Đại diện VKS: Bản án sơ thẩm vụ VNCB có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Đại diện VKS cho rằng trong bản án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ rút số tiền 5.910 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản…
Dân giai bị cáo Pham Công Danh rời khỏi tòa.
Sau nhiều ngày xét hỏi, sáng 10.1, phiên tòa phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm bước qua phần nêu quan điểm của VKSND Cấp cao.
Đại diện VKS nhận định trong vụ án này Danh là người đề ra chủ trương, chỉ đạo các bị cáo Mai, Khương, Quyết, Viễn, Tùng… chỉ đạo các nhận viên dưới quyền thuộc VNCB, Tập đoàn Thiên Thanh thực hiện các hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Án cấp sơ thẩm đã xem xét các yếu tố giảm nhẹ như: Bị cáo Danh có thái độ khai báo thành khẩn, bị cáo đã đề nghị bán bất động sản khắc phục hậu quả thể hiện sự ăn năn hối cải, Tập đoàn Thiên Thanh tại địa phương có nhiều đóng góp cho xã hội… Tuy nhiên do hậu quả gây ra rất nghiêm trọng nên bản án sơ thẩm tuyên mức án 30 năm tù với Danh là có căn cứ, cần giữ nguyên.
Tuy nhiên đại diện VKS đề nghị chấp nhận một phần kháng cáo của Danh, đề nghị HĐXX sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng thu hồi số tiền Danh đã chuyển cho ông Trần Quý Thanh 500 tỷ đồng, bà Hứa Thị Phấn hơn 130 tỷ đồng, bà Trần Ngọc Bích 119 tỷ đồng giao VNCB để đảm bảo khắc phục hậu quả.
Còn các bị cáo Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương, Bạch Quốc Hào là những người giúp sức trực tiếp cho Danh thực hiện các hành vi phạm tội. Cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là có căn cứ, không có cơ sở xem xét giảm nhẹ thêm.
Đại diện VKS cũng bác kháng cáo kêu oan của các bị cáo Phan Minh Tùng, Doãn Quốc Long bởi không hề có oan sai. Hai bị cáo này có các hành vi sai phạm trong việc lập các báo cáo tài chính khống, khi cho vay không tiếp xúc trực tiếp khách hàng, không thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng.
Các bị cáo ra về sau phiên tòa ngày 10.1.
Video đang HOT
Riêng các bị cáo là nhân viên ngân hàng, giám đốc đứng tên các công ty do Phạm Công Danh lập ra để vay tiền đã có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hưởng án treo, VKS cho rằng không có căn cứ để xem xét. Còn về các kháng cáo đề nghị hủy quyết định khởi tố của tòa cấp sơ thẩm của bà Hứa Thị Phấn (cổ đông nhóm Phú Mỹ), ông Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam (lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín), VKS cho rằng không có cơ sở.
Đặc biệt, đại diện VKS cho rằng trong bản án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ rút số tiền 5.910 tỷ đồng không có chữ ký của chủ tài khoản. VKS khẳng định số tiền này là thực chất là thỏa thuận vay giữa Phạm Công Danh và ông Trần Quý Thanh. Thông qua các hợp đồng vay, bà Trần Ngọc Bích rút tiền ra từ VNCB rồi chuyển vào tài khoản của Danh, bị cáo Danh sau đó chuyển tiền cho ông Thanh. Thực chất vấn đề này là dùng các khoản vay mới để trả nợ cũ.
VKS khẳng định, án sơ thẩm khởi tố Phạm Thị Trang có căn cứ nhưng thiếu sót khi chưa xem xét vai trò của ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích và Vũ Thị Như Thảo, Trần Trọng Nghĩa (cán bộ ngân hàng VNCB) trong việc giúp sức cho Phạm Công Danh thực hiện hành vi gây thất thoát cho VNCB số tiền 5.190 tỷ đồng.
Vì vậy VKS đề nghị cơ quan CSĐT Bộ Công an, VKS Cấp cao xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Thanh, bà Bích, bà Thảo và ông Nghĩa. VKS cũng đề nghị trong giai đoạn hai của vụ án, cần làm rõ mối quan hệ vay mượn giữa bà Bích và Danh để truy thu thuế và hành vi trốn thuế.
Trong thời gian điều hành VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 9.2016, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Danh mức án 30 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cùng với hai tội danh này, Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc VNCB) bị tuyên phạt 22 năm tù; Mai Hữu Khương (Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) bị tuyên phạt 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) bị tuyên phạt 19 năm tù. Còn 32 bị cáo khác liên quan đến vụ án này chịu mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 9 năm tù.
Theo Danviet
Từ thương vụ mua bán Trustbank đến đại án 9.000 tỷ đồng
Mua lại Trustbank với mục tiêu thâu tóm các ngân hàng yếu kém, cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm "đá" lại cho ông Phạm Công Danh khi nhận ra nguy cơ thua lỗ.
Đầu năm 2012, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sát nhập các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) hoạt động yếu kém.
Theo cơ quan điều tra, chủ tịch Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) muốn thâu tóm một số ngân hàng TMCP nên gặp bà Hứa Thị Phấn - đại diện nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank) - đặt vấn đề mua lại nhà băng này.
Tháng 2 năm đó bà Phấn để người cháu (phó Tổng giám đốc Trustbank) đại diện cho nhóm cổ đông của mình, ký hợp đồng bán gần 85% cổ phần với giá gần 4.500 tỷ đồng cho ông Hà Văn Thắm, kèm theo việc kế thừa toàn bộ nghĩa vụ trả nợ và quyền được sở hữu tài sản bảo đảm từ các khoản vay hơn 3.500 tỷ đồng, khoản đầu tư 920 tỷ đồng và một số nghĩa vụ khác của bà Phấn.
Cựu chủ tịch OceanBank đang bị cáo buộc phạm 3 tội danh trong quá trình điều hành ngân hàng này.
Sau khi cho người vào tiếp quản điều hành, ông Thắm phát hiện ngân hàng này có một số khoản vay lớn, dư nợ xấu không có khả năng thu hồi cũng như nhiều mối quan hệ phức tạp giữa bà Phấn và các nhóm khách hàng... nên muốn bán lại cho người khác.
Qua giới thiệu, ông Thắm gặp ông Phạm Công Danh (Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh) đặt vấn đề muốn nhượng lại Trustbank. Đang ấp ủ giấc mơ có một ngân hàng chuyên biệt phục vụ cho ngành xây dựng, ông Danh đồng ý mua. Đầu tháng 10/2012, bà Phấn ký lại hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho ông Danh với giá hơn 4.600 tỷ đồng.
Được Ngân hàng Nhà nước cho phép tham gia tái cơ cấu, ông Danh sau đó đổi tên ngân hàng này thành Ngân hàng Xây dựng - VNCB.
Nhà chức trách xác định, cuối năm đó ông Thắm, Danh và bà Phấn thống nhất việc ông Thắm sẽ cho ông Danh vay 500 tỷ đồng từ OceanBank và thế chấp bằng tài sản của bà Phấn. Số tiền này ông Danh chuyển lại để tất toán cho 5 khoản vay của nhóm bà Phấn tại Trustbank và được ghi nhận vào việc ông Danh trả tiền mua cổ phần của nhóm bà Phấn.
Hợp đồng vay mượn này được thực hiện thông qua pháp nhân của Công ty TNHH một thành viên Trung Dung (công ty con của Thiên Thanh). Giám đốc công ty này - Trần Văn Bình (vốn lá lái xe, được ông Danh nhờ đứng tên pháp lý) đã ký hợp đồng vay. Tổng tài sản đảm bảo cho khoản vay này chỉ khoảng hơn 70 tỷ đồng.
Cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm và thuộc cấp tham gia phê duyệt hợp đồng này đã không thẩm định các tài sản dẫn đến thiệt hại cho OceanBank. Cơ quan điều tra xác định, trừ đi các tài sản bảo đảm, Oceanbank bị thiệt hại hơn 343 tỷ đồng từ hợp đồng cho ông Danh vay.
Tuy nhiên, ông Danh khai ngoài số tiền 4.600 tỷ đồng phải trả cho bà Phấn để mua lại Trustbank, ông còn phải trả cho ông Thắm 500 tỷ đồng phí môi giới mua ngân hàng này.
Ông Danh và đồng phạm đang bị đưa ra phúc thẩm. Ảnh: H. D.
Theo kết quả kiểm toán, đến cuối năm 2012, sau nửa năm tiếp nhận VNCB, lỗ lũy kế của ngân hàng này đã tăng lên 8.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là âm 5.000 tỷ. Một năm sau đó, kết quả kinh doanh của VNCB lỗ lũy kế là 11.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là âm 8.000 tỷ. Đến thời điểm khởi tố vụ án, vốn chủ sở hữu âm 18.469 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 38.000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn một của quá trình điều tra, ông Danh được cho là đã chỉ đạo cho cấp dưới thực hiện hàng loạt sai phạm trong quản lý kinh tế cũng như vi phạm quy định về cho vay dẫn đến thiệt hại 9.000 tỷ đồng.
Hồi tháng 9, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên phạt ông Danh 30 năm tù và buộc trả lại 6.000 tỷ đồng. Các cấp dưới Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc VNCB) nhận 22 năm tù; Mai Hữu Khương 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết 19 năm tù. Với vai trò đồng phạm, 32 bị cáo khác chịu mức án từ 3 năm cho hưởng án treo đến 9 năm tù.
Liên quan đến những sai phạm trong thời gian điều hành Trustbank, HĐXX cho rằng bà Phấn có nhiều hành vi sai phạm làm nhà băng này bị âm vốn chủ sở hữu lên tới hơn 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.600 tỷ. Trước khi ông Danh tiếp quản ngân hàng, bà Phấn được cho đã sử dụng 29 cá nhân vay tiền (có thế chấp hoặc không thế chấp) để lấy tiền Ngân hàng Đại Tín mà mình có vốn cổ phần. Toà cũng công bố quyết định khởi tố vụ án về những sai phạm của Hội đồng tín dụng Trustbank thời điểm trước khi chuyển giao cho ông Danh.
Cựu Chủ tịch VBCN sau đó kháng cáo xin giảm nhẹ và xin xem xét lại tội danh. Ông cũng đề nghị thu hồi 3.600 tỷ đồng đã trả cho bà Phấn để mua lại Trustbank.
Ngày 27/12, TAND Cấp cao đã mở phiên phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của ông Danh, đồng phạm và những người liên quan. Trong lần xử phúc thẩm này, ông đề nghị tòa cho triệu tập cựu Chủ tịch OceanBank, bà Phấn đến tòa để đối chất làm rõ các nội dung liên quan đến việc chuyển giao ngân hàng và các khoản tiền.
Đối với cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm, cơ quan điều tra xác định, ngoài việc sai phạm trong thương vụ mua bán Trustbank với ông Danh dẫn đến thiệt hại cho OceanBank, ông bị cho là trong quá trình chỉ đạo điều hành các hoạt động của ngân hàng đã có nhiều vi phạm, gây nợ xấu tới hơn 14.000 tỷ đồng. Đến tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại với giá 0 đồng và chuyển đổi thành Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đại Dương.
Hải Duyên
Theo VNE
Đại án 9.000 tỷ đồng: Phạm Công Danh cùng đồng phạm tiếp tục hầu tòa Tiếp nhận đơn kháng cáo của các đương sự và bị cáo trong vụ án, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Phạm Công Danh và các đồng phạm kháng cáo mong được giảm nhẹ hình phạt. Ngày 27.12, TAND Cấp cao tại TP.HCM đưa vụ án 9.000 tỷ đồng xảy ra tại ngân hàng Xây...