Đại lý thép thua đau vì đầu cơ
Sau khi một số nhà sản xuất thép lớn cam kết không tăng giá, thép xây dựng trên thị trường đã dần hạ nhiệt.
Đại lý thép thua đau vì đầu cơ
Nhân cơ hội Bộ Công thương quyết định áp thuế tự vệ thương mại tạm thời với phôi thép và thép xây dựng, giá thép đã bị đẩy lên cao do tình trạng đầu cơ ở khâu trung gian. Tuy nhiên, sau khi một số nhà sản xuất thép lớn cam kết sẽ không tăng giá, các đại lý đã buộc phải giảm giá bán.
Hiện tại, giá thép bán lẻ trên thị trường đã về mức 11.000 – 11.500 đồng/kg tùy loại và thương hiệu, thấp hơn 15% so với thời điểm cuối tháng 3. Diễn biến này khiến nhiều đại lý ôm hàng với mục tiêu đầu cơ chờ giá lên bị thua lỗ nặng. Mức thua lỗ phổ biến là 100 triệu đồng với các đại lý cấp ba và hàng tỷ đồng với các đại lý cấp một.
Video đang HOT
Phổ biến nhất là các đại lý cấp hai, ôm hàng khi giá thép tăng cao, với kỳ vọng giá thép sẽ tiếp tục tăng nữa. Đại lý thép LT (đại lý cấp hai của thép Việt – Úc tại Thị trấn Phùng, Hà Nội), đã ôm một khối lượng hàng khá lớn lúc giá thép là 12,5 triệu đồng/tấn, nhưng giờ giá bán ra chỉ còn 11 – 11,3 triệu đồng/tấn, lỗ 1 triệu đồng/tấn.
Theo chủ đại lý thép Yến Vinh (Hưng Yên), chuyên bán hàng của Việt – Úc và Việt – Mỹ, giá bán hiện tại đã giảm khoảng 1 triệu đồng/tấn so với hồi cuối tháng 3, nên đại lý bị lỗ khoảng 100 triệu đồng với lô hàng xấp xỉ 100 tấn nhập từ trước. Chủ cửa hàng này cho biết, sức mua của dân rất ít, hầu hết các cửa hàng, đại lý thép dọc đường từ Phố Nối đến Khoái Châu đều ít nhiều bị thua lỗ, do giá bán thép giảm nhiều so với khi lấy hàng cách đây 15-20 ngày.
Tại Hải Dương, chủ cửa hàng bán lẻ thép và xi măng Chiến Nhung, chuyên bán thép Tisco và thép Việt – Úc cũng chia sẻ, lượng hàng tồn trong cửa hàng lúc nào cũng từ vài chục đến hàng trăm tấn thép, mà giá thép đã giảm 10-15% so với cách đây chỉ nửa tháng, khiến cửa hàng tính sơ cũng lỗ gần trăm triệu đồng.
Các đại lý cấp dưới cũng trở thành nạn nhân khi các đại lý cấp một đầu cơ găm hàng để kiếm lợi. Trước Tết, nhiều đại lý phân phối cấp hai của các nhà sản xuất thép đã nhận đặt hàng của dân ở mức giá trên dưới 10.000 đồng/kg, với khối lượng khoảng 100 – 200 tấn, hoặc 300 – 400 tấn với đại lý lớn hơn. Tuy nhiên, sau Tết, khi các đại lý cấp một của các nhà sản xuất thép biết thông tin về việc Bộ Công thương áp thuế tự vệ tạm thời, nên họ đã đầu cơ, không cấp hàng cho hệ thống đại lý cấp dưới, cộng thêm năng lực cung ứng kém của một số nhà sản xuất, khiến thị trường xảy ra cơn sốt tăng cầu ảo.
Dù giá cao, nhưng các đại lý cấp dưới vẫn phải chấp nhận lỗ, nhập hàng về để trả cho các đơn hàng đặt từ trước, tính ra lỗ tới 2 triệu đồng/tấn thép. Khoản lỗ này hoàn toàn vì sự ích kỷ của các đại lý cấp cao, đã khiến đại lý cấp thấp vốn mỏng lại càng thêm khó khăn.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty SMC chuyên phân phối thép tại TP.HCM cho rằng, giá thép bị đẩy lên cao một phần do hệ thống phân phối có vấn đề, từ đó ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhất là trên thị trường bán lẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 3 là tháng nhu cầu thép tăng cao theo thông lệ hàng năm, các dự án khởi động lại sau thời gian nghỉ Tết dài, nhưng tâm lý muốn gom hàng sau quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công thương (ngày 7/3) cũng góp phần đẩy giá thép tăng cao trong quý I.
Dù giá thép tăng mạnh trong quý I, nhưng tính đến cuối tháng 3, theo VSA, lượng thép tồn kho vẫn còn khoảng 325.000 tấn. Thị trường sẽ có thêm nguồn cung khoảng 1 triệu tấn thép từ một loạt dự án mới được đưa vào vận hành trong năm nay. “Điều này cho thấy, các doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, nên các đại lý, nhà phân phối không việc gì phải lo ôm hàng tích trữ thép”, ông Sưa nhấn mạnh.
Theo Lao Động
Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về doanh nghiệp giải thể
Ngành có số lượng doanh nghiệp giải thể nhiều nhất trong năm 2015 là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy với 3.758 doanh nghiệp (DN), chiếm 39,7% tổng số DN giải thể trong năm 2015.
Cũng theo Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015 do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam công bố sáng nay (13/4), số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2015 là gần 9.500 DN, trong đó phần lớn là những DN quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,8%).
Toàn cảnh Hội nghị
Ngành có số lượng DN giải thể nhiều nhất trong năm 2015 là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô xe máy, kế đến là hai ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (1.212 DN, chiếm 12,8%), ngành xây dựng (1.071 doanh nghiệp, chiếm 11,3%). Tuy nhiên, đây lại là 3 trong số 12 ngành có tỷ lệ DN giải thể giảm trong năm 2015. Năm ngành có tỷ lệ DN giải thể tăng trong năm 2015 là Thông tin và truyền thông (104,3%), nghệ thuật, vui chơi và giải trí (77,8%), sản xuất phân phối, điện, nước, gas (28,3%), giáo dục đào tạo (21%), khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (12,2%).
Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là 71.391 DN, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 15.649 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 55.742 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký. Việc số lượng DN ngừng hoạt động tăng mạnh so với năm 2014 cho thấy sức khỏe của cộng đồng DN chưa được cải thiện, đa số các DN vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi tất cả các ngành đều có số lượng DN ngừng hoạt động tăng trong năm 2015. Ba ngành có số lượng DN phải ngừng hoạt động tăng cao nhất là nghệ thuật, vui chơi và giải trí (150,5%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (68,8%), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (56,7%). Đáng chú ý, ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí tuy có số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng cao, nhưng cũng là ngành có tỷ lệ DN phải giải thể và ngừng hoạt động tăng cao.
Điều này cho thấy những rủi ro đi kèm theo sự tăng trưởng "nóng" về số lượng DN thành lập mới ở lĩnh vực này. Báo cáo cũng cho thấy, trong năm 2015, cả nước có 21.506 DN quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước. Nhìn chung, tình hình DN gia nhập thị trường năm 2015 có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2014, thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng DN và tính hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. "Tuy nhiên, việc tỷ lệ DN phải ngừng hoạt động vẫn tăng cao cho thấy các DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn và rất cần các chính sách hỗ trợ của Chính phủ" - TS Phạm thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI khuyến nghị.
Theo_Dân việt
Thép Việt xuất khẩu chưa hết 'vận đen' Nếu ở trong nước, ngành thép đang chịu sức ép lớn của hàng hóa nhập khẩu giá rẻ, thì ở thị trường xuất khẩu, thép Việt cũng chưa hết 'vận đen', khi mới đầu năm đã liên tiếp nhận thêm quyết định gia hạn áp thuế từ các thị trường nhập khẩu. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa cho biết,...