Đại hội XIII sẽ xây dựng, chỉnh đốn Đảng mạnh hơn nữa
Hội nghị Trung ương 11 đã kết thúc chiều nay sau sáu ngày làm việc. Kết quả được hé mở qua phát biểu bế mạc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho thấy Trung ương mong muốn nhiệm kỳ tới đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng Đảng.
Nghị trình quan trọng của các Ủy viên Trung ương trong hội nghị gần cuối nhiệm kỳ này là thảo luận, góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, sau khi đã thống nhất đề cương ở Hội nghị 10.
Toàn cảnh phiên bế mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN
Kiên trì, quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII
Văn kiện trình đại hội là nơi tập trung đầy đủ, toàn diện đánh giá của Đảng về hiện tình đất nước, cũng như xác định mục tiêu, phương hướng, giải pháp cho nhiệm kỳ tiếp theo. Góp ý cho dự thảo do các tiểu ban của Bộ Chính trị chuẩn bị, Trung ương đã đánh giá về kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020; 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, cũng như nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới.
Trong các nội dung được thảo luận, góp ý này, phần công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt. Đã có bước đột phá, đạt nhiều kết quả rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, tin tưởng, ủng hộ.
Phát biểu có tính khái quát kết quả Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, phải phát huy những thành quả và bài học kinh nghiệm đã có được trong nhiệm kỳ khoá XII. Đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh về mọi mặt; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước”.
Với quan điểm ấy, văn kiện Đại hội XIII sẽ khẳng định việc tiếp tục kiên trì, quyết liệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội.
Như vậy, Đảng tiếp tục giữ vững, kiên định bản chất cách mạng và vai trò tiên phong, gương mẫu của mình, của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng. Tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Kỷ luật cán bộ cấp cao: đau xót, nhưng không thể không làm
Về quyết định của Trung ương khai trừ ra khỏi Đảng với hai cựu Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng điểm lại số lượng 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã chịu các hình thức kỷ luật từ sau Đại hội XII đến nay. Trong số này, có 1 Ủy viên Bộ Chính trị, 4 Ủy viên Trung ương khóa XII, 1 là nguyên Phó thủ tướng, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 bí thư tỉnh ủy, 5 nguyên bí thư tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh. Cùng với đó là 7 tổ chức đảng bị Trung ương khóa XII thi hành kỷ luật.
Video đang HOT
“Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”.
Tống bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ và nhấn mạnh: “Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta. Đề nghị từng đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên nêu gương, tự soi, tự sửa, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng để không đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất khôn lường”.
“Chúng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, phải kiên quyết không để lọt vào cấp uỷ những cán bộ vi phạm, thoái hoá, biến chất! Bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm minh, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”, Tổng bí thư phát biểu phiên bế mạc.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong nhiều nội dung quan trọng mà Trung ương đã thảo luận, thống nhất. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết các tiểu ban sẽ khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến. Các dự thảo báo cáo sẽ được hoàn thiện để gửi đại hội đảng bộ các cấp đóng góp ý kiến. Tiếp đó trong năm 2020, Trung ương sẽ thảo luận một lần nữa, xem xét thông qua, rồi xin ý kiến nhân dân trước khi trình Đại hội XIII.
Trung ương nghe báo cáo đối ngoại
Trong ngày cuối cùng của Hội nghị 11, Trung ương đã nghe báo cáo công tác đối ngoại nổi bật thời gian gần đây.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì để Bộ Chính trị báo cáo tiếp thu, giải trình về ý kiến của các Ủy viên Trung ương góp ý cho các dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021-2030), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 2016-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021-2025, Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng.
Bộ Chính trị cũng tiếp thu, giải trình trình các ý kiến thảo luận liên quan đến tình hình kinh tế – xã hội, thực hiện ngân sách 2019 cũng như dự kiến kế khoạch liên quan 2020, và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2020-2022. Đây là các nội dung Chính phủ sẽ trình Quốc hội thảo luận, quyết định trong kỳ họp tháng 10 này.
(Theo Thông cáo báo chí của Văn phòng Trung ương)
N.NHÂN
Theo PLO
Thương vụ AVG: Lời cảm ơn "triệu đô" và cơ chế làm tha hóa cán bộ
Vấn đề cấp thiết là phải tìm ra và "bịt" được những "lỗ hổng" trong cơ chế đã khiến một bộ phận cán bộ bị tha hóa, biến chất.
Kết luận điều tra thương vụ AVG mới đây được báo chí thông tin, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son khai nhận 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ; cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhận 200.000 USD. Có thể nói, chưa có trường hợp nào mà cán bộ cấp cao dính vào án tham nhũng rõ ràng như vụ việc này.
Ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn
Bất ngờ trước số tiền "lại quả"
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục Đào tạo, tuy đã nghe nhiều thông tin về vụ việc nhưng vẫn khá bất ngờ bởi số tiền ông Nguyễn Bắc Son được "lại quả" trong thương vụ AVG là quá lớn, tới 3 triệu USD.
"Có thể nói đây là số tiền nhận hối lộ lớn nhất trong lịch sử nước nhà của một cán bộ từng là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, người đứng đầu một Bộ", ông Vinh bày tỏ.
TS Hoàng Ngọc Vinh
Cũng theo ông Vinh, việc một cán bộ cao cấp của Đảng đã trải qua quá trình công tác lâu năm trong hệ thống chính trị mà vẫn phạm sai lầm nghiêm trọng cho thấy lỗ hổng khá lớn trong công tác cán bộ. Đó là việc lựa chọn, qui hoạch, đánh giá, giới thiệu bổ nhiệm cán bộ đã không được thực hiện một cách công tâm, khách quan.
Ông Vinh cho rằng, việc quy hoạch, bổ nhiệm chặt chẽ nhưng rõ ràng, những người được giao thực hiện qui trình có vấn đề, không chỉ với ông Son mà khá nhiều người khác từng là Ủy viên TW Đảng bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua.
Kết luận điều tra cũng đã thể hiện rõ lời khai của ông Nguyễn Bắc Son với cơ quan chức năng, sở dĩ ông cố gắng chỉ đạo sớm thực hiện việc bán cổ phần của AVG cho Mobifone bởi nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông Son thời điểm đó sắp kết thúc.
Thật trùng hợp khi vụ việc của ông Nguyễn Bắc Son có thể đem ra làm dẫn chứng sinh động về "chuyến tàu vét" và "hoàng hôn nhiệm kỳ" của nhiều cán bộ, quan chức. Câu chuyện đã râm ran trên nghị trường và báo chí trong một thời gian dài.
Những "chuyến tàu vét" không chỉ xuất hiện ở nơi này nơi kia, không chỉ được nhìn thấy qua những thương vụ nhận hối lộ từ việc bán tài sản nhà nước "giá bèo" mà còn ở những góc khuất trong việc tuyển dụng, điều chuyển công tác, bổ nhiệm cán bộ ồ ạt dưới quyền, bắt tay doanh nghiệp sân sau, "cài cắm" con cháu vào những vị trí nhiều bổng lộc.
Ông Lê Văn Nghiêm
Ông Lê Văn Nghiêm, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng CNTT và Truyền thông, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin-Truyền thông) cũng nhấn mạnh, trong rất nhiều vụ việc tham nhũng đã bị phát hiện, xử lý kỷ luật, đưa ra xét xử trước pháp luật, hiếm có trường hợp tham nhũng nào được xác định một cách cụ thể như vụ việc này. Một cán bộ cấp cao thừa nhận đã nhận hối lộ với số tiền "khủng".
Ông Lê Văn Nghiêm cho rằng, cán bộ cao cấp trong cơ quan Nhà nước thực hiện hành vi tham nhũng, nguyên nhân chính và quan trọng nhất là lỗi chủ quan, thiếu sự rèn luyện về phẩm chất đạo đức, thiếu kiềm chế trước cám dỗ vật chất. Bên cạnh đó, môi trường xã hội và cơ chế hiện nay chính là yếu tố khách quan cho phép người ta có điều kiện để tham nhũng. Các cơ chế chúng ta đang có hiện nay không đủ mạnh để kiểm soát cán bộ.
Cần bịt "lỗ hổng" trong cơ chế làm tha hóa cán bộ
Qua vụ việc trên cũng như nhiều vụ án trước đó, vấn đề cấp thiết là phải tìm ra và "bịt" được những "lỗ hổng" trong cơ chế đã khiến một bộ phận cán bộ bị tha hóa, biến chất.
Và lỗ hổng lớn nhất, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, chính là dân chủ, công khai minh bạch, dù đã được Đảng ta quán triệt nhiều lần nhưng chưa thật sự phát huy hiệu quả. Nhiều người, ngoài miệng thì nói trung thành với Đảng, với nhân dân và Tổ quốc nhưng có cơ hội vụ lợi là không từ bỏ. Vấn đề này một lần nữa cho thấy cần đẩy mạnh dân chủ trong Đảng, lấy đức làm trọng (như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa nói tại Lễ kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chú của Bác Hồ). Không có đạo đức mà Nhà nước giao cho họ quản lý hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng là gửi trứng cho ác.
Bên cạnh đó là giám sát của nhiều bên liên quan trong xã hội đặc biệt là người dân và Mặt trận tổ quốc. Nhưng muốn giám sát hiệu quả thì Đảng phải công bố thông tin cần thiết để người dân giám sát và có kênh để cung cấp thông tin từ người dân. Không có thông tin thì việc giám sát rất khó như "thầy bói xem voi". Cơ chế thứ hai là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới quản trị quốc gia dưới sự lãnh đạo của Đảng, thượng tôn pháp luật là hàng đầu trong việc ngăn ngừa và loại bỏ tham nhũng.
Theo ông Lê Văn Nghiêm (nguyên Cục trưởng Cục thông tin Đối ngoại- Bộ Thông Tin và Truyền thông), những yếu kém, lỏng lẻo dễ nhận thấy nhất thể hiện ngay trong phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng. Cùng với đó, môi trường xã hội lại thiếu các nhân tố để có thể kiểm soát quyền lực. Điều đó dẫn đến việc công khai minh bạch mọi hoạt động của cơ quan Nhà nước cũng vì thế còn yếu.
Trong môi trường thiếu công khai minh bạch, người dân, báo chí, xã hội khó có cơ hội để giám sát, chưa nói đến phát hiện, xử lý lạm quyền, tham nhũng. Vụ việc AVG có thể nói là rất hiếm hoi được phát hiện sớm, còn hầu hết các trường hợp tham nhũng đều chậm được phát hiện, xử lý.
Bày tỏ tin tưởng tuyệt đối vào cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động, với mong muốn Đảng ta tiếp tục không khoan nhượng với những nhóm lợi ích hại dân, hại nước, ông Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, khâu đột phá nằm ở công tác cán bộ, phải đổi mới cơ chế để dễ bề giám sát và kiểm tra. Chỉ có minh bạch, công khai dân chủ, pháp luật được tôn trọng, thực thi thì những kẻ cơ hội mới không có đất để tồn tại./.
Theo Hà Thanh/VOV.VN
Nêu gương từ Trung ương Không còn bàn cãi gì thêm nữa, việc học Bác muốn hiệu quả phải xuất phát từ chính sự nêu gương của cán bộ. Người giữ vị trí công tác càng cao, càng phải thực sự nêu gương, bởi lẽ "một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền" như Bác Hồ từng răn dạy. Hội nghị...