Đại gia bỏ tiền tỷ mua hài cốt
Ông Lâm Văn Tuyến, một đại gia ở thôn Tân Lý, xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh (Nam Định) đã bỏ tiền tỷ ra làm một việc hết sức dị thường: Mua hài cốt không người thừa nhận về để xây nghĩa địa riêng.
Suốt mấy năm treo biển thu gom mộ hoang, ông đã… có trong tay gần 1.500 ngôi mộ, xây thành hai nghĩa địa khang trang.
Trách nhiệm với đời
Trên cánh đồng xã Tân Lý có hai khu nghĩa địa vuông vức với những ngôi mộ được xây cất giống nhau, thẳng tăm tắp. Đầu mỗi khu nghĩa địa đều có biển với những dòng chữ ngay ngắn: “Ai phát hiện ra hài cốt mồ côi ở ruộng, gò, xin báo cho ông Tuyến! Xin cảm ơn!”.
Tấm biển tìm hài cốt mồ côi được treo ở đầu mỗi khu nghĩa địa.
Chúng tôi tìm ông Tuyến. Ông đi vắng. Sáng nay, dân trong xã báo ở cánh đồng thôn Tân Phường có một ngôi mộ không người thừa nhận. Hay tin ông vội vã lên đường, kéo theo mấy người đào mộ chuyên nghiệp.
Qua điện thoại, ông hẹn sáng hôm sau mới gặp chúng tôi. Hôm sau, đúng hẹn, chúng tôi gặp ông. Ông khác xa những gì chúng tôi mường tượng. Ông bảo, nhà ông theo Chúa, Chúa trời đã nâng đỡ nghiệp làm ăn của gia đình ông thì ông phải có trách nhiệm với đời.
Ngày xưa ông khổ lắm. Nhà đông anh em, bố mẹ mất sớm, ông phải đi làm thuê để mưu sinh qua ngày. Khi lớn lên, chính Chúa trời đã cho ông một cái nhìn nhanh nhạy. Dân huyện ông nhiều người đi biển, thừng chão cột tàu đều phải mua ở tỉnh ngoài với giá “cắt cổ”. “Thứ ấy mình có thể làm ra, sao phải đi mua”. Nghĩ thế, ông bỏ công sức đi gom những bao dứa người ta vứt đi về mày mò làm thử “vẫn phải đi mua” ấy.
Dùng thử chão của ông làm, mọi người thấy mê vì giá rẻ bất ngờ. Ban đầu, ông chỉ bán hàng trong xã, trong huyện. Sau này, dân trong tỉnh và các tỉnh có nghề đi biển khác chỉ tin dùng mỗi dây chão mang “thương hiệu ông Tuyến”. Sản xuất tới đâu xe về “ăn” hàng ngay tới đó.
Bây giờ, ông không theo nghề nữa. Cả đời lao động vất vả cũng cần có thời gian để nghỉ ngơi. Nghĩ thành quả mà mình có được là do Chúa trời rộng lòng trợ giúp, ông muốn báo ơn. Theo đó, ông muốn quy tập tất cả những nấm mồ vương vãi trên địa bàn xã, thậm chí trên cả huyện.
Như người đang làm dự án lớn, ông làm tờ trình xin đất. Ban đầu, chính quyền địa phương vô cùng ngạc nhiên về dự án của ông. Rồi sự ngạc nhiên ấy hóa thành nỗi hồ nghi. Nhiều người còn độc mồm cho rằng, đằng sau việc nghĩa tình dị thường đó, ông có ý định khác. Nhưng rồi sau nhiều lần bị ông thuyết phục, chính quyền địa phương cũng đồng ý giao đất cho ông.
Nặng lòng với… người dưng
Video đang HOT
Sau một thời gian chuẩn bị, chừng đầu năm 2008 thì “dự án” của ông chính thức triển khai. Để công việc của mình được hanh thông, ông đã tuyển chọn trong xã hơn chục lực điền bạo gan. Họ đảm trách việc bốc mộ và “ăn lương” theo… “sản phẩm”. Chẳng biết bởi lý do gì mà xã ông có rất nhiều những nấm mồ vô chủ. Có bãi đất khi dân làm ruộng, vô tình phát hiện cả chục ngôi mộ nằm thẳng hàng sâu dưới lòng đất.
Coi những người nằm dưới mồ hoang như chính thân nhân mình, ông Tuyến làm việc hết sức chu đáo. Bốc mồ cho người nhà thế nào thì với những ngôi mồ vô chủ ông làm thế đó. Cũng tiểu sành, cũng nước thơm, cũng vải điều, cũng cầu nguyện chu tất.
Nghĩa địa mồ côi của ông Lâm Văn Tuyến.
Tiếng lành đồn xa, việc làm khác thường nhưng vô cùng cao đẹp của ông chẳng mấy mà lan ra mấy xã lân cận. Tin báo “mộ hoang” cứ tới tấp bay về. Chẳng kể sớm khuya, ông đi biền biệt. Thương ông vất vả, vợ ông cũng xúm vào trợ giúp. Bà lo phần sổ sách, hậu cần cho “dự án” của ông.
Sau hai năm quy tập và xây dựng, bây giờ hai khu nghĩa địa khang trang đã được khánh thành. Bà Dịu, vợ ông bảo, đến thời điểm này, hai khu nghĩa địa đã có tới gần 1.500 ngôi mộ. Tuy nhiên, những tin báo về mộ hoang vẫn cứ bay về.
Hai khu nghĩa địa đã hết “biên chế”, những nấm mồ mới được người dân quy tập đành phải “xếp hàng”, nằm tạm bên ngoài. Ông Tuyến hé lộ, sắp tới, ông sẽ xin xã lập thêm một nghĩa địa nữa để những linh hồn… về chậm kia có nơi yên nghỉ vĩnh hằng.
Không màng lợi lộc
Ông đặt tên cho hai khu nghĩa địa của mình cái tên đơn giản: “Nghĩa địa mồ côi”. Bây giờ, nhìn vào sự khang trang của hai khu nghĩa địa ấy, hồ nghi ngày nào của mọi người đã hoàn toàn biến mất. Ngạc nhiên, cảm phục, và trân trọng, ấy là tình cảm mọi người dành cho ông. Tuy nhiên, câu hỏi “ông làm vậy để được cái gì” thì đến giờ vẫn chẳng ai có thể đưa ra câu trả lời.
Hai khu nghĩa địa đã kín chỗ rồi, đà này có lẽ tôi phải xin thêm đất để dựng thêm một khu nữa. Thôi, tuổi già, làm được điều gì có ý nghĩa thì cũng nên cố vậy!
Ông Lâm Văn Tuyến
Năm ngoái, có ông cán bộ Trung ương đánh xe bóng nhoáng tìm về nhà ông. Ông cán bộ này vốn quê gốc ở đây, tuy nhiên, gia đình đã rời quê đi sơ tán từ những năm chống Pháp. Gặp ông Tuyến, ông cán bộ này bảo, mấy năm trước, khi nhắm mắt xuôi tay, cha ông ta có dặn dù thế nào cũng phải về quê tìm lại mồ mả ông nội.
Sau một thời gian dài nhờ nhà ngoại cảm kiếm tìm, chẳng biết đúng hay sai nhưng ông cán bộ ấy khẳng định đã tìm thấy mộ của ông nội mình. Đó là một nấm mồ được xây cất cẩn thận như bao nấm mồ khác trong khu “nghĩa địa mồ côi”.
Nỗi ước mong bao năm được giải tỏa, ông cán bộ ấy mừng lắm. Ông Tuyến kể, mấy lần ghì chặt tay ông, vị cán bộ ấy hết lời ơn huệ. Sau cùng, ông ta đưa ra lời đề nghị là được đưa hài cốt ông nội mình về Hà Nội. Tuy nhiên, theo một cam kết mà tự ông thảo ra, tất cả những nấm mồ trước đây không có người thừa nhận đã được ông đưa về nghĩa địa này thì mãi mãi ở lại đây. Bởi thế, ông từ chối.
Biết không thể thuyết phục được ông, vị cán bộ ấy đã khẩn khoản mong ông nhận mình làm anh em kết nghĩa. Thế nhưng, nguyện vọng đó cũng bị ông gạt đi. Ông bảo, ông sẽ có trách nhiệm chăm nom người đã khuất trong nấm mồ đó như bao linh hồn khác ở nghĩa địa này. Còn khi nào về quê cha đất tổ thì hãy xem nhà ông như nhà mình, ăn với ông một bữa cơm, uống với ông một chén rượu, như thế là tình nghĩa, là vui lắm rồi.
Xây nghĩa địa chỉ để đón những linh hồn không nơi nương tựa, ấy là mục đích ban đầu mà ông Tuyến đặt ra. Thế nhưng, bây giờ, nhiều người chiếc bóng đơn côi cũng tìm đến ông. Họ mong ông dành cho họ một suất đất trong khu nghĩa địa để sau này nhắm mắt xuôi tay còn thấy ấm áp tình người. Trước những yêu cầu bi thương ấy, ông không thể không gật đầu.
Theo Dân Việt
Người ru ngủ những cô hồn
Đã 20 năm trôi qua, anh không còn nhớ nổi mình đã chôn bao nhiêu hài nhi. Cái "nghĩa địa tình thương" với hơn 32.000 ngôi mộ và anh là người nối tiếp để "nâng giấc ngủ ngàn thu" cho những sinh linh.
Đối với anh Trương Văn Năng (thôn Ngọc Hồ, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế) việc làm này như một duyên nợ.
Anh Năng đang chăm sóc những ngôi mộ.
Để các em có nơi nghỉ...
"Gia đình luôn động viên, hỗ trợ tôi trong việc làm này. Đã hơn 47 năm từ khi tôi sinh ra, điều mà làm tôi buồn nhất đó là số lượng các em ngày càng nhiều. Mỗi sáng mai thức giấc tôi chỉ ao ước một điều như gia đình tôi vẫn mong, đó là thất việc...", anh Năng ngậm ngùi.
Chúng tôi về thôn Ngọc Hồ tìm đến nhà anh Trương Văn Năng, được vợ anh cho biết: "Có lúc nào anh ở nhà đâu, chắc ở ngoài bãi...". Theo lời chị, chúng tôi tìm đến nghĩa địa thì gặp anh đang dọn cỏ trên những ngôi mộ nhỏ. Gần 20 năm anh làm việc không công như thế, nhưng chưa bao giờ anh cảm thấy nản. "Điều đó có lẽ là do cái duyên. Ở đời, những việc khi làm người ta mới hiểu nó thuộc về cái Tâm, không thể tính bằng vật chất...", anh nói.
Cũng vì thế mà vào những năm 1990 - 1991, cha anh đã xây dựng "nghĩa địa tình thương" này, thu lượm và chôn cất những bào thai bị phá bỏ. "Hồi đó tôi cũng hỏi bố mình vì sao lại làm vậy, ông chỉ xoa đầu tôi và bảo lớn lên con sẽ hiểu!". Cha mất, anh lại nối tiếp việc của cha.
"Trong gia đình, tôi là người gần ông nhất, nên càng lớn tôi càng hiểu những việc ông làm. Ngày ông mất miệng còn ú ớ không nói được, cánh tay ông vẫn chỉ về những ngôi mộ cho tôi hiểu...", anh Năng bùi ngùi.
Rồi anh em, mỗi người một nơi tìm kế sinh nhai, chỉ mình anh ở lại bám trụ với mảnh đất khô cằn sỏi đá này, để chăm sóc cho những ngôi mộ. Anh không muốn bỏ rơi nghĩa trang- nơi mà cha anh đã gắn bó cả cuộc đời.
Nghĩa trang này như sợi dây vô hình thắt anh với sinh linh bé nhỏ. Để rồi anh quyết định cả đời chăm sóc cho các hài nhi xấu số. Nhiều người khi chứng kiến việc làm của anh, không ít lời bàn ra tán vào, có người bảo anh là dở hơi, thừa công, cơm cho con ăn không đủ nữa là... nhưng anh chỉ cười trừ. "Ở đời biết lúc nào mình giàu, cứ chờ giàu rồi mới làm thì đến khi nào mình mới giúp được người khác..." - anh Năng chia sẻ. Đối với anh, việc này đã đem lại niềm hạnh phúc vì đã tìm được cho các hài nhi nơi an nghỉ, không phải lang thang lạc lõng khắp chốn.
Một góc của nghĩa trang.
Cái "duyên nợ" đó chính là tình thương, cái Tâm dành cho những đứa trẻ không bao giờ được chào đời. Điều đó cứ âm thầm lặng lẽ kề bên anh suốt bao năm nay. Để làm được như vậy, phải có sự đồng thuận và hậu thuẫn rất lớn từ gia đình. Anh chia sẻ: "Vợ tôi là người luôn sát cánh, giúp tôi vượt qua mọi khó khăn. Chưa bao giờ cô trách móc hay ngăn cản việc tôi đang làm, mà còn lấy tiền nhà ra mua gạch xây mộ... Mặc dù gia đình tôi khó khăn thiếu thốn đủ thứ...".
Nỗi lòng với những cô hồn
Nhìn những khu mộ anh chôn cất cẩn thận, chúng tôi không tin nổi với hoàn cảnh như thế anh lại xây nên một "lâu đài tình thương", chôn cất những cô hồn. Giờ nghĩa trang ấy đã thu nhận hơn 32.000 hài nhi. Mỗi lần bước vào nơi đây, anh đều mở quyển nhật ký của mình để ghi lại những dòng cảm xúc. Có đoạn anh viết: "Tôi nghĩ, những đứa trẻ này chẳng bao giờ được một nén hương của bố mẹ nó. Nếu tôi có chết thì thâm tâm tôi vẫn mong có một ngày cha mẹ, hay người thân đó hãy đến nhìn lại con mình, thắp cho chúng những nén hương, để đừng bao giờ gây thêm tội lỗi...".
Những giọt mồ hôi lăn dài trên trán anh. Dọc các ngôi mộ không có một cây cỏ dại mà chỉ có những bông hoa và những nén hương thơm ngát tình người, để cho các em không phải tủi thân, lạc lõng... "Anh chị của tôi trong Sài Gòn điện ra vẫn thường đùa: Mong cho em thất việc... Tôi cũng muốn vậy lắm !" - anh Năng thở dài.
Lời cầu khẩn của những linh hồn nhỏ bé.
Trước đây cha anh, giờ là anh cũng chỉ sống bằng nghề làm vườn (chăn gà, vịt, trồng rau, lúc đi phụ hồ, bốc vác...), nhưng dù khó khăn đến đâu anh cũng không thể bỏ bê việc chăm sóc những sinh linh. Mỗi lúc có tiền anh lại dành dụm mua thêm những viên gạch, lúc túng thiếu thì đi xin những mảng vỡ từ ngôi nhà để về xây. "Toàn bộ khu mộ ở đây đều do tôi xây nên, bằng những khoản tiền gia đình và một số bàn tay tình nguyện đóng góp". Ngày ngày anh dọn cỏ, trồng hoa và có khi "tâm sự", "nói chuyện" với những ngôi mộ như để xóa bớt đi sự lạnh lẽo nơi đây.
Vì diện tích đất có hạn nên một ngôi mộ anh thường chôn 3 - 4 hài nhi. Tất cả những khu mộ này đều không có chủ nhân. Anh Năng kể: "Tháng trước có một cụ bà 70 tuổi, không biết thông tin từ đâu đến đây để tìm đứa cháu đích tôn của mình, may tôi đang giữ những danh sách chuyển đến nên còn tìm ra ngôi mộ của cháu bà. Lúc đó tôi cũng không kìm được cảm xúc... Một cụ già lại đi tìm cháu ở những nơi này. Tôi còn nhớ lúc tìm được, bà đã khóc gần như cả buổi chiều, đến nỗi tôi phải khuyên bà về, sợ bà ngã bệnh...".
Trước lúc chia tay, chúng tôi vẫn không quên lời anh: "Các bạn viết gì cũng được, nhưng mình không muốn người ta để ý nhiều đến mình. Mình chẳng làm được gì cho các em cả, mà chỉ mong các bậc làm cha, làm mẹ đừng từ bỏ các em thôi... Nhất là đôi lứa yêu nhau, phải ý thức được trách nhiệm của mình, đừng đặt gánh nặng lên xã hội nữa...".
Theo Giadinh
Chuyện gọi hồn của người đàn bà ba mắt Cách đây mấy năm, Hoàng Thị Thiêm ở xã Hòa Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình) nổi tiếng với khả năng nhìn mọi vật khi đã bịt hai mắt lại. Người ta gọi Hoàng Thị Thiêm là người đàn bà ba mắt. Tuy nhiên, gần đây, nhiều người lại quen gọi người đàn bà này với tên "cô" Thiêm bởi họ tin "cô" có...