Đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc được biếu thịt chó để bồi bổ
Ông Lippert được một người dân Hàn Quốc gửi biếu món thịt chó và canh rong biển với hy vọng chúng sẽ giúp những vết thương của đại sứ Mỹ chóng lành.
Các tín đồ Công giáo Hàn Quốc hôm qua tập trung gần đại sứ quán Mỹ ở Seoul để cầu nguyện, mong cho vết thương của đại sứ chóng lành. Ảnh: AP
Một cụ ông, khoảng 70 tuổi, hôm 6/3 tới bệnh viện, nơi đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert đang điều trị sau khi bị tấn công, để gửi biếu ông món thịt chó và canh rong biển. Tuy nhiên, bệnh viện đã từ chối món quà tặng này bởi những quy định về an toàn cũng như nhằm đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, theo AP.
Người Hàn Quốc thường có thói quen sử dụng thịt chó cho bệnh nhân hồi phục sau phẫu thuật với niềm tin rằng món ăn này sẽ giúp vết thương mau lành.
Ông Lippert, 42 tuổi, lại là một người yêu chó. Ông thường xuyên được nhìn thấy dắt chó đi dạo gần nơi cư trú của mình.
Hôm 5/3, ông nhập viện khâu hơn 80 mũi sau khi bị một kẻ dùng dao rạch nhiều vết trên mặt và tay. Theo các nhân chứng, nghi phạm Kim Ki-jong, 55 tuổi, đã tiến sát tới Lippert từ phía sau, ghì ông xuống bàn, hét lớn “Nam Bắc Hàn phải tái thống nhất” rồi ra tay với đại sứ.
Video đang HOT
Lippert đang phục hồi rất tốt sau 4 ngày điều trị. Dự kiến ông sẽ ở lại bệnh viện đến ngày 11/3. Các bác sĩ cho hay đại sứ Mỹ có thể gặp phải những vấn đề về cảm giác ở bàn tay trái trong vài tháng.
Tòa án đã ra lệnh giam giữ nghi phạm Kim. Người này có thể bi buộc các tội mưu sát, tấn công đại diện nước ngoaù, vi phạm luật cấm ủng hộ Triều Tiên.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Lỗ hổng an ninh trong vụ rạch mặt đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc
Lực lượng bảo vệ mỏng, thiếu sót trong việc giám sát kẻ có tiền án cũng như công tác chuẩn bị còn sơ sài là những lỗ hổng an ninh khiến thủ phạm có thể dễ dàng tiếp cận đại sứ Lippert và ra tay với ông.
Đại sứ Mỹ tại Han Quôc Mark Lippert hôm 5/3 với nhiều vết máu ở mặt và tay sau khi bị tấn công bằng dao. Ảnh: AP
Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert hôm 5/3 nhập viện với nhiều vết rách trên mặt và tay đồng thời phải khâu hơn 80 mũi sau khi bị một kẻ dùng dao tấn công. Theo các nhân chứng, nam nghi phạm Kim Ki-jong, 55 tuổi, tiến sát tới Lippert từ phía sau, ghì ông xuống bàn, hét lớn "Nam Bắc Hàn phải tái thống nhất" rồi ra tay với đại sứ.
Việc Kim dễ dàng tiếp cận ông Lippert giữa nơi công cộng đặt ra câu hỏi: những lỗ hổng an ninh nào đã cho phép thủ phạm thực hiện hành động mà không gặp trở ngại gì?
Theo AP, hầu hết các đại sứ Mỹ đều sở hữu đội ngũ an ninh riêng nhưng mức độ nghiêm ngặt và quy mô lớn đến đâu thì phụ thuộc vào tình hình chính trị, xã hội của nước sở tại. Hiện chưa rõ có bao nhiêu nhân viên bảo vệ Lippert khi ông bị tấn công. Tuy nhiên, từ trước tới nay Seoul thường được xem như một địa điểm an toàn, vì thế nhiều khả năng đội ngũ bảo vệ đại sứ sẽ ít hơn bình thường. Một số nguồn tin cho biết khi vụ việc xảy ra, bên cạnh ông Lippert chỉ có duy nhất một nhân viên an ninh.
Phía Hàn Quốc khẳng định dù sứ quán không yêu cầu nhưng họ vẫn triển khai 29 cảnh sát đề phòng có diễn biến xấu xảy ra. Tuy nhiên, tất cả những người này chỉ đứng giám sát bên ngoài tòa nhà.
Sứ quán Mỹ, vì lý do bảo mật, chỉ tiết lộ cảnh sát Hàn Quốc không làm gì nhiều trước ngày ông Lippert bị tấn công khi chuẩn bị tham dự sự kiện do Hội đồng Hòa giải và Hợp tác Triều Tiên tổ chức tại Viện Văn hóa Sejong ở trung tâm Seoul. Ngoài ra, Mỹ cũng tự chuẩn bị đội bảo vệ đại sứ.
Cảnh sát tại đồn Jongno cho hay họ nắm được thông tin về những hành vi bạo lực của Kim trước đây nhưng không xét đến khả năng y sẽ xuất hiện tại sự kiện.
Kim từng có tiền án và nhiều điểm đen trong hồ sơ. Y lĩnh án hai năm tù hồi tháng 7/2010 do ném một mảng bê tông vào Đại sứ Nhật Bản ở Hàn Quốc Tosinori Shigeie nhưng được hoãn thi hành. Kim từng đến Triều Tiên 6 lần và muốn dựng tượng đài tưởng niệm cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il tại trung tâm Seoul.
Khi Kim vào sảnh chính của tòa nhà thuộc Viện Văn hóa Sejong, nơi xảy ra vụ tấn công, một viên cảnh sát đã hỏi bên tổ chức sự kiện rằng y được phép tham dự hay không, Yun Myung-sung, cảnh sát trưởng quận Jongno, khẳng định. Người tổ chức trả lời Kim có thể tham gia bởi y liên quan tới một đơn vị được mời tới cuộc họp.
"Không lý lẽ nào biện minh nổi cho việc để một kẻ có tên trong danh sách đen tự do xâm nhập địa điểm tổ chức sự kiện", AP dẫn lời Yu Hyung-chang, giáo sư tại Đại học Kyungnam, Changwon, người từng phục vụ trong đơn vị mật vụ của tổng thống Hàn Quốc gần 20 năm, nhận xét. "Nếu đã cho phép anh ta vào thì điều cơ bản nhất cần làm là cắt cử một nhân viên giám sát mọi lúc, mọi nơi", ông nhấn mạnh.
Yu cũng thêm rằng cảnh sát nên báo với đại sứ quán về những mối nguy hiểm mà Kim có thể gây ra cũng như cung cấp hỗ trợ an ninh tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh thời gian gần đây tại Hàn Quốc có xảy ra ra các cuộc biểu tình chống Mỹ.
Từ sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Mỹ, là phe hỗ trợ Hàn Quốc, vẫn đồn trú khoảng 28.500 quân tại đây. Trong khi đa phần người dân Hàn Quốc tán thành sự hiện diện của Mỹ thì vài lực lượng cánh tả cảm thấy tức giận vì cho rằng Washington góp phần không nhỏ tạo ra lịch sử hiện đại đầy biến động của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, một số nhà hoạt động cũng cho rằng những cuộc tập trận thường niên giữa hai quốc gia chính là nguyên nhân cản trở quá trình thống nhất Nam Bắc Hàn.
Nghi phạm Kim Ki-jong bị khống chế sau khi tấn công Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Mark Lippert. Ảnh: Reuters.
Vũ Hoàng
Theo AP
Điều tra những lần đến Triều Tiên của kẻ rạch mặt đại sứ Mỹ Cảnh sát Hàn Quốc đang điều tra mối liên hệ có thể có giữa 7 lần đến Triều Tiên của kẻ rạch mặt đại sứ Mỹ và cuộc tấn công bằng dao hôm qua. Nghi phạm Kim Ki-jong, 55 tuổi, sau khi tấn công đại sứ Mỹ. Ảnh: Reuters "Chúng tôi đang điều tra liệu có mối liên hệ nào giữa những chuyến...