Đại Hội đồng Y tế Thế giới nhất trí trao thêm quyền cho Palestine
Tại khóa họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) lần thứ 77 ngày 31/5, các nước đã bỏ phiếu, nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết về việc trao thêm quyền cho Palestine trong Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tương tự như động thái trước đó của Đại Hội đồng Liên hợp quốc.
Chuyển người bị thương vào bệnh viện ở Rafah, Dải Gaza, sau các cuộc không kích của Israel ngày 26/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng cộng 101 trong tổng số 177 nước có quyền biểu quyết đã ủng hộ dự thảo nghị quyết trong khi 5 nước phản đối. Dự thảo nghị quyết do một nhóm, chủ yếu là các nước Arab, Hồi giáo, cùng Trung Quốc, Nicaragua và Venezuela đưa ra, kêu gọi trao cho Palestine – vốn có tư cách quan sát viên tại WHO, gần như tất cả các quyền tương tự các thành viên chính thức.
Theo một số nguồn tin ngoại giao, do lo ngại việc bỏ phiếu công nhận tư cách thành viên của Palestine có thể khiến nguồn tài trợ của Mỹ cho WHO tự động bị đình chỉ, nên các nước thông qua nghị quyết trao thêm quyền cho Palestine, trong đó có việc cho phép đại biểu của Palestine được ngồi chung với các thành viên chính thức, quyền được đưa ra đề xuất và sửa đổi. Tuy nhiên, nghị quyết nêu rõ Palestine – với tư cách là một quốc gia quan sát viên, không có quyền bỏ phiếu trong Đại Hội đồng Y tế hoặc đưa ra ứng cử viên vào các cơ quan của WHO.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Geneva, WHA lần thứ 77 cũng thông qua nghị quyết hối thúc WHO hành động để giải quyết nhu cầu y tế ngày càng tăng cao ở Dải Gaza.
Theo nhiều nguồn tin, các nước đã ủng hộ với tỷ lệ áp đảo dự thảo nghị quyết kêu gọi tổ chức hội nghị tài trợ nhu cầu y tế tại các vùng lãnh thổ của Palestine, đồng thời kiến nghị đưa ra nhiều báo cáo hơn về tình hình “thảm khốc” ở Dải Gaza và “hành vi phá hủy vô cớ” của Israel đối với “các cơ sở y tế”.
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu chỉ được thông qua, sau khi Israel đảm bảo văn kiện có nội dung mở rộng, trong đó có việc kêu gọi trả tự do cho các con tin đang bị giam giữ tại Gaza.
Nỗi kinh hoàng bên trong các trại tị nạn ở Rafah
Phải mất gần nửa giờ, những chiếc xe cứu thương và nhân viên cứu hỏa đầu tiên mới tiếp cận được dãy lều rực lửa trong trại hòa bình Kuwait ở Rafah tối hôm 26/5.
Sự đông đúc và đống đổ nát ngổn ngang đã cản trở việc di chuyển của các phương tiện cấp cứu, khiến ngọn lửa lan rộng qua những căn lều tạm bợ của những người sơ tán.
Video đang HOT
Khung cảnh hỗn loạn ở Rafah. Ảnh: AFP/Getty Images
Khi những tia sáng cuối cùng mờ dần trên nền trời chạng vạng, anh Zuhair, luật sư 36 tuổi, đang ngồi gần căn lều của mình cùng bạn bè xem tin tức, thì một vụ nổ đã làm rung chuyển khu vực.
Anh Zuhair chạy về phía âm thanh đó, sốt sắng lo cho vợ, con và bạn bè. Hình ảnh giống như địa ngục hiện ra trước mắt Zuhair, khủng khiếp đến mức anh bắt đầu run rẩy vì sốc.
"Tôi nhìn thấy thi thể ở khắp mọi nơi. Những người bị thương đau đớn chạy khắp nơi, một số người còn sống nhưng bị mắc kẹt trong những căn lều đang bốc cháy", anh kể lại.
Trong nhiều phút sau đó, không có cảnh báo và cũng không có ai đến giúp đỡ. Zuhair cho biết mọi người phải kéo những người bị thương ra khỏi lều bằng tay không, đưa họ lên xe lừa hoặc vào ô tô để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Sharif Warsh Agha, người lái xe có mặt trong đám đông đó, cũng run rẩy khi bước quanh đống đổ nát để giúp đỡ mọi người.
"Tôi nghe thấy tiếng một người phụ nữ la hét cầu cứu em gái mình. Khi vào lều, tôi thấy cô ấy bị thương nặng ở chân và mẹ cô ấy tử vong ngay bên cạnh", Agha kể lại. Anh thực hiện động tác sơ cứu cơ bản, đưa cô ra xe.
Cuối cùng, 9 người đã được đưa lên chiếc ô tô nhỏ, chiếc xe thường chỉ có thể chở 2 người đến bệnh viện, trong đó có một số người phải ngồi ở phần cốp xe.
Anh Agha cho biết khi anh đang cùng gia đình nghỉ ngơi trong lều sau buổi cầu nguyện ở Maghrib, thì một tia sáng đỏ xuất hiện và vụ nổ xé toạc màn đêm. Khói đen bốc lên và sau đó là những tiếng la hét trong vô vọng. Agha chạy ra ngoài để giúp đỡ những người bị thương mà không nhận ra rằng chị dâu của anh đã thiệt mạng và cháu trai cũng bị thương trong căn lều của họ, chỉ cách nơi tên lửa bắn trúng 70 mét.
Agha không đếm số người chết nhưng tin rằng anh đã nhìn thấy gần 20 thi thể, nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em.
"Quân đội Israel tuyên bố họ đang nhắm vào các mục tiêu Hamas, đó không phải là lời bào chữa để tấn công một khu vực đầy lều trại và người sơ tán", anh nói.
Israel đã nhắm mục tiêu vào rìa các dãy lều do Kuwait dựng lên hồi đầu năm nay để làm nơi trú ẩn cho những người sơ tán. Dãy lều này nằm ngoài "khu vực nhân đạo" dọc bờ biển mà Israel đã tuyên bố hồi đầu tháng 5 khi triển khai chiến dịch tấn công Rafah.
Đây cũng không phải khu vực mà Israel đã ra lệnh sơ tán trên mạng xã hội, các cuộc điện thoại hay tờ rơi khi quân đội tiến vào Rafah, Do đó, người dân sống ở đây nghĩ rằng đây là nơi an toàn.
"Tên lửa nhắm trúng gần một cơ sở y tế được bao quanh bởi rất nhiều căn lều, trong khu vực có hơn 4.000 người", anh Agha cho biết.
Theo trang The Guardian (Anh), các cuộc tấn công này có thể được thực hiện bằng tên lửa GBU-39 do Mỹ sản xuất, mang trọng tải nổ 17kg. Kênh CNN và tờ New York Times của Mỹ đã thu được các bức ảnh cho thấy tàn tích tên lửa này tại hiện trường. Giả thuyết này cũng phù hợp với tuyên bố của Quân đội Israel về số lượng chất nổ đã sử dụng. Bom GBU nặng 110kg, bao gồm cả vỏ kim loại, phần có thể biến thành mảnh đạn. Chúng có thể xuyên thủng 3 mét bê tông.
Người phát ngôn Quân đội Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, cho biết cuộc tấn công này nhắm vào các chỉ huy cấp cao của Hamas và đám cháy trên có thể do một vụ nổ thứ cấp gây ra. Ông cho rằng có thể Hamas đã cất giữ vũ khí trong khu vực, cuộc điều tra đang được tiến hành song không cung cấp thêm bằng chứng.
Các trại tị nạn này cũng chứa đầy những đồ vật dễ cháy, có thể phát nổ và gây hỏa hoạn, bao gồm cả bình ga nấu ăn.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy khu vực bị Israel tấn công ở Rafah ngày 26/5. Ảnh: Planet Labs PBC
Hình ảnh vệ tinh cho thấy khu vực bị Israel tấn công ở Rafah ngày 27/5. Ảnh: Planet Labs PBC
Các cuộc bắn phá dữ dội tiếp tục diễn ra suốt đêm, ngay cả sau khi ngọn lửa đã được dập tắt. Và vì vậy, sáng hôm sau, nhiều người đã thu dọn đồ đạc và lại rời đi. Khoảng 1 triệu người đã rời Rafah và nhiều người khác có thể sẽ lại lên đường trong những tuần tới khi Quân đội Israel tiếp tục tấn công khu vực này.
Hôm 29/5, Cố vấn an ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi cho biết giao tranh sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2024, báo hiệu nước này sẽ tiếp tục chiến dịch, bất chấp sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế.
"Cuộc giao tranh ở Rafah không phải là một cuộc chiến vô nghĩa", ông nói đồng thời cho biết cuộc tấn công này nhằm mục đích tiêu diệt Hamas, ngăn chặn các cuộc tấn công vào Israel trong tương lai.
Sau nhiều tháng chạy trốn và đói khát, những người Palestine sống sót sau các cuộc tấn công vào Rafah, không đồng tình với quan điểm này.
Ông Fida Al-Din Abu Jarad, thợ cắt tóc 40 tuổi đang trú ẩn cùng vợ và các con chỉ cách nơi xảy ra vụ cháy hôm 27/5 vài trăm mét cho biết: "Họ đã cướp đi mọi thứ của chúng tôi. Họ còn muốn gì ở chúng tôi nữa?"
Jarad đã tận mắt chứng kiến con gái 18 tuổi của ông, Nouira, gục chết trong lòng mẹ và nghe thấy tiếng con trai hét lên đau đớn sau khi mảnh đạn khiến bàn chân cậu đứt lìa.
"Tôi cảm thấy thời gian đã ngừng lại, còn nỗi đau của gia đình tôi vẫn chưa nguôi ngoai. Sợ hãi, đau đớn và mất mát - những từ ngữ này không thể diễn tả được cảm xúc của tôi. Tôi không sợ điều gì sẽ xảy ra với bản thân mình, mà tôi sợ mất đi một người nào đó trong gia đình. Và bây giờ điều đó đã xảy ra, tôi đã mất họ", ông nói.
Hải Vân/Báo Tin tức (Theo The Guardian)
Israel thừa nhận "sai lầm tai hại" sau vụ tấn công Rafah Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 27/5 thừa nhận "sai lầm tai hại" đã được thực hiện trong một cuộc tấn công của Israel vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, thiêu rụi một khu trại dành cho người Palestine mà theo các quan chức địa phương đã giết chết ít nhất 45 người. Vụ tấn công của Israel thiêu rụi khu...