXH CA tỉnh Nghệ An bắt quả tang cùng với tang vật.
Thượng tá Cao Ánh Hồng – Đội trưởng Đội án 4 cho biết, riêng gia đình chị Xoan đã “nộp” cho nhà sư giả này lên đến 1,5 tỷ đồng. Đây là thủ đoạn mới của những kẻ giả danh nhà sư để lừa đảo kiếm tiền bất chính. Qua đây, CQĐT CA tỉnh Nghệ An đề nghị, ai là bị hại của nhà sư giả Bùi Văn Phúc, liên hệ cơ quan CSĐT CA tỉnh Nghệ An để được giúp đỡ.
Theo 24h
Chiếm đoạt 15 tỷ, ngồi tù cả đời
Huệ trước vành móng ngựa
Huệ lợi dụng lòng tin của nhiều người để vay tiền và hứa trả lãi cao. Người phụ nữ này đã chiếm đoạt của hơn 20 người với số tiền 15 tỷ.
Trần Thị Huệ (SN 1970, xã Quảng Bi, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vốn xinh xắn, mau mồm mau miệng. Khoảng đầu năm 2009, lấy lý do cần huy động vốn để kinh doanh bất động sản, Huệ đã vay tiền của những người thân quen ở địa phương và các xã lân cận với lãi suất 2 đến 3%/tháng. Cầm tiền của người này, Huệ để đưa cho người khác vay với lãi suất cao hơn để hưởng lãi chênh lệch.
Những tháng đầu, Huệ trả tiền lãi đầy đủ cho mọi người để tạo lòng tin. Thế nhưng càng ngày, số tiền người phụ nữ này cầm đi càng nhiều, không có khả năng thanh toán. Tính đến thời điểm tháng 10/2009, Huệ đã vay của 24 người gần 15 tỷ đồng 5.300 USD 9.200 Euro và 8 chỉ vàng.
Người bị Huệ vay và "bùng" với số lượng tiền lớn nhất là bà Nguyễn Thị H. ở huyện Chương Mỹ. Bà đã cho Huệ vay 3,4 tỷ đồng với lãi suất thỏa thuận là 2,5%/tháng. Tin Huệ đi buôn bất động sản, bà H. chỉ ghi giấy viết tay. Tới ngày người phụ nữ này vỡ nợ, số tiền 3,4 tỷ cũng bặt tăm hơi.
Toàn bộ số tiền vay của 24 người trên, Huệ chưa trả cho ai đồng nào. Trước tòa, chị ta khai đã cho bà Trịnh Thị Ng., trú tại quận Hà Đông, Hà Nội vay 3,6 tỷ đồng bà Đặng Thị T., trú tại huyện Chương Mỹ, vay khoảng 1,4 tỷ đồng. Nhưng hai người này không có mặt ở đại phương và ngoài lời khai của bị cáo, không có tài liệu nào khác. Số tiền còn lại Huệ khai sử dụng trả lãi cho những khoản tiền vay trước đó và đóng tiền chơi hụi họ.
Nhiều bị hại tố con gái của Huệ là Mai Thị Yến có liên quan tới việc làm của mẹ nhưng cơ quan điều tra xác định không có vai trò đồng phạm nên không bị truy cứu.
Sau khi xem xét hành vi của bị cáo, HĐXX TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt Trần Thị Huệ án tù chung thân về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo 24h
Cặp vợ chồng giả danh người của nhà chùa để trục lợi Với chiếc áo cà sa có ghi đầy đủ tên họ, địa chỉ nhà chùa cùng cuốn sổ công đức dày cộp, một cặp vợ chồng chuyên lang bạt kỳ hồ đã đóng giả nhà sư để quyên tiền công đức. Mánh khóe của chúng là di chuyển đến những vùng quê xa trung tâm, lợi dụng sự từ bi của người dân...