Đài Loan đang âm mưu “đục nước béo cò” ngoài Trường Sa?
Đài Loan, Trung Quốc về vấn đề biển Đông có 1 điểm chung “không hẹn mà gặp”, đó là kiểu nói một đằng làm một nẻo, một cách lấp liếm tham vọng biến biển Đông thành ao nhà hết sức thô thiển, phi lý
Thông tấn xã Đài Loan (CNA) ngày 15/7 đưa tin, Bộ Quốc phòng Đài Loan vừa tổ chức 1 đoàn học giả trẻ thuộc đại học quốc lập Thành Công theo tàu hải quân ra đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Đài Loan chiếm đóng trái phép).
Tàu hải quân Đài Loan chở theo 13 học giả ra đảo Ba Bình thị sát và nghiên cứu trái phép trong thời gian từ 9/7 đến 15/7
Hoạt động này diễn ra từ ngày 9 đến ngày 15/7 với tên gọi “Trại nghiên cứu Nam Sa – Quốc phòng toàn dân” do Bộ Quốc phòng Đài Loan tổ chức cho các học giả trẻ nghiên cứu các lĩnh vực pháp lý biển đảo, lịch sử nhân văn, cục diện Trường Sa, sinh thái hải dương trên đảo Ba Bình.
Bất chấp phản đối từ phía Việt Nam và các bên liên quan, hàng năm Bộ Quốc phòng Đài Loan vẫn tổ chức cho học giả đi theo tàu hải quân ra thị sát trái phép đảo Ba Bình, tuy nhiên năm nay phía Đài Loan tổ chức lựa chọn công khai chứ không âm thầm chỉ định như mọi năm.
Trong chuyến đi năm nay, quân đội Đài Loan đã đưa 13 học giả, nghiên cứu sinh thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành liên quan đến biển, địa chất, công trình, sinh vật ra đảo Ba Bình.
Trong một động thái khác có liên quan, Lâm Úc Phương, nghị sĩ Quốc dân đảng cầm quyền ở Đài Loan ngày 15/7 trả lời báo chí cho hay, việc Đài Loan kéo dài sân bay (xây dựng trộm) trên đảo Ba Bình sẽ khiến hoạt động vận tải hàng không tại đảo này an toàn hơn.
Video đang HOT
Lâm Úc Phương, nghị sĩ Quốc dân đảng cầm quyền Đài Loan theo quan điểm hiếu chiến, cổ súy Đài Loan tranh thủ đục nước béo cò, tăng cường sức mạnh quân sự đồn trú trái phép tại Ba Bình, Trường Sa
Trong tương lai không loại trừ nhân vật này sẽ lại ra thị sát (trái phép) đảo Ba Bình như chuyến đi ngày 30/4 vừa qua.
Trước đó, giới truyền thông Đài Loan dẫn nguồn tin cho rằng Cục An ninh quốc gia Đài Loan dự kiến sẽ kéo dài đường băng 1200 m hiện có trên đảo Ba Bình thêm từ 300 đến 500 m nữa. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đài Loan – La Thiệu Hòa đã từ chối đưa ra bình luận về thông tin này.
Ngoài ra Lâm Úc Phương đang lên tiếng kêu gọi giới chức Đài Loan thay thế trận địa pháo truy kích 80 ly và pháo 20 ly trên đảo Ba Bình bằng pháo truy kích 120 ly và pháo 40 ly.
Trong số 6 nước, 7 bên tranh chấp trên biển Đông, Đài Loan là phía không được tham gia các chương trình nghị sự chính thức do áp lực từ phía Bắc Kinh.
Mặc dù không hiếu chiến và liều lĩnh như Trần Thủy Biển khi bất chấp pháp lý và công luận ra thị sát trái phép đảo Ba Bình năm 2008 trong cương vị đứng đầu Đài Loan, chính quyền Đài Loan hiện tại tỏ ra khôn ngoan hơn khì tìm cách tăng cường thực lực trái phép trên biển Đông mà hạn chế sự chú ý
Tuy nhiên, những động thái vừa qua cho thấy Đài Loan đang đục nước béo cò, lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng để tăng cường thực lực đồn trú trái phép ở Trường Sa.
Mặc dù không được chính thức tham gia đàm phán, phát biểu tại các diễn đàn khu vực và quốc tế về biển Đông nhưng phía Đài Loan luôn tìm cách đưa người tham dự. Trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn an ninh ASEAN (ARF) tổ chức tại Campuchia vừa qua, Đài Loan cử học giả Đinh Thụ Phạm thuộc đại học Chính trị Đài Loan làm trưởng đoàn.
Phía Trung Quốc luôn tỏ ra thiếu thiện chí và bất hợp tác với các bên tranh chấp biển Đông trong việc đàm phán Quy chế ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) ở diễn đàn ARF vừa qua và là nguyên nhân chính của sự đổ vỡ diễn đàn này.
Trong khi đó theo Lieberthal, một nhà quan sát thuộc tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, Mỹ cho biết Đài Loan ủng hộ những thỏa thuận chung mà các nước ASEAN đạt được về nguyên tắc xử lý tranh chấp trên biển Đông.
Trưởng đoàn (phi chính thức) của Đài Loan dự ARF, Đinh Thụ Phạm
Trưởng đoàn (phi chính thức) phía Đài Loan dự ARF, ông Đinh Thụ Phạm cho hay, (mặc dù là một bên tranh chấp biển Đông), vấn đề đau đầu mà Đài Loan đang phải đối mặt hiện nay không phải là biển Đông.
Vấn đề biển đảo mà chính quyền ông Mã Anh Cửu ở
Đài Loan lo ngại là đảo Điếu Ngư
trên biển Hoa Đông đang có tranh chấp với Nhật Bản với tên gọi Senkaku. Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với nhóm đảo này và vùng biển phụ cận.
Quan sát những gì đang diễn ra trên thực địa và nội dung tuyên bố của Đài Loan, Trung Quốc về vấn đề biển Đông có thể phát hiện thấy 1 điểm chung “không hẹn mà gặp”, đó là kiểu nói một đằng làm một nẻo, một cách lấp liếm tham vọng biến biển Đông thành ao nhà hết sức thô thiển, phi lý.
Khả năng bắt tay ra mặt giữa Bắc Kinh với Đài Bắc
về vấn đề biển Đông trong thời điểm hiện nay gần như không thể, nhưng không vì thế mà loại trừ khả năng tồn tại những thỏa thuận ngầm giữa 2 bên cùng có 1 âm mưu độc chiếm biển Đông.
4 tàu Hải giám Trung Quốc kéo ra Trường Sa hoạt động trái phép trong thời gian vừa qua sẽ không dừng lại một lần, thậm chí tần suất sẽ còn tăng lên trong thời gian tới
Trong tình hình hiện nay, cả Đài Loan và Trung Quốc sẽ “thấy bở đào mãi” nếu như các bên liên quan không có giải pháp phản ứng quyết liệt dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế về vấn đề biển Đông. Cần phải chuẩn bị thật kỹ, tham vấn và thống nhất lẫn nhau giữa các bên liên quan cũng như các bên thứ 3 có quan tâm trong tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông về một phương án pháp lý.
Hiện tại, Trung Quốc đang cố tình lập lờ đánh lận con đen và tìm mọi cách để hợp thức hóa tuyên bố chủ quyền với đường lưỡi bò tự chế hết sức mơ hồ, phi pháp, vô căn cứ. Tuyên bố mời thầu 9 lô dầu khí hết sức ngang ngược, phi pháp của CNOOC tại thềm lục địa Việt Nam là một minh chứng.
Chính vì vậy, để vô hiệu hóa âm mưu đó của Bắc Kinh, các bên liên quan cần thống nhất về phương án phân tách vùng biển có tranh chấp với vùng biển không có tranh chấp trước khi đưa ra đàm phán. Thống nhất cách luận giải và áp dụng những nguyên tắc cốt lõi của Công ước biển Liên Hợp Quốc 1982 trước khi nói chuyện phải quấy với Bắc Kinh.
Theo GDVN