Đại sứ Phạm Sanh Châu nói gì về cuộc phỏng vấn tại UNESCO?
UNESCO đưa ra một quy trình hoàn toàn mới trong việc tuyển chọn Tổng Giám đốc, giống quy trình tuyển chọn Tổng thư ký Liên Hợp quốc.
Sáng 27/4, tại trụ sở UNESCO tại Paris (Pháp), ông Phạm Sanh Châu, ứng cử viên của Việt Nam tranh cử chức Tổng Giám đốc UNESCO, đã hoàn thành tốt cuộc trả lời phỏng vấn Hội đồng tuyển chọn.
Sau đây là những chia sẻ của ông Phạm Sanh Châu với VOV.
PV: Thưa ông, là ứng cử viên chức Tổng giám đốc UNESCO, ông cho biết thể lệ và nội dung tuyển chọn lần này có gì đặc biệt không? Và với tư cách người Việt Nam ứng cử chức vụ này, ông có suy nghĩ và cảm xúc thế nào?
Ông Phạm Sanh Châu: Hiện nay, UNESCO đưa ra một quy trình hoàn toàn mới trong việc tuyển chọn Tổng Giám đốc, giống quy trình tuyển chọn Tổng thư ký Liên Hợp quốc.
Đại sứ Phạm Sanh Châu tích cực “ôn luyện” cho cuộc thi vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Lần đầu tiên, UNESCO cho phép mọi người vào phòng để nghe. (Trước kia là đóng cửa, chỉ có các nước thành viên mới được ngồi dự).
Thứ hai là cho phép tăng thời lượng hỏi từ 60 phút lên 90 phút.
Thứ ba là cho phép hỏi trực tiếp. Trước đây trình bày 30 phút và hỏi 30 phút thì bây giờ trình bày chỉ có 10 phút, còn hỏi 80 phút.
Thứ tư là cho phép truyền hình trực tiếp.
Thứ năm là cho phép đặt câu hỏi tại chỗ, qua bốc thăm, để tránh việc nước này có thể “cài” nước kia hỏi câu hỏi cho mình.
Tính bất ngờ do vậy rất lớn, sức ép cũng rất lớn bởi được truyền hình trực tiếp. Đó là những điểm mới của thể thức tranh cử lần này.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, ứng cử viên vào chức Tổng Giám đốc UNESCO lần này là dịp để quảng bá hình ảnh, giới thiệu về đất nước Việt Nam, nên tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã đề cử tôi. Đây là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam đề cử một người vào chức vụ này.
Video đang HOT
Trong khi trình bày, tôi đã lồng ghép Việt Nam là đất nước đã trải qua chiến tranh, tự hào về quá khứ hào hùng của mình, đạt được rất nhiều thành công trong quá trình đổi mới, chuyển biến xã hội và kinh tế.
Việt Nam cũng là nước có đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, làm bạn với tất cả các nước. Chính vì vậy, đây cũng là dịp để chúng ta quảng bá, tuyên truyền về Việt Nam. Người ta cũng thấy thú vị khi lần đầu tiên Việt Nam đề cử ứng cử viên, hội tụ đủ tất cả các thế mạnh quốc gia và thế mạnh cá nhân.
PV: Xin ông cho biết, điểm nhấn trong chương trình tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO của mình là gì và ông đã thuyết phục Hội đồng điều hành như thế nào?
Ông Phạm Sanh Châu: Trong chương trình hành động của mình, tôi đã đưa ra 10 điểm ưu tiên cho UNESCO trong 4 năm tới nếu tôi được bầu làm Tổng Giám đốc. Nhưng có 3 điều quan trọng nhất mà tôi đã trình bày trong bản tóm tắt của mình.
Thứ nhất, UNESCO phải tiếp tục sứ mệnh hòa bình, bởi đó là sứ mệnh cao cả, thiêng liêng, đã được Hiến chương của UNESCO quy định. Ra đời sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, UNESCO hiểu hơn ai hết giá trị của việc bảo vệ hòa bình. UNESCO là tổ chức có tính liên ngành cao nhất, có khả năng triển khai thông điệp hòa bình.
Đại sứ Phạm Sanh Châu tại cuộc thi
Điểm thứ hai là UNESCO phải tiếp tục quá trình cải cách. UNESCO đã cải cách, đang cải cách và cần tiếp tục cải cách để trở thành một tổ chức hiệu quả hơn, năng động hơn, có thể hợp tác tốt hơn và định vị lại vị thế của mình trong hệ thống của Liên Hợp quốc.
Thứ ba là UNESCO cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, để cho thế giới hiểu rõ UNESCO không chỉ làm về văn hóa, về giáo dục, mà UNESCO còn rất mạnh trên lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, và đang quyết tâm xây dựng một xã hội thông tin, ở đó mọi người có quyền tiếp cận tin tức.
PV: Ông suy nghĩ ra sao về những thách thức với hoạt động của UNESCO hiện nay?
Ông Phạm Sanh Châu: Trong quá trình phỏng vấn, câu hỏi mà tôi thấy thích thú hơn cả là đề cập đến thách thức trong việc giải quyết vấn đề ngân sách ngày càng eo hẹp, trong khi đòi hỏi của người dân ngày càng lớn hơn, thách thức để làm thế nào UNESCO vừa là tổ chức trí tuệ, nhưng cũng là tổ chức hành động ở cấp địa phương.
Đó là yếu tố rất quan trọng. Tôi đã đưa ra giải pháp gọi là “giải pháp tầm nhìn”. Chúng ta phải ý thức được là chúng ta muốn cái gì và định hướng tổ chức của mình đi tới đâu và sẽ làm gì trong tương lai?
Thứ hai là chúng ta phải biết thu hẹp lại những ưu tiên của mình. Hiện nay, UNESCO đã làm quá nhiều lĩnh vực, nếu tiếp tục mở ra thì lực lượng và ngân sách sẽ rất mỏng để triển khai thành công một ý tưởng hay một dự án cụ thể. Do đó, cần phải biết tối ưu hóa lại.
Điểm thứ ba là UNESCO cần tăng cường sự hợp tác và đối thoại giữa các bên để vấn đề chính trị chiếm ít thời gian hơn.
PV: Ông nhận xét thế nào về những câu hỏi phỏng vấn hôm nay? Ông thấy phần trả lời của mình hôm nay được các giám khảo nhận xét ra sao?
Ông Phạm Sanh Châu: Mọi người nói tôi là ứng cử viên được đưa ra nhiều câu hỏi nhất. Sau khi tôi kết thúc phần trình bày, gần như hầu hết các nước của Hội đồng đều đề bảng đặt câu hỏi. Những câu hỏi rất đa dạng, về nhiều vấn đề. Tôi thậm chí tỏ thiện chí là rút ngắn câu trả lời từ 5 xuống 2 phút để tạo điều kiện cho nhiều người được trả lời hơn.
Mọi người nói là tôi đã thể hiện được phẩm chất của nhà lãnh đạo, có chiều sâu, tầm chiến lược, nhưng cũng thuộc rất nhiều vấn đề cụ thể. Sẵn sàng lắng nghe mọi người để trở thành người đối thoại tích cực. Cuối cùng là có cá tính, có “cái tôi” mà mọi người rất thích.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Thái Dương/ VOV-Paris
Đại sứ Phạm Sanh Châu hoàn thành tốt phần trả lời phỏng vấn tại UNESCO
Ứng viên Việt Nam cho chức Tổng Giám đốc UNESCO, Phạm Sanh Châu, bước vào phỏng vấn với tâm thế tự tin, đĩnh đạc, và đã trả lời trôi chảy các câu hỏi.
Đại sứ Phạm Sanh Châu, ứng cử viên duy nhất của khu vực Đông Nam Á cho chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO, đã hoàn thành phần thi của mình trong màn tranh cử vào vị trí này trong phiên họp toàn thể công khai của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vào ngày 27/4.
Đại sứ Phạm Sanh Châu tại nơi thực hiện phỏng vấn "tuyển" Tổng Giám đốc UNESCO. Ảnh trích xuất từ video truyền hình trực tiếp tại website UNESCO.
Phần trả lời phỏng vấn diễn ra tại Tổng hành dinh của UNESCO ở Paris.
Phần thi của Đại sứ Châu kéo dài trong một tiếng rưỡi từ 9h15-11h15 (giờ Paris, tức từ 14h45-16h15 giờ Hà Nội).
Phần thi của Phạm Sanh Châu bắt đầu bằng phần giới thiệu của Đại sứ trong 10 phút, trong đó Đại sứ nhấn mạnh đến 3 thông điệp căn bản, đó là Hòa bình, Thay đổi, và việc Thực thi tốt hơn, thông tin tốt hơn, "PR" tốt hơn cho UNESCO.
Sau đó 6 vị đến từ 6 nước thành viên UNESCO được chỉ định trước đại diện cho 6 khu vực trên thế giới, lần lượt đặt ra câu hỏi cho Đại sứ Châu. Các nước đó là Serbia (Đông Âu), Cộng hòa Dominica (châu Mỹ Latin), Malaysia (châu Á Thái Bình Dương), Nam Phi (châu Phi), Morocco (Trung Đông), và Anh (Tây Âu).
Đại sứ Phạm Sanh Châu trình bày phần giới thiệu của mình.
Kế đó đại diện các nước thành viên UNESCO bỏ phiếu ghi tên nước mình vào trong bình để Chủ tịch Phiên họp bốc thăm lần lượt và mời họ đưa ra câu hỏi chất vất ứng viên. Những người may mắn được mời đặt câu hỏi là đại diện của 9 nước: Slovenia, Đức, Iran, Cộng hòa Dominica, Togo, Paraguay, Sri Lanka, El Salvador, và Nepal.
Câu hỏi có nội dung đa dạng từ quản trị nội bộ của UNESCO, vấn đề tài chính của tổ chức này, đến vấn đề bình đẳng giới, vấn đề châu Phi, về chủ nghĩa khủng bố và hiện tượng các lực lượng cực đoan sử dụng internet để tuyên truyền.
Với chất giọng nhẹ nhàng, điềm tĩnh, lên bổng xuống trầm khi cần thiết, Đại sứ Châu đã trả lời rành rọt các câu hỏi trong khung thời gian đề ra cho mỗi ứng viên. Các câu hỏi được đưa ra lúc bằng tiếng Anh, lúc bằng tiếng Pháp, và Đại sứ đã trình bày câu trả lời trôi chảy tương ứng bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.
Quang cảnh phiên họp toàn thể tại trụ sở UNESCO. Ảnh trích xuất từ video truyền hình trực tiếp.
Sau phần hỏi đáp, Đại sứ Châu kết luận phần trình bày của mình bằng việc đề cập trải nghiệm phong phú của bản thân ở Việt Nam (một đất nước có nhiều năm chiến tranh) và nhiều nước khác trên thế giới, mà từ đó Đại sứ đánh giá rất cao và thực sự quan tâm đến tổ chức UNESCO.
Trong phần kết luận, Đại sứ nêu bật những phẩm chất cần có ở một tân Tổng Giám đốc - đó là nhà lãnh đạo có tầm nhìn, nhà quản lý tốt, và nhà đàm phán, nhà ngoại giao khéo léo, cũng như nhà truyền thông giỏi để có thể giành thêm sự ủng hộ và tài chính cho tổ chức.
Đại sứ Châu cũng nhấn mạnh rằng Tổng Giám đốc UNESCO phải là một "sếp tràn đầy yêu thương" để mọi người khi đến nơi này đều cảm thấy hạnh phúc.
Cuối cùng, Đại sứ Châu tự tin khẳng định mình đủ năng lực để làm người đứng đầu UNESCO, và cam kết nếu đắc cử, sẽ cống hiến hết mình cho tổ chức, làm cho UNESCO mạnh hơn, đoàn kết hơn, và hội tụ nhiều năng lực hơn.
Phần thi của Đại sứ Phạm Sanh Châu đã nhận được phản hồi rất tích cực từ các đại biểu dự họp. Chẳng hạn các Đại sứ Nhật Bản và Serbia khẳng định Phạm Sanh Châu là ứng cử viên trình bày hay nhất và ấn tượng nhất (cho tới thời điểm này). Đại sứ Tây Ban Nha thì "thắc mắc", ông đọc tài liệu lúc nào mà nắm bắt vấn đề tốt thế. Ngoài ra mọi người còn nhận xét, Đại sứ Châu là ứng viên có nhiều người đặt câu hỏi nhất, và là ứng viên có nhiều người chúc mừng nhất.
Theo Trung Hiếu
Quy trình lựa chọn chức tổng giám đốc UNESCO Cuộc phỏng vấn các ứng viên được đề cử chức tổng giám đốc Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên Hợp Quốc không phải cuộc thi, mà nhằm để đại diện các nước thành viên hiểu rõ năng lực của họ. Ứng viên Việt Nam Phạm Sanh Châu, ngoài cùng bên trái, cùng đại diện các nước tham gia...