Đại cử tri nghẹn ngào khi bỏ phiếu cho Biden
Đại cử tri Washington Arends, đang mắc bệnh tim giai đoạn cuối, bật khóc khi hoàn thành “nghĩa vụ cuối đời” là bỏ phiếu cho Joe Biden.
Đại cử tri đoàn Mỹ hôm 14/12 (sáng 15/12 giờ Hà Nội) đã hoàn tất quá trình bỏ phiếu bầu tổng thống, trong đó Joe Biden giành chiến thắng với 306 phiếu, Tổng thống Donald Trump được 232 phiếu.
Jack Arends, 64 tuổi, đại cử tri bang Washington, sau khi cùng 11 đại cử tri khác trong bang hoàn tất quá trình bỏ phiếu cho Joe Biden, đã có bài phát biểu rất xúc động, trước khi gục đầu xuống bàn và bật khóc.
Arends phát biểu sau khi bỏ phiếu đại cử tri cho Biden ngày 14/12. Video: Washington Post .
Arends cho biết tháng trước, ông được bác sĩ thông báo rằng mình đang mắc bệnh nan y giai đoạn cuối và không có cách chữa trị. “Điều này càng khiến tôi quyết tâm hoàn thành nghĩa vụ của mình khi tôi còn có thể”, đại cử tri này nói, cố kìm nén cơn xúc động.
Trong cuộc phỏng vấn tuần trước, ông cho biết mình được chẩn đoán mắc bệnh tim chỉ vài ngày sau khi được đảng Dân chủ lựa chọn là một trong 12 đại cử tri của bang Washington.
Dù cuộc sống chỉ còn đếm từng ngày, Arends, chuyên gia phân tích ngành hàng không đã nghỉ hưu và cũng là đại cử tri duy nhất của hạt Snohomish, vẫn quyết tâm thực hiện nghĩa vụ của mình.
“Tôi không rõ mình còn bao nhiêu thời gian trên cõi đời này, nhưng tôi sẽ khiến nó trở nên ý nghĩa khi tôi vẫn còn ở đây và vẫn là một đại cử tri. Đây là đầu việc cuối cùng tôi muốn hoàn thành, tôi quyết tâm phải thực hiện điều đó”, Arends nói trong hai phút phát biểu trước toàn thể hội nghị đại cử tri đoàn.
Thế nên vào ngày bỏ phiếu của đại cử tri, Arends đã đội chiếc mũ beret đen với dòng chữ “Chơi đẹp”, mang theo hai chiếc bút đánh dấu Sharpie bước vào hội trường. Ông dùng bút Sharpie để điền vào lá phiếu cho Biden và Harris mà không dùng bút truyền thống, bởi ông coi đó là hành động “nổi loạn” chống lại Tổng thống Trump, người rất thích dùng loại bút đánh dấu này ký tên vào các sắc lệnh, văn kiện.
Trong bài phát biểu của mình, Arends cũng chỉ ra rằng hệ thống đại cử tri đoàn của nước Mỹ “không hoàn hảo”, nhưng là thứ duy nhất mà họ có lúc này. “Hôm nay là cơ hội để bắt đầu chấm dứt chính quyền Trump”, ông nói. “Tôi rất vui được thực hiện nghĩa vụ của mình… Nếu ông ấy tái cử, thiệt hại mà ông ấy gây ra cho thế giới không biết sẽ đến đâu”.
“Tôi sẽ phải trông cậy vào những người khác làm công việc khó khăn là xây dựng lại đất nước chúng ta, bởi sức khỏe của tôi không còn cho phép”, ông nói, trước khi đột ngột kết thúc bài phát biểu và bật khóc. Một đại cử tri khác cạnh đó đã đứng dậy, vỗ vai an ủi ông, trong khi cả hội trường vỗ tay.
Một đại cử tri tới an ủi Arends (trái) khi ông gục mặt xuống bàn bật khóc trong phiên họp hôm 14/12. Ảnh: AP.
Tổng thư ký bang Washington Kim Wyman, một đảng viên Cộng hòa chủ trì cuộc bỏ phiếu đại cử tri, đã gửi lời cảm ơn Arends khi kết thúc cuộc họp. “Tôi vô cùng xúc động về câu chuyện ý nghĩa của ông. Tôi cũng rất vui khi ông có mặt ở đây và trở thành một trong những đại cử tri đại diện cho bang chúng ta. Thật vinh dự khi được ngồi cùng một căn phòng với ông”, Wyman nói.
Ngày 6/1, Phó tổng thống Mỹ và cũng là Chủ tịch Thượng viện Mike Pence sẽ chủ trì phiên họp quốc hội toàn thể để đọc to giấy chứng nhận phiếu đại cử tri của từng bang, theo thứ tự bảng chữ cái. Đây là bước cuối cùng trong quá trình kiểm phiếu đại cử tri và cũng gần như khép lại tranh cãi về cuộc bầu cử.
Kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn vốn thường mang tính tượng trưng và ít thu hút sự chú ý, nhưng năm nay đã trở nên quan trọng khi Tổng thống Trump quyết không nhận thua.
Ông Trump bứt lên ở 2 bang chiến trường nhưng vẫn yếu thế
Các cuộc khảo sát mới đây nhất cho thấy ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden vẫn đang dẫn trước Tổng thống Trump ở nhiều bang chiến trường quan trọng.
Kết quả thăm dò được New York Times và Đại học Siena công bố sáng 1/11 cho thấy ông Biden đang dẫn trước ở Arizona, Pennsylvania và Wisconsin.
Nhưng một khảo sát của Des Moines Register công bố cho thấy ông Trump đang dẫn trước 7 điểm ở Iowa.
Trong khi đó, cuộc thăm dò của ABC News/Washington Post cho thấy ông Biden đang theo sát nút đối thủ ở Florida với cách biệt 2 điểm. Nhưng cũng với khảo sát này, ông Trump bị bỏ xa tới 7 điểm tại Pennsylvania.
VOX cho rằng, thông điệp các cuộc thăm dò rất rõ ràng: ông Trump dường như đang yếu thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là ông đã hết cơ hội lật ngược thế cờ trong vài ngày tới.
Người dân tại một sự kiện kêu gọi bỏ phiếu cho ông Biden. (Ảnh: Getty Images)
Dưới đây là tỷ lệ ủng hộ của từng ứng viên ở các bang được VOX tổng hợp lại từ một số khảo sát.
Arizona: Biden 49%, Trump 43% (NYT/Siena)
Pennsylvania: Biden 51%, Trump 44% (Washington Post/ABC)
Pennsylvania: Biden 49%, Trump 43% (NYT/Siena)
Wisconsin: Biden 52%, Trump 41% (NYT/Siena)
Iowa: Biden 41%, Trump 48% (DMR/Selzer)
Florida: Biden 48%, Trump 50% (Washington Post / ABC)
Tại Pennsylvania - nắm giữ 20 phiếu đại cử tri đoàn, ông Trump đang bị tụt lại. Năm 2016, ông Trump có chiến thắng ngoạn mục trước đối thủ Hillary Clinton tại bang này và là ứng viên Cộng hòa đầu thắng tại đây từ năm 1988.
Nhiều chuyên gia tiếp tục tin rằng Pennsylvania có thể sẽ là bang quyết định ai trở thành ông chủ thứ 46 của Nhà Trắng trong cuộc đua năm nay. Cách biệt hiện tại theo các cuộc thăm dò là 6-7 điểm. Sai số thăm dò hiếm khi đạt mức 6-7% nhưng vẫn có thể xảy ra. Vì thể, ông Trump chưa hẳn đã hết cơ hội.
Cách biệt 6 điểm hiện tại ở Arizona (với 11 phiếu đại cử tri) giúp ông Biden có phương án dự phòng nếu không thành công ở Pennsylvania. Các cuộc thăm dò gần đây ở Arizona cho thấy ông Biden thường dẫn với cách biệt khoảng 3 điểm.
Iowa chiếm 6 phiếu đại cử tri không được đánh giá quá cao. Tuy nhiên, bang này lại có vai trò trong cuộc đua vào Thượng viện. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Joni Ernst đang cạnh tranh rất quyết liệt với ứng viên đảng Dân chủ Theresa Greenfield trong cuộc đua giành ghế có thể quyết định đảng nào kiểm soát Thượng viện.
Tin tức khả quan nhất với Tổng thống Trump có lẽ là ở Florida. Tại bang nắm 29 phiếu đại cử tri, ông đang dẫn trước. Dù vậy, cách biệt là khá mong manh - 2 điểm.
Các cuộc thăm dò chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng nó cũng phần nào mang lại cái nhìn tổng quan về cuộc đua tới Nhà Trắng hiện tại.
Dù vậy, niềm tin vào khảo sát của cử tri Mỹ từng bị giáng đòn nặng nề vào năm 2016 khi bà Hillary Clinton thua cuộc dù dẫn trước trong gần như tất cả các cuộc thăm dò trước bầu cử.
Tuy nhiên, cách biệt giữa bà Hillary và ông Trump không lớn như khoảng cách mà ông Biden tạo ra trước đối thủ trong năm nay. Nhiều chuyên gia nhận định, ông Trump sẽ cần một "sai số" lớn hơn nữa trong các cuộc thăm dò để tiếp tục lật ngược thế cờ và giành chiến thắng ngoạn mục như 4 năm trước.
Đại cử tri - những người trực tiếp bầu tổng thống Mỹ Dân Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống, mà "ủy quyền" cho 538 đại cử tri, những người trực tiếp chọn ứng viên theo kết quả phiếu phổ thông của bang. Khoảng 156 triệu cử tri Mỹ ngày 3/11 sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống giữa hai ứng viên, Joe Biden của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa,...