Đại học Quốc gia Australia ra mắt cuốn sách về Biển Đông
Ngày 2/10, Đại học Quốc gia Australia (ANU) đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Biển Đông và môi trường an ninh khu vực của Australia”.
Các bạn có thể xem bản tiếng Anh cuốn sách này tại đây
Cuốn sách do các giáo sư Leszek Buszynski và Christopher Roberts thuộc Trường Đại học quốc gia Australia – ANU đồng chủ biên, là công trình sáng kiến chung của Chính phủ Australia và ANU. Cuốn sách bao gồm 12 bài viết của các học giả Australia và quốc tế về tranh chấp trên Biển Đông, cách vận dụng UNCLOS 1982 trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông, lập trường của các bên liên quan, vai trò của khối ASEAN, tác động của chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông và lợi ích của Australia tại khu vực này.
Đại học Quốc gia Australia ra mắt cuốn sách về Biển Đông
Phát biểu tại lễ ra mắt cuốn sách, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ANU, giáo sư Evans cho rằng, Biển Đông là “món quà” hội tụ các yếu tố thu hút các công trình nghiên cứu cũng như chính sách đối ngoại, đó là: tranh chấp chủ quyền với các mức độ khác nhau, cạnh tranh tài nguyên và khai thác thủy sản, mâu thuẫn về tự do hàng hải, tiềm ẩn nguy cơ đối đầu không dễ giải quyết.
Biển Đông nằm trong tuyến đường hàng hải lưu chuyển hơn 1/2 hàng hóa thương mai toàn cầu, trong đó có hơn 60% hàng hóa của Australia; là tuyến đường an ninh năng lượng sống còn của các nước ở Đông Bắc Á. Đây cũng là khu vực xuất hiện bất đồng và căng thẳng trong nội bộ ASEAN, giữa các nước đòi chủ quyền một cách quyết liệt như Việt Nam và Phillipines, các nước đòi chủ quyền nhẹ nhàng hơn như Malaysia và Brunei, các nước không đòi chủ quyền nhưng rất quan tâm lo lắng như Indonesia, Singapore, Thái Lan, các nước không đòi chủ quyền nhưng chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và không sẵn lòng giúp đỡ như Campuchia, Lào, Myanmar.
Các vấn đề Biển Đông làm dấy lên lo ngại an ninh không chỉ ở khu vực mà trên toàn thế giới khi Trung Quốc rất quyết đoán trong lập trường những năm gần đây, dẫn đến việc thay đổi chính sách từ phía Mỹ, mặc dù Mỹ từng tuyên bố không nghiêng về bên nào trong vấn đề chủ quyền nhưng lại nhấn mạnh vào tự do hàng hải. Điều này làm gia tăng căng thẳng vốn có, gắn liền với sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc và việc Mỹ không muốn nhường vị trí đứng đầu về địa chiến lược trong khu vực mà Mỹ đã rất khó khăn để giành được.
Bản đồ thể hiện tranh chấp trên biển Đông
Đối với giới luật gia, giáo sư Evans nhấn mạnh, còn có các vấn đề luật pháp quốc tế chưa được giải quyết về cách diễn giải các điều khoản của UNCLOS, các vấn đề làm thế nào để giải quyết các yêu sách chủ quyền đối với mỗi thực thể trong khu vực và các yêu sách biển đảo chồng lấn. Đây có lẽ là vấn đề quan hệ quốc tế phức tạp và khó giải quyết nhất trên thế giới.
Đối với Trung Quốc, một vấn đề tối quan trọng là Trung Quốc cần gác sang một bên tất cả những gì về đường chín đoạn chiếm khoảng 80% toàn bộ khu vực Biển Đông, có từ thời Quốc dân đảng và được sử dụng từ 1948 để xác định lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông. Trung Quốc luôn từ chối việc làm rõ liệu đường chín đoạn này có là yêu sách của Trung Quốc đối với toàn bộ khu vực này hay không, và tất nhiên lập trường này có lẽ hoàn toàn không thể bảo vệ được tại các tòa án luật của thế giới và khu vực, hoặc liệu đây có phải là cách thức để đòi hỏi chủ quyền đối với toàn bộ đảo và các thực thể khác trong đường chín đoạn và các tuyến đường biển qua đó hay không.
Giáo sư Evans đồng ý với ý kiến của học giả Michael Wesley, cho rằng những năm qua, Australia có lẽ đã sai lầm khi có lập trường thận trọng và không muốn mạo hiểm; cho rằng cuốn sách cần đề xuất những chính sách hoặc sáng kiến cụ thể hơn đối với Australia.
Theo NTD