Đại sứ Phạm Quang Vinh: “Quan hệ Việt-Mỹ đang vượt trên kỳ vọng”
Chỉ trong vòng 2 thập kỷ bình thường hóa, quan hệ Việt – Mỹ đã đạt được những tiến bộ lớn, vượt trên cả kỳ vọng.
Sáng nay (29/4, theo giờ Việt Nam), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng về quan hệ Việt-Mỹ tại hội thảo về chiến tranh Việt Nam do Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson và trường Đại học Texas tổ chức tại thành phố Austin, bang Texas.
Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Phạm Quang Vinh điểm lại những cơ hội xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp từng bị bỏ lỡ như gần 230 năm trước, khi Tổng thống Thomas Jefferson tìm cách đưa giống lúa của Việt Nam về trồng tại bang Virginia và những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Henry Truman trong giai đoạn 1945-1946 đề nghị hai nước “hợp tác toàn diện”.
Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu tại hội thảo
Thay vào đó, Việt Nam và Mỹ đã trải qua một cuộc chiến tranh với nhiều hậu quả đau thương. Về phía Việt Nam, 3 triệu người chết, 4 triệu người bị thương tật, 4,8 triệu người phơi nhiễm chất da cam/dioxin và hàng trăm nghìn người mất tích.
Một cuộc chiến tranh mà cựu Tống thống Bill Clinton mô tả là “đau đớn và ám ảnh” và Ngoại trưởng John Kerry cho là “một thất bại nặng nề nhất về năng lực ngoại giao và nhãn quan chính trị”.
Nhưng lịch sử đã sang trang như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ tháng 7/2015 rằng, “có lẽ ít ai hình dung được bằng cách nào mà hai nước có thể vượt qua được nỗi đau của chiến tranh để xây dựng một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và tích cực như hiện nay”.
Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định: “Việt Nam và Mỹ là những đối tác quan trọng của nhau. Chỉ trong vòng 2 thập kỷ bình thường hóa, quan hệ 2 nước đã đạt được những tiến bộ lớn, vượt trên cả kỳ vọng. Quan hệ đối tác của chúng ta ngày nay đã trải dài từ hợp tác song phương tới đa phương”.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho biết, về chính trị, hai nước đã khẳng định ở cấp cao nhất về nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị và độc lập chủ quyền của nhau, tạo cơ sở tin cậy cho việc tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác.
Video đang HOT
Sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, trao đổi thương mại đã tăng 90 lần, lên 45 tỷ USD năm 2015, và triển vọng sẽ còn lạc quan hơn nữa sau khi các bên hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Hợp tác an ninh quốc phòng có nhiều bước tiến với việc hai bên ký kết Tuyên bố tầm nhìn chung 2015, triển khai hợp tác trên các lĩnh vực như an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, đối phó thiên tai và gìn giữ hòa bình.
Đặc biệt, hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, tẩy độc và chăm sóc y tế người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin trở thành một nội dung ưu tiên của quan hệ song phương.
Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu bật sự thành công và đóng góp nhiều mặt của cộng đồng người Việt tại Mỹ đối với mỗi nước cũng như quan hệ hai nước.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng đề nghị phía Mỹ sớm công nhận Việt Nam có quy chế thị trường và dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, nhấn mạnh rằng đây sẽ là bối cảnh thuận lợi cho chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Obama.
Hội thảo chiến tranh Việt Nam được tổ chức nhằm nhìn lại các biến cố lớn của cuộc chiến và rút ra các bài học cho hiện tại và tương lai, với sự tham dự của khoảng 5000 đại biểu, trong đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, các cựu binh, học giả, đại diện của nhiều tổ chức và phong trào phản chiến….
Theo Nhật Quỳnh-Vũ Hợp/VOV-từ Austin,Texas
"Chiến tranh Việt Nam luôn nhắc nước Mỹ về một sai lầm"
Ông Peter Arnett, cựu phóng viên nổi tiếng tại chiến trường Việt Nam năm xưa, cho rằng chiến tranh ở Việt Nam luôn nhắc nước Mỹ về một sai lầm. Sau này, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ ở nước ngoài đều được cân nhắc kỹ để tránh lặp lại tình huống như ở Việt Nam.
Trở lại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm chiến thắng 30/4, ông Peter Arnett, người đã tác nghiệp ở Việt Nam từ 1962-1975, cùng hai đồng nghiệp George Lewis và Nick Út - tác giả của bức ảnh nổi tiếng "em bé Napalm" - đã có cuộc trao đổi với báo giới chiều ngày 6/5 tại Hà Nội.
Nỗ lực mang sự thật tới công chúng Mỹ
Trò chuyện với báo chí, ông George Lewis-cựu phóng viên hãng truyền hình NBC của Mỹ tại Việt Nam từ năm 1969 đến1972- cho rằng, cuộc chiến tại Việt Nam trong những năm 1960-1970 là sự kiện lớn nhất thời đại. Là phóng viên ai cũng muốn đưa tin về cuộc chiến này, vì thế khi được cấp trên đồng ý, ông đã lên đường sang Việt Nam. Ông và các đồng nghiệp được Bộ Quốc phòng Hoa kỳ cấp thẻ căn cước sang Việt Nam tác nghiệp. Các phóng viên đi cùng trực thăng với quân đội Hoa Kỳ.
Cựu phóng viên George Lewis tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều ngày 6/5
Ông Lewis cho biết, có thể nói cuộc chiến ở Việt Nam là sự kiện chiến tranh đầu tiên mà các hãng truyền hình của Mỹ đưa tin trên quy mô lớn. Người ta còn gọi đây là "Cuộc chiến trong phòng khách" vì khi đó, mọi gia đình ở Mỹ đều đã có Tivi, khi đến bữa cơm, họ đều chăm chú theo dõi diễn biến của cuộc chiến qua màn hình nhỏ. Chính vì thế, những thước phim, những bức ảnh được trình chiếu đã có tác động lớn đến công chúng Mỹ, giúp họ hiểu hơn về sự thật chiến tranh ở Việt Nam.
"Trong thời gian tác nghiệp ở Việt Nam, có nhiều lần, chính phủ của Tổng thống Kennedy và Johnson đã tìm cách tạo áp lực đối với lãnh đạo của các hãng thông tấn yêu cầu chỉ đạo phóng viên hiện trường viết nhẹ tay, nhưng các lãnh đạo quyết đảm bảo thực hiện theo tôn chỉ là phản ánh sự thật tới công chúng. Qua đó, chúng tôi cũng nói lên được chính sách không hiệu quả mà Mỹ đang thực hiện ở Việt Nam", ông Lewis nói.
Còn với ông Peter Arnett, phóng viên AP tác nghiệp ở Việt Nam trong suốt 13 năm, chiến tranh Việt Nam đã để lại cho ông biết bao ký ức. Điều ông nhớ nhất là 4 phóng viên ảnh đã hy sinh trong khi tác nghiệp tại chiến trường: 1 người pháp gốc Việt, hai phóng viên trẻ người Mỹ và cả anh trai của ông Nick Út, cũng là phóng viên của AP khi đó.
"Nhiều sĩ quan trẻ của Mỹ đã tin vào chính phủ rằng sang Việt Nam là để bảo vệ miền Nam Việt Nam khỏi cộng sản, chính vì thế nhiều người đã hy sinh cho sứ mệnh đó. Tôi đã chứng kiến những trận đánh có tới hơn hơn 200 lính Mỹ thiệt mạng. Tôi đã kể những câu chuyện đó thông qua những tác phẩm của mình", ông nói.
Ông Peter Arnett đã tác nghiệp tại chiến trường Việt Nam từ 1962-1975
Những phóng viên chiến trường như ông đã lăn xả vào bom đạn, dám thách thức với chính phủ để nói lên sự thật trong cuộc chiến ở Việt Nam. Qua các tác phẩm của mình, họ muốn nhấn mạnh về giá trị của hòa bình: dưới làn bom đạn ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, mới thấy hòa bình đáng trân trọng như thế nào.
Nói về bức ảnh "Em bé Napalm" được chụp tại Trảng Bàng, Tây Ninh, ngày 8/6/1972, nhiếp ảnh gia Nick Út hiện vẫn làm cho hãng AP chia sẻ, chỉ khoảng hơn một giờ sau khi chụp, bức ảnh đã nhanh chóng được đăng tải trên nhiều kênh truyền hình, báo chí, với chủ đề sự tàn phá kinh khủng của bom napalm. Ngày hôm sau, biểu tình phản đối Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam lan rộng tại nhiều thành phố lớn trên thế giới.
Kỳ vọng lớn vào quan hệ Việt-Mỹ
Theo cựu phóng viên Lewis, trong thời gian ở Việt Nam lần này, đoàn phóng viên chiến trường Mỹ đã có cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius. Trong cuộc trò chuyện, Đại sứ Mỹ dẫn lời Ngoại trưởng John Kerry cho rằng: Quan hệ của Mỹ với Việt Nam phát triển nhanh chóng hơn với bất kỳ quốc gia nào khác.
Hiện nay, có khoảng 17.000 sinh viên Việt Nam học tập ở Mỹ. Bên cạnh đó, thương mại là điểm nhấn đáng chú ý trong quan hệ hai nước, tăng mạnh từ vài tỷ USD lên khoảng 33 tỷ USD trong năm 2014 và kỳ vọng con số này sẽ ở mức 50 tỷ USD vào năm 2020. "Những gì chúng tôi chứng kiến về quan hệ Việt-Mỹ trong thời gian qua cho thấy nhận định của Ngoại trưởng Kerry là đúng. Đó là một mối quan hệ phát triển vừa nhanh, vừa mạnh", ông Lewis nói.
Ông Arnett cho rằng: "Chiến tranh ở Việt Nam luôn nhắc nước Mỹ về một sai lầm, không nên lặp lại. Cả người dân và chính quyền Mỹ đều thừa nhận sai lầm này. Do vậy, về sau, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Mỹ ở nước ngoài đều được cân nhắc kỹ để tránh lặp lại tình huống như ở Việt Nam. Nước Mỹ không quên bài học của họ ở Việt Nam, vì vậy, những gì xảy ra ở Việt Nam có giá trị về mặt chiến lược quân sự trong quan hệ đối ngoại của Mỹ".
Theo ông Arnett, mặc dù Việt-Mỹ vẫn còn một số điểm khác biệt như về cách điều hành chính phủ... nhưng ông tin rằng điều đó không phải là trở ngại trong phát triển quan hệ hai nước và chính quyền Mỹ đều hiểu rằng quan hệ ngoại giao với Việt Nam được cải thiện sẽ tốt cho cả hai quốc gia và cả cho hòa bình thế giới.
Nhà báo Arnett kết hôn với một phụ nữ Việt Nam, đến nay, họ đã có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc 51 năm và có với nhau hai người con. "Tôi có cảm tình với cô ấy ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi ấy, tôi gần 30 tuổi. Càng sống với cô ấy, tôi càng hiểu hơn về con người Việt Nam, và đến nay đã 51 năm trôi qua nhưng tôi chưa từng nuối tiếc về cuộc hôn nhân của mình", ông bộc bạch khi được hỏi về mối tình thời khói lửa.
Từ sau khi chiến tranh kết thúc, ông Arnett trở lại Việt Nam khoảng 15 lần. Ông nhận xét, từ năm 2000 trở lại đây, ông thấy Việt Nam có những thay đổi rõ rệt, xóa mờ dần những vết tích chiến tranh trong quá khứ.
Còn ông Lewis cũng đã trở lại Việt Nam 6 lần kể từ năm 1975, và mỗi lần đến, ông đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay tích cực của Việt Nam.
Nam Hằng
Theo Dantri
Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ chuyện xuống dưới lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lần đầu tiên kể chuyện đi xuống bên dưới lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm binh sĩ Mỹ mất tích, trong khi hai bên đang tìm cách bình thường hóa quan hệ nhiều năm trước. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao đổi với đạo diễn phim tài liệu Ken Burns (trái) về những trải nghiệm liên...