Đại sứ Nguyễn Trường Giang: Dân tộc ta đứng trước thời điểm lịch sử quan trọng bảo vệ chủ quyền biển
Theo ông Giang, dân tộc đang đứng trước một thời điểm lịch sử rất quan trọng, phải đối mặt với một thách thức rất nghiêm trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển.
“ Bảo vệ chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông chính là bảo vệ sinh mệnh của dân tộc Việt Nam và của mỗi người Việt Nam“, ông Nguyễn Trường Giang, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), khẳng định tại tọa đàm “ Vùng biển Bãi Tư chính và Luật pháp quốc tế”, do Viên Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển cùng Viện Quản trị Doanh nghiệp phối hợp tổ chức ngày 6/10 tại Hà Nội.
Trong bối cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, ngang nhiên tuyên bố quyền chủ quyền và quyền tài phán tại quần đảo Trường Sa (mà nước này gọi là Nam Sa) và các khu vực lân cận bãi Tư Chính, các nhà nghiên cứu và chuyên gia khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam, đồng thời đưa ra một số phương án đối phó với các hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc.
Đại sứ Nguyễn Trường Giang.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, “ sự hiện diện thực tế của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tạo ra bằng vũ lực là sự hiện diện bất hợp pháp không có tác dụng gì trong việc khẳng định chủ quyền hay củng cố danh nghĩa chủ quyền đối với hai quần đảo này“.
Theo vị nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, dân tộc ta đang đứng trước một thời điểm lịch sử rất quan trọng, chúng ta phải đối mặt với một thách thức rất nghiêm trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển của Việt Nam.
Ông cho rằng, biển đảo Việt Nam là không gian sinh tồn cho những thế hệ người Việt Nam tương lai, con đường duy nhất của người Việt Nam là tiến ra biển và làm chủ không gian biển.
Ông Giang cũng khẳng định rằng hồ sơ pháp lý của Trung Quốc về cái gọi là chủ quyền lâu đời của họ đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà họ ngang ngược gọi là Tây Sa và Nam Sa, là mơ hồ và không có căn cứ. Đó là những cuốn sách mà họ gọi là sách cổ để cập đến một số địa danh ở Biển Đông.
Video đang HOT
Đồng quan điểm này, luật sư, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho rằng Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông từ trước tới nay mà đặc biệt là hiện nay ở bãi Tư Chính thực chất là một hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và dùng vũ lực bằng các tàu hải cảnh, lực lượng dân quân… Điều này đã bị quốc tế phản ứng, coi đây là hành vi đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.
“ Như vậy, với những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và bãi Tư Chính không chỉ nằm trong phạm vi quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc mà đe dọa, thách thức an ninh khu vực và vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế“, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao khẳng định.
Vì vậy, ông Giao cho rằng cần phải đưa hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ở Biển Đông của Trung Quốc ra trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu đề xuất một số biện pháp Việt Nam có thể thực hiện để bảo vệ bãi Tư chính, trong đó có biện pháp pháp lý (xem xét khả năng khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế), biện pháp ngoại giao, biện pháp tuyên truyền.
Biện pháp pháp lý và ngoại giao được nhiều chuyên gia nhấn mạnh. Các chuyên gia khẳng định Việt Nam có đủ chứng cứ và năng lực để áp dụng luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bên cạnh giải quyết vấn đề trước mắt, các chuyên gia nhận định Việt Nam về lâu dài cần cảnh giác với những hành động tương tự, xây dựng nội lực tự cường, phát huy sức mạnh của mình.
Biển Đông là vùng biển giàu tài nguyên với vị trí địa chính trị quan trọng. Trong khoảng 3 tháng gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành vi như dùng tàu thuyền hải cảnh, vũ trang đe dọa, tiến vào xâm phạm vùng biển Việt Nam, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần lên tiếng khẳng định có đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi xâm phạm.
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Tỉnh Gunma của Nhật Bản cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho người Việt
Chính quyền tỉnh luôn coi trọng vấn đề làm thế nào để người Việt Nam cùng với những người nước ngoài khác có thể sinh sống và học tập một cách thoải mái hơn ở tỉnh này.
Người Việt tại Nhật Bản dự một hội thảo công nghệ ở thủ đô Tokyo. (Ảnh minh họa. Đào Tùng/TTXVN)
Chính quyền tỉnh Gunma, miền Trung Nhật Bản, nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 135km về phía Tây Bắc, đã cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho người Việt Nam sinh sống và học tập tại tỉnh này.
Phát biểu ngày 4/10 tại buổi tiếp Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, Thống đốc tỉnh Ichita Yamamoto cho biết người nước ngoài nói chung và cộng đồng người Việt Nam nói riêng đã trở thành một bộ phận quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gunma. Vì vậy, chính quyền tỉnh luôn coi trọng vấn đề làm thế nào để người Việt Nam cùng với những người nước ngoài khác có thể sinh sống và học tập một cách thoải mái hơn ở tỉnh này.
Về phần mình, Đại sứ Vũ Hồng Nam đã chúc mừng ông Yamamoto, cựu Thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, được bầu làm Thống đốc tỉnh Gunma vào tháng Bảy vừa qua, đồng thời bày tỏ hy vọng mối quan hệ giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Gunma sẽ tiếp tục phát triển dưới sự lãnh đạo của chính trị gia này.
Bày tỏ sự cám ơn về sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Gunma đối với cộng đồng người Việt ở đây, Đại sứ Vũ Hồng Nam cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản dự định sẽ thành lập Hội Người Việt Nam tại tỉnh Gunma để hỗ trợ người Việt gặp khó khăn, đồng thời hỗ trợ chính quyền tỉnh trong việc quản lý người Việt ở đây.
Bên cạnh đó, Đại sứ cũng đánh giá cao việc tỉnh Gunma tổ chức Lễ hội Giao lưu Gunma-Việt Nam để giới thiệu về Việt Nam. Theo đại sứ, hoạt động này sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước, mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa tỉnh Gunma và các địa phương của Việt Nam.
Theo chính quyền tỉnh Gunma, đến cuối tháng 10/2018, số người Việt đang sinh sống và làm việc ở tỉnh Gunma là 5.950 người, chiếm 0,3% dân số tỉnh, trong đó có 3.403 tu nghiệp sinh, chiếm 41,5% trong tổng số tu nghiệp sinh nước ngoài ở tỉnh Gunma.
Cùng ngày, tại thành phố Maebashi, thủ phủ tỉnh Gunma, đã diễn ra Lễ hội Giao lưu Gunma-Việt Nam lần thứ hai. Sự kiện này do chính quyền tỉnh Gunma tổ chức nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa cộng đồng người Việt Nam tại Gunma và người dân địa phương, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ giữa tỉnh Gunma nói riêng và Nhật Bản nói chung với Việt Nam.
Đến với lễ hội, khách thăm quan đã được thưởng thức các món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, chơi các trò chơi gắn liền với tuổi thơ của nhiều người Việt như oẳn tù tì, cá ngựa hay bầu cua cá, và được mặc thử áo dài truyền thống của Việt Nam.
Bên lề lễ hội đã diễn ra hội thảo về tiếp nhận lao động Việt Nam tại tỉnh Gunma. Ông Phan Tiến Hoàng, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam tại Nhật Bản, đã tham dự và phát biểu tại hội thảo.
Trước đó, Đại sứ Vũ Hồng Nam đã tới thăm Công ty Trách nhiệm hữu hạn Koganei Seiki ở quận Kitagunma của tỉnh Gunma - nơi có gần 40 tu nghiệp sinh Việt Nam đang làm việc.
Tại đây, Đại sứ đã bày tỏ cám ơn lãnh đạo công ty đã tạo điều kiện tốt nhất cho lao động Việt Nam làm việc, đồng thời căn dặn các lao động Việt Nam cố gắng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn và đóng góp vào sự phát triển của công ty.
Đại sứ cũng làm việc với ông Yoshinori Enomoto, Thị trưởng thành phố Tomioka thuộc tỉnh Gunma, và thăm Nhà máy Dệt lụa Tomioka./.
Theo Đào Tùng (TTXVN/Vietnam )
Đài tiếng nói Việt Nam khai trương cơ quan thường trú tại Indonesia Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, việc VOV mở cơ quan thường trú tại Indonesia sẽ góp phần nối dài cánh sóng của Đài, lan tỏa thông tin bổ ích, cần thiết về Việt Nam cũng như về Indonesia. VOV khai trương cơ quan thường trú tại Indonesia. (Nguồn: VOV) Ngày 3/10, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã tổ chức lễ khai trương...