Đại sứ Phạm Sanh Châu và những lá thư xúc động của cặp vợ chồng Việt – Hàn
“Đại sứ Phạm Sanh Châu và Chính phủ Việt Nam đã khẳng định được một cách mạnh mẽ uy tín của mình trên trường quốc tế” – những lời này là từ bức thư của một người đàn ông Hàn Quốc có gia đình Việt Nam.
Người này bị kẹt ở Ấn Độ do dịch Covid-19 và đã được Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu hết lòng giúp đỡ. Đại sứ Sanh Châu đang tiếp tục đưa những người Việt còn mắc kẹt do Covid-19 trở về.
Đếm từng ngày đoàn tụ
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu mới đây được chia sẻ một bức thư lời lẽ vô cùng tha thiết – bức thư của một người đàn ông Hàn Quốc viết gửi vợ người Việt và con gái 17 tháng tuổi đang sống ở Hà Nội. Park Gong Hee đến Việt Nam sống và làm việc đã được 5 năm, có gia đình nhỏ ở đây. Với anh, Việt Nam như quê hương thứ hai. Cuối tháng 2/2020 Park được công ty cử đi công tác ở Ấn Độ và dự định trở về Việt Nam ngày 21/3, nhưng dịch Covid-19 bùng phát, Ấn Độ phong tỏa hoàn toàn, anh kẹt lại ở đất nước này.
2 hôm sau, Đại sứ Phạm Sanh Châu bất ngờ nhận được thư của T.N. – cô vợ người Việt của Park Gong Hee. Bức thư rất khẩn thiết và xúc động: “Mẹ con cháu đếm từng ngày chờ chồng cháu trở về. Từ lúc con gái cháu được sinh ra, chưa bao giờ hai bố con xa nhau lâu như thế. Con bé rất bám bố vì mỗi khi đi làm về hai bố con lại quấn quýt chơi đùa cùng nhau” – bức thư viết.
Công dân Hàn Quốc Park Gong Hee. Ảnh: Đại sứ Phạm Sanh Châu cung cấp.
N. quyết định viết thư cho Đại sứ Sanh Châu nhờ giúp đỡ, sau khi đọc trên báo biết rằng nhiều người Việt Nam tại Ấn Độ đã kịp trở về trên chuyến bay cuối, nhờ những nỗ lực của ông và các cán bộ Đại sứ quán. N. rất lo lắng cho chồng một mình ở xứ người, không biết tiếng Anh, công ty tại Ân Độ tạm thời đóng cửa.
“Chồng cháu không phải là người Việt Nam, nhưng vợ và con anh ấy là người Việt Nam. Anh ấy luôn coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Anh ấy sống và làm việc đóng góp một phần sức lực nhỏ bé cho sự phát triển chung của Việt Nam” – N viết. “Bố mẹ chồng cháu đều đã qua đời, cháu và con gái là những người thân duy nhất của anh ấy. Chúng cháu đã quyết định sẽ định cư tại Việt Nam, sống và cống hiến cho nơi đây – quê hương của chúng cháu”.
“Trong dòng máu của con gái anh có 50% là Hàn Quốc và 50% là Việt Nam nên chúng tôi sẽ chăm lo cho anh cho đến khi tình hình yên ổn hơn” – Đại sứ Phạm Sanh Châu nói với Park Gong Hee, trich thư của Park gửi vợ con.
Park cho biết: Suốt từ sau ngày 21/3, ngày nào Đại sứ Sanh Châu cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe, hỏi anh có đủ lương thực dự trữ, có cần thêm gì không. Park lo lắng về tình hình dịch, nhớ vợ thương con, không đêm nào anh ngủ được trọn giấc. “Nhưng bù lại, ba không hề cảm thấy cô đơn vì nhờ sự quan tâm sâu sắc của ông Phạm Sanh Châu” – thư của Park kể cho vợ và con gái.
Bức thư khiến Đại sứ Sanh Châu bận lòng. Ông liên lạc với Park Gong Hee. Tình hình ở Ấn Độ lúc này rất khó khăn vì đã bị phong tỏa hoàn toàn, đến cán bộ ngoại giao đoàn cũng không được đi ra ngoài, nhân viên của mình Đại sứ cũng không được gặp, mọi sự đều phải thu xếp qua những cuộc điện thoại. Bảo hộ công dân Việt Nam là trách nhiệm của bất kỳ cán bộ ngoại giao nào, kể cả người như Park Gong Hee, có một gia đình là người Việt – Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.
Video đang HOT
Nỗ lực giải cứu
Với Đại sứ Sanh Châu, để giúp được Park cũng không dễ chút nào giữa thời kỳ phong tỏa, tình hình căng như dây đàn. Park không nói được nhiều tiếng Anh, may mà Đại sứ Châu quen một doanh nhân Hàn Quốc từng đầu tư ở Việt Nam, giờ sang Ấn Độ làm ăn. Ông Sanh Châu phải nhờ doanh nhân này gọi điện thường xuyên cho Park, trò chuyện bằng tiếng Hàn, cung cấp mọi thông tin cần thiết để trấn an anh. Mặt khác, ông Sanh Châu liên lạc thường xuyên với Đại sứ Hàn Quốc tại Ấn Độ. Và khi phía Hàn Quốc có chuyến bay đặc biệt để đưa công dân của họ trở về Seoul vào một ngày đầu tháng 4, ông đã sắp xếp để đưa Park lên chuyến bay đó. Và giờ thì Park đang ở Hàn Quốc an toàn.
Park chưa thể trở lại Việt Nam đoàn tụ cùng vợ con do Việt Nam vẫn đang tạm dừng nhập cảnh với người nước ngoài, nhưng ít nhất anh có thể ở giữa quê hương mình. Trong bức thư gửi vợ con, Park viết: “Từ đáy lòng mình ba rất cảm động và muốn viết những lời này chân thành cảm ơn Đại sứ và Chính phủ Việt Nam. Ba nghĩ rằng Đại sứ Phạm Sanh Châu và Chính phủ Việt Nam đã khẳng định được một cách mạnh mẽ uy tín của mình trên trường quốc tế”.
Bức thư được chia sẻ với Đại sứ Sanh Châu. Ông rất vui và nói: “Tôi tin rằng câu chuyện đang kể sẽ kết thúc rất có hậu”.
Công dân Việt Nam chuẩn bị lên máy bay lúc 0h 22/3, ngay trước khi Ấn Độ đóng cửa.
Thực ra chuyện của gia đình Park Gong Hee chỉ là một trong hàng chục câu chuyện cảm động mà Đại sứ Phạm Sanh Châu đã gặp trong suốt cả tháng trời qua, trong những nỗ lực hỗ trợ công dân Việt Nam ở Ấn Độ giữa dịch Covid-19. Từ khi Ấn Độ thông báo sẽ phong tỏa đất nước, lúc nào tổng đài bảo hộ công dân của Đại sứ quán, điện thoại, FB cá nhân của các cán bộ, từ Đại sứ đến nhân viên lúc nào cũng nóng, dồn dập các cuộc gọi, tin nhắn từ Việt Nam nhờ giúp đỡ người thân – ông Châu kể.
Người đang học thiền, người đi hành hương, tu tập, sinh viên, người lao động Việt Nam ở khắp nơi trên đất nước Ấn Độ. Ai cũng lo vì phương tiện đi lại ngày càng khó khăn, visa sắp hết hạn, các chuyến bay bị hủy, nhiều khác sạn Ân Độ từ chối nhận người nước ngoài, trong khi đó có rất nhiều nguy cơ Ấn Độ trở thành ổ dịch lớn.
“Một chiến dịch hỗ trợ nho nhỏ và thầm lặng đã diễn ra” – Đại sứ Sanh Châu chia sẻ. Ông và các cán bộ của mình chỉ thở phào nhẹ nhõm khi chuyến bay cuối cùng rời Ấn Độ 0h đêm 22/.3 cất cánh, kịp ngay trước lệnh phong tỏa có hiệu lực.
Hàng trăm người kẹt lại
Nhưng ngay cả lúc đó, ông Sanh Châu vẫn biết rằng còn rất nhiều người Việt vẫn chưa kịp về và phải ở lại đâu đó trên đất nước rộng hơn 3 triệu km vuông này. “Chúng tôi chỉ muốn nhắn với họ rằng họ hãy yên tâm vì Đại sứ quán thay mặt Nhà nước Việt Nam ở đây sẽ không bao giờ bỏ rơi họ, những người con đất Việt” – ông nhắn nhủ trên FB cá nhân.
Khi chuyến bay đưa người Việt trở về hạ cánh an toàn xuống Hà Nội, ở nhà báo sang, Đại sứ mới vỡ nhẽ, hóa ra trong số 220 người đã đăng ký chuyến bay “giờ G” đó, có những người bỏ vé ở lại, hoặc hy vọng tình hình Ấn Độ sẽ tốt hơn, hoặc lưỡng lự muốn tiếp tục hành trình của mình. Ông Sanh Châu thật sự tiếc, bởi lẽ ra những chỗ ngồi đó có thể dành cho những người khác cũng đã mong mỏi về Việt Nam, và vì chuyến bay ưu tiên cho người Việt nên nhiều người nước ngoài như Park Gong Hee đã phải ở lại.
Đại sứ Sanh Châu đo nhiệt độ trước khi vào sứ quán.
Điện thoại của Đại sứ Sanh Châu vẫn nóng không ngừng. Đến ngày 10/4, Đại sứ cho biết, đã có 600 người Việt ở khắp nơi trên đất Ấn Độ đăng ký thông tin với Đại sứ quán để bảo hộ công dân nếu cần, trong đó hơn 280 người mong muốn về Việt Nam khi có chuyến bay sớm nhất.
Những người Việt đã đăng ký với Đại sứ quán hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực. Có một sư ông đi tu 5- 6 năm nay, giờ bị kẹt phải nằm giữa nhà ga Kolkata, ngủ ở đó và bị cảnh sát đuổi. Cô con gái từ Ý cầu cứu Đại sứ quán, và ông Châu đã nhờ một ngôi chùa ở đó cho ông tá túc. Đại sứ quán cũng đã liên hệ để thầy Huyền Diệu mở Việt Nam Phật Quốc tự – ngôi chùa Việt Nam duy nhất trên đất Ấn Độ, cho 6 người Việt tạm trú tạm. Có bạn nữ đi du lịch mạo hiểm một mình. Một cô sinh viên Việt Nam đang học ở Hamburg, theo bạn trai người Ấn về thăm nhà. Có doanh nhân từ tập đoàn lớn của Việt Nam sang mở chi nhánh tại Ấn Độ. Có các học viên quân sự, học viên Phật giáo cũng đang bị kẹt. Hay một đôi vợ chồng người Anh gốc Ấn, sống ở Hong Kong, có nhà máy đầu tư ở Nam Định, về Ấn Độ thì gặp lệnh phong tỏa. Có đoàn 20 người từ Quảng Ngãi sang học nghề, họ vốn làm cho một công ty Bỉ và công ty này có nhà máy ở Ấn Độ. Hay một cậu thanh niên sang Ấn Độ hướng dẫn khách hàng sử dụng máy làm hương nhang, cậu không biết tiếng Anh lẫn tiếng Hindi, mỗi lần nói chuyện toàn phải dịch qua Google…
Đại sứ Sanh Châu nói rằng, đây chính là dịp để ông nhìn lại bức tranh toàn cảnh về người Việt đang mắc kẹt, hoặc đang sống ở Ấn Độ, một bức tranh vô cùng phong phú đa dạng, người giàu có, người nghèo có, người thành công có mà người bình dân cũng có. Nếu đã có câu chuyện hơn 100 gia đình Việt Nam có con du học ở một quốc gia phát triển, muốn thuê máy bay sang đó đón con về, như một ví dụ về “rich kid”, thì câu chuyện người Việt đang kẹt ở Ấn Độ rất tương phản và càng tìm hiểu sâu, càng lay động lòng người.
Tình hình Ân Độ đã khó khăn hơn nhiều kể từ chuyến bay giải cứu lần trước. Ở Delhi đã xuất hiện 22 ổ dịch mới, có lẽ việc đi lại sẽ phải siết chặt hơn là nới lỏng. Hơn nữa, những người Việt này không tập trung ở New Delhi, mà rải rác ở 14 khu vực của Ấn Độ. “Mọi sự có lẽ phải chờ qua ngày 15/4 là hết đợt phong tỏa dự định của Ấn Độ, xem họ quyết định tiếp theo như thế nào. Nhưng tôi vẫn đang cố gắng thu xếp mọi chuyện mà giờ chưa thể nói trước được” – Đại sứ Sanh Châu cho biết ông vẫn không ngừng hy vọng và đang làm việc ngày đêm vì công dân của nước mình.
Suy nghĩ của Đại sứ Sanh Châu và các cán bộ ĐSQ lúc này có lẽ cũng giống như các nhà ngoại giao Việt Nam khác ở khắp nơi trên thế giới., họ đang căng mình trong các nỗ lực bảo hộ công dân, chống chọi với dịch Covid-19 ở nước sở tại mà vẫn phải đảm bảo các nhiệm vụ chính trị ngày thường.
“Nếu cần, chúng tôi nguyện là những người lính cuối cùng chỉ rời khỏi đất nước này khi tất cả bà con bình an và khi được cấp trên cho phép. Chúng tôi – những nhà ngoại giao, cũng như các thuỷ thủ quyết ở trên con tàu này bình tĩnh và tự tin để lái nó vượt qua vùng tâm bão”.
Vĩnh Nguyên
Người Hàn ở Bình Dương âm tính COVID-19, đề xuất hủy cách ly những người liên quan
Chiều 6-4, người Hàn Quốc làm tại Bình Dương đã có kết quả âm tính sau 2 lần xét nghiệm COVID-19. Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM đề nghị hủy bỏ cách ly 15 công dân Hàn Quốc tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với người này.
Kiểm soát thân nhiệt trước khi vào bệnh viện - Ảnh: THU HIẾN
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin trước đó, một công ty tại cụm công nghiệp ở Bình Dương bị phong tỏa sau khi một người Hàn Quốc làm việc tại đây về nước và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp (COVID-19). 800 lao động đã được cho nghỉ việc tạm thời để phòng dịch.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương, ông L.K.N. (quốc tịch Hàn Quốc), làm việc tại công ty trên từ tháng 1-2020. Ngày 31-3, ông L.K.N. đến TP.HCM để bay về Hàn Quốc.
Ngày 1-4, sau khi ông L.K.N. đã về tới Hàn Quốc, cơ quan chức năng Hàn Quốc thông báo cho phía Việt Nam ông L.K.N. có kết quả xét nghiệm dương tính với virus gây dịch bệnh COVID-19.
Sau khi nhận thông báo, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã xác định được có 46 người từng có tiếp xúc gần với ông L.K.N. (trong đó bao gồm 3 người Hàn Quốc sống tại ký túc xá của công ty, 4 người Hàn Quốc sống tại TP.HCM).
Toàn bộ những người tiếp xúc với bệnh nhân tại Bình Dương đã được đưa đi cách ly tập trung tại Trường quân sự tỉnh.
Thành phố đã thực hiện các biện pháp phòng dịch với 4 người tiếp xúc với người Hàn Quốc này. Ngày 5-4, kết quả xét nghiệm của 4 trường hợp tiếp xúc gần này đều âm tính.
Ngày 6-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chính thức nhận được thông tin từ Sở Ngoại vụ lần nữa về việc người đàn ông này có kết quả xét nghiệm xác định thêm 2 lần nữa là âm tính. Đồng thời, phía Hàn Quốc đã xác nhận kết quả xét nghiệm cuối cùng của người này là âm tính với COVID-19.
Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM ngày 6-4 gửi công văn tới Sở Ngoại vụ TP.HCM, theo đó với kết quả xét nghiệm cuối cùng của công dân này là âm tính với COVID-19, và công dân này sẽ sớm được xuất viện.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc đề nghị Sở Ngoại vụ xem xét hủy bỏ cách ly đối với 15 công dân Hàn Quốc có tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với công dân trên.
Những người này đang bị cách ly tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi, một trường đại học tại quận 7, TP.HCM và cơ sở cách ly tỉnh Bình Dương từ ngày 4-4.
THU HIẾN - NGUYÊN HẠNH
Covid-19: Việt Nam đề nghị duy trì hàng không với Mỹ và một số nước Sáng 27/3 (giờ Hà Nội), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có cuộc điện đàm lần thứ hai với lãnh đạo Bộ Ngoại giao các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand về tình hình dịch bệnh Covid-19. Tại cuộc điện đàm, lãnh đạo Bộ Ngoại giao các nước nhấn mạnh việc hợp tác...