Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc kêu gọi các nỗ lực hàn gắn bất đồng thương mại giữa Seoul và Tokyo
Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris ngày 20/8 đã kêu gọi giới doanh nghiệp hàng đầu quốc gia Đông Bắc Á này giúp hàn gắn bất đồng thương mại giữa Seoul và Tokyo.
Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris phát biểu tại một sự kiện tại Seoul ngày 4/12/2018. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp kín với các giám đốc điều hành 30 doanh nghiệp hàng đầu địa phương tại trụ sở Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) ở thủ đô Seoul, Đại sứ Mỹ Harris hối thúc các lãnh đạo doanh nghiệp góp phần giải quyết bất đồng thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua việc tăng cường tiếp xúc với các công ty nước láng giềng. Theo ông, việc khôi phục quan hệ giữa Seoul-Tokyo có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với 2 nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn đối với liên minh giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Quan hệ Hàn-Nhật, hai nước đồng minh của Mỹ, đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc ra phán quyết buộc các doanh nghiệp Nhật Bản phải bồi thường thiệt hại cho những người Hàn Quốc bị ép làm việc tại các doanh nghiệp này trong thời gian Thế chiến thứ 2. Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản tuyên bố mọi yêu cầu đền bù đều đã được giải quyết dứt khoát và đầy đủ từ năm 1965 khi Nhật Bản và Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ. Mặc dù vậy, một số nguyên đơn ở Hàn Quốc đã bắt đầu bán chứng khoán mà họ đã tịch thu của các doanh nghiệp Nhật Bản theo sự cho phép của tòa án.
Video đang HOT
Đáp lại, đầu tháng 7 vừa qua, Nhật Bản siết chặt xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao, trong đó có chất cản quang, dùng trong sản xuất chíp điện tử và màn hình – các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc. Nhật Bản cũng đã loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách Trắng” các đối tác đáng tin cậy được hưởng ưu đãi thương mại. Seoul chỉ trích động thái này là sự trả đũa của Tokyo đối với các phán quyết của tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên (từ năm 1910-1945). Ngày 12/8 vừa qua, Hàn Quốc tuyên bố cũng loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác được hưởng ưu đãi thương mại của Seoul.
Dự kiến, các Ngoại trưởng Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc sẽ thảo luận hợp tác 3 bên tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) từ tối 20 đến 22/8. Phát biểu tại Seoul trước khi rời đi Trung Quốc, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha khẳng định Seoul sẽ tích cực thể hiện quan điểm của mình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Aso cho biết sẽ trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề mâu thuẫn giữa Tokyo và Seoul. Theo ông, các cuộc hội đàm tại Bắc Kinh tái khẳng định “việc hợp tác song phương chặt chẽ” giữa Nhật Bản với Hàn Quốc cũng như mối quan hệ 3 bên với Mỹ.
Dù gần đây, hai bên đã dịu giọng trong các phát biểu công khai, song giới phân tích cho rằng các cuộc hội đàm sắp tới tại Bắc Kinh sẽ khó đạt được đột phá.
Theo Ngọc Hà (TTXVN)
Triều Tiên thử tên lửa: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản nhất trí đối phó thận trọng
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono ngày 4/5 đã có cuộc điện đàm trao đổi thông tin về vụ phóng mới của Triều Tiên.
Một hệ thống phòng không có dẫn đường của Triều Tiên được phóng thử tại địa điểm bí mật. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Thông báo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: "Tiếp sau cuộc điện đàm giữa ngoại trưởng hai nước Hàn Quốc và Mỹ, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cùng ngày có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono. Hai bên nhất trí đối phó thận trọng trước vụ phóng vũ khí của Triều Tiên, đồng thời tiếp tục trao đổi thông tin chặt chẽ xung quanh vụ việc".
Cũng trong ngày 4/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo - đang trong chuyến công du các nước châu Phi - cũng đã chủ động điện đàm với ông Taro Kono. Tại cuộc trao đổi, quan chức hàng đầu ngành ngoại giao hai nước đã nhất trí Washington và Tokyo sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Seoul trong vấn đề Triều Tiên.
Trước đó cùng ngày, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết Triều Tiên đã bắn "những vật thể bay tầm ngắn chưa xác định", song khẳng định "đây không phải là tên lửa đạn đạo". Hiện quân đội Mỹ và Hàn Quốc đang phân tích dữ liệu liên quan vụ phóng cũng như mục đích của Bình Nhưỡng trong động thái này.
Giới chuyên gia cho rằng các vật thể trên dường như là các bệ phóng rocket đa nòng chứ không phải tên lửa đạn đạo. Nhưng dù các vật thể trên là gì, vụ phóng sáng 4/5 vẫn được coi là thông điệp cứng rắn mà nhà lãnh đạo Triều Tiên gửi tới Tổng thống Mỹ.
Giáo sư Yang Moo-jin thuộc trường Đại học nghiên cứu Triều Tiên cho biết: "Vụ phóng là lời cảnh báo gửi tới Mỹ, rằng nếu Mỹ duy trì sức ép và các lệnh trừng phạt, Triều Tiên sẽ phóng thêm các tên lửa có sức công phá lớn". Theo ông Yang Moo-jin, với động thái này, "Triều Tiên cũng muốn chứng tỏ rằng nước này sẽ không chịu thua cuộc trước sức ép từ phía Mỹ trên bàn đàm phán".
Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 4/5 khẳng định vụ phóng kể trên không phải mối đe dọa tức thì đối với an ninh quốc gia của nước này. Tuyên bố của bộ trên nêu rõ Tokyo không nhận thấy dấu hiệu của bất cứ tên lửa tầm ngắn nào của Triều Tiên ở xung quanh lãnh thổ Nhật Bản hay vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (320 km) của nước này. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản cũng bác bỏ thông tin Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Hàn Quốc Kim Ki-ho lại cho rằng một tên lửa với tầm bay 200 km từ Triều Tiên có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân ở Hàn Quốc. Ông nói: "Một vũ khí như vậy có thể ảnh hưởng tới những người ở Seoul, và cả những người sống ở Daejeon, miền Trung Hàn Quốc".
Hồi trung tuần tháng trước, Triều Tiên cũng đã tiến hành thử một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật thế hệ mới dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), vụ thử "được thực hiện bằng nhiều phương thức bắn vào các mục tiêu khác nhau". KCNA nhấn mạnh các lợi thế của vũ khí này là "hệ thống bay dẫn đường đặc biệt" và "mang theo đầu đạn có sức công phá lớn", song không cho biết thêm chi tiết.
Chuyên gia Harry J. Kazianis, Trưởng Khoa nghiên cứu Hàn Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu lợi ích quốc gia của Mỹ, tỏ ra lo ngại rằng các bên liên quan đang trở lại "vạch xuất phát", thời điểm bán đảo Triều Tiên chìm trong mối đe dọa về chiến tranh hạt nhân cùng những cuộc "khẩu chiến" gay gắt giữa Mỹ và Triều Tiên.
Theo Thanh Phương - Hữu Tuyên (TTXVN)
Hàn Quốc phản đối kế hoạch của Nhật Bản xả nước nhiễm xạ ra biển Hàn Quốc đã triệu tập một nhà ngoại giao Nhật Bản để phản đối kế hoạch xả nước nhiễm xạ vào Thái Bình Dương. Hàn Quốc ngày 19/8 đã triệu tập một nhà ngoại giao Nhật Bản để yêu cầu Tokyo giải quyết mối lo ngại ngày càng gia tăng trong công chúng về kế hoạch xả nước nhiễm xạ từ nhà máy...