Đại sứ Pháp nói về hướng đi mới trong hợp tác quốc phòng Việt – Pháp
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary cho biết hợp tác về an ninh – quốc phòng là một trong 3 ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Năm nay, tàu sân bay lớn thứ 2 của Pháp sẽ trở lại thăm Việt Nam, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Bertrand Lortholary
Trong cuộc gặp gỡ vào chiều ngày 5/4 sau chuyến thăm Pháp lịch sử gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Pháp Bertrand Lortholary cho biết kể từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Franois Hollande năm 2016, quan hệ Việt – Pháp đã có những tiến triển rất tích cực trong nhiều lĩnh vực và đạt tầm cao mới. Và chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu mốc mới trong quan hệ song phương.
“Theo đánh giá của các nhà lãnh đạo cấp cao của Pháp, chuyến thăm của Tổng Bí thư rất thành công, giúp thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ giữa hai nước”, ông Lortholary, người nhậm chức tại Việt Nam từ tháng 9/2016, nói.
Năm 2018, Việt Nam và Pháp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong cuộc gặp gỡ báo chí, Đại sứ Bertrand Lortholary đã nhấn mạnh 3 lĩnh vực ưu tiên trong nhiệm kỳ của ông: Thúc đẩy hợp tác kinh tế, an ninh – quốc phòng và văn hóa – thanh niên.
Về kinh tế, theo ông Lortholary, hiện có khoảng 300 doanh nghiệp Pháp đang làm ăn tại Việt Nam, tạo ra khoảng 30.000 việc làm, với nhiều dự án quan trọng như tuyến đường sắt số 3 Hà Nội, các dự án trong lĩnh vực hàng không dân dụng, cơ sở hạ tầng, dược phẩm…. Kim ngạch thương mại song phương theo con số của Pháp đạt khoảng 6 tỷ euro.
Ông Lortholary cho rằng hợp tác kinh tế giữa hai nước đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận, nhưng chưa thực sự tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Vì vậy, các nhà lãnh đạo bên đều đạt mục tiêu thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại song phương. Ông cũng tin tưởng rằng hợp tác kinh tế sẽ còn được tăng cường, nhất là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu ( EVFTA) có hiệu lực trong năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm sau.
Kỳ vọng hướng đi mới trong hợp tác an ninh – quốc phòng
Về an ninh-quốc phòng, ông Lortholary cho hay, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có hai văn bản được ký bên lề cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly. Trong vài tháng tới, cụ thể là từ nay tới cuối năm, nhân dịp một số chuyến thăm quan trọng, sẽ có những văn bản khác dự kiến được ký kết giữa hai bên.
Ông Lortholary cho biết, Pháp và Việt Nam từ lâu đã có sự hợp tác về an ninh-quốc phòng, như trong lĩnh vực đào tạo các cán bộ quốc phòng và bác sĩ quân y hay bồi dưỡng nghiệp vụ để Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Video đang HOT
Đại sứ Pháp nói, một hướng đi mới mà Pháp mong muốn có kết quả cụ thể trong thời gian tới là vấn đề trang thiết bị quốc phòng. Theo ông, trang thiết bị quốc phòng của Pháp có uy tín trên thế giới, đã được các quốc gia sử dụng. Tại châu Á, nhiều quốc gia khác như Australia, Ấn Độ, Malaysia và Singapore đã coi Pháp là một trong những đối tác chủ lực về trang thiết bị quốc phòng.
“Trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng phát triển, chúng tôi hi vọng trong thời gian tới Việt Nam cũng coi Pháp là một trong những đối tác quan trọng để cung cấp các trang thiết bị quốc phòng và coi đó là một trục chính để phát triển mạnh mẽ hơn nữa các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Việt – Pháp”, ông nói.
Ông Lortholary cho biết, trong những năm vừa qua, các tàu chiến Pháp đã đều đặn thăm hữu nghị Việt Nam. Trong 2 năm qua, tàu sân bay lớn thứ 2 của Pháp đã liên tiếp thăm Việt Nam và năm nay tàu này sẽ quay trở lại thăm hữu nghị Việt Nam.
“Đây là điều chưa từng có. Việc này cho thấy hai nước có tầm nhìn tương đồng và mối quan tâm chung nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa về quốc phòng”, Đại sứ Pháp nhấn mạnh.
Ông Lortholary cũng lý giải vì sao Pháp bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới an ninh khu vực dù cách xa về mặt địa lý.
Thứ nhất, Pháp là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vì vậy Pháp có trách nhiệm quan tâm tới vấn đề an ninh, hòa bình của cả thế giới, trong đó có khu vực này. Thứ hai, Pháp cũng có phần lãnh thổ trong khu vực Thái Bình Dương, vì vậy Pháp cũng có lực lượng hải quân được triển khai khá mạnh tại khu vực này. Ngoài ra, quyền lợi kinh tế của Pháp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày càng tăng lên, vì vậy Pháp đặc biệt quan tâm tới sự ổn định của khu vực. Và trong bối cảnh như vậy, Pháp mong muốn hợp tác về an ninh, quốc phòng với Việt Nam.
Chú trọng tới giới trẻ
Về quan hệ nhân dân, Đại sứ Pháp đặc biệt nhấn mạnh tới sự hiểu biết giữa giới trẻ hai nước để các thế hệ tương lai xích lại gần nhau hơn nữa và ông coi đây là một ưu tiên trong nhiệm kỳ. Ông cho biết Pháp khuyến khích mở rộng việc dạy và học tiếng Pháp trong các trường phổ thông của Việt Nam để ngày càng có nhiều các sinh viên tới du học tại các ngôi trường hàng đầu của Pháp.
Ngoài ra, Pháp và Việt Nam cũng hợp tác mạnh mẽ trong các lĩnh vực như môi trường và biến đổi khí hậu, nông nghiệp, pháp luật, y tế…
Theo Đại sứ Lortholary, hiện có khoảng 10.000 người Pháp hiện đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam và đây là con số rất đáng kể. Số lượng du khách Pháp tới Việt Nam đứng số 1 trong số các quốc gia châu Âu.
Ông Lortholary cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động ấn tượng, do đó nhiều người Pháp muốn sang Việt Nam để tận dụng môi trường phát triển năng động như vậy.
Việt Nam có nhiều cảnh quan đẹp và sự gắn kết về mặt lịch sử giữa hai nước cũng là những lý do khiến du khách Pháp tới Việt Nam ngày một tăng.
“Không chỉ tới thăm các địa điểm nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Sa Pa, Huế, du khách giờ đây còn tới nhiều địa điểm khác như Hà Giang, Lạng Sơn hay Đồng bằng Sông Cửu Long”, ông nói.
Ở chiều ngược lại, số lượng du khách Việt Nam tăng mạnh qua từng năm. Trong năm 2017, số lượng thị thực cấp cho khách du lịch Việt Nam sang Pháp đã tăng 60% so với năm 2016, với số lượng khoảng 50.000 du khách.
Theo Đại sứ Lortholary, tại Pháp, cộng đồng người Việt có khoảng 300.000 người. Đây là cộng đồng năng động, hội nhập tốt với xã hội Pháp và nước Pháp cũng tự hào về các cộng đồng nhập cư này.
Ông Lortholary nói thêm, trong tuyên bố chung Việt – Pháp nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhận lời mời thăm Việt Nam vào năm 2019 và hai nước giờ đây rất mong đợi chuyến thăm này.
An Bình
Theo Dantri
EU, Pháp giúp Việt Nam tìm biện pháp chống xói mòn bờ biển
Liên minh châu Âu và Pháp đã hỗ trợ nguyên cứu về nguyên nhân và các biện pháp bảo vệ bờ biển tại Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và các thảm họa liên quan.
Các đại biểu tham gia hội thảo về chống xói mòn bờ biển ở Việt Nam tại Hội An ngày 25/5 (Ảnh: Phái đoàn EU tại Việt Nam)
Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, hôm nay, tại thành phố Hội An đã diễn ra một Hội thảo thảo luận về kết quả của ba nghiên cứu khoa học về vấn đề xói mòn bờ biển được thực hiện ở 3 tỉnh: Cà Mau và Tiền Giang và Quảng Nam. Các nghiên cứu này được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Pháp thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết của mình tại COP (Hội nghị Các bên về Biến đổi Khí hậu).
Các nghiên cứu đã xem xét các nguyên nhân gây xói mòn bờ biển, làm tổn hại nghiêm trọng đến khu vực và kế sinh nhai của người dân, nhằm để: Tìm hiểu về cơ chế gây xói mòn ở hai khu vực này; Thiết lập một cơ sở khoa học vững chắc cho việc quản lý tổng hợp các vùng ven biển của Việt Nam; Đề xuất các biện pháp mềm và cứng để bảo vệ bền vững các vùng ven biển khỏi xói mòn.
Để phục vụ mục đích này, hai chiến dịch đo đạc tại chỗ (thủy động lực học của sóng, thuỷ triều và dòng trầm tích) đã lần đầu tiên được tiến hành tại Việt Nam, và các biện pháp thử nghiệm (trong phòng thí nghiệm và tại chỗ) và số học đã được thực hiện.
Các biện pháp mềm và cứng để bảo vệ bãi biển Hội An và vùng duyên hải hạ lưu sông Mê-kông từ kết quả của 9 tháng nghiên cứu đều được trình bày và thảo luận trong hội thảo.
Các khoản đầu tư cụ thể
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và các thảm họa liên quan. Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng đồng bằng trên thế giới dễ bị ảnh hưởng và tổn thương do mực nước biển dâng cao.
Tham dự hội thảo có các nhà nghiên cứu đến từ các cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia, các học giả trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng vùng bờ biển, các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương cũng như các đại diện từ các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển.
Dựa trên khuyến nghị của các nghiên cứu trên, sẽ có một khoản đầu tư được thiết kế với nguồn vốn tài trợ lên tới 87 triệu euro từ Cơ quan Phát triển Pháp, và có thể kết hợp với một khoản tài trợ khác từ khoản cho vay không hoàn lại của Liên minh châu Âu.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn EU Bruno Angelet cho biết: "Nghiên cứu này là hành động thực hiện cam kết của EU tại Paris trong COP 21 để hỗ trợ Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu... Dựa trên các kết quả nghiên cứu, một chương trình đầu tư sẽ được xây dựng bao gồm các biện pháp thích ứng cứng và mềm có thể bao gồm xây dựng đê, phục hồi rừng ngập mặn và nâng cao năng lực để tăng cường phát triển bền vững và quản lý môi trường".
Đại sứ Pháp Bertrand Lortholary nói thêm " Chống lại sự ấm lên toàn cầu và giúp các nước đối tác thích ứng với biến đổi khí hậu là trọng tâm của các chiến lược phát triển và hợp tác của Pháp trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Cùng với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu, tài trợ phát triển của chúng tôi sẽ cải thiện khả năng phục hồi của Việt Nam đối với biến đổi khí hậu, kiểm soát bền vững nguy cơ lũ lụt, bảo vệ bờ biển khỏi xói lở hoặc phục hồi rừng ngập mặn ven biển và nhiều vấn đề nữa".
An Bình
Theo Dantri
Cựu Đại sứ Pháp làm phim về "những nét duyên ngầm" của Hà Nội Trong bộ phim do ông tự viết kịch bản và đọc lời bình bằng tiếng Việt, cựu Đại sứ Pháp Jean-Noel Poirier đã tái hiện một hành trình thú vị khám phá từng ngõ ngách của Hà Nội, tìm kiếm những "bí mật" về thành phố khiến ông "nhớ về Paris của tuổi ấu thơ" - những nét duyên ngầm mà đôi khi...