Đài Loan cân nhắc đưa tên lửa ra Ba Bình
Việc triển khai tên lửa phòng không tầm ngắn nằm trong kế hoạch tăng viện cho hòn đảo mà Đài Bắc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa.
Lực lượng Đài Loan đồn trú phi pháp trên đảo Ba BìnhẢnh: CNN
Tờ Taipei Times hôm 1.5 dẫn nguồn tin cấp cao từ chính quyền Đài Loan tiết lộ kế hoạch tăng viện cho đảo Ba Bình của nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu, bao gồm điều thêm lực lượng trú đóng và triển khai tên lửa phòng không tầm ngắn.
Nếu được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên tên lửa được điều đến hòn đảo mà Đài Bắc chiếm đóng phi pháp trong quần đảo Trường Sa của VN. Theo một quan chức Đài Loan, trên đảo Ba Bình hiện nay chủ yếu chỉ có các loại pháo cối và súng phòng không nên không đủ sức chống đỡ một cuộc không kích.
Tờ Taipei Times cho hay lực lượng tuần duyên Đài Loan cũng đã xác nhận kế hoạch điều thêm quân và thăng cấp chỉ huy của lực lượng ở Ba Bình từ trung tá lên đại tá. Các bước đi này sẽ được thực hiện nhằm ứng phó với tình trạng căng thẳng “nguy hiểm” tại vùng biển trong khu vực.
Video đang HOT
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Mã Anh Cửu hiện vấp phải chỉ trích từ một số nghị sĩ trong Ủy ban Đối ngoại và quân sự của nghị viện Đài Loan. Lý do là ông này đã đưa ra các quyết định “nhạy cảm” trong lúc nhà lãnh đạo tân cử Thái Anh Văn thuộc đảng Dân tiến (DPP) sắp nhậm chức vào ngày 20.5. Nghị sĩ La Trí Chính thuộc DPP nói rằng vì ông Mã Anh Cửu chỉ còn tại vị khoảng 3 tuần nên mọi quyết định quân sự và đối ngoại không mang tính cấp bách cần phải được để lại cho chính quyền kế tiếp xem xét nhằm tránh đặt chính quyền kế tiếp vào “thế đã rồi”. Còn nghị sĩ Lâm Sưởng Tá thuộc đảng Lực lượng thời đại cho rằng hành động của ông Mã có thể bị suy diễn là theo đuôi Trung Quốc, nước đang cấp tập quân sự hóa khu vực.
Liên quan đến động thái của Trung Quốc nhằm tăng cường kiểm soát ở Biển Đông, Hãng Reuters hôm 1.5 dẫn nguồn tin từ chính quyền đảo Hải Nam của Trung Quốc tiết lộ kế hoạch huấn luyện “bảo vệ chủ quyền Trung Quốc” cho các ngư dân. Chương trình huấn luyện quân sự này bao gồm cả đợt diễn tập trên biển từ tháng 5 đến tháng 8 và chính quyền địa phương sẽ trả tiền cho các ngư dân tham gia.
Ngoài ra, chính quyền cũng cung cấp các thiết bị định vị vệ tinh cho ít nhất 50.000 tàu cá, cho phép họ liên lạc với lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong các tình huống khẩn cấp, bao gồm đụng độ với tàu nước ngoài. Một số tàu cá thậm chí còn được trang bị vũ khí cỡ nhỏ.
Theo một quan chức, các đội ngư dân này sẽ được huy động mỗi khi chính quyền tiến hành “một sứ mệnh bảo vệ chủ quyền cụ thể”. Theo đó, họ sẽ được yêu cầu thu thập và cung cấp thông tin về các hoạt động của tàu nước ngoài khi cần. Việc Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực biến ngư dân thành dân quân trên biển được đánh giá là sẽ làm gia tăng nguy cơ đụng độ với các lực lượng hải quân nước ngoài, theo Reuters.
Công Chính
Theo Thanhnien
Đài Loan cho học giả quốc tế thăm trái phép đảo Ba Bình
Sau chuyến đi của các nhà báo quốc tế, Đài Loan tiếp tục hành động phi pháp khi tổ chức cho các học giả nước ngoài đến đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Các học giả nước ngoài được Đài Loan đưa tham quan trái phép đảo Ba Bình - Ảnh: Cơ quan ngoại giao Đài Loan
Chuyến đi 1 ngày diễn ra bên lề hội thảo quốc tế do trường Đại học luật Soochow (Đài Loan) tổ chức ở Đài Bắc hôm 14.4. Hội thảo bàn về tranh chấp ở Biển Đông và luật pháp quốc tế.
Tham gia đoàn chuyên gia quốc tế có ông Hasjim Djalal, cựu đại sứ Indonesia ở Liên Hiệp Quốc; ông Antonios Tzanakopoulos, Phó giáo sư trường Luật thuộc Đại học Oxford (Anh); ông Surya P. Subedi, Giáo sư Đại học Leeds (Anh); và ông Iain Scobbie, Chủ tịch khoa Luật quốc tế Đại học Manchester (Anh).
Chuyến đi được chính quyền Đài Loan tổ chức với mục đích khẳng định Ba Bình - thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Đài Loan chiếm đóng từ 1946 - là một hòn đảo chứ không phải bãi đá, hãng tin Đài Loan CNA cho hay hôm 15.4.
Trước đó, trong đơn kiện gửi Tòa trọng tài quốc tế, Philippines nói rằng không có đá nào của quần đảo Trường Sa là đảo, theo định nghĩa là "có nguồn nước cung cấp cho một số ít dân cư".
Cũng như chuyến thăm phi pháp trước đó của các nhà báo quốc tế đến Ba Bình, các học giả quốc tế được tham quan giếng nước, nông trại, bệnh viện, nhà máy điện năng lượng mặt trời và 1 ngôi đền. Họ cũng được mời uống nước lấy từ giếng và thức ăn trồng và nuôi trên đảo.
Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Đài Loan chiếm đóng - Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm Mã Anh Cửu tận dụng thời gian cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình để tổ chức các hoạt động ở Ba Bình nhằm gây sự chú ý của thế giới. Mục đích của ông ta còn là gây áp lực cho người kế nhiệm Thái Anh Văn, buộc bà Thái quan tâm đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Đài Loan.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Đòn 'phủ đầu' của Trung Quốc đối với lãnh đạo mới của Đài Loan Các nhà phân tích cho rằng việc người Đài Loan gần đây bị nhiều nước trục xuất về Trung Quốc, thay vì Đài Loan, là một phần cuộc tấn công ngoại giao của Bắc Kinh nhắm vào Thái Anh Văn, lãnh đạo sắp nhậm chức của Đài Loan. Bà Thái Văn Anh là mục tiêu của đòn phủ đầu từ Bắc Kinh? -...