Đại dịch Covid-19 ngày 30/3: Chuyên gia dự báo kịch bản tồi tệ ở Mỹ
Đại dịch Covid-19 ngày 30/3: Mỹ có thể mất 200.000 người trong “cuộc chiến” với Covid-19.
Chuyên gia dự báo kịch bản xấu cho Mỹ
Tiến sĩ Anthony Fauci đưa ra dự báo rằng số người chết vì SARS-CoV-2 ở Mỹ có thể lên tới 200.000 người. Vị Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ này cho rằng, tình trạng thiếu thốn trang thiết bị và quá tải các bệnh viện có thể dẫn tới kịch bản tệ như vậy.
Ông Fauci là chuyên gia hàng đầu có vai trò quan trọng trong lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Chính phủ Mỹ. Ông cho rằng, số người nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn nước Mỹ có thể lên tới hàng triệu người ở đỉnh dịch.
Video: Việt Nam có 194 ca mắc Covid-19
Italy thêm 756 người chết
Italy là nước có số người chết vì SARS-CoV-2 trong ngày 29/3 nhiều nhất thế giới với 756 trường hợp thiệt mạng. Tuy vậy con số này vẫn thấp hơn 2 ngày trước.
Có hơn 13 nghìn người nhiễm virus corona chủng mới ở Italy khỏi bệnh hôm qua. Số người đang điều trị đặc biệt là 3.906. Italy dự kiến sẽ kéo dài giai đoạn áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc sau thời hạn 3/4.
Tình hình dịch Covid-19 ở một số nước.
Trong khi đó, số ca nhiễm mới ở Mỹ trong ngày Chủ nhật (29/3) là hơn 12.000, nâng tổng số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận ở nước này lên 135.627.
Ở Đông Nam Á, Malaysia vẫn là nước có nhiều người nhiễm SARS-CoV-2 nhất (2.470 trường hợp). Tuy nhiên so với các nước trong khu vực, số ca nhiễm mới của Malaysia (150) hôm qua thấp hơn Philippines (343).
Matxcơva hạn chế dân ra đường
Chính quyền Matxcơva yêu cầu người dân toàn thành phố tự cách ly từ hôm nay (30/3). Thị trưởng Sergei Sobyanin thông báo sẽ thiết lập một hệ thống cấp phép cho người dân ra khỏi nhà chỉ trong một số trường hợp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thị sát một bệnh viện ở Matxcơva tuần trước.
Cụ thể, người dân Matxcơva chỉ được rời khỏi nhà vì lý do cấp cứu y tế, công tác bắt buộc, mua thuốc và thức ăn ở các địa điểm trong khu vực sinh sống, dắt thú nuôi đi dạo trong phạm vi bán kinh 100 mét từ nhà và đi vứt rác. Tất cả mọi người phải giữ khoảng cách tối thiểu là 1,5 m.
Tuy nhiên quy định hạn chế ra đường của Matxcơva không đồng nghĩa với lệnh phong tỏa. Thành phố này vẫn cho phép người dân ra vào như bình thường.
NGỌC ANH
Bí ẩn bệnh nhân 31 siêu lây nhiễm và giáo phái Shincheonji ở Hàn Quốc
Giáo phái Shincheonji trở thành tâm điểm chú ý sau khi một người phụ nữ dự các buổi lễ của giáo phái được phát hiện nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc.
Một giáo phái ở Hàn Quốc vừa trở thành tâm điểm của sự chú ý sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại đây. Một thành viên 61 tuổi của giáo phái này nhiễm phải virus corona đã tiếp xúc ít nhất 1.200 người.
Và trong khi Hàn Quốc vất vả ngăn virus lây lan, vai trò của giáo phái này trong việc làm virus phát tán đã được đưa ra ánh sáng.
Ngày 23/2, Hàn Quốc thông báo có 169 trường hợp nhiễm virus Covid-19 mới được xác nhận và thêm 1 trường hợp tử vong vì virus này. Tính đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm virus corona ở nước này đã lên tới 602, ít nhất 5 người được ghi nhận tử vong.
Hơn một nửa các trường hợp nhiễm virus mới phát hiện có liên quan đến giáo phái Shincheonji ở thành phố Daegu sau khi một phụ nữ 61 tuổi dương tính với virus được gọi là "Bệnh nhân 31" tham gia các buổi lễ tại nhà thờ của giáo phái này.
Một người phụ nữ đeo khẩu trang để tránh nhiễm virus corona đi ngang qua một nhà thờ Shincheonji ở Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
Điều làm cho Bệnh nhân thứ 31 này trở nên đặc biệt là người phụ nữ này không hề đi nước ngoài trong thời gian gần đây. Cơ quan quản lý và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (CDC) nghi ngờ trường hợp "siêu lây nhiễm" đã nhiễm virus từ một bệnh nhân khác.
"Hiện chúng tôi đang nghiên cứu khả năng bệnh nhân số 31 bị truyền nhiễm thứ phát", Giám đốc CDC Hàn Quốc, Jung Eun Kyeong, cảnh báo điều này đồng nghĩa sẽ còn nhiều ca nhiễm khác chưa được phát hiện.
Trong khi giới chức gọi bà là "một ca siêu lan truyền" thì người dân địa phương đã gọi bà là một "ajumma" (từ tiếng Hàn chỉ người phụ nữ trung niên) điên. Bà được chẩn đoán có các triệu chứng giống như viêm phổi vào ngày 18/2. Tuy nhiên, người phụ nữ này từ chối khuyến nghị xét nghiệm virus corona của bác sĩ không chỉ một mà những hai lần.
Một ngày của bệnh nhân 31
Câu chuyện của người phụ nữ Daegu nghe có vẻ không thua gì một bộ phim của Hollywood nhưng thực tế lại khá nghiệt ngã. Bà lần đầu vào bệnh viện địa phương sau một tai nạn xe hơi vào ngày 7/2. Khi ở trong bệnh viện, bà bị sốt nhưng từ chối đi xét nghiệm.
Cuối cùng, bà đã được xét nghiệm vào ngày 17/2 và một ngày sau đó được chẩn đoán bị nhiễm virus corona.
50.000 học viên trong số 103.764 thành viên tốt nghiệp tham dự lễ tốt nghiệp của giáo phái Shincheonji sau khóa học kinh thánh kéo dài sáu tháng vào tháng 11 năm 2019. Một trong những yêu cầu để tốt nghiệp là đi truyền giáo. Ảnh: Facebook.
Tuy nhiên, giữa thời điểm lần đầu tiên vào bệnh viện và khi được xác nhận dương tính với Covid-19, bệnh nhân thứ 31 đã ra ngoài ít nhất 4 lần khác nhau. Cả 4 lần bà đều đi đến những nơi vô cùng đông người.
Bà đã đến một nhà hàng buffet, nhà tắm công cộng kiểu Hàn Quốc và sau đó đến nhà thờ 2 lần. Ước tính, bệnh nhân thứ 31 đã tiếp xúc với khoảng 1.160 người.
Chính quyền Hàn Quốc đang chịu áp lực trong việc chống virus lây lan vì người phụ nữ này đã đi khắp nơi ở Daegu.
Giáo phái Shincheonji thành tâm điểm sự chú ý
Nơi diễn ra việc lây lan dữ dội nhất là một nhà thờ của giáo phái Shincheonji. Người phụ nữ này đã đến nhà thờ để đi lễ ngày Chủ nhật.
Khoảng 1.000 tín đồ của giáo phái Shincheonji cùng tham dự buổi lễ với người phụ nữ trên đã bị cách ly tại nhà để sàng lọc virus. Cơ quan y tế cũng đang cố gắng theo dõi hàng nghìn người khác.
Giáo phái Shincheonji đổ lỗi cho người phụ nữ đã làm lây lan virus. Giáo phái này nói rằng họ đã khuyên những tín đồ từ cuối tháng 1 rằng nên ở nhà nếu họ đi du lịch nước ngoài hoặc gặp các triệu chứng giống như cảm nhẹ.
Giới chức y tế đã sàng lọc khoảng 9.300 tín đồ giáo phái và nói rằng 1.261 người trong số họ có biểu hiện ho và các triệu chứng khác. Chính quyền cũng đang cố gắng tìm những người đi nhà thờ vì nhiều tín đồ không tiết lộ việc làm của họ do lo cho danh tiếng của giáo phái.
Lãnh đạo giáo phái này tự xưng là sứ giả của Chúa, nhưng bị nhiều người bên ngoài coi là lãnh đạo tà giáo. Giáo lý của nó chủ yếu xoay quanh Sách Khải Huyền, cuốn sách cuối cùng của Tân Ước được biết đến chủ yếu là điềm báo về ngày tận thế.
Tất cả 74 địa điểm giáo phái Shincheonji điều hành đã bị đóng cửa và những tín đồ được yêu cầu xem các buổi lễ trực tuyến.
Người sáng lập giáo phái Shincheonji Lee Man-hee. Ảnh: Shincheonji.
Các nhà chức trách đang cố gắng xác định làm thế nào bệnh nhân thứ 31 bị nhiễm virus vì bà không hề tới Trung Quốc. Giờ đây, các thành viên giáo phái thừa nhận họ đi truyền giáo cho người Hàn Quốc ở phía đông bắc Trung Quốc, một số người còn được mời đến Hàn Quốc.
Các quan chức cũng đang điều tra mối liên hệ giữa những người đi nhà thờ và các ca nhiễm bệnh gia tăng nhanh chóng tại bệnh viện Cheongdo. Tại đây, nhiều người đã bị nhiễm bệnh, chủ yếu là bệnh nhân của khoa tâm thần.
Giáo phái hay tà giáo?
Giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) được thành lập vào năm 1984 bởi Lee Man-hee. Các nhóm Kitô giáo xem ông Lee là một nhà tiên tri giả hoặc một nhà lãnh đạo tà giáo.
Giáo phái này xem ông Lee là một thị giả của Chúa được gửi đến để làm chứng thực những thứ ông Lee tuyên bố là những lời tiên tri được thực hiện từ Sách Khải Huyền. Giáo phái này nói mình có hơn 150.000 thành viên.
Những người theo giáo phái Shincheonji tin rằng Lee Man-hee bất tử và có một cuộc sống vĩnh cửu, ông Ji-il Tark tại Đại học Thiên chúa giáo Busan ở Hàn Quốc cho biết.
Để truyền bá niềm tin của họ, những thành viên giáo phái này thường tiếp cận người thân và người quen của họ hoặc lẻn đến các nhà thờ khác mà không nói rằng họ là thành viên của Shincheonji.
Ông Tark cho biết những người theo giáo phái Shincheonji có khả năng dễ bị nhiễm virus hơn vì họ thường ngồi rất gần nhau trên sàn trong các buổi lễ. Trong giáo phái Shincheonji, tham dự các buổi gặp nhau của nhà thờ là một việc bắt buộc.
Các nghi thức trong giáo phái Shincheonji có làm virus lây lan nhanh chóng hơn vì các thành viên phải quỳ cách nhau 10 cm và nắm tay nhau.
Một thành viên giáo phái nói với New York Times rằng những người đi nhà thờ không được đeo kính hoặc khẩu trang trong khuôn viên.
Đây là một phần trong việc rèn luyện tinh thần "không sợ bệnh tật". Đối với các thành viên của giáo phái Shincheonji, bị bệnh là một "tội lỗi" bởi vì nó "ngăn cản họ làm công việc của Chúa".
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Daegu. Ảnh: Yonhap.
"Chúng tôi được dạy không quan tâm đến những thứ trần tục như công việc, tham vọng hay đam mê. Mọi thứ đều tập trung vào việc truyền giáo, ngay cả khi chúng tôi bị ốm", thành viên này nói.
Người sáng lập giáo phái Shincheonji đã gọi virus corona mới là "một hành động của quỷ vì nhìn thấy Shincheonji phát triển nhanh chóng và muốn phá hủy sự phát triển của chúng ta".
Sau bệnh nhân thứ 31 được xác nhận nhiễm Covid-19, giáo phái này được cho là đã bảo những tín đồ tiếp tục nhiệm vụ của họ trong các nhóm nhỏ và phủ nhận bất kỳ mối quan hệ nào với giáo phái. Giáo phái Shincheonji sau đó đã bác bỏ cáo buộc này.
Điều đáng chú ý là giáo phái Shincheonji cũng tuyên bố giáo phái này có một hội thánh lớn ở Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo news.zing.vn
Dịch Covid-19 ngày 23/2: Người cuối cùng nhiễm Covid-19 ở Việt Nam lần đầu có kết quả âm tính Bệnh nhân 50 tuổi ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc lần đầu có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Bệnh nhân này là người thứ 16 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Để độc giả nắm được những diễn...