‘Đại gia’ Tăng Minh Phụng và những thất bại đau đớn!
Là ông chủ của Cty may với gần 10 nghìn công nhân, từng nắm cả nghìn tỷ trong tay, nhưng điều gì đã khiến một con người đáng lẽ là anh hùng thành kẻ thất bại đau đớn?
19 năm đã trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ án Tăng Minh Phụng – Epco. Kẻ đã nằm xanh cỏ, người đã trở về sau những năm tháng ngồi sau song sắt nhà tù. Đúng hay sai, thời gian đã trả cho mọi phán xét nhưng vẫn còn đó những câu hỏi để ngỏ dành riêng cho ông chủ Cty Minh Phụng ngày nào – một người đàn ông đã từng là doanh nhân Việt thành công và đã sống để rồi chết trong chính tham vọng cuộc đời mình.
Là ông chủ của Cty may với gần 10 nghìn công nhân, từng nắm cả nghìn tỷ trong tay nhưng Giám đốc Cty Minh Phụng bình thường và đơn giản như bao người. Cho đến tận bây giờ, người anh em thân thiết một thời Liên Khui Thìn vẫn còn nhớ rất rõ ấn tượng đầu tiên về Tăng Minh Phụng trong buổi gặp gỡ: Một người có khuôn mặt phúc hậu, dễ mến, nói năng nhẹ nhàng và ăn mặc hết sức giản dị. Tăng Minh Phụng là người có tài kinh doanh, điều đó không thể phủ nhận được.
Tăng Minh Phụng ngày chờ thụ án.
Tạo lập một DN tư nhân chuyên gia công may mặc, giày dép xuất khẩu lớn mạnh, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước ngay trong những năm đầu đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường không phải ai cũng làm được. Nhưng với tham vọng của mình Tăng Minh Phụng không tự hài lòng với việc mãi chỉ là một ông chủ làm gia công mà mong muốn sẽ trở thành một ông chủ của tập đoàn kinh tế mạnh.
Khát vọng làm giàu mạnh mẽ của người đàn ông đã sống một thủa hàn vi vất vả, chắt chiu từng đồng tiền kiếm được luôn là chính đáng bởi Tăng Minh Phụng là người biết trân trọng mồ hôi, công sức để kiếm ra những đồng tiền đó. Qua các câu chuyện kể về Minh Phụng, không ai không bảo Phụng là người có cả tài, cả tâm.
Vậy mà Tăng Minh Phụng đã ngã ngựa trên con đường làm giàu đầy phiêu lưu mạo hiểm. Kinh doanh thất bại nhưng đau đớn hơn khi Tăng Minh Phụng phải lãnh bản án khắc nghiệt nhất. Nhiều giọt nước mắt của những người công nhân đã rơi xuống khi nghe thông tin ấy không chỉ bởi tương lai mờ mịt của chính họ mà còn bởi cái tình họ dành cho ông chủ Tăng Minh Phụng.
Tuổi trẻ, sức lực, tâm huyết Tăng Minh Phụng đều dồn vào công việc. Nếu nói Tăng Minh Phục tử vì đạo kinh doanh của mình không hề sai. Vợ Tăng Minh Phụng đã từng chia sẻ: Niềm vui duy nhất của ông là con cái và đam mê lớn nhất là công việc. Không rượu chè, cờ bạc, trai gái – những thú tiêu khiển của đại gia lắm tiền nhiều của luôn đứng bên lề cuộc sống của Tăng Minh Phụng. Ngay cả Liên Khui Thìn cũng phải thừa nhận đôi khi bản thân còn có lúc uống bia rượu nhưng Tăng Minh Phụng thì tuyệt đối không.
Nếu có bắt buộc thì cũng chỉ là cầm lên cho có lệ. Lắm khi, chỉ một ổ bánh mỳ thịt hoặc tạt ngay quán ăn bên đường gọi một tô bánh canh thêm một ly trà đá vậy là đã xong một bữa ăn. Thật khó tin nếu nói tất cả những điều này đều thuộc về ông giám đốc cầm tiền tỷ trong tay. Và chắc chắn sẽ có người cho rằng Tăng Minh Phụng đang đóng một vở kịch lòe thiên hạ. Nhưng tất cả điều đó là thật. Thật đến cay đắng. Phụng là nô lệ của chính tham vọng làm giàu của mình.
Video đang HOT
Rạp Đại Nam – địa điểm một thời Tăng Minh Phụng đã tìm tới liên kết liên doanh..
Thực tế, Tăng Minh Phụng không phải “đại gia” bởi tất cả những người biết đến vụ án Tăng Minh Phụng – Epco đều biết tài sản cá nhân của ông ta chỉ dừng lại ở con số nhỏ đến không tưởng khi cơ quan an ninh khám xét tại nhà riêng để phục vụ công tác điều tra. Tất cả những bài báo đưa tin về vụ án ngày ấy, chưa có một bài viết nào nói Tăng Minh Phụng có của chìm của nổi, có những khối tài sản kếch xù làm của riêng.
Đồng tiền có thể hủy hoại mọi thứ và làm mờ mắt những kẻ tham lam, ấu trĩ nhưng bản chất con người đã từng nhọc nhằn kiếm sống từng đồng hiểu hơn hết giá trị đồng tiền nên Tăng Minh Phụng không bao giờ dùng tiền lao vào các cuộc ăn chơi trác táng, bài bạc như một số “đại gia” tiêu tiền chùa. Tất cả mọi tiền bạc có được và vay được từ ngân hàng Tăng Minh Phụng đều “ném” vào việc đầu tư kinh doanh BĐS với những kế hoạch lớn lao…
Có lẽ khó ai có thể hiểu chính xác nỗi lòng hay suy nghĩ của Tăng Minh Phụng khi đứng trước vành móng ngựa nghe kết án cho chính hoài bão, mộng tưởng của mình. Nhiều người đã phân tích, mổ xẻ và nói tham vọng của Tăng Minh Phụng là sự hoang tưởng. Thực tế, trong số những bài học rút ra từ vụ án kinh tế lớn nhất của đất nước ta thế kỷ trước, mô hình Cty mẹ – Cty con của Tăng Minh Phụng đã được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi hiện nay, tất nhiên là với nghĩa tập đoàn đầy đủ nhất cùng hệ thống pháp lý vững vàng. Dẫu sao thì Tăng Minh Phụng cũng không còn có mặt trên đời để chứng kiến sự thay đổi đó.
Ngày về đã không bao giờ trở thành sự thật khi đơn xin tha tội chết của Tăng Minh Phụng bị bác bỏ. Nỗi đau của người đàn ông cùng một lúc sự nghiệp tan vỡ, vợ theo chồng vào tù, con cái chông chênh giữa cuộc đời. Bữa ăn cuối cùng trước giờ ra pháp trường, Tăng Minh Phụng không hề đụng đũa mà ông chỉ xin giấy bút để lại bức thư cho con cái.
Tay trắng tạo dựng sự nghiệp. Khi chạm đỉnh vinh quang thì mọi thứ sụp đổ và tan thành mây khói. Tăng Minh Phụng đã chết trong giấc mơ của chính tham vọng làm giàu nhanh chóng của mình. Dẫu biết thất bại luôn song hành trên suốt chặng đường kinh doanh của mỗi người nhưng nếu được hai chữ “giá như” liệu mọi chuyện về Tăng Minh Phụng có khác. Và sẽ không có nhiều những xót xa, ngậm ngùi cho một con người, một ước mơ đặt không đúng lúc, đúng chỗ, vội vàng và phiêu lưu.
Tăng Minh Phụng (1957-2003), tên thường gọi là Bảy Phụng, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH Minh Phụng và là Phó Giám đốc Công ty TNHH EPCO. Trong vụ án EPCO – Minh Phụng, Ông bị bắt giam ngày 24 tháng 3 năm 1997 về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Tháng 5 năm 2003, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã bác đơn xin ân xá của Tăng Minh Phụng. Vào 5h sáng ngày 17 tháng 7 năm 2003, Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng bị hành quyết.
Theo Trấn Phong (Báo Xây dựng)
Đại gia Liên Khui Thìn: Thoát án tử hình, làm lại cuộc đời
Liên Khui Thìn là người từng bị kết án tử hình trong vụ án Epco - Minh Phụng nhưng sau đó được Chủ tịch nước tha tội chết. Nhờ cải tạo tốt, ông ra tù trước thời hạn. Về với cộng đồng, Liên Khui Thìn lao vào làm việc để hiện thực hóa những giấc mơ còn đang dang dở.
Ngày định mệnh
Nhắc đến vụ án Epco - Minh Phụng, nhiều người không thể quên hai nhân vật chính Tăng Minh Phụng (Giám đốc Công ty may Minh Phụng) và Liên Khui Thìn (Giám đốc Công ty Epco).
Ngược dòng thời gian, vào năm 1981, Liên Khui Thìn nhận nhiệm vụ ở tổ hợp chế biến mực xuất khẩu quận 3, sau này đổi tên thành Công ty TNHH sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất khẩu quận 3 (gọi tắt là Epco).
Để nắm vững đầu vào, Liên Khui Thìn tổ chức một mạng lưới thu mua mực tươi trải dọc từ các tỉnh duyên hải miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... đến tận mũi Cà Mau. Tổ hợp sản xuất ăn nên làm ra, xe tải cấp đông vào ra liên tục. Mực chế biến đến đâu, tiêu thụ hết ngay đến đó.
Khi Epco đang trên đà thành công thì "ngày định mệnh" 24/3/1997 ập đến, Liên Khui Thìn cùng người bạn liên doanh làm ăn là Tăng Minh Phụng đã phải tra tay vào còng và bị kết án tử hình với tội danh lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa...
Tôi gặp lại ông trong một buổi trưa tại văn phòng công ty ở tầng 18 của một tòa nhà ngay trung tâm Quận 1, TPHCM. Ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và bận rộn với những dự án, kế hoạch của mình. Và điều khiến tôi có chút "ngưỡng mộ" khi ông không ngần ngại chia sẻ về những ngày tháng "u ám" nhất của đời mình - cái ngày đang từ đỉnh vinh quang rơi xuống vực thẳm.
Liên Khui Thìn cho biết, khoảng thời gian đầu ở trại giam Chí Hòa để đợi thi hành án tử thật sự khủng khiếp. Mỗi ngày đều trôi qua một cách chậm chạp trong cảm giác hãi hùng, không biết lúc nào đến lượt mình... dựa cột. "Thời điểm này, tôi phải tập thiền để trấn an. Mỗi sáng thức dậy, tôi mò mẫm vào vách bê tông nhà biệt giam để biết thực hư là mình còn sống hay đang chìm trong cõi mộng", Liên Khui Thìn tâm sự.
Ngày 8/9/2003, cửa buồng giam mở. Liên Khui Thìn tưởng rằng giờ phán quyết đã đến, pháp trường hiển hiện trước mặt khi nghe khóa cửa buồng giam lách cách mở ra. Nhưng ông kịp thở phào khi nghe quyết định ân xá của Chủ tịch nước.
Ông Liên Khui Thìn đam mê các dự án mang tính cộng đồng, đặc biệt hỗ trợ cho những người hoàn lương
Lao động để... chuộc lỗi
Liên Khui Thìn cho biết, thoát án tử rồi nhưng làm sao để những ngày cải tạo không nhàm chán, suy nghĩ tiêu cực không lấn át mình mới là quan trọng. Vì thế, những ngày cải tạo ở trại giam Xuân Lộc (Đồng Nai), Liên Khui Thìn vạch ra nhiều kế hoạch, hiện thực hóa ý tưởng khi còn biệt giam với mục đích đem lại những gì tốt nhất cho người khác để chuộc lại phần nào những lỗi lầm trước đó.
Những dự án như xây dựng bể nước sạch, trạm xá, ao nuôi cá cải thiện bữa ăn của ông... đã mang lại hiệu quả tích cực, cải thiện đáng kể cho đời sống các phạm nhân. "Nhờ phải lao động, sáng tạo hết mình mà 24 giờ trôi đi nhẹ nhàng. Những gì hữu ích cho trại, bạn tù thì tôi làm", ông Thìn tâm sự.
Nhờ những thành tích đó, vào đầu năm 2008, Liên Khui Thìn đã được xét giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm. Sau khi thụ án được 12 năm, ngày 2/9/2009, ông được tuyên đặc xá, trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Vừa ra tù, chính nhiệt huyết, đam mê kinh doanh thôi thúc Liên Khui Thìn làm việc trở lại để... đi hết kiếp người. Liên Khui Thìn chủ động gầy dựng lại các mối quan hệ cũ để kết nối công việc và triển khai những dự án mình ấp ủ, dang dở.
"Cuộc sống tôi bình thường. Công việc rất tốt vì tôi là người của công việc. Tôi làm từ sáng đến chiều. Ngày thứ 7, chủ nhật vẫn làm tới tấp. Tôi tìm việc để làm, không hạn chế công việc nên rất lu bu", Liên Khui Thìn kể về mình.
Liên Khui Thìn cho biết, là người con của miền biển Khánh Hòa nên hướng kinh doanh của ông thiên về kinh tế biển. Từ ngày được trở về với cộng đồng, ông đã bắt tay "tái khởi động" lại những dự án kinh tế biển dù lĩnh vực này từng đưa ông lên đỉnh cao rồi nhấn chìm xuống tận cùng vực thẳm. Ông cũng đang triển khai lễ hội du thuyền Nha Trang với định kỳ 2 năm/lần để thu hút những đại gia thực thụ từ các nước đến với Việt Nam.
Khi còn trong trại cải tạo, Liên Khui Thìn từng chứng kiến nhiều bạn tù vừa bước ra cổng trại thì không biết đi đâu, về đâu, không một xu dính túi. Vì thế, Liên Khui Thìn ấp ước mơ làm cái gì đó để hỗ trợ những người một thời lầm lỡ làm lại cuộc đời. Ngay khi được tự do, bên cạnh việc triển khai các dự án kinh doanh, Liên Khui Thìn bắt tay vào việc lập ra Quỹ hoàn lương (nay là Quỹ phát triển và tái hòa nhập cộng đồng).
Những năm qua, quỹ thực sự là cái... "cần câu" để cho những người một thời lầm lỡ "câu cá" và ổn định cuộc sống. Liên Khui Thìn cho biết, trong tương lai, quỹ sẽ lập ra hệ thống công ty xã hội, huấn luyện nghề ngắn hạn và tạo công việc làm cho những người hoàn lương.
Tuy nhiên, "đứa con tinh thần" mà Liên Khui Thìn tâm đắc nhất khi ông đang triển khai hiện nay chính là dự án cây siêu cao lương (ở VN được biết đến nhiều hơn với tên bo bo).
"Những dự án thân thiện với môi trường, mang tính cộng đồng, đem lại hữu ích cho xã hội, còn sản phẩm mang chiến lược quốc gia là tôi ưu tiên làm ngay. Tôi thanh thản vì mình có tội và đã đền tội xong. Giờ đây tôi đang đi tiếp cuộc đời hữu ích của mình", Liên Khui Thìn nói mà đôi mắt ánh lên sự quyết tâm, đầy nhiệt huyết và trách nhiệm.
Công Quang
Theo Dantri