Đại dịch COVID-19 Mối đe dọa diệt chủng với thổ dân Amazon
Nhiếp ảnh gia huyền thoại Sebastiao Salgado đã cảnh báo về một ‘cuộc diệt chủng’ đối với người dân bản địa Amazon nếu Chính phủ Brazil không có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.
Nguy cơ các bộ tộc bản địa vùng Amazon sẽ bị diệt chủng vì COVID-19. Ảnh: AFP
Tổng thống Jair Bolsonaro – người đã từng nhận định đại dịch COVID-19 chỉ là “một dịch cúm nhẹ” – trước đây từng bị cáo buộc khuyến khích những người khai thác gỗ và nông dân xâm chiếm các khu bảo tồn địa phương và phá hủy các cơ quan do chính phủ thành lập để bảo vệ các dân tộc bản địa.
Nhiếp ảnh gia Salgado sinh ra tại Brazil – người đã dành gần 4 thập kỷ để ghi chép tài liệu về Amazon và cư dân của vùng rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới – đã cảnh báo đại dịch COVID-19 có nguy cơ lớn sẽ trở thành thảm họa đối với các bộ tộc trong vùng. Ông đã cùng những người nổi tiếng khác, bao gồm danh ca Madonna, “nữ hoàng talk show” Oprah Winfrey, nam tài tử Brad Pitt, đưa ra một bản kiến nghị kêu gọi chính phủ hành động để bảo vệ các bộ tộc Amazon.
“Với những người khai thác vàng, gỗ, nông dân và những bộ tộc khác đang xâm chiếm lãnh thổ của họ, virus SARS-CoV-2 có nguy cơ sẽ lây lan cho người bản địa, những người không có bất kỳ kháng thể nào. Không có gì để bảo vệ người bản địa khỏi nguy cơ diệt chủng gây ra bởi một đại dịch do người ngoài xâm nhập vào vùng đất của họ một cách bất hợp pháp”, ông Salgado nói.
Nhiếp ảnh gia huyền thoại Sebastiao Salgado cảnh báo người bản địa vùng Amazon có thể phải đối mặt với một “cuộc diệt chủng” vì dịch COVID-19 . Ảnh: AFP
Video đang HOT
Brazil có khoảng 800.000 người bản địa từ 300 nhóm dân tộc. Trước đại dịch COVID-19, người bản địa tại đây cũng đã bị “giam cầm” trong những gì mà các nhà hoạt động gọi là cuộc đấu tranh lịch sử để sinh tồn.
Những năm gần đây, khu vực sinh sống của các bộ tộc tại rừng Amazon ngày càng bị thu hẹp do tình trạng khai thác rừng và khoáng sản trái phép. Những tài nguyên này chiếm 60% diện tích của cả vùng Amazon, khiến các bộ tộc phải lùi sâu vào rừng rậm để sinh tồn.
Các bệnh viện tại Sao Paulo – thành phố lớn nhất Brazil – đang phải đối mặt với tình trạng quá tải đến mức “gần sụp đổ”, khi đất nước trở thành tâm điểm của đại dịch ở Nam Mỹ. Nhiếp ảnh gia Salgado cho rằng mối đe dọa tử vong đang “lơ lửng” trên một phần lớn dân số.
“Tổng thống Bolsonaro đang phản đối việc phong tỏa. Brazil không có cơ sở hạ tầng y tế tốt như châu Âu. Nếu virus xâm nhập vào khu rừng, chúng tôi không có bất kỳ phương tiện nào để hỗ trợ. Thách thức khoảng cách là rất lớn. Người dân bản địa sẽ bị bỏ rơi”, ông Salgado cho biết.
Tới nay, virus SARS-CoV-2 đã lây nhiễm cho hơn 40 nhóm dân tộc bản địa tại Amazon. Khu vực này cũng đã ghi nhận 537 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 102 ca tử vong, theo Hiệp hội Người bản địa Brazil.
Bé gái thuộc cộng đồng Parque das Tribos để lại một cái mũ trên quan tài của tộc trưởng Messias, 53 tuổi, thuộc bộ tộc Kokama, đã qua đời vì dịch COVID-19. Ảnh: AFP
Từ hôm 20/5, nhóm quyền dân tộc bản địa Forest Guardian, đã cảnh báo bộ tộc săn bắn hái lượm Awa Guaja, theo truyền thống không có liên hệ với thế giới bên ngoài, có nguy cơ bị xóa sổ vì bị xâm chiếm bởi những người khai thác gỗ và nông dân.
“Nếu bạn không chấm dứt các cuộc xâm chiếm lãnh thổ của chúng tôi, bộ tộc biệt lập người Awa Guaja sẽ chết”, nhóm nhân quyền Forest Guardian, nói khi một số thành viên của nhóm đã bị sát hại trong những tháng gần đây.
Không chỉ gây ra một đại dịch, virus SARS-CoV-2 cũng được coi là một thứ “vũ khí” phá hủy môi trường và hành tinh của chúng ta. Tuy nhiên, ông Salgado cho rằng đại dịch cũng đã cho chúng ta cơ hội để suy nghĩ lại mọi thứ.
“Chúng ta đã trở thành người ngoài hành tinh sống ở các thị trấn và thành phố. Chúng ta phá hủy mọi thứ, đưa nó vào thành phố, rồi lại tiếp tục xây dựng nó. Chúng ta cần phải nhìn nhận sâu rộng hơn về cách sống và thay đổi điều đó. Chúng ta có rất nhiều việc phải làm sau đại dịch. Chúng ta cần phải tạo ra một hệ thống sản xuất mới và phù hợp”, ông Salgado nói.
Những người đàn ông tại cộng đồng Sahu-Ape, bang Amazonas, Brazil, chèo thuyền trên sông Ariau trong đại dịch COVID-19. Ảnh: AFP
Theo một số ước tính, 90% cư dân bản địa châu Mỹ đã bị “xóa sổ” bởi dịch bệnh sau khi những người châu Âu đầu tiên đến xâm chiếm vùng đất này.
Nỗi sợ hãi mắc COVID-19 đã lan rộng ra các cộng đồng bản địa vào tháng trước, khi cái chết của một thiếu niên tộc người Yanomami làm sống lại những ký ức kinh hoàng về dịch bệnh do những người đi đường và những người khai thác vàng gây ra trong những năm 1970 và 1980.
“Ở một số làng tôi biết, bệnh sởi đã giết chết 50% dân số. Nếu COVID-19 làm điều tương tự thì đó sẽ là một vụ thảm sát”, ông Carlo Zaquini, một nhà truyền giáo người Italy đã dành nhiều thập kỷ gắn bó với tộc người Yanomami, chia sẻ.
Cho đến thời điểm hiện tại, Manaus, thủ phủ của bang Amazonas, nơi có một phần khu bảo tồn Yanomami, là thành phố bị virus SARS-CoV-2 tấn công nặng nề nhất tại Brazil.
Nhiếp ảnh gia Salgado đang kêu gọi thành lập một đội đặc nhiệm do quân đội điều hành nhằm ngăn những kẻ xâm nhập vào các khu vực được bảo vệ. Ông cũng tin rằng áp lực quốc tế có thể khiến Chính quyền Tổng thống Bolsonaro phải có những biện pháp phù hợp để ngăn chặn thảm họa xảy ra, giống như những gì đã xảy ra vào năm ngoái, khi sự phẫn nộ toàn cầu khiến chính phủ phải điều động quân đội để dập tắt các đám cháy ở Amazon.
“Chỉ riêng ở Amazon Brazil, chúng tôi có 103 nhóm bản địa biệt lập – họ đại diện cho những người tiền sử cuối cùng. Chính vì vây, chúng ta không thể để tất cả biến mất”, ông Salgado nói.
Bảo vệ cộng đồng bản địa
Trước lo ngại về việc các cộng đồng bản địa xa xôi sẽ bị bỏ quên trong cuộc chiến Covid-19, chính phủ nhiều nước đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ để những cộng đồng trên tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế hiện đại.
Ngày 14-4, Bộ trưởng Phụ nữ, Gia đình và Nhân quyền Brazil Damares Alves thông báo, từ nay đến tháng 6 chính phủ liên bang Brazil sẽ chi khoảng 904 triệu USD nhằm hỗ trợ các cộng đồng người bản địa ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Theo đó, Chính phủ Brazil dự kiến sẽ phân phối 1 triệu khẩu trang và găng tay y tế cùng 6.000 bộ kit xét nghiệm cho các bộ lạc bản địa, đồng thời cung cấp 300.000 giỏ thức ăn nhằm hạn chế người bản địa phải rời vùng đất của mình để tìm kế sinh nhai. Bên cạnh đó, chính phủ liên bang cũng ban hành lệnh cấm đi vào địa phận các bộ lạc bản địa nhằm ngăn chặn sự lây lan SARS-CoV-2 tại các cộng đồng này. Hiện Brazil có khoảng 300 bộ tộc với khoảng 850.000 người sinh sống tại các vùng trên cả nước.
Australia cũng đang triển khai 45 khoản tài trợ linh hoạt để giúp 110 cộng đồng xa xôi trên khắp Australia tự bảo vệ mình trước dịch Covid-19. Cộng đồng người bản địa Warlpiri hiện sinh sống ở vùng Lajamanu nằm ở rìa sa mạc Tanami là một trong những cộng đồng bản địa xa xôi nhất Australia.
Theo ABC News, hiện con đường duy nhất vào vùng Lajamanu đã bị đóng cửa, phong tỏa cộng đồng của 600 người bản địa khỏi phần còn lại của thế giới (ảnh). Để tránh gây tâm lý hoảng loạn trong cộng đồng, chính phủ đã cử nhân viên y tế đến để giải thích về dịch bệnh và cử những bác sĩ giỏi đến đồn trú để giúp đỡ. Chọn giải pháp cách ly nghiêm ngặt các cộng đồng bản địa với xã hội hiện đại là một phần quan trọng của chiến lược chống Covid-19 được áp dụng.
CHI HẠNH
Người Canada bản địa bị đấm sau khi hắt xì vì bị nhầm là người TQ Một người phụ nữ Canada bản địa đã bị đấm ngã xuống đất bởi một người đàn ông sau khi cô hắt xì. Người này đã hét lên 'quay lại Trung Quốc đi' với cô. Theo South China Morning Post, cô Dakota Holmes, 27 tuổi, một người Canada bản địa, đang dắt chú chó Kato đi dạo qua công viên Gray ở khu...