Đại sứ Mỹ: Việt Nam có thể tiếp cận thiết bị quốc phòng cần thiết để đảm bảo an ninh
Đại sứ Mỹ Ted Osius cho rằng quyết định của Tổng thống Obama nhằm dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán trang thiết bị quốc phòng sẽ cho phép Việt Nam có thể tiếp cận nhiều hơn các công cụ cần thiết để đảm bảo an ninh.
Đại sứ Osius chụp ảnh cùng các cán bộ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhân cuộc tọa đàm (Ảnh: Đại sứ quán Mỹ)
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho hay, Đại sứ Osius đã nói như vậy trong bài phát biểu ngày 27/9 trước lãnh đạo và cán bộ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về tương lai của mối quan hệ Việt – Mỹ, trong khuôn khổ cuộc tọa đàm “Tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ sau chuyến thăm của Tổng thống Obama”. Sự kiện này được tổ chức 4 tháng sau chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam và sau khi hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hồi năm ngoái.
Trong bài phát biểu, Đại sứ Osius đã nhắc lại Tuyên bố Chung mà Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama thông qua nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama hồi tháng 5, trong đó hai nước cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng và an ninh.
“Quyết định của Tổng thống Obama nhằm dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán trang thiết bị quốc phòng sẽ cho phép Việt Nam tiếp cận nhiều hơn những công cụ các bạn cần để đảm bảo an ninh của mình. Tôi mong đợi mở rộng sự cộng tác của chúng ta trong việc nâng cao năng lực biển của Việt Nam và hợp tác về cứu trợ nhân đạo trong trường hợp thiên tai”, ông Osius nói.
Hợp tác kinh tế là trọng yếu
Tham dự tọa đàm, Đại sứ Mỹ tỏ ra lạc quan về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ, trên cơ sở những gì mà hai nước đã đạt được trong hơn 20 năm qua kể từ khi bình thường hóa quan hệ. Các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư vốn ngày càng nhiều vào Việt Nam, trong khi các nhà sản xuất Việt Nam đang bán được nhiều hàng hóa hơn cho những người tiêu dùng Mỹ.
Video đang HOT
Cụ thể, từ tháng 1-7/2016, xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam tăng 44%, trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 12%, đưa thương mại song phương tăng lên 17%. Trong số 50 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, chỉ có 3 thị trường có mức tăng trưởng hai chữ số, và trong 3 thị trường đó thì Việt Nam là thị trường lớn nhất.
“Việt Nam đã là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Trong một thời gian khá ngắn, các bạn đã vươn lên gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình và xây dựng một tầng lớp trung lưu thành đạt bằng cách mở cửa thị trường của mình với thế giới bên ngoài, cho phép tự do trao đổi ý kiến trên Facebook, và tạo ra một lực lượng lao động trẻ và có tinh thần khởi nghiệp”, ông Osius nói.
Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ cũng cho rằng, để đưa nhiều hơn nữa các sản phẩm vào những thị trường mới và thu hút được nguồn đầu tư nước ngoài mới, Việt Nam cần tiếp tục cải cách hệ thống các doanh nghiệp nhà nước, hiện đại hóa các cơ chế về hải quan, nâng cao bảo vệ sở hữu trí tuệ, thực thi các thông lệ lao động công và áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường.
“Giới kinh doanh Hoa Kỳ lạc quan về Việt Nam, và các lãnh đạo doanh nghiệp của chúng tôi đang theo dõi sát sao quá trình Việt Nam hiện thực hóa những cải cách của mình”, ông Osius nói, đồng thời cam kết “Hoa Kỳ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trở thành một đối tác mạnh với một nền kinh tế phát triển tốt và bền vững”.
Đầu tư vào giáo dục thế hệ trẻ
Đại sứ Osius dành một phần trong bài phát biểu để nói về việc đầu tư vào giáo dục thế hệ trẻ của Việt Nam. Ông cho rằng trong khi hợp tác kinh tế là trọng yếu đối với tương lai của quan hệ song phương nhưng quan hệ đối tác sâu sắc hơn mà hai nước hướng tới phải vươn ra ngoài phạm vi đó và phải tạo cơ hội cho các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Theo ông Osius, không có gì xây dựng lòng tin và loại bỏ hiểu lầm giữa các dân tộc hơn việc trực tiếp khám phá nền văn hóa của nhau. “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng không có hình thức giao lưu nào hiệu quả hơn trong việc loại bỏ thành kiến và tạo ra các mối gắn kết xã hội bằng việc đầu tư vào giáo dục thế hệ trẻ của chúng ta”, ông nói.
Nhà ngoại giao Mỹ nói đó là lý do ông vui mừng khi hai sáng kiến giáo dục quan trọng của Mỹ là Đội Hòa bình và Trường Đại học Fulbright Việt Nam được khởi động tại Việt Nam. “Các tình nguyện viên giỏi, năng động, tận tụy và là người nói tiếng Anh bản ngữ sẽ là một nguồn lực độc đáo cho các sinh viên hiếu học của Việt Nam. Và trường Đại học Fulbright – trường đại học kiểu Mỹ, tư thục và phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam – sẽ cho thấy giá trị của một phương thức tiếp cận xuyên ngành và tự do học thuật. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng thấy được những giá trị to lớn trong cả hai chương trình này”.
Theo ông Osius, đào tạo về tiếng Anh và tăng thêm các cơ hội học hành sẽ không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu đang tăng lên trên toàn cầu về lao động có trình độ. Điều đó còn giúp Việt Nam trở nên ngày càng nổi bật trong các thể chế khu vực, trong đó có Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, và Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Đại sứ Mỹ cho hay, như Tổng thống Obama đã lưu ý trong chuyến thăm hồi tháng 5, gốc rễ của trật tự quốc tế mà an ninh và sự thịnh vượng chung phụ thuộc là nằm trong những nguyên tắc và chuẩn mực được chia sẻ trong các thể chế này. “Chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau làm việc để củng cố các thể chế này nhằm đảm bảo rằng đó tiếp tục sẽ là những đầu tàu thúc đẩy các phương thức giải quyết xung đột một cách hòa bình và tôn trọng chủ quyền của tất cả các thành viên”, ông Osius nhấn mạnh.
An Bình
Theo Dantri
Đại sứ Osius nêu ba khía cạnh Việt - Mỹ hợp tác về Biển Đông
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng hai nước có thể hợp tác về các mặt pháp lý, ngoại giao và phòng vệ trong vấn đề Biển Đông.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam phát biểu tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày 27/9. Ảnh: Xavier Bourgois
"Hai nước chúng ta chia sẻ lợi ích trong việc đảm bảo khu vực Biển Đông là khu vực cởi mở, đảm bảo tự do đi lại. Các tranh chấp phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Nước lớn không thể bắt nạt hay hủy hoại nước nhỏ hơn", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius hôm qua nói trong buổi tọa đàm về tăng cường quan hợp tác Việt - Mỹ sau chuyến thăm của ông Obama, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Ông Osius cho rằng có ba khía cạnh Việt - Mỹ có thể hợp tác trong vấn đề Biển Đông. Đầu tiên là vấn đề pháp lý. Phán quyết hồi tháng 7 của Tòa Trọng tài về vụ kiện Biển Đông là "một ví dụ cho chiến lược hợp tác về mặt ngoại giao rộng lớn hơn để cô lập những nước có hành động đơn phương và vi phạm luật pháp quốc tế", ông đánh giá.
Hợp tác ngoại giao cũng góp phần thúc đẩy giải quyết vấn đề Biển Đông. Theo đánh giá của Đại sứ, Việt - Mỹ đã hợp tác rất chặt chẽ ở khía cạnh này do hai bên đều cho rằng ASEAN đóng vai trò trọng yếu trong việc giải quyết thách thức ở Biển Đông. "Vấn đề đoàn kết trong các nước ASEAN có ý nghĩa rất quan trọng và chúng tôi cũng biết rằng Việt Nam đang nỗ lực tăng cường hơn nữa đoàn kết giữa các nước ASEAN", ông Osius nói.
Ngoài ra, Đại sứ Mỹ nhấn mạnh đến tăng cường năng lực phòng vệ. Đại sứ cho biết Mỹ đã làm việc với các đối tác như Indonesia, Philippines,Việt Nam và các nước khác để tăng cường khả năng nắm bắt diễn biến ở Biển Đông và bảo vệ chủ quyền.
Trả lời câu hỏi về tương lai quan hệ Việt - Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông cho biết thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ đều coi châu Á là khu vực rất quan trọng và họ rất chú ý đến việc tăng cường quan hệ với các nước châu Á. "Dù ai là tổng thống Mỹ, thì lợi ích của chúng tôi ở khu vực này cũng không thay đổi", đại sứ khẳng định.
"Mỹ phát triển quan hệ đối tác với Việt Nam vì chúng tôi tin rằng đất nước 93 triệu dân này có tầm quan trọng rất lớn đến tương lai châu Á, không phải vì hành vi của nước khác mà là vì sự thành công của Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược với Mỹ", ông Osius nói.
Phương Vũ
Theo VNE
Ảnh: Siêu bão mạnh nhất năm 2016 càn quét Đài Loan Siêu bão Meranti với sức gió lên tới 370km/h đã khiến hàng trăm chuyến bay bị hủy và hàng nghìn người phải sơ tán ở Đài Loan. Một chiếc xe tải bị lật ở thành phố Bình Đông, Đài Loan Sáng sớm ngày 15.9, siêu bão Meranti đã đổ bộ vào gần Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, đất liền Trung Quốc sau khi...