Đại học trực tuyến sẽ “giết” đại học truyền thống
Mô hình Đại học trực tuyến ngày càng lớn mạnh theo thờì gian và phát triển song hành với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thu hút số lượng lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông. Đại học trực tuyến được xem là mối đe dọa lớn nhất đối với Đại học truyền thống.
Từ năm 2000 đến nay, số lượng các trường Đại học Việt Nam tăng lên một cách “chóng mặt” tạo nên áp lực cạnh tranh nhằm thu hút sinh viên giữa các trường Đại học. Tuy nhiên đây chưa phải là lý do chính làm cho công tác tuyển sinh của các trường Đại học gặp khó khăn.
Trong bài viết này, tác giả sẽ phân tích ảnh hưởng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đến các Trường Đại học Việt Nam để từ đó đưa ra một số giải pháp phát triển các Trường Đại học truyền thống trong bối cảnh mới.
Các trường Đại học truyền thống không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần nên tấm bằng Đại học truyền thống không đủ để tồn tại trong cuộc CMCN 4.0.
Đại học truyền thống không đáp ứng với cách mạng Công nghiệp 4.0
Sự phát triển của nền sản xuất thông minh dựa trên nền tảng Internet của CMCN 4.0 đang làm cho những kiến thức mà Đại học truyền thống đang dạy có thể vô ích trong tương lai.
Do đó sinh viên tốt nghiệp đại học truyền thống không thích ứng với sự phát triển công nghệ 4.0, không đáp ứng được với yêu cầu của doanh nghiệp (DN) khiến nhiều DN phải tự tổ chức đào tạo lại, thậm chí đào tạo mới. “Có doanh nghiệp nước ngoài mất 2 năm để xoá bớt những gì sinh viên đã học. Sau đó, mất thêm 2 năm nữa để dạy những kỹ năng mà mình cần”.
CMCN 4.0 đang làm giãn rộng khoảng cách giữa việc đào tạo của các trường Đại học và những gì xã hội thực sự cần. Việt Nam tồn tại nghịch lý : hàng vạn cử nhân thất nghiệp” nhưng các doanh nghiệp lại không đủ người làm việc cho họ”.
Tiến bộ công nghệ 4.0 đã làm thay đổi bức tranh của thị trường lao động: lao động giản đơn đã có robot đảm nhiệm, thị trường chủ yếu chỉ cần những việc đòi hỏi lao động sáng tạo ở trình độ cao.
Các trường Đại học truyền thống không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần nên tấm bằng Đại học truyền thống không đủ để tồn tại trong cuộc CMCN 4.0.
Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông không tham dự kỳ thi vào các Trường Đại học công lập truyền thống, “tạo điều kiện” cho các mô hình Đại học khác “vét” cạn nguồn tuyển sinh.
Giáo dục trực tuyến – mối đe dọa đối với ĐH truyền thống
CMCN 4.0 cùng các thiết bị thông minh đã hình thành mô hình trường học trực tuyến với những ưu điểm nổi bật : chương trình luôn thay đổi và được cập nhật thường xuyên hoàn toàn tương thích với sự phát triển của CMCN 4.0
Ví dụ Đại học trực tuyến FUNiX của FPT là trường Đại học không có giảng đường, không có giảng viên đích thực mà sử dụng 500 mentor – là các chuyên gia công nghệ hàng đầu luôn hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập. Quá trình học đều được thực hiện trực tuyến, nơi thầy trò giao tiếp mà không cần tới lớp. FUNiX có thể xây dựng chương trình đào tạo cập nhật nhanh nhất mảng kiến thức này cho học viên. Mô hình Đại học trực tuyến ngày càng lớn mạnh theo thờì gian và phát triển song hành với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thu hút số lượng lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông. Đại học trực tuyến được xem là mối đe dọa lớn nhất đối Đại học truyền thống
Đại học trong doanh nghiệp
Video đang HOT
CMCN 4.0 đang chứng kiến sự dịch chuyển chức năng nghiên cứu và đào tạo từ khu vực Đại học sang khu vực DN. Các DN lớn hiện nay có phòng thí nghiệm riêng, có đội ngũ nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu tốn kém. ĐH không còn là nơi duy nhất nghiên cứu nữa, đặc biệt là các nghiên cứu ứng dụng.
Nhiều tập đoàn công nghệ ngày nay có tiềm lực công nghệ, con người và tài chính rất lớn, họ lại ở tuyến đầu trong cuộc chạy đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống vì thế họ có nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm đại học không có.
Sự ra đời của các tổ chức này trước tiên là nhằm mục tiêu đào tạo nội bộ cho nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng hiện nay phần lớn đã mở rộng đối tượng đào tạo học viên ngoài, cấp chứng chỉ và cạnh tranh trực tiếp với đại học truyền thống và đang “tham gia” vét cạn nguồn tuyển sinh của các trường Đại học truyền thống công lập.
Du học nước ngoài
Theo số liệu của Cục Đào tạo nước ngoài, chi phí trung bình cho một năm học ở Mỹ khoảng trên 35 ngàn USD và để con mình có được bằng cử nhân, phụ huynh phải chuẩn bị khoảng 150 ngàn USD.
Cho dù tốn kém như vậy nhưng vì ngày càng nhiều phụ huynh thiếu niềm tin vào nền giáo dục đại học trong nước nên sẵn sàng bằng mọi giá cho con du học. Điều đó dẫn tới việc sinh viên ra nước ngoài học ngày càng nhiều.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 130.000 sinh viên Việt Nam du học, trong đó có 21.000 sinh viên đang theo học tại các trường đại học của Hoa Kỳ là một trong những nguyên nhân làm cho nguồn tuyển sinh vào các Trường Đại học Việt Nam ngày càng eo hẹp.
Bốn nguyên nhân trên đang thu hẹp nguồn tuyển sinh vào các Đại học truyền thống trước tác động của CMCN 4.0. Trong bối cảnh đó, các trường đại học nếu không muốn bị “thua trắng” ngay trên sân nhà truyền thống thì cần phải tìm cách đổi mới chính mình phù hợp với CMCN 4.0.
“Tương kế tựu kế” – sử dụng CMCN 4.0 để đổi mới Đại học truyền thống
CMCN 4.0 đang ảnh hưởng đến các Trường Đại học truyền thống. Tuy nhiên chúng ta có thể “tương kế tựu kế” – sử dụng CMCN 4.0 để đổi mới Đại học truyền thống. Trước hết, cần mổ xẻ : bản chất của nó là gì, nó dựa trên bản chất vật lý của công nghệ nào?
CMCN 4.0 mà nền tảng là internet kết nối mọi vật (Internet of things, viết tắt là IOT) dựa trên sự phát triển bậc cao của Công nghệ thông tin truyền thông (ICT). Đây là sự kết hợp giữa công nghệ thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật cho phép thông tin, kiến thức, tri thức của nhân loại thường xuyên đưa lên “mây” cho bất cứ mọi người tra cứu.
IOT cho phép mỗi đồ vật, mỗi con người được cung cấp một định danh của riêng mình và tất cả đều có khả năng truyền tải trao đổi thông tin dữ liệu qua mạng mà không cần có sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay người với máy tính. Lúc đó người học không cần đến lớp mà chỉ cần có điện thoại kết nối internet là có thể theo dõi được bài giảng. Đặc biệt nếu sử dụng iPod thông minh người học có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời nhanh hơn bất cứ giáo sư nào và lúc này tri thức cơ bản không phải là những sự kiện cần phải ghi nhớ.
Để tận dụng thế mạnh IOT như trên, Đại học truyền thống phải thay đổi về chất. Trường Đại học theo mô hình mới phải là sự kết hợp 2 phương thức đào tạo trực tuyến và truyền thống.
Trước đây người ta học ở trường, về nhà làm bài tập. Giờ thì ngược lại, kiến thức mà thầy giáo giảng được sinh viên học ở nhà qua trực tuyến, và đến lớp chỉ để tương tác với thầy giáo, để hỏi những gì họ chưa rõ.
Khi tất cả các trường đại học trên thế giới được kết nối với nhau, thì sinh viên nước này chỉ cần bật thiết bị là biết các thầy ở nước khác đang dạy gì. Do đó việc đào tạo lúc này không chỉ cho sinh viên Việt Nam mà là cho sinh viên toàn cầu.
Cần phải thay đổi quan niệm việc làm trong thế giới kết nối IOT. Người tốt nghiệp Đại học ở Việt Nam không nhất thiết phải xin việc ở Việt Nam mà có thể làm việc ở các nước khác. Người có việc làm sau khi tốt nghiệp Đại học không phải là người hàng ngày đến công sở cố định điểm danh làm mà có thể làm việc qua internet. Ở Việt Nam nhưng vẫn có thể làm việc cho một DN ở Mỹ trong xã hội kết nối.
Phải đào tạo người học có kỹ năng
Với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc CMCN 4.0, các Trường Đại học phải đào tạo cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi khi công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải.
Người giảng viên không dạy cho người học cái mình đang có, mà phải hướng tới dạy người học sáng tạo ra cái mới. Học tập để cạnh tranh chứ không phải để lấy bằng như xưa. Mục tiêu đào tạo của Đại học không phải là để tạo ra những người lao động làm công việc mà rô bốt sẽ làm mà phải đạt tới trình độ con người làm ra được rô bốt.
Nếu giáo dục truyền thống dạy cách đọc, cách viết, thì ngày nay cần dạy các kỹ năng truy cập internet, kỹ năng tìm kiếm thông tin trên mạng, đây cũng là những kỹ năng sống còn của người học khi trưởng thành và vào đời. Giảng viên chuyển từ việc truyền thụ kiến thức sang hướng dẫn sinh viên tiếp cận đúng thông tin cần tìm và biết loại bỏ những thông tin xấu, không liên qua trên Internet.
Với những giải pháp đồng bộ như trên, Đại học truyền thống Việt Nam sẽ là một mắt xích quan trọng của môi trường Đại học thế giới.
Theo PGS.TS Ngô Tứ Thành- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Dân trí)
Thủ tướng nêu 4 đề xuất phát triển khu vực Mekong
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Khu vực Mekong tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 4 đề xuất của Việt Nam để đưa Mekong thành một khu vực hòa bình, ổn định, năng động và phát triển bền vững.
Chiều ngày 25/10, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Khu vực Mekong (WEF-Mekong) được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức một hội nghị riêng về khu vực Mekong.
Với chủ đề "Phát triển khu vực Mekong: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối", Hội nghị gồm 5 phiên họp tập trung thảo luận nhiều vấn đề về phát triển và hội nhập của các nước Mekong như: tầm nhìn, định hướng phát triển khu vực Mekong, huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch, thúc đẩy công nghiệp hóa và phát triển bền vững trong khu vực Mekong trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4...
Mekong đang đối mặt với không ít thách thức
Mở đầu bài phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến tầm quan trọng của khu vực Mekong với vai trò là điểm kết nối quan trọng ở Châu Á và là một thị trường giàu tiềm năng với dân số 240 triệu người và quy mô GDP trên 660 tỷ USD.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, khu vực Mekong đang gặp không ít thách thức. Đó là khoảng cách phát triển với các nền kinh tế khác trong ASEAN còn lớn, lợi thế lao động chi phí thấp đang giảm dần, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 4 đề xuất để phát triển khu vực sông Mekong tại diễn diễn đàn WEF-Mekong
Các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn 2025 định hướng tiến trình xây dựng Cộng đồng tự cường, phát triển năng động, bền vững và gắn kết. Trong tiến trình đó, các nước Mekong xác định mục tiêu phát triển trở thành một khu vực hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 4 đề xuất của Việt Nam.
Thứ nhất, theo Thủ tướng, kết nối kinh tế nên được coi là là một trọng tâm ưu tiên thông qua việc đẩy mạnh kết nối giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng như Hành lang Kinh tế Đông-Tây (EWEC), Hành lang Kinh tế Bắc - Nam, Hành lang Kinh tế phía Nam...
Thứ hai, hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch là động lực quan trọng: Các nước Mekong cùng với các nước ASEAN đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng một thị trường thống nhất vào năm 2025, theo đó cần hợp tác tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới, đơn giản hóa và hài hòa quy trình, thủ tục trên các tuyến hành lang kinh tế.
Về đổi mới sáng tạo nâng cao sức cạnh tranh, Thủ tướng cho rằng, các nước Mekong không thể chỉ dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giản đơn, mà cần mở rộng đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức riêng một hội nghị về khu vực Mekong
Việt Nam đang đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế; phát triển chủ yếu dựa trên sáng tạo, công nghệ tiên tiến, năng suất cao và tranh thủ thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng nói.
Đề xuất thứ tư là coi phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu hàng đầu. "Tác động của biến đổi khí hậu cùng với hoạt động khai thác thiếu bền vững nguồn nước sông Mekong, đang đặt ra thách thức lớn đối với môi trường, an ninh lương thực và phát triển bền vững của khu vực Mekong, bao gồm cả Đồng bằng Sông Cửu Long - nơi đang xuất khẩu khoảng 7-8 triệu tấn gạo hàng năm", Thủ tướng nêu rõ.
Trả lời câu hỏi của ông Richard Samans, Giám đốc điều hành của WEF, về những lợi thế mang tính bổ trợ lẫn nhau giữa các nước Mekong, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các nước khu vực Mekong thời gian qua vừa có sự hợp tác, bổ sung cho nhau vừa có sự cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển. Chẳng hạn, các nước Mekong đều có lợi thế sản xuất, xuất khẩu gạo, dệt may, da giày, thủy sản, nông lâm... Những điểm chung này là cơ sở để hợp tác nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm. Đặc biệt, các nước này có tính liên kết vùng rất cao nên việc xây dựng và khai thác hiệu quả các cơ sở hạ tầng của hành lang kinh tế tiểu vùng như hành lang kinh tế Đông - Tây giúp cho chi phí vận chuyển, hậu cần, logistic giảm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng nêu rõ, thông qua Hội nghị WEF - Mekong lần này, Việt Nam mong muốn các nước, các doanh nghiệp Mekong đối thoại với các doanh nghiệp WEF về các ý tưởng, biện pháp tăng cường đối tác công - tư, phát triển hợp tác kinh doanh, đầu tư mang lại lợi ích cho các bên.
Tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực
Tại các phiên thảo luận của hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nêu nhiều ý tưởng, khuyến nghị về tăng cường liên kết kinh tế, kết nối cơ sở hạ tầng trong khu vực Mekong, nhất là hạ tầng giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng; thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, du lịch; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác thu hút các nguồn vốn trong và ngoài khu vực, trong đó có đầu tư của các doanh nghiệp theo hình thức quan hệ đối tác công - tư...
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng, các nước Mekong cần tập trung vào việc duy trì hòa bình, ổn định; kết nối hạ tầng cơ sở về năng lượng và kỹ thuật số cũng như đảm bảo dòng trung chuyển thương mại hiệu quả và phát triển nguồn nhân lực.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen phát biểu tại diễn đàn
Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, cho rằng quyết tâm chính trị của lãnh đạo của các nước chính là động lực quan trọng để thúc đẩy hợp tác và kết nối kinh tế trong khu vực. Theo ông Kyaw, mỗi quốc gia đều có di sản văn hóa phong phú và mang bản sắc riêng, vì vậy việc giao lưu văn hóa sẽ giúp tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và người dân trong khu vực.
Theo Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak, nhằm tối đa hóa tiềm năng của các nước ở khu vực Mekong, cần làm sâu sắc hội nhập và liên kết kinh tế khu vực, trong đó cần cam kết cao xóa bỏ các hàng rào thương mại từ hàng rào thương mại ở biên giới cho đến các tiểu vùng.
Ông Jatusripitak cũng đề cập đến việc cần đảm bảo thực hiện hiệu quả thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao như Hiệp định Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung trong ASEAN (RCEPT) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài ra, cần đảm bảo kết nối đa chiều thông suốt cả phần cứng và phần mềm, tạo nền tảng vững chắc mang tính bao trùm, đây chính là điều kiện tiên quyết giúp hội nhập kinh tế khu vực.
Nam Hằng
Theo Dantri
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao mô hình đại học trực tuyến Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá Đại học trực tuyến FUNiX là mô hình học sáng tạo, mới mẻ nhưng vẫn cần lưu ý nhiều yếu tố. Tham gia tọa đàm "Phát triển nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ IV" tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam...