Đại học Duy Tân Đà Nẵng chạy thử nghiệm sáng chế máy thở không xâm nhập
Đại học Duy Tân Đà Nẵng vừa có buổi giới thiệu bản demo sản phẩm máy thở không xâm nhập DTU-Vent nhằm hỗ trợ lực lượng y tế trong mùa dịch COVID-19.
Chạy thử nghiệm máy thở không xâm nhập ở Đại học Duy Tân Đà Nẵng. Ảnh: Ngô Huyền
Đây là sản phẩm hỗ trợ thở cho những bệnh nhân suy giảm khả năng hô hấp hoặc phù phổi cấp do virus SARS-CoV-2 xâm nhập.
Ông Lê Hoàng Sinh – Trưởng nhóm nghiên cứu, phát triển sản phẩm cho biết, máy thở DTU-Vent là dòng máy thở không xâm nhập, cung cấp dòng khí oxy đến phổi ở một tần suất cố định thông qua mặt nạ mũi hoặc mặt nạ mũi – miệng, đáp ứng nhanh một lượng khí lớn trong thời gian ngắn nhằm kích thích việc thở của người bệnh.
Máy được phát triển để đáp ứng các thông số cấp cứu và điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19.
DTU-Vent được thiết kế với 10 chế độ được cài đặt sẵn thông qua ước lượng chiều cao của bệnh nhân giúp cho nhân viên y tế tiết kiệm thời gian và dễ dàng vận hành máy.
Video đang HOT
Máy cũng được tích hợp pin với thời lượng sử dụng trong 3 giờ để có thể vận hành ngay tại hiện trường hoặc khi hệ thống điện gặp sự cố.
Hiện tại, máy có thể chạy được ở nhiều chế độ khác nhau như kiểm soát áp suất (pressure control); kiểm soát thể tích (volume control); đặc biệt là chế độ dựa theo tình trạng người bệnh để cung cấp hỗ trợ hô hấp cần thiết và tức thì (assist control).
Các thông số của máy được kiểm soát bởi các cảm biến có độ chính xác cao và phần mềm được nhóm nghiên cứu phát triển.
Dự kiến, giá thành sản phẩm sau khi hoàn thiện ở mức dưới 20 triệu đồng, thấp hơn 4-5 lần giá thành các sản phẩm trên thị trường hiện nay.
Chủ tịch UBND Đà Nẵng đánh giá cao và mong muốn sản phẩm mau chóng được hoàn thiện. Ảnh: Ngô Huyền
Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đánh giá cao việc Đại học Duy Tân nghiên cứu, chế tạo ra một loại máy thở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về mặt y khoa với giá thành hợp lý là một việc làm có ý nghĩa lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng.
Tuy nhiên, để sản phẩm đi đến hoàn thiện và có thể thương mại hoá, đưa ra thị trường, còn cần một quá trình dài phía trước. Do vậy, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan sẽ hỗ trợ tối đa cho nhóm phát triển sản phẩm, cả về kinh phí, nhân vật lực đến những hỗ trợ về kiến thức chuyên môn y khoa.
THUỲ TRANG
BV Phụ sản Hà Nội làm gì sau sự việc nhân viên y tế phải cách ly?
Toàn bộ F1 là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sẽ được chuyển sang cơ sở cách ly theo phân luồng của Sở Y tế; 17 nhân viên y tế F1 tiếp tục cách ly tại cơ sở 2 của BV; thực hiện khử trùng lần 2 toàn BV.
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân 243 dương tính với virus SARS-CoV-2 đã đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trưa ngày 7/4, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, cho biết BV đang triển khai các biện pháp quyết liệt để đảm bảo an toàn cho sản phụ và trẻ sơ sinh.
Theo PGS. Nguyễn Duy Ánh, 13h ngày 6/4/2020, BV nhận được thông tin từ bệnh nhân đang điều trị tại BV tên là Đào Thị Bao N. (ở khu 2, xóm Bảng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội). Bệnh nhân cho biết, có người nhà (quan hệ gia đình chú, cháu) dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo danh sách của Bộ Y tế, đó là bệnh nhân số 243.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của BV đã tiến hành các phương án xử lý tuân thủ nghiêm ngặt thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội và CDC Hà Nội như: Cách ly tạm thời với các đối tượng nguy cơ cao; khử trùng khoa phòng mà bệnh nhân đã đi qua và toàn bộ BV.
BV cũng tiến hành sàng lọc các trường hợp F1 gồm: 17 nhân viên y tế, 2 bệnh nhân, 2 người nhà; BV cũng xác định 47 nhân viên y tế thuộc F2. Như thế, nhân viên y tế thuộc F1, F2 là 64 trường hợp.
Đối với nhân viên y tế, BV tạm thời đưa về Cơ sở 2 cách ly.
Đến 11h ngày 7/4/2020, BV nhận được kết quả xét nghiệm tất cả nhân viên y tế và bệnh nhân F1 lần 1 âm tính với virus SARS-CoV-2.
Để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và sản phụ, trẻ sơ sinh BV tiếp tục triển khai phân luồng. Theo đó, toàn bộ F1 là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sẽ được chuyển sang cơ sở cách ly theo phân luồng của Sở Y tế; 17 nhân viên y tế F1 tiếp tục cách ly tại cơ sở 2 của BV; thực hiện khử trùng lần 2 toàn BV.
Cũng theo ông Ánh, khi có sự việc liên quan đến BN 243, BV đã ngay lập tức có nhân lực bổ sung vào các vị trí phải cách ly. Đảm bảo nhân lực không bị thiếu hụt.
Trong thời gian tới, BV yêu cầu người bệnh và người nhà người bệnh khi đến thăm khám và điều trị tại BV phải khai báo trung thực các yếu tố dịch tễ; đeo khẩu trang, sát khuẩn tay nhanh khi đến quầy tiếp đón; chấp hành nghiêm túc đo nhiệt độ tại cửa sàng lọc.
Ngoài ra, BV cũng hẹn lịch khám dưới nhiều hình thức, như: Gọi điện thoại đến tổng đài 1900- 6922; Đặt khám qua website; hoặc tải app đặt khám của BV.
Linh Trần
Cận cảnh phong tỏa ngõ nơi nhân viên y tế mắc Covid-19 cư trú Lực lượng chức năng đã dựng nhiều lớp rào chắn tại ngõ 159 Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nơi bệnh nhân Covid-19 là nhân viên y tế của BV Bạch Mai sinh sống. Chiều 20-3, Bộ Y tế thông báo 2 ca mắc Covid-19 mới tại Việt Nam, nâng tổng số trường hợp mắc lên 87 người. Theo thông báo...