“Đại gia phố núi” ôm 20 tỷ bỏ trốn, nhiều người phút chốc trắng tay
Tin tưởng vào mác “đại gia”, nhiều người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã cho bà Nguyễn Thị Mai vay số tiền lên đến 20 tỷ đồng, nhưng gần đây, bà này đã đi biệt tích, điện thoại không liên lạc được.
Ngày 24/2, Báo điện tử Người Đưa Tin nhận được hàng chục lá đơn của các cá nhân trú tại thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) với nội dung tố cáo hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bà Nguyễn Thị Mai (54 tuổi), trú xóm Hồ Vậy, xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn. Để làm rõ thực hư sự việc, chúng tôi đã tìm về địa phương.
Đơn tố cáo của những cá nhân cho bà Nguyễn Thị Mai vay tiền, gửi đến Báo điện tử Người Đưa Tin.
Theo nội dung trong đơn tố cáo, bắt đầu từ tháng 8/2015, bà Nguyễn Thị Mai đã viết giấy vay tiền của một số cá nhân trú tại địa bàn thị trấn Tây Sơn, với số tiền lên đến hơn 20 tỷ đồng, cùng lời hứa sẽ trả trong thời gian ngắn và sòng phẳng về lãi suất.
Tin tưởng là hàng xóm, bạn bè lâu năm, hơn nữa trong giới làm ăn, bà Mai cũng được xem là một nhân vật có “máu mặt” tại địa phương, các cá nhân này không một chút lưỡng lự đưa số tiền lớn cho bà vay.
Trong một thời gian ngắn, bà Mai đã huy động vay của các hộ dân trên địa bàn hơn 20 tỷ đồng rồi đi biệt tích.
Thế nhưng, hết tháng này qua tháng khác, bà Mai luôn tìm đủ mọi lý do để khất nợ. Đến tháng 12/2016, nữ “đại gia” này bỗng nhiên tuyên bố “bể nợ”. Từ đó, không còn ai thấy bà trên địa bàn, điện thoại không liên lạc được.
Lúc này, những người cho bà Mai vay tiền giật thột khi nghĩ rằng mình bị nữ “đại gia” kia lừa. Họ hoảng hốt viết đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, mong lần ra tung tích “con nợ”.
Video đang HOT
Từ lúc nữ đại gia đi biệt tích, những người cho bà này vay tiền túc trực hằng ngày tại nhà của bà, với hi vọng lần ra được tung tích để lấy lại số tiền cho vay.
Khuôn mặt phờ phạc, thất thần, bà Hồ Thị A. (57 tuổi), trú tại khối 1, thị trấn Tây Sơn kể lại: “Khi bà Mai sang nhà hỏi mượn tiền, nghĩ là chỗ quen biết lâu năm, tôi tin tưởng nên đã đưa cho bà ấy số tiền 4,6 tỷ đồng mà tôi mượn của cả anh em và con cái trong gia đình. Giờ tôi biết phải làm sao đây hả trời?”.
Gia đình bà A. cho biết, tin vào mác “đại gia” của bà Mai, lại là chỗ quen biết lâu năm, họ đã đưa cho bà này gần 4,6 tỷ đồng.
Cũng là một trong số những người cho bà Mai vay tiền, bà Phạm Thị M. (56 tuổi), trú khối 1, thị trấn Tây Sơn đã dốc hết toàn bộ 420 triệu đồng tích cóp bấy lâu, vay thêm của người quen 500 triệu đưa cho bà này.
Hiện, ông bà đã phải gán ngôi nhà để trả nợ, rồi thuê một nhà cấp 4 lụp xụp ở tạm. “Gần cuối đời rồi mà chỉ vì một phút nhẹ dạ đã khiến gia đình lâm vào cảnh trắng tay, không nhà không cửa”, bà M. quệt những giọi nước mắt cay đắng cho biết.
Bà M. phải gán ngôi nhà đang sống để trả nợ và thuê ngôi nhà cấp 4 lụp xụp này để tá túc qua ngày.
Không chỉ riêng gia đình bà M. hay bà A. mà hàng chục người khác cho bà Mai vay tiền cũng như đang ngồi như trên đống lửa. Họ suốt ngày túc trực tại ngôi nhà của bà Mai để mong ngóng chút tin tức về tung tích bà này, ôm hi vọng mong manh lấy lại được số tiền đã cho vay.
Theo tìm hiểu tại địa phương, gia đình bà Mai có kinh tế thuộc diện giàu có. Bởi vậy, với uy tín và cái danh “đại gia”, trong một thời gian ngắn, việc bà huy động vay số tiền hơn 20 tỷ đồng không phải là quá khó.
Việc khiến những người cho bà Mai vay tiền rất bức xúc là theo thông tin họ có được, hiện bà Mai đang ở Lào và vẫn giao thương buôn bán bình thường ở bên đó. Bà này còn rất nhiều tài sản có giá trị, đang cho con cái đứng tên. Còn trong khi họ lại đang sống dở, chết dở.
“Chúng tôi đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan Công an huyện Hương Sơn, Công an tỉnh Hà Tĩnh, cùng các cơ quan báo chí với hi vọng cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Mai, buộc bà Mai phải trả lại tiền cho chúng tôi”, chị Trần Thị L. (32 tuổi, trú thị trấn Tây Sơn), một người cho bà Mai vay 1,3 tỷ đồng bức xúc nói.
Chúng tôi đã nhiều lần gọi đến số điện thoại được cho là của bà Nguyễn Thị Mai để hẹn làm việc, nhưng đều “thuê bao không liên lạc được”. Người viết tìm đến nhà riêng của bà tại thị trấn Tây Sơn thì “cửa đóng then cài” trong nhiều ngày liền.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về phản ánh trên của người dân, Thượng tá Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Công an huyện Hương Sơn cho biết: “Hiện, chúng tôi đang tiến hành điều tra, xác minh cụ thể vụ việc, có kết luận sẽ cung cấp thông tin sau”.
Ngân Hà
Theo_Người Đưa Tin
Lừa gần 7 tỉ đồng với danh "cháu cán bộ"
Trong thời gian ngắn, bằng nhiều thủ đoạn gian dối khác nhau, các bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 6,7 tỉ đồng của các đối tác làm ăn.
Các bị cáo kể trên là Huỳnh Thị Quai (37 tuổi), ngụ khu phố 5, phường An Bình, TP Rạch Giá, Lưu Thiên Vĩnh (39 tuổi - chồng Quai), Lê Văn Đông (45 tuổi), ngụ xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng và Bùi Văn Xoa (45 tuổi), ngụ xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
Theo cáo trạng, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Quai nhờ Lê Văn Đông là giám đốc Công ty TNHH xây dựng Đông Bắc (Công ty Đông Bắc) bổ sung cho Quai vào làm thành viên của Công ty Đông Bắc. Tuy chưa được các cơ quan chức năng chấp thuận nhưng ông Đông vẫn đưa Quai đi giao dịch với nhiều đối tác làm ăn như một thành viên chính thức của Công ty Đông Bắc. Những lần gặp gỡ đối tác, Quai thường "khoe" là cháu ruột của một cán bộ cao cấp ở trung ương, có thể mua được sắt, thép phế liệu với giá rẻ. Do tin tưởng, nhiều đối tác đồng ý hợp đồng làm ăn với Quai và không ngờ sập bẫy của nữ quái lừa đảo.
Cụ thể, tháng 5-2011, Công ty Đông Bắc mua được lô hàng sắt phế liệu tại kho Long Bình (Đồng Nai) rồi ký hợp đồng bán lại cho ông Trần Minh Dũng, chủ doanh nghiệp tư nhân Trần Ánh. Được giao nhiệm vụ thực hiện vụ mua bán này, Quai đưa người của ông Dũng đến kho Long Bình cho xem lô hàng và yêu cầu ứng trước 800 triệu đồng. Sau khi nhận tiền qua hệ thống ngân hàng, Quai giao sắt không đúng chuẩn loại như lúc xem hàng nên bên ông Dũng từ chối không nhận (Lô hàng này, Quai tiếp tục liên hệ bán cho Công ty Hùng Long do ông Ngô Anh Hùng làm tổng giám đốc). Ông Dũng nhiều lần gọi điện thoại và đến gặp trực tiếp yêu cầu hoàn trả tiền tạm ứng nhưng Quai luôn tìm cách kéo dài thời gian nhằm chiếm đoạt số tiền này.
Phi vụ đầu tiên trót lọt dễ dàng, Quai tiếp tục thực hiện vụ lừa thứ hai với ông Ngô Anh Hùng. Đầu tháng 7-2011, Quai liên hệ bán cho ông Hùng một sà lan sắt phế liệu (loại sắt xây dựng cầu) với giá 8.000 đồng/kg và yêu cầu đặt cọc 1 tỉ đồng. Khi ông Hùng đặt vấn đề xem hàng, Quai cho Xoa đưa khách đến cầu Rạch Miễu thuộc tỉnh Tiền Giang rồi giới thiệu một sà lan chở sắt phế liệu của một chủ khác đang neo đậu dưới sông. Thấy có lời, ông Hùng chấp nhận mua lô hàng này và trực tiếp giao cho Quai số tiền đặt cọc 1 tỉ đồng vào ngày 2-7-2011 tại TP.HCM.
Sau đó không thấy Quai thực hiện hợp đồng, ông Hùng nhiều lần gọi điện thoại hối thúc giao hàng thì Quai đưa ra nhiều lý do để kéo dài thời gian. Đến ngày 20-7-2011, Quai tiếp tục gọi điện thoại báo tin muốn bán cho ông Hùng lô hàng sắt phế liệu gồm xe cuốc, xe ô tô hư hỏng... vừa mua được tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Cũng như lần trước, Quai yêu cầu ông Hùng tạm ứng số tiền 500 triệu đồng chuyển vào tài khoản của Lưu Thiên Vĩnh (chồng Quai) nếu không sẽ bán cho đối tác khác. Số tiền này Vĩnh đã rút ra hết và chuyển vào tài khoản của Quai trong ngân hàng, còn lô hàng sắt thì Quai tìm cách né tránh không giao cho ông Hùng như thỏa thuận.
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: KG
Chưa dừng lại ở đó, Quai còn sử dụng "mỹ nhân kế" để chiếm đoạt tiền của ông Lương Thành Đại, chủ doanh nghiệp tư nhân ở TP Biên Hòa (Đồng Nai). Quá trình quen nhau, Quai nói dối chưa có chồng, thường xưng hô với ông Đại là "chồng, ông xã" nhằm tạo sự thân thiết và muốn tiến đến chuyện hôn nhân. Đồng thời, Quai còn "khoe" đang là thành viên Công ty Đông Bắc làm nghề mua, bán sắt, thép phế liệu và là cháu của một cán bộ ở trung ương.
Từ cuối tháng 7-2011, Quai bắt đầu rủ ông Đại hùn vốn mua sà lan về bán lại kiếm lời chia nhau. Vì tin tưởng, ông Đại nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của Quai tổng cộng 1,19 tỉ đồng để cùng hợp tác làm ăn. Thực chất, Quai không mua sà lan như thỏa thuận mà sử dụng số tiền của ông Đại chi xài cá nhân. Vì vậy, khi ông Đại yêu cầu xem những sà lan đã mua, Quai tìm nhiều lý do tránh mặt và cũng không trả lại số tiền hùn vốn.
Và chỉ trong thời gian ngắn (từ tháng 6-2011 đến 8-2011), Huỳnh Thị Quai, Lê Văn Đông, Lưu Thiên Vĩnh và Bùi Văn Xoa, trong đó chủ mưu là "nữ quái" Quai đã dùng thủ đoạn gian dối nhiều lần (trong vòng chưa được ba tháng đã lừa sáu vụ) để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nạn nhân trên 6,7 tỉ đồng. Trong đó, riêng một mình Quai chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng, số tiền còn lại Vĩnh, Đông và Xoa lần lượt chiếm đoạt của các bị hại.
Vì vậy, sau hai ngày xét xử, với đầy đủ chứng cứ, ngày 22-1, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt các bị cáo Huỳnh Thị Quai với mức án 20 năm tù giam, cộng với bản án đang thi hành về hành vi hủy hoại tài sản trước đó (hủy hoại tài sản của chủ nợ trong vụ án này) là 2,6 năm tù, tổng hợp hình phạt phải chấp hành là 22,6 năm tù giam; Lưu Thiên Vĩnh 12 tù giam; Lê Văn Đông 12 tù giam và Bùi Văn Xoa bảy năm tù cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngoài bản án phạt tù, HĐXX còn tuyên buộc các bị cáo có trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.
Theo_Người lao động
"Nữ quái" lừa chạy việc vào Bộ Ngoại giao, trường cảnh sát Mai tự xưng là cán bộ Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội, có nhiều mối quan hệ trong ngành công an và có khả năng chạy việc, chạy trường. Theo tin từ báo Một thế giới, ngày 8/12, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Mai với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"...