‘Đại chiến’ tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2017
Cuộc đua tới giải thưởng điện ảnh cao quý năm nay quy tụ nhiều gương mặt đạo diễn đáng gờm như Fatih Akin, Bong Joon-ho, Sofia Coppola, Michael Haneke, Todd Haynes, Lynne Ramsey…
In the Fade (Đức): Bộ phim mới nhất của đạo diễn Fatih Ahkin là câu chuyện về cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại Đức. Một người phụ nữ quyết tâm báo thù sau khi chồng cô bỏ mạng oan nghiệt trong một vụ nổ bom. Nhân vật chính của In the Fade là người đẹp Diane Kruger, và phim mới được hãng Warner Bros. mua quyền phát hành tại thị trường Bắc Mỹ.
The Meyerowitz Stories (New and Selected) (Mỹ): Sau cú bước hụt với She’s Funny That Way (2015), đạo diễn Noah Baumbach quyết tâm trở lại với dự án mới thuộc thể loại tâm lý pha trộn hài hước. Chuyện phim là cuộc hội ngộ của một gia đình đã xa cách suốt bấy lâu nay tại thành phố New York để ăn mừng tác phẩm nghệ thuật mới của người cha. Tác phẩm có sự góp mặt của hai danh hài Adam Sandler và Ben Stiller.
Okja (Hàn Quốc): Bong Joon-ho là nhà làm phim hàng đầu Hàn Quốc với hàng loạt tác phẩm ấn tượng như Memories of Murder (2003), The Host (2006), Mother (2009), Snowpiercer (2013). Sau bốn năm ấp ủ, ông chuẩn bị mang tới Cannes bộ phim Ojka – câu chuyện về tình bạn giữa cô bé Mija (Ahn Seo-hyun) và một sinh vật to lớn kỳ lạ đang bị nhiều tập đoàn săn đuổi để thí nghiệm. Bong Joon-ho chiêu mộ một số ngôi sao Hollywood cho dự án mới như Tilda Swinton, Paul Dano, Jake Gyllenhaal, Lily Collins…
120 Beats per Minute (Pháp): Từng thắng giải Cành cọ vàng tại Cannes 2008 với The Class, đạo diễn Robin Campillo năm nay trở lại tranh tài với tác phẩm mang chủ đề đồng tính và bệnh AIDS. Lấy bối cảnh thập niên 1990, 120 Beats per Minute là cuộc đấu tranh của tổ chức ACT UP, nhằm gây sức ép với chính quyền và các công ty dược phẩm để họ đưa ra cách thức chữa trị phù hợp cho những bệnh nhân bị mắc “căn bệnh thế kỷ”.
The Beguiled (Mỹ): Bộ phim mới của nữ đạo diễn Sofia Coppola gây ra sự tò mò lớn cho công chúng khi có sự góp mặt của ba nữ diễn viên thuộc ba thế hệ khác nhau là Nicole Kidman, Kirsten Dunst và Elle Fanning. Phim lấy bối cảnh tại vùng Virginia khi Nội chiến Hoa Kỳ đang bùng nổ. Một binh lính bị thương xuất hiện và khiến tất cả nhóm phụ nữ trong ngôi trường nữ sinh rơi vào vòng xoáy của dục vọng. Tại Việt Nam, The Beguiled dự kiến khởi chiếu từ 14/7 dưới tựa Những kẻ khát tình.
Rodin (Pháp, Bỉ): Đạo diễn lừng danh Jacques Doillon kể lại cuộc đời của nhà điêu khắc nổi tiếng nước Pháp là Auguste Rodin. Chuyện phim Rodin sẽ xoáy sâu vào mối quan hệ gây ra nhiều sự tò mò giữa nhân vật chính với Camille Claudel – một nữ điêu khắc tài hoa khác.
Video đang HOT
Happy End (Pháp, Đức, Áo): Hai bộ phim gần nhất của Michael Haneke, The White Ribbon (2009) và Amour (2012), đều thắng giải Cành cọ vàng tại Cannes, rồi sau đó lên ngôi ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của lần lượt Quả cầu vàng và Oscar. Do đó, Happy End thực sự là ứng cử viên nặng ký tại Cannes năm nay. Nhà làm phim người Áo tiết lộ tác phẩm xoay quanh một gia đình người Pháp, trên nền bối cảnh là châu Âu đang xảy ra tranh cãi về vấn đề người nhập cư. Isabelle Huppert, Mathieu Kassovitz, Toby Jones là những gương mặt diễn viên nổi bật tham gia Happy End.
Wonderstruck (Mỹ): Bộ phim đồng tính Carol (2015) từng bị Oscar ngó lơ, bất chấp việc tác phẩm được giới phê bình tưởng thưởng. Không nản chí, đạo diễn Todd Haynes lập tức bắt tay thực hiện Wonderstruck – bộ phim dựa trên nguyên tác văn học cùng tên của Brian Selznick. Phim lấy bối cảnh năm 1927 và 1977, kể về hai cuộc tìm kiếm tại New York và có mối liên hệ bí ẩn với nhau. Julianne Moore và Michelle Williams là hai gương mặt sáng giá của dự án.
Redoubtable (Pháp): Từng giành thắng lợi vang dội tại Oscar 2012 với bộ phim câm The Artist (2011), Michel Hazanavicius năm nay trình làng Redoubtable. Đây có thể là ứng cử viên tiềm tàng cho mùa giải thưởng điện ảnh diễn ra cuối năm. Tác phẩm mới của ông tập trung vào mối tình giữa đạo diễn huyền thoại Jean-Luc Godard (Louis Garrel) và nữ diễn viên khi ấy mới 17 tuổi Anne Wiazemsky (Stacy Martin). Họ cưới nhau và quyết định ly hôn sau 12 năm chung sống.
The Day After (Hàn Quốc): Câu chuyện ngoại tình giữa đạo diễn Hong Sang-soo và người đẹp Kim Min-hee gây tốn không ít giấy mực của báo chí, nhưng có lẽ lại là nguồn cảm hứng để nhà làm phim người Hàn Quốc liên tiếp cho ra đời tác phẩm mới. Sau On the Beach Alone at Night tại LHP Berlin, The Day After của ông tiếp tục là một phim nữa lấy chủ đề ngoại tình, khi một người đàn ông đã kết hôn dan díu với cô nhân viên cũ dưới quyền. Câu chuyện trở nên rắc rối khi vợ anh ta phát hiện ra sự vụ, đến văn phòng để làm rõ trắng đen, nhưng lại nhầm cô nhân viên mới của chồng là đối tượng để đánh ghen.
Radiance (Nhật Bản): Nữ đạo diễn Naomi Kawase của xứ sở hoa anh đào là gương mặt quen thuộc tại các kỳ Liên hoan phim Cannes mỗi khi chị tung ra tác phẩm mới. Năm nay, nhà làm phim 47 tuổi mang tới vùng bờ biển nước Pháp bộ phim Radiance. Chuyện phim là mối tình trắc trở giữa nữ nhà văn Misako (Ayame Misaki) với nhiếp ảnh gia Masaya (Masatoshi Nagase) đang bị mất dần thị lực.
The Killing of a Sacred Deer (Ireland, Anh, Mỹ): Sau tác phẩm đầy sáng tạo The Lobster (2015), nhà làm phim Yorgos Lanthimos người Hy Lạp bất ngờ chuyển hướng sang dòng phim kinh dị – giật gân. Nội dung The Killing of a Sacred Deer tập trung vào gia đình đang đứng bên bờ đổ vỡ của một bác sĩ phẫu thuật tài ba. Một cậu bé tuổi teen bất ngờ khiến cuộc sống của họ có những chuyển biến đáng sợ. Giống như The Beguiled, phim có sự góp mặt của Nicole Kidman và Colin Farrell.
A Gentle Creature (Ukraine, Pháp): Do đạo diễn Sergei Loznitsa thực hiện, tác phẩm của điện ảnh Ukraine xoay quanh một người phụ nữ sống ở vùng hẻo lánh của nước Nga. Chị vẫn thường hay gửi đồ cho chồng – người đang phải thụ án tù lâu năm. Đến một ngày, gói hàng chuyển đi bất ngờ bị trả về và người phụ nữ quyết định lên đường tìm hiểu lý do của điều đó.
Jupiter’s Moon (Hungary): Đại diện của điện ảnh Hungary cũng lấy chủ đề nóng bỏng tại châu Âu hiện nay: người nhập cư. Song, phim mang nặng yếu tố giả tưởng khi lấy nhân vật chính là Aryan – chàng thanh niên bỗng sở hữu khả năng bay lơ lửng giữa không trung sau khi trúng đạn vì vượt biên bất thành. Giờ thì cậu trở thành mục tiêu săn đuổi của rất nhiều đối tượng khác nhau, từ những kẻ đang mang mộng vượt biên cho tới chính quyền.
The Square (Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Pháp): The Square là bộ phim hài đen xoay quanh một quản lý viện bảo tàng đang đứng trước nhiệm vụ phải tìm kiếm biểu tượng hòa bình cho buổi triển lãm sắp diễn ra. Nhân vật thuê một công ty PR để quảng bá sự kiện, nhưng hàng loạt sự kiện không ngờ khiến công chúng cảm thấy giận dữ. Bộ phim do đạo diễn Ruben stlund – tác giả của Force Majeure (2014) – thực hiện.
L’amant double (Pháp): Là niềm tự hào của điện ảnh nước Pháp, đạo diễn Franois Ozon trở lại Cannes với tác phẩm giật gân chứa đựng nhiều cảnh quay nóng bỏng. L’amant double theo chân Chloé (Marine Vacth) – cô gái trẻ mong manh, phải lòng vị bác sĩ tâm thần Paul (Jérémie Renier) vô cùng bảnh bao. Sau vài tháng mặn nồng, cô quyết định chuyển tới sống ở căn hộ của anh, để rồi phát hiện ra vô số điều bí mật kinh hoàng từ đây.
You Were Never Really Here (Anh, Mỹ, Pháp): 6 năm sau tác phẩm gây chấn động We Need to Talk About Kevin (2011), nữ đạo diễn Lynne Ramsey tái xuất với You Were Never Really Here cùng ngôi sao Joaquin Phoenix trong vai chính. Nội dung phim là nỗ lực giải cứu cô bé Nina (Ekaterina Samsonov) khỏi đường dây buôn bán tình dục của cựu chiến binh Joe (Joaquin Phoenix). Song, nó ẩn chứa nhiều mối hiểm họa không ngờ dành cho tất cả.
Good Time (Mỹ): Tác phẩm thứ ba trong sự nghiệp của anh em đạo diễn Ben & Josh Safdie thuộc thể loại tâm lý – hình sự. Gã thanh niên Costantine “Connie” Nikas (Robert Pattinson) quyết tâm vượt mọi hiểm nguy để cứu anh trai ra khỏi ngục sau khi chúng thất bại trong một vụ cướp nhà băng.
Loveless (Nga): Leviathan (2014) của Andrey Zvyagintsev từng giành giải Kịch bản xuất sắc tại Cannes 2014, và giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc của Quả cầu vàng 2015. Năm nay, nhà làm phim người Nga tranh giải Cành cọ vàng với Loveless – bộ phim kể về một đôi vợ chồng đang có ý định ly hôn. Con trai họ bất ngờ mất tích sau khi tình cờ chứng kiến một cuộc cãi vã của cha mẹ mình.
Theo Zing
Nicole Kidman tham dự LHP Cannes 2017 với bốn phim khác nhau
Tại Liên hoan phim Cannes 2017, thiên nga Australia có mặt trong hai phim tranh giải Cành cọ vàng, một phim không tranh giải và mùa hai của loạt phim truyền hình "Top of the Lake".
Sau khi ban tổ chức Liên hoan phim Cannes lần thứ 70 công bố danh sách tác phẩm tham gia sự kiện, người hâm mộ Nicole Kidman tỏ ra rất vui mừng khi có đến bốn tác phẩm của thần tượng sẽ xuất hiện ở vùng bờ biển nước Pháp. Theo đó, minh tinh người Australia có lẽ cần phải chuẩn bị nhiều váy áo hơn thông lệ trước khi bay tới Cannes.
Cụ thể, Nicole Kidman tham gia trong hai phim tranh giải là The Killing of a Sacred Deer của đạo diễn Yorgos Lanthimos, và The Beguiled của nữ đạo diễn Sofia Coppola. Điều kỳ lạ là với cả hai tác phẩm, cô đều đóng chung cùng tài tử Colin Farrell.
Hình ảnh Nicole Kidman trong The Beguiled. Đây là phim tranh giải Cành cọ vàng năm nay và là một trong bốn tác phẩm có sự góp mặt của minh tinh tại Cannes 2017. Ảnh: Outnow.
Tiếp đó, Kidman còn góp mặt trong tác phẩm khoa học viễn tưởng How to Talk to Girls at Parties do đạo diễn John Cameron Mitchell thực hiện dựa trên truyện ngắn do Neil Gaiman chấp bút. Tuy nhiên, đây là phim không tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes 2017.
Cuối cùng, mùa hai của loạt phim truyền hình Top of the Lake do Jane Campion chỉ đạo sẽ có buổi ra mắt trong khuôn khổ sự kiện điện ảnh hàng đầu châu Âu năm nay, và Nicole Kidman là một trong số những gương mặt ngôi sao của tác phẩm.
Thiên nga Australia vốn không phải là gương mặt xa lạ tại Cannes. Cô từng là thành viên ban giám khảo giải thưởng Cành cọ vàng năm 2013. Song, bộ phim mở màn Cannes 2014 là Grace of Monaco của Nicole Kidman từng bị la ó và chỉ trích nặng nề sau khi trình chiếu.
Phim quái vật Okja của Bong Joon-ho, tác giả bộ phim Quái vật sông Hàn (2006), cũng dự tranh Cành cọ vàng năm nay. Ảnh: Netflix.
Tại Cannes 2017, công chúng sẽ được chứng kiến 18 tác phẩm tranh giải Cành cọ vàng. Trong đó, đáng chú ý có phim mới của đạo diễn Andrei Zyvagintsev mang tên Loveless. Đây là dự án bị Bộ văn hóa nước Nga từ chối rót tiền đầu tư sau khi tác phẩm Leviathan (2014) của ông gây ra tranh cãi lớn tại xứ sở bạch dương.
Giải Cành cọ vàng năm nay thực sự là cuộc đua cực kỳ gay cấn bởi sự góp mặt của nhiều tên tuổi đạo diễn lừng danh đến từ khắp nơi trên thế giới như Tood Haynes, Michael Haneke, Fatih Akin, Naomi Kawase, Bong Joon-ho, Hong Sang-soo...
Theo Zing
Đạo diễn lừng danh Tây Ban Nha làm trưởng BGK Cannes 2017 Pedro Almodóvar sẽ là người đứng đầu đội ngũ cầm cân nảy mực tại sự kiện điện ảnh nổi tiếng diễn ra ở bờ biển nước Pháp năm nay. Ban tổ chức Liên hoan phim Cannes 2017 thông báo họ quyết định chọn nhà làm phim hàng đầu người Tây Ban Nha làm trưởng ban giám khảo tại sự kiện năm nay. "Trong...