Đại sứ Mỹ tuyên bố thẳng về cấm vận Triều Tiên
Cấm vận đối với Triều Tiên sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi nước này thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn như lãnh đạo Kim Jong Un cam kết ở hội nghị thượng đỉnh Singapore năm 2018.
Đó là tuyên bố thẳng thắn của Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris ngày 14/2 tại một diễn đàn an ninh ở Seoul.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều gặp nhau ở Singapore tháng 6/2018.
“Mục tiêu của chúng tôi vẫn như vậy: Đạt được mục tiêu chung về một sự giải trừ hạt nhân CHDCND Triều Tiên hoàn toàn và được kiểm chứng đầy đủ như Chủ tịch Kim cam kết ở Singapore”, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời đại sứ Harris. “Mỹ và đồng minh Hàn Quốc của chúng tôi nhất trí rằng cấm vận sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa”.
Giữa lúc Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un chuẩn bị có cuộc gặp lần 2, được tổ chức tại Hà Nội ngày 27 và 28/1, ông Harris bày tỏ hy vọng về một “tương lai tươi sáng hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn” cho Triều Tiên.
Tại hội nghị tới đây ở thủ đô Việt Nam, hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ tập trung vào các bước mà Bình Nhưỡng sẽ thực hiện hướng tới giải trừ hạt nhân và “các biện pháp tương xứng” mà Mỹ sẽ tiến hành để đổi lại – có thể bao gồm nới lỏng một phần cấm vận, viện trợ nhân đạo và một tuyên bố chính thức của Nhà Trắng công nhận chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953.
Cũng tại diễn đàn ở Seoul, đại sứ Harris nhắc đến chính sách của Washington về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”.
Ông nói: “Các diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên là một phần quan trọng trong cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Đây không chỉ là lợi ích của Mỹ mà còn nằm trong các lợi ích chiến lược của các nước chúng ta. Khi chúng ta nói về cởi mở, chúng ta muốn tất cả các nước được hưởng sự tiếp cận mở đối với các vùng biển và đường không. Và chúng ta muốn một nghị quyết hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, bởi đây là mấu chốt cho hòa bình quốc tế”.
Thanh Hảo
Theo Thegioi&VietNam
Video đang HOT
Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Kỳ vọng cuộc gặp hóa giải căng thẳng
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều dự đoán về chương trình nghị sự cũng như kỳ vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước khi bước vào bàn hội đàm tại Việt Nam cuối tháng này.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore năm 2018. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp nhau tại Hà Nội từ ngày 27-28/2. Đây là hội nghị thượng đỉnh lần hai của hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái.
3 chuyên gia của Viện nghiên cứu Brookings đã đưa ra những nhận định về tính toán của Mỹ và Triều Tiên trước thềm cuộc gặp quan trọng sắp tới.
Chính sách thực dụng
Theo Michael O'Han, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm An ninh Tình báo Thế kỷ 21, trong cuộc gặp lần hai với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Donald Trump nên thực dụng hơn. Ông Trump nên đạt được một thỏa thuận nhằm buộc Triều Tiên phải giảm bớt khả năng sản xuất thêm bom cũng như các tên lửa tầm xa hơn để đổi lấy việc dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Trump không nên sốt sắng về việc phải xóa sổ nhanh chóng số bom hạt nhân hiện có của Triều Tiên vì Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ không đem vấn đề này ra mặc cả ở thời điểm hiện tại.
Năm 2017, cách tiếp cận "bên miệng hố chiến tranh" của Tổng thống Trump với Triều Tiên diễn ra một cách tùy hứng, quyết liệt và nguy hiểm. Tuy nhiên, chuyên gia O'Han ủng hộ những gì chính quyền Trump cố gắng đạt được với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau đó.
Sự kết hợp giữa các biện pháp trừng phạt, đe dọa sử dụng hành động quân sự và ngoại giao tích cực đã mang lại triển vọng cho đàm phán Mỹ - Triều. Trong khi đó, tâm lý lo ngại kết hợp với hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn đã tác động tới suy nghĩ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Theo chuyên gia O'Han, ông Trump nên duy trì cách tiếp cận sao cho vừa để Triều Tiên có cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ trong khi vẫn duy trì sức ép về kinh tế và răn đe quân sự với Bình Nhưỡng. Để làm được điều này, ông chủ Nhà Trắng cần thực dụng hơn trong chính sách đối ngoại.
Nếu Tổng thống Trump không thực dụng, một kịch bản có thể xảy ra là hai bên không đạt được thỏa thuận và cũng không có triển vọng nào cho các cuộc đàm phán song phương.
Nếu Triều Tiên không sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân, năng lực răn đe chính của Bình Nhưỡng hiện nay, trong khi Mỹ chỉ chấp nhận một mô hình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và nhanh chóng như Libya, hai nước sẽ tiếp tục lâm vào bế tắc. Khi đó, những mối nguy hiểm từng xảy ra năm 2017 có thể nhanh chóng quay trở lại và nguy cơ chia rẽ liên minh Mỹ - Hàn cũng có thể gia tăng.
Theo chuyên gia O'Han, để tạo động lực cho Triều Tiên từ bỏ hoạt động sản xuất vũ khí, từ đó hạn chế nguy cơ đe dọa trong tương lai, cần tạm dừng và sau đó dỡ bỏ các lệnh trừng phạt do Liên Hợp Quốc áp đặt lên Bình Nhưỡng từ năm 2016. Tuy nhiên, vẫn phải giữ lại các lệnh trừng phạt được đưa ra trước đó cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ, ít nhất cho tới khi cộng đồng quốc tế chứng kiến một Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Ngoài ra, Mỹ và Triều Tiên có thể đưa ra thỏa thuận cấm vĩnh viễn các vụ thử vũ khí và phá bỏ kho vũ khí hóa học của Bình Nhưỡng.
"Củ cà rốt" của Mỹ
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều ký tuyên bố chung tại cuộc gặp ở Singapore. (Ảnh: Reuters)
Theo Jung H. Pak, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump đã rút ra được một số bài học từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên và ông chủ Nhà Trắng có thể sử dụng "củ cà rốt" trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần này tại Việt Nam.
Chính quyền Trump đã cử Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Steve Biegun làm nhân tố cốt lõi trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Bình Nhưỡng. Ông Biegun đã gặp nhà đàm phán hàng đầu của Triều Tiên Kim Yong Chol tại Washington, tham dự cuộc họp với ông Kim cùng phái đoàn Triều Tiên tại Phòng Bầu Dục, Nhà Trắng và sau đó tới Stockholm để hội đàm riêng với các quan chức Triều Tiên. Đây đều là những cơ hội để đặc phái viên Mỹ gặp trực tiếp các nhà đàm phán Triều Tiên.
Ngoài ra, ông Biegun cũng đáp chuyến bay tới Bình Nhưỡng để thảo luận về chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam, về một thỏa thuận chung liên quan tới lộ trình phi hạt nhân hóa.
Tuy vậy, vẫn còn những lỗ hổng rất lớn giữa lập trường của Mỹ và Triều Tiên. Ông Biegun thừa nhận nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa theo đuổi "tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể xác thực". Thay vào đó, ông Kim Jong-un vẫn kiên quyết chờ phản ứng của Mỹ trước khi đưa ra hành động cụ thể. Ông Biegun cũng nói rằng hai bên chưa thống nhất được khái niệm phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đầy đủ và không thể đảo chiều.
Mặc dù vậy, đặc phái viên Mỹ vẫn nhấn mạnh mong muốn của Tổng thống Trump về tương lai của quan hệ song phương, khẳng định ông Trump "sẵn sàng kết thúc chiến tranh" với Triều Tiên. Đây là tín hiệu cho thấy Tổng thống Trump sẵn sàng tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Việt Nam, điều mà ông chủ Nhà Trắng từng đề cập tại Singapore năm 2018 cũng như trong thông điệp liên bang do ông công bố gần đây.
Theo chuyên gia Pak, tuyên bố kết thúc chiến tranh Triều Tiên sẽ là đề tài thu hút sự chú ý khi thượng đỉnh Trump - Kim diễn ra tại Việt Nam. Tuy vậy, tuyên bố này có nguy cơ đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề gai góc như phi hạt nhân hóa. Ngoài ra, tuyên bố kết thúc chiến tranh cũng làm giảm đi tính chính đáng cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc.
Sự kỳ vọng
Evans J.R. Revere, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Chính sách Đông Á, cho rằng không nên đặt kỳ vọng quá cao vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này.
"Nếu chúng ta không thấy kết quả gì từ hàng chục năm đàm phán ngoại giao với Triều Tiên cũng như chỉ đạo hồi năm 2018 của ông Kim Jong-un về việc "sản xuất hàng loạt" vũ khí hạt nhân và tên lửa, thì có thể kết luận rằng Bình Nhưỡng không hề có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo", chuyên gia Revere nhận định.
Ngoài ra, một "bí mật" khác cũng đã được thừa nhận liên quan tới chính sách ngoại giao nhằm thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa, đó là: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga dường như chấp nhận thực tế rằng họ có thể sẽ phải học cách sống chung với một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân dù mỗi quốc gia đều có những lý do riêng của mình.
Tổng thống Trump đã ca ngợi việc Triều Tiên dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, tuyên bố không còn mối đe dọa hạt nhân, xóa bỏ thời hạn phi hạt nhân hóa và tuyên bố Washington "không vội" chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây cũng chuyển trọng tâm của chính sách ngoại giao sang giảm thiểu "nguy cơ" đối với người dân Mỹ.
Mỹ hiện đặt mục tiêu loại bỏ mối đe dọa tên lửa hạt nhân Triều Tiên nhằm vào chính lãnh thổ Mỹ, chứ không phải vào các đồng minh và căn cứ của Mỹ ở nước ngoài như trước đây. Điều này cho thấy Washington đã nhận ra rằng mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên đầy tham vọng có thể không đạt được và Mỹ nên học cách tự bảo vệ mình trước.
Trong khi đó, Seoul ưu tiên hòa giải với Bình Nhưỡng hơn là phi hạt nhân hóa. Bắc Kinh và Moscow dường như chủ trương giữ nguyên hiện trạng hạt nhân hiện nay của Triều Tiên, miễn là Bình Nhưỡng không thử vũ khí. Ngoài ra, cả Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga đều kêu gọi nới lỏng trừng phạt và sức ép đối với Triều Tiên.
Theo chuyên gia Revere, nhà lãnh đạo Kim Jong-un biết rõ những điều này. Ông Kim Jong-un tin rằng ông vẫn có thể giữ lại kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, trong khi vẫn cải thiện quan hệ tốt hơn với Mỹ và Hàn Quốc. Ông cũng biết cách tốt nhất là để ngỏ khả năng phi hạt nhân hóa ngay cả khi tiếp tục củng cố kho vũ khí của Triều Tiên.
"Đối với ông Kim Jong-un, mục tiêu của ông ấy là tạo ra ảo tưởng về phi hạt nhân hóa. Ông Kim cũng biết rằng tất cả các biện pháp giải trừ hạt nhân và tên lửa mà ông thực hiện hoặc đề xuất tại cuộc gặp thượng đỉnh (với ông Trump) đều có thể dễ dàng lật ngược", chuyên gia Revere nhận định.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Đức phản ứng mạnh về tham vọng năng lượng Nga châu Âu Đức sẽ gắn bó với dự án chung Nord Stream 2. Trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng ngăn Berlin tiến sâu hơn vào dự án năng lượng chung Nord Stream 2 với Nga, Bộ trưởng kinh tế Đức nói rằng đất nước của ông sẽ gắn bó với dự án này, hỗ trợ Moscow như một đối tác đáng tin cậy. Tờ...