Đại sứ Israel: “Tôi ngưỡng mộ tinh thần khởi nghiệp của người Việt”
Đầu xuân, nói chuyện khởi nghiệp với Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar – người đã đưa cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” tới Việt Nam. Một câu chuyện về ý chí của người Do Thái và sự kỳ diệu của đổi thay.
Những nông trang đầy hoa giữa sa mạc khô cằn
- Xin chào Đại sứ! Năm mới nhìn lại năm cũ: 2013 có thể nói là một năm khởi đầu nhiệm kỳ ấn tượng của bà, đặc biệt là sự kiện ra mắt cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp” tại Việt Nam. Đại sứ có kỳ vọng một sự chào đón nồng nhiệt đến như vậy?
- Muốn người dân hai nước hiểu nhau, chúng ta cần biết về văn hóa, lịch sử, truyền thống xã hội của nhau, về việc “chúng ta là ai”. Tôi rất tin vào mối liên kết giữa con người.
“Quốc gia khởi nghiệp” đã gây ấn tượng mạnh cho tôi khi lần đầu đọc nó, cách đây vài năm. Vì nó đã khái quát được tính cách người Israel, về những chính sách liên quan đến kinh tế, về việc toàn bộ các công dân Israel đều phải tòng quân, về những lợi ích mà những tháng ngày nhập ngũ mang lại…
Bên cạnh đó, tôi nghĩ, cuốn sách cũng có những liên hệ với người Việt Nam. Vì có thể nói, Việt Nam cũng là một quốc gia của tinh thần doanh nghiệp. Đó là một trong những điều tôi rất yêu quý Việt Nam.
Dự kiến, trong năm nay chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu thêm hai cuốn nữa; mà trước hết là cuốn sách viết về Thủ tướng đầu tiên của Israel Ben Gurion – người có nhiều nét tương đồng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai nhà lãnh đạo từng gặp nhau tại Paris. Tầm nhìn mà Thủ tướng Gurion tạo ra cho Israel cũng chính là những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh mong đợi tạo dựng cho Việt Nam…
- Điều gì bà muốn người Việt Nam biết về Israel nhiều nhất?
- Thật khó để chọn một cái “nhất”. Trước hết, dân tộc Do Thái đã phải gánh chịu cay đắng hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới, đặc biệt là thảm họa diệt chủng của phátxít Đức. Những người Do Thái đầu tiên quay trở lại Israel ngày nay để lập quốc đã phải trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn.
Israel đã trở thành quê hương tiếp nhận những người Do Thái trở về từ 70 quốc gia khác nhau. Chúng tôi chỉ có một con đường: Phải thành công. Chúng tôi không có cánh cửa cho thất bại sau tất cả những tro tàn lịch sử. Chúng tôi đã tạo ra các kitbutz, những nông trang tập thể đầy hoa giữa sa mạc khô cằn. Đó chính là nguồn lực để xây dựng đất nước.
Đại sứ Israel Meirav Eilon Shahar
Video đang HOT
Nhìn thấy tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam qua những người bán… bỏng ngô
- Trên cộng đồng mạng Việt Nam đang chia sẻ bình luận hài hước: “Người Do Thái có tủ sách, Việt Nam có tủ… rượu “. Bà nghĩ sao?
- Tôi không nghĩ như vậy. Tôi từng đến Việt Nam du lịch vào năm 1991 và thấy thật may mắn được trở lại để chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Việt Nam vào thời kỳ này.
Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã cảm nhận tinh thần doanh nghiệp của Việt Nam. Tôi thấy rất nhiều người bán bỏng ngô đẩy xe bán cho du khách quanh hồ Gươm. Khi cảnh sát xuất hiện, họ di chuyển và lại quay lại ngay khi cảnh sát rời đi.
Có thể các bạn thấy buồn cười nhưng tôi rất ấn tượng, vì người Việt Nam sẵn sàng nắm lấy cơ hội – dù nhỏ nhất có được – để nuôi sống mình bằng nghề. Đó chính là tinh thần khởi nghiệp. Tôi ngưỡng mộ ý chí thay đổi cuộc sống của người Việt Nam. Vì tương lai của một quốc gia chính là người dân, chứ không phải điều gì khác.
- Nền kinh tế Việt Nam đang phải trải qua thời điểm khó khăn. Đâu là những kinh nghiệm – theo bà, Việt Nam có thể học hỏi từ Israel?
- Tôi không có chút nghi ngờ nào, rằng Việt Nam sẽ vượt qua thách thức hiện nay. Nếu Việt Nam muốn học hỏi kinh nghiệm từ nước khác, điều đó hoàn toàn trong tầm tay. Nhưng việc áp dụng thế nào, đó sẽ là quyết tâm của các bạn. Không ai có thể làm hộ Việt Nam điều đó.
Israel đã tiến rất nhanh trên con đường từ một quốc gia đang phát triển thành một nền kinh tế phát triển. Nhưng thực tại, Israel cũng đối diện với rất nhiều khó khăn, cả về mặt kinh tế lẫn chính sách và chúng tôi cũng đang phải siết chặt ngân sách.
Quốc gia nào cũng gặp khó khăn khi áp dụng kinh nghiệm học hỏi được vào thực tiễn. Song đừng nản lòng khi thất bại. Đó chính là chìa khóa thành công của Israel.
Có nhiều người thắc mắc vì sao chúng tôi lại hay tuyển dụng giám đốc là những người đã từng thất bại trên thương trường. Lý do: Đó mới là người có kinh nghiệm và họ hiểu “không nên làm gì”. Chính những người đã thất bại khi khởi nghiệp sẽ thúc đẩy Israel tiến lên. Tôi nhận thấy Việt Nam lại khác. Các bạn thường ngại những người đã “ngã ngựa”.
- Như Đại sứ nói, tài sản của một quốc gia chính là con người; nhưng sẽ khó có được một “quốc gia khởi nghiệp” nếu thiếu đi một nền giáo dục vững chắc, ngay từ trong gia đình. Bí quyết dạy con của người mẹ Do Thái là gì, thưa bà?
- Tôi không nghĩ có bí quyết nào cả. Có lẽ, nó chỉ là một bài học đơn giản: Để con tự đứng dậy khi vấp ngã và cổ vũ con có suy nghĩ độc lập, khác biệt. Đa số các bà mẹ Do Thái trước đây đều mong con mình lớn lên trở thành luật sư hay bác sĩ. Nhưng ngày nay, họ lại muốn con mình có thể lập ra các công ty, tự khởi nghiệp. Đó là cả một sự thay đổi lớn về tư tưởng xã hội.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng không hài lòng về hệ thống giáo dục của mình. Người Do Thái có tinh thần phê và tự phê rất cao. Ở nơi nào có người Israel, anh ta sẽ sẵn sàng tranh luận, kể cả với lãnh đạo của mình. Chúng tôi tự do nói ra những gì mình nghĩ, thậm chí chất vấn ngược: Vì sao anh lại lãnh đạo tôi, mà không phải là tôi lãnh đạo anh?
- Bà không nghĩ chất vấn, tranh cãi về mọi thứ cũng có thể dẫn đến sự mất quy củ sao?
- Trái lại, chìa khóa để duy trì trật tự là mọi người có quyền đưa ra ý kiến của mình “trước khi quyết định được ban hành”. Còn khi quyết định đã được đưa ra, tất cả sẽ phải tuân thủ. Nó cũng giống như tinh thần thượng tôn pháp luật vậy.
Người Israel rất trân trọng và lắng nghe ý kiến trái chiều. Văn hóa tranh luận luôn được khuyến khích. Việt Nam có câu “Chín người mười ý”. Còn ở Israel thì câu đó sẽ là “Hai người bốn ý”. Tức, người Israel luôn có sẵn ít nhất 2 câu trả lời cho một vấn đề.
Để có thể bắt kịp với những thay đổi, chúng tôi luôn trân trọng mọi sự khởi đầu. Mỗi năm, Israel có đến hàng nghìn công ty mới ra đời và tập trung rất nhiều vào lĩnh vực công nghệ hiện đại – vốn luôn chiếm lĩnh vị trí trung tâm của phát triển xã hội. Tôi luôn ấn tượng trước những gì mà trí óc con người có thể làm được.
- Xin chúc Đại sứ một năm mới khởi sắc!
Theo Phương Thủy
Lao Động
Quan hệ ngoại giao Mỹ - Israel bất ngờ căng thẳng
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có một phát ngôn khiến Thủ tướng Israel phản ứng mạnh mẽ hôm 2/2, sau khi ông Kerry cảnh báo Israel có thể đối mặt với tẩy chay kinh tế nếu không đạt được hiệp ước hòa bình với người Palestine.
Thủ tướng IsraelBenjamin Netanyahu (trái) giận dữ trước bình luận của ông Kerry
Phát biểu trước báo giới hôm Chủ nhật, thủ tướng Israel tuyên bố những nỗ lực nhằm tẩy chay nhà nước Israel là vô đạo đức, bất công, và sẽ không đạt được ý đồ mong muốn.
"Thứ hai, không áp lực nào có thể khiến tôi từ bỏ những lợi ích sống còn của nhà nước Israel, đặc biệt là an ninh của người dân Israel. Vì hai lí do trên, những đe dọa tẩy chay nhà nước Israel sẽ không đạt được mục đích".
Phát biểu của ông Netanyahu được đưa ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Kerry cảnh báo về khả năng Israel phải chịu những tác động kinh tế.
"Với Israel, các tác động kinh tế là cực kỳ lớn", ông Kerry cảnh báo tại hội thảo an ninh Munich, Đức.
"Đối với Israel, hiện một cuộc vận động phi chính thống hóa đang ngày càng mạnh mẽ. Người dân rất nhạy cảm đối với vấn đề này. Đã có những bàn thảo về việc tẩy chay cũng như các hành động khác", ông Kerry nói.
Vị ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo tình hình hiện tại không thể được duy trì nếu đàm phán sụp đổ.
"Tình hình không hề bền vững. Nó mang tính ảo tưởng. Sự thịnh vượng chỉ là tạm thời, hòa bình cũng chỉ là tạm thời...Nhưng sự thật đó là tình hình sẽ thay đổi nếu thất bại xảy ra".
Thời gian qua, ngày càng nhiều chính phủ và doanh nghiệp quốc tế khẳng định sẽ không giao dịch với bất kỳ công ty nào của Israel có liên quan tới các khu định cư của người Do Thái. Đây được xem như thành công lớn của chiến dịch tẩy chay do người Palestine phát động.
Phong trào tẩy chay, không đầu tư và cấm vận của Palestine đã nỗ lực thuyết phục các chính phủ, doanh nghiệp và những nhân vật nổi tiếng chấm dứt mọi quan hệ với các công ty Israel hoạt động tích cực tại lãnh thổ của Palestine bị Israel chiếm đóng. Đây là một nỗ lực đi theo thành công của cuộc tẩy chay từng chấm dứt phong trào phân biệt chủng tộc apartheid tại Nam Phi.
Hồi tuần trước, diễn viên nổi tiếng người Mỹ Scarlett Johansson đã buộc phải từ bỏ vai trò đại sứ tại tổ chức từ thiện Oxfam, sau khi trở thành gương mặt đại diện cho công ty SodaStream của Israel do công ty này có nhà máy tại khu Bờ Tây.
Cùng ngày, quỹ đầu tư quốc gia Na-uy đã liệt 2 công ty của Israel vào "danh sách đen" do tham gia vào hoạt động xây dựng các khu định cư gần phía Đông Jerusalem.
Kể từ ngày 1/1, Liên minh châu Âu cũng đã phong tỏa mọi hỗ trợ và kinh phí cấp cho các tổ chức của Israel hoạt động bên ngoài đường biên giới trước chiến tranh 1967, khiến dư luận tại Israel ngày càng lo ngại.
Theo Dantri
Hi hữu chuyện chuyên cơ lãnh đạo Iran, Israel đậu cạnh nhau Trong một sự gần gũi vô cùng hiếm gặp, máy bay chở Tổng thống Iran và chuyên cơ của Thủ tướng Israel đã vô tình đậu cạnh nhau tại Thụy Sĩ khi hai nhà lãnh đạo tới Davos tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới. Máy bay của Tổng thống Iran Rouhani (trái) và máy bay của Thủ tướng Israel Netanyahu (phải)...