Đại sứ Nhật: TQ sẽ là “Chúa tể hắc ám” ở Đông Á
Đại sứ Nhật cho rằng nếu không chịu đàm phán và tuân thủ luật pháp quốc tế, Trung Quốc sẽ trở thành Chúa tể hắc ám trong khu vực.
Ngày 6/1, một quan chức ngoại giao cấp cao của Nhật Bản đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể trở thành “ Chúa tể hắc ám Voldemort” (nhân vật hung ác trong truyện Harry Porter của nhà văn người Anh J. K. Rowling – PV) ở Đông Á nếu họ từ chối đàm phán với các nước láng giềng hoặc không tuân thủ pháp luật quốc tế trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Ông Keiichi Haysashi, Đại sứ Nhật Bản tại Anh đã cáo buộc Trung Quốc liên tục tìm cách “thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc ép buộc” trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ và tuyên bố rằng vụ tàu chiến Trung Quốc suýt đâm vào tàu tuần dương Mỹ trên Biển Đông gần đây “có thể được coi là một hành động gây chiến.”
Ông Keiichi Haysashi, Đại sứ Nhật Bản tại Anh
Trong một bài báo viết trên tờ Daily Telegraph của Anh, ông Hayashi đã đáp trả kịch liệt lời cáo buộc của ông Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung Quốc tại London rằng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang “gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho hòa bình thế giới” bằng cách “khơi lại” tinh thần quân phiệt của Nhật từ hồi Thế Chiến II.
Đại sứ Hayashi viết: “Thật mỉa mai khi một quốc gia không ngừng tăng ngân sách quốc phòng của mình trên 10%/năm trong suốt 20 năm qua lại tố cáo nước láng giềng đi theo chủ nghĩa quân phiệt” và “Trung Quốc đã không ngớt tuyên truyền để người dân trong nước mất lòng tin với Nhật Bản bằng những cáo buộc vô căn cứ”.
Ông Hayashi cho rằng Nhật Bản đã bày tỏ “lòng hối hận sâu sắc và lời xin lỗi chân thành” đối với “những khổ đau tột cùng mà người dân nhiều nước phải chịu đựng” do các cuộc xâm lược trong Thế Chiến II của Nhật gây ra. Tuy nhiên trong thời kỳ hậu chiến, Nhật đã nỗ lực rất nhiều để ủng hộ hòa bình thế giới, đồng thời đã “vô cùng kiềm chế” khi đối mặt với các đe dọa đến từ Trung Quốc.
Binh sĩ trong quân đội Trung Quốc
Video đang HOT
Hồi tuần trước, Đại sứ Trung Quốc Lưu Hiểu Minh đã viết một bài cũng đăng trên tờ Daily Telegraph và so sánh Nhật Bản hiện nay với Chúa tể hắc ám Voldemort, và bài báo ngày hôm nay của ông Hayashi được coi là đòn trả đũa đối với ông Liu.
Ông Hayashi viết: “Trung Quốc hiện có hai con đường. Một là tìm cách đối thoại và tuân thủ pháp luật quốc tế. Còn con đường kia là đóng vai trò của Voldemort trong khu vực bằng cách giải phóng con quỷ của cuộc chạy đua vũ trang.”
Theo Telegraph
Không thể mua nổi láng giềng gần
Chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe hôm 26/12 đang khiến dư luận quan tâm sau khi vấn đề này phát triển theo chiều hướng ảnh hưởng tới quan hệ giữa Tokyo với những quốc gia hữu quan.
Ngày 29/12, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã quyết định hủy một loạt cuộc gặp quốc phòng và chương trình trao đổi quân sự với Nhật Bản cho dù đã lên kế hoạch nhằm phản ứng trước việc Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni. Trước đó, Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Yoo Jin-ryong cho rằng, không thể thông cảm cho việc Thủ tướng Shinzo Abe bất ngờ viếng đền Yasukuni. Sau khi ông Shinzo Abe bất ngờ viếng đền Yasukuni, chiều 26/12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã triệu kiến Đại sứ Nhật Bản Masato Kitera đến để phản đối. Đây là lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua, một Thủ tướng đương nhiệm Nhật Bản tới viếng đền Yasukuni.
Nhận định của giới chuyên môn
Theo ông Ed Griffith, chuyên gia nghiên cứu về Nhật - Trung của Đại học Leeds (Anh), tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã khiến Thủ tướng Shinzo Abe nhận định chẳng có gì để mất khi đến viếng đền Yasukuni. Có tin nói rằng, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định viếng đền Yasukuni sau khi Tokyo đề nghị ông tới Trung Quốc và Hàn Quốc nhưng bị Bắc Kinh, Seoul từ chối với lý do thời gian chưa thích hợp. Giáo sư Takahashi Tetsuya thuộc Đại học Tokyo cho rằng, ông Shinzo Abe đang đổ thêm dầu vào lửa khi tới thăm đền Yasukuni (ông ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe là cố Thủ tướngNobusuke Kishi bị coi là tội phạm chiến tranh) và đây chắc chắn không phải là một dấu hiệu tốt trong quan hệ của Nhật Bản với các nước trong khu vực châu Á.
Tổng thống Philippines Aquino và Mã Khắc Thanh
Chuyên gia Michael Auslin thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ tại Washington (Mỹ) cho rằng, thất vọng lớn nhất trong năm 2013 chính là sự bất lực của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên trong việc giải quyết các vấn đề đối ngoại và tranh chấp lãnh thổ. Trong đó vấn đề tại Biển Đông, biển Hoa Đông đang đi chệch hướng. Trong khi Trung Quốc kết thúc năm 2013 bằng tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông, Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm đền Yasukuni. Chuyên gia Michael Auslin cũng coi 2013 là năm thất bại của Mỹ ở Đông Á và 2014 sẽ hứa hẹn một khu vực Đông Á đầy nguy hiểm, bất ổn và nếu xu hướng hiện tại tiếp tục kéo dài, nguy cơ xảy ra xung đột sẽ ngày càng gia tăng.
Ngày 28/12, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời giới phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ kiềm chế không đưa ra bất kỳ phản ứng cụ thể nào về chuyến thăm đền Yasukuni của ông Shinzo Abe sau khi đánh giá tác động về mối quan hệ giữa Tokyo với láng giềng và Washington. Bởi liên minh Tokyo - Washington còn mạnh, Bắc Kinh sẽ không có hành động khiêu khích để tránh thúc đẩy Mỹ ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối bình luận về yêu cầu của giới truyền thông nước này khi muốn Bắc Kinh liệt ông Shinzo Abe vào danh sách những chính khách Trung Quốc không muốn chào đón nhất.
Chuyến thăm gây tranh cãi của Thủ tướng Shinzo Abe
Sau khi Thủ tướng Shinzo Abe viếng đền Yasukuni, tờ New York Times cho rằng, Nhật Bản giờ đây không phải là đồng minh đáng tin cậy mà là quốc gia chuyên gây ra các vấn đề khó xử đối với Mỹ. New York Times đánh giá, hành động của ông Shinzo Abe có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Mỹ - Nhật. Bình luận về những phản ứng, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, việc chỉ trích của các nước dựa trên nhầm lẫn "việc viếng đền Yasukuni là hành vi sùng bái tội phạm chiến tranh" và ông không có ý làm tổn thương tình cảm với những quốc gia hữu quan.
Ngày 29/12, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, 3 tàu tuần duyên Trung Quốc đã đi vào lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là vụ xâm nhập đầu tiên của Trung Quốc sau khi Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni và lần thứ 74 kể từ khi Tokyo mua 3/5 hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư. Cũng trong ngày 29/12, Bộ Ngoại giao Singapore đã lấy làm tiếc về chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe. Trước đó, bà Caroline Kennedy, tân Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản cũng bày tỏ thái độ thất vọng trước việc Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yasukuni.
Bởi theo tờ Jiji Press cho biết, Mỹ đã nhiều lần vận động sau hậu trường để ngăn ông Shinzo Abe viếng đền Yasukuni, nhưng bất thành. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cũng bày tỏ lấy làm tiếc về chuyến viếng đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe.Ngày 22/12, Hãng Kyodo cho biết, ông Shinzo Abe muốn mỗi năm đến thăm đền Yasukuni một lần. Cũng trong ngày 22/12, tờ The Japan Times cho rằng, sau khi trở lại cầm quyền, ông Shinzo Abe và nội các của mình đã lấy đối phó với Trung Quốc làm trung tâm.
Chuyên gia chính trị Nhật Bản thuộc Công ty Tư vấn tình báo Teneo, ông Tobias Harris cho rằng, thông điệp mà chuyến thăm Yasukuni của ông Shinzo Abe muốn gửi đi là không hạn định sứ mệnh chính trị của mình trong việc khôi phục kinh tế. Được biết, trước năm 2016, Thủ tướng Shinzo Abe không phải đối mặt với thách thức bầu cử trên phạm vi toàn quốc. Theo nhận định của giới chuyên gia, chuyến thăm đền Yasukuni gây tranh cãi hôm 26/12 của Thủ tướng Shinzo Abe cho thấy, quyết tâm của ông trong việc kiến thiết Nhật Bản trở nên hùng mạnh hơn, tự tin hơn và sở hữu một đội quân hoàn thiện. Giới phân tích nhận định, Thủ tướng Shinzo Abe chấp nhận rủi ro chính trị, để đưa Nhật Bản thoát khỏi "chủ nghĩa hòa bình" kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai. Bởi ông Shinzo Abe đang thúc đẩy tiến trình giải thích lại Hiến pháp hòa bình năm 1947, tạo đà cho việc sửa đổi hiến pháp và nếu việc này thành công, Tokyo sẽ có quyền sở hữu quân đội thường trực và phát huy hơn nữa vai trò trên các vấn đề toàn cầu.
Tuyên bố của 2 nữ đại sứ
Ngày 28/12, tờ Inquirer đưa tin, mặc dù quan hệ Philippines - Trung Quốc thời gian qua khá căng thẳng cùng những mâu thuẫn chưa được giải quyết, nhưng Ngoại trưởng Albert del Rosario vẫn có cử chỉ chia tay thân mật với Đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Thanh trước khi bà lên đường về nước kết thúc sớm nhiệm kỳ. Trong bữa tiệc chia tay Đại sứ Trung Quốc trước Giáng sinh, Ngoại trưởng Albert del Rosario đã gọi bà Mã Khắc Thanh là "người bạn thân" của Philippines, đồng thời hy vọng bà sẽ chia sẻ với người dân Trung Quốc về "sự tử tế, ấm áp và lòng can đảm của người dân Philippines" khi về nước. Bà Mã Khắc Thanh (làm Đại sứ tại Philippines từ tháng 1/2012) thừa nhận những thách thức và hy vọng tân Đại sứ kế nhiệm sẽ thu hẹp khoảng cách giữa hai nước.
Ngày 27/12, trong một e-mail gửi tờ GMA News (Philippines), Đại sứ Philippines tại Trung Quốc, bà Erlinda Basilio cho biết, việc Manila nộp đơn khiếu nại về các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông lên Tòa án trọng tài quốc tế được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 không phải là một "hành động không thân thiện". Bởi theo bà Erlinda Basilio, đây là một cách tiếp cận trực quan mà tất cả chúng ta phải viện tới như một phương sách cứu cánh khi đối mặt với một vấn đề khó giải quyết và việc này dựa trên luật lệ tại Biển Đông nên sẽ đóng góp vào sự tôn trọng quyền hợp pháp của các quốc gia ven biển. Đại sứ Philippines tại Trung Quốc cũng khẳng định, Manila tìm cách giải quyết vấn đề quyền lợi hàng hải thông qua trọng tài nhưng cũng theo đuổi việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Ngày 28/12, tờ Philstar cho biết, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, ứng cử viên của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử Tổng thống 2016 không muốn Washington nói với các hãng hàng không Mỹ phải chấp hành "lệnh" của Trung Quốc bởi máy bay quân sự Mỹ thường xuyên bỏ qua ADIZ. Và nếu Trung Quốc sẵn sàng bắn hạ một máy bay dân sự với những yêu cầu bất hợp pháp, họ sẽ là một chính phủ tội phạm. Thượng nghị sĩ Marco Rubio cũng đã gửi thư cho Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ hồi đầu tháng 12 kêu gọi Bắc Kinh rút quy chế ADIZ tại biển Hoa Đông và kiềm chế những hành động khiêu khích tương tự ở nơi khác. Ngày 26/12, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh cho biết, kể từ khi thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông đến nay, quân đội Trung Quốc đã quản lý, giám sát toàn diện tình hình hoạt động của máy bay trong ADIZ.
Tăng cường tiềm lực quốc phòng
Ngày 27/12, Tokyo đã chấp nhận thành lập một căn cứ không quân mới của Mỹ tại Okinawa, thay thế cho căn cứ Futenma gây nhiều tranh cãi sau khi Tỉnh trưởng Okinawa, ông Hirokazu Nakaima chấp thuận đơn yêu cầu thu hồi đất để xây dựng căn cứ mới tại khu vực mà chính phủ đưa ra. Đây là bước đột phá về vấn đề này khi Mỹ hiện có khoảng 26.000 lính đóng tại Okinawa theo một thỏa thuận hợp tác an ninh lâu dài với Nhật Bản. Ngoài ra, Okinawa là quần đảo có vị trí gần với Senkaku/Điếu Ngư nhất nên Trung Quốc rất quan tâm tới động thái này. Việc này diễn ra sau khi Thủ tướng Shinzo Abe thăm đền Yakusumi.
Nhật Bản coi F.35 là máy bay chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo của nước này
Trước đó, Thủ tướng Shinzo Abe đã cam kết đầu tư 2,9 tỉ USD/năm cho nền kinh tế Okinawa đến năm 2021. Hiện có khoảng 26.000 binh sĩ Mỹ đóng trên đảo Okinawa, chiếm hơn 50% trong tổng số 47.000 lính Mỹ tại Nhật Bản. Cũng trong ngày 26/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký ban hành luật kế hoạch chi tiêu ngân sách cho tài khóa 2014-2015 và ngân sách quốc phòng năm 2014. Theo đó, với việc tăng chi 63 tỉ USD/năm cho quân sự và phi quân sự, Washington sẽ tránh được nguy cơ đóng cửa công sở liên bang. Và với ngân sách quốc phòng 526,8 tỉ USD cho tài khóa 2014, khoảng 80,7 tỉ USD sẽ dành cho các hoạt động ở nước ngoài.
Theo nhà phân tích Robert Johnson đến từ tờ Business Insider, Trung - Nhật đang cận kề bờ vực xung đột vũ trang. Theo đánh giá của giới quân sự: Trung Quốc có ưu thế vượt trội về binh lực (khoảng 2,5 triệu quân), nhưng Nhật Bản có ưu thế về trang thiết bị hiện đại và cuộc chiến sẽ diễn ra trên không và trên biển là chủ yếu. Ngày 18/12, tờ Nihon Keizai Shimbun cho biết, từ 20 năm trước (1994), quan chức Lực lượng Phòng vệ đã nói cần cảnh giác, đề phòng với Trung Quốc bởi cho dù Bắc Kinh chưa phải là nước lớn, nhưng nước này chắc chắn sẽ tiến ra Thái Bình Dương.
Ngày 28/12, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, tàu khu trục tên lửa lớp Type 052C, được đặt tên Trịnh Châu, thuộc thế hệ tàu khu trục nội địa thế hệ mới của Trung Quốc đã được tăng cường cho Hạm đội Đông Hải hôm 26/12. Được trang bị "những loại vũ khí mới" do Trung Quốc sản xuất, tàu khu trục Trịnh Châu được thiết kế để tuần tra xa bờ. Trước đó (26/12), tờ Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, chi tiêu quân sự của Nhật Bản tăng lên có nền tảng lòng dân nhất định. Nhật Bản gia tăng chi tiêu quân sự, nhưng lại lấy chi tiêu quân sự tăng trưởng hai con số nhiều năm của Trung Quốc để tuyên truyền "mối đe dọa Trung Quốc".
Theo tờ Nihon Keizai Shimbun, 2013 là năm kinh tế, còn 2014 sẽ trở thành năm bảo đảm an ninh. 2013 là một năm "nóng" trong quan hệ Mỹ - Trung và xung đột chủ quyền Nhật - Trung tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa 2 cường quốc kinh tế nhất nhì thế giới. Nhằm ngăn chặn và chế ngự lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc, Mỹ nỗ lực thúc đẩy chương trình "Đòn tấn công thần tốc toàn cầu", cho phép công kích bất cứ điểm nào trên thế giới với thời gian dưới 1 giờ bay. Theo thống kê, đến năm 2015 trong biên chế của Lầu Năm Góc sẽ có 1.500-1.800 tên lửa hành trình phóng từ biển và trên không thực hiện đòn công kích đầu tiên, đến năm 2020 số lượng này sẽ tăng lên 2.500-3.000 tên lửa. Nhiều chuyên gia cũng đặt câu hỏi, liệu xung đột vũ trang Trung - Mỹ có xảy ra.
Ngày 26/12, mạng báo thương mại Nhật Bản đăng bài "Hải quân Trung Quốc có tốc độ hiện đại hóa vượt tưởng tượng tạo mối đe dọa đối với Nhật Bản". Bởi nhiều quan chức cao cấp Mỹ cho rằng, tuy Bắc Kinh có trình độ hiện đại hóa quân sự cao so với 30 năm trước, nhưng vẫn khó so với Washington; song nếu phân tích mức độ hiện đại hóa các loại tàu chiến và vũ khí mang theo, thì sẽ có nhiều điều đáng ngạc nhiên. Nhật Bản tuy chịu mối đe dọa trực tiếp từ chiến lược biển của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, nhưng một khi Trung Quốc kiểm soát Biển Đông, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế và đời sống của người dân đất nước mặt trời mọc. Do đó, để bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông, ít nhất là bảo đảm an toàn đi lại cho tàu chở dầu và tàu thương mại của Nhật Bản, Tokyo cần: góp sức với hải quân Mỹ, trực tiếp triển khai hải quân thậm chí không quân ở Biển Đông.
Ngày 29/12, Tân Hoa xã dẫn thông tin của Hãng Kyodo, Nhật Bản đã bình chọn 10 sự kiện lớn trong quan hệ Trung - Nhật năm 2013 đã bước vào "thời kỳ băng giá"; đồng thời nhấn mạnh tới tình hình đối đầu giữa 2 nước xoay quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tiếp diễn, ảnh hưởng không nhỏ tới kim ngạch thương mại song phương và cảnh báo khả năng xảy ra tình huống bất trắc. Việc ông Shinzo Abe thăm đền Yasukuni (26/12) cũng được đề cập và vấn đề này đã vấp phải sự phản đối của một số nước như Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ngày 27/12, Nhân Dân nhật báo cho biết, Viện Chiến lược toàn cầu và Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc vừa công bố "Sách xanh Châu Á - Thái Bình Dương" năm 2014, trong đó có đề cập tới thái độ thiện cảm của người dân các nước láng giềng đối với Trung Quốc đều giảm trong nhiều năm qua - Ấn Độ và Hàn Quốc đều dưới 40%, còn Nhật Bản dưới 20%. Năm 2013, tỷ lệ có thiện cảm với Trung Quốc của người dân Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ còn 5%, trong khi có tới 93% người được hỏi có ác cảm với Trung Quốc.
Theo Petrotimes
Bốn tàu cảnh sát biển Trung Quốc hùng hổ tiến vào Senkaku Lần thứ 53 trong năm nay tàu Trung Quốc đã xâm nhập khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Hành động này của Trung Quốc càng làm cho mối quan hệ Nhật -Trung trở nên căng thẳng hơn. Theo Lực lượng an ninh biển khu vực số 11 Nhật Bản, trưa 22/12 (giờ Nhật Bản), tại khu vực vùng gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc tỉnh...