Đại lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma: Bảo vệ từng tấc đất tiền nhân để lại!
Chiều 22/7, tại chùa Vĩnh Nghiêm (TPHCM), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu 64 anh linh các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma, hy sinh cách đây 27 năm.
Chương trình có sự hiện diện của Đại tướng Trần Đại Quang – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng – Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương; Đại diện lãnh đạo UBND TPHCM cùng rất nhiều tăng ni phật tử và công chúng. Bên cạnh đó, lễ cầu siêu còn có sự tham dự của thân nhân của các liệt sĩ đã hy sinh cũng như các chiến sĩ bị bắt trong sự kiện đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988: góa phụ Mai Thị Hoa cùng con gái Trần Thị Thủy, là vợ con của liệt sĩ Trần Văn Phương (người giữ lá cờ); Các chiến sĩ sống sót trong trận Gạc Ma như: Lê Văn Đông, Trần Thiên Phụng, Nguyễn Văn Thống, Trương Văn Hiền, Lê Hữu Thảo…
Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an dự lễ tưởng niệm
27 năm đã trôi qua, nhưng tấm gương hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo tại đảo Ga Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đã để lại một tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước, bảo vệ lãnh thổ trong lòng nhân dân Việt Nam. Buổi lễ cầu siêu bên cạnh tri ân và tưởng nhớ tới các liệt sĩ đã hy sinh còn là dịp để khơi dậy tinh thần yêu nước trong nhân dân.
Tại Đại lễ tưởng niệm cầu siêu 64 anh linh các Anh hùng liệt sĩ Gạc Ma có tên “Hạt giống Tâm hồn – Gạc Ma – Việt Nam – Vòng Tròn Bất Tử” đã diễn ra cuộc đấu giá bức tranh “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” của Họa sĩ Bùi Lệ Trang.
Từ giá khởi điểm 50 triệu đồng, bức tranh ý nghĩa này đã được một doanh nhân sở hữu với giá 1,28 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền đấu giá bức tranh này được dành để ủng hộ gia đình 64 liệt sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Bức tranh này được chủ nhân mới dành tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Bức tranh “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được đấu giá thành công với 1,28 tỷ đồng
Ngoài bức tranh “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, ban tổ chức còn đấu giá bức thư viết tay được lăn tay bằng máu của cụ Nguyễn Công Nghệ (90 tuổi) gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ nguyện vọng về một thế giới hòa bình không còn chiến tranh. Bức thư đặc biệt này được đấu giá thành công với mức 300 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dành tặng cho Cảnh sát biển Việt Nam.
Tất cả những hành động ý nghĩa trên đều nhằm mục đích cùng chung tay tưởng nhớ đến 64 liệt sĩ Gạc Ma.
Xúc động trước tình cảm tri ân, tưởng nhớ, cựu binh Lê Hữu Thảo (người bị Trung Quốc bắt giữ trong trận Gạc Ma) đã không kìm được niềm xúc động. “Câu chuyện cảm động diễn ra 27 năm trước nay vẫn còn mãi trong trái tim tôi. Những đồng đội đã ngã xuống nhưng tinh thần bất diệt. Và anh em chúng tôi, những cựu binh may mắn sống sót xin nguyện dâng mình cho Tổ quốc. Nếu kẻ thù phương Bắc hay bất cứ thế lực thù địch nào xâm chiếm bờ cõi, chúng tôi vẫn sẵn sàng cầm súng lên đường bảo vệ từng tấc đất quê hương”, cựu binh Lê Hữu Thảo nói.
Hàng ngàn tăng ni, phật tử tham dự lễ tưởng niệm, cầu siêu
Video đang HOT
Trong niềm cảm xúc dạt dào của Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu, ai cũng thêm một lần thấm thía câu nói uy nghiêm, nổi tiếng của Phật hoàng Trần Nhân Tông: “…Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lại lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu”.
Đại lễ tưởng niệm, cầu siêu này có lẽ là một dịp lễ 27/7 – Ngày Thương binh Liệt sĩ đáng nhớ và ấm áp tình người nhất đối với các gia đình chiến sĩ và hương hồn các liệt sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh ở đảo san hô Gạc Ma – Trường Sa năm 1988.
Cũng tại Đại lễ, những tử sĩ Hoàng Sa năm 1974 đã được tưởng nhớ, tri ân.
Những hình ảnh trong buổi Đại lễ:
Những tăng ni, phật tử tham dự lễ cầu siêu, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ
Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Trần Đại Quang thắp nén hương tưởng niệm
Người thân của liệt sĩ Gạc Ma đã không kìm được những giọt nước mắt
Bức tranh “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được bán với giá 1,28 tỷ đồng
Bức thư tay lăn tay bằng máu của cụ ông 90 tuổi gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được bán với giá 300 triệu đồng
Tất cả số tiền thu được từ đấu giá đều dành tặng cho người thân 64 liệt sĩ Gạc Ma và Cảnh sát biển Việt Nam.
Công Quang – Phạm Nguyễn
Theo Dantri
Lá thư anh gửi từ Gạc Ma là báu vật của mẹ suốt 27 năm qua
Ngày nghe tin con trai hy sinh khi chiến đấu bảo vệ Gạc Ma, mẹ như chết lặng. 27 năm đã trôi qua, những dòng thư cuối cùng anh gửi gia đình đã úa màu thời gian, nhưng đó là báu vật, là niềm tự hào của mẹ...
27 năm đã trôi qua kể từ ngày anh hy sinh, những kỷ vật còn sót lại, từ lá thư cuối cùng đã úa đến chiếc áo đã phai màu thời gian, mẹ đều coi là báu vật của mình.
Tàu HQ 604 - nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Phương hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (Ảnh: tư liệu lữ đoàn HQ 125).
Trong những ngày cả nước đang kỷ niệm 27 năm hải chiến Trường Sa (14/3/1988-14/3/2015), chúng tôi có dịp đến thăm nhà mẹ Nguyễn Thị Gái, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương (SN 1968), ở thôn Hậu, xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Mẹ Gái năm nay đã 80 tuổi, tóc mẹ đã bạc trắng vì thời gian, sương gió và cũng chính vì nỗi nhớ con da diết..
Ngồi bần thần ôm tấm quân phục hải quân của con trai, mẹ Gái vẫn chưa thể nào quên được ánh mắt, gương mặt của người con tràn đầy nhiệt huyết tuổi 20 lên đường bảo vệ Tổ quốc. Mẹ Gái sinh được 4 người con, trong đó anh Phương là người mẹ dành nhiều tình cảm và tự hào...
Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Phương.
Mẹ Gái kể lại: "Vào năm 1985, lúc Phương vừa học xong cấp 3 thì trúng tuyển vào trường Sĩ quan Lục quân 1. Lúc này cũng đã có giấy báo nhập học gửi về gia đình. Nhưng nó nhất định không đi vì nó bảo ước mơ của nó chính là một chiến sĩ hải quân như bố. Thế là nó ở nhà đợi đến đợt tuyển quân mới, đăng ký vào hải quân, đơn vị đóng tại Hải Phòng".
Ngày nhập ngũ anh Phương được cả gia đình ra tiễn, dặn dò đủ thứ, chàng trai Phương lúc ấy đang tràn đầy nhiệt huyết tuổi 20 vui vẻ, hãnh diện xách ba lô lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Sau khi nhập ngũ, đơn vị của anh Phương đóng quân ở Hải Phòng, Quảng Ninh rồi chuyển vào Sài Gòn. Những ngày xa nhà, dù anh chàng tân binh bận nhiều công việc nhưng mỗi khi rảnh anh lại tranh thủ viết thư thăm hỏi gia đình, họ hàng...
27 năm mẹ Gái vẫn lưu giữ bức thư cuối cùng của con trai.
Mẹ Gái không kìm được xúc động khi nhìn bộ quân phục của con trai.
Được một lúc, mẹ Gái dừng lại khóc nấc nghẹn ngào, mẹ lại ôm lấy chiếc áo, rồi lật trang thư ra. Mẹ bảo: "Đây là lá thư cuối cùng mà Phương gửi về cho gia đình". Lá thư đã úa màu thời gian cũng đã nhuộm màu ố của nước mắt mẹ. Những kỷ vật ấy được gia đình mẹ Gái lưu giữ vô cùng cẩn thận.
Bức thư cuối cùng được anh Phương viết vào ngày 6/3/1988. Trong bức thư anh Phương dường như linh cảm tới ngày anh sẽ hy sinh vì Tổ quốc, nên anh viết: "còn gia đình cứ yên tâm, đừng nghĩ ngợi nhiều cho con và con ra đi sẽ không hẹn ngày về...".
Khi viết lá thư ấy, anh Phương đang công tác tại tàu HQ 604. Đúng hơn 1 tuần sau, anh Phương cùng đồng đội đã hy sinh anh dũng, tạo thành một "vòng tròn bất tử" trên đảo Gạc Ma.
8h ngày 15/3/1988, mẹ Gái rụng rời khi nghe danh sách những chiến sĩ hy sinh trên đảo Gạc Ma, trong đó có tên con trai mẹ. Kể từ đó, chưa đêm nào mẹ ngủ ngon giấc, cứ đặt mình xuống giường lại thấy hình ảnh của anh tràn về. Ở đâu đó ngoài biển xa, thân thể của anh đã hòa mình, gắn bó với biển đảo quê hương.
Lá thư cuối cùng của liệt sĩ Gạc Ma gửi mẹ.
"Đến bây giờ mẹ chỉ mong tìm được hài cốt của con mang về, có như vậy lòng mẹ mới thanh thản. Chưa bao giờ ý nghĩ ấy ngừng thôi thúc mẹ. Mẹ rất tự hào về con trai của mẹ!", mẹ Gái tâm sự.
Năm 2008, tàu của thợ lặn đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có tìm được một phần hài cốt trong số 64 chiến sĩ dưới con tàu HQ 604 ở độ sâu khoảng 20m, tại cụm đảo Sinh Tồn (quần đảo Trường Sa). Nghe được thông tin ấy, mẹ Gái và gia đình ai cũng hi vọng sẽ có mẫu xét nghiệm ADN, sẽ tìm được hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Phương. Nhưng rồi hi vọng ấy vụt tắt khi không có kết quả...
Đức Văn
Theo Dantri
Ấm lòng bên tượng đài, nghĩa trang liệt sĩ Nhiều năm trở lại đây, tháng Bảy đã trở thành tháng cao điểm với những hoạt động tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Bên các tượng đài, trong các nghĩa trang liệt sĩ, dịp này trở thành những điểm hẹn kết nối tâm linh, kết nối tình người. Gặp lại tình quê nơi Đảo Yến Tôi cùng cha và con trai lên...