“Đại Chiến Thành Ansi”: Choáng ngợp vì màn đầu tư hoành tráng trị giá 400 tỉ đồng
Nhờ lăng kính điện ảnh, những giây phút hào hùng của trận chiến giữa nhân dân pháo đài Ansi và hàng vạn quân nhà Đường lại trỗi dậy lần nữa thông qua bom tấn sử thi The Great Battle (Đại Chiến Thành Ansi).
Một trong những sự kiện được xem như kì tích của quân sự Hàn Quốc chính là trận thủy chiến lẫy lừng gắn liền với tên tuổi Thủy sư Đô đốc Yi Sun Shin. Chiến tích này từng được miêu tả trên màn ảnh rộng thông qua tác phẩm ăn khách nhất lịch sử phòng vé xứ kimchi The Admiral: Roaring Currents (2014). Tuy nhiên, từ trước đó rất lâu, đất nước này cũng từng xuất hiện một “phép màu” tương tự như thế. Dưới sự dẫn dắt của tướng Yang Man Chun, nhân dân pháo đài Ansi đã anh dũng chống trả kẻ thù xâm lược có số lượng áp đảo hơn mình đến 40 lần. Nhờ lăng kính điện ảnh, những giây phút hào hùng ngày ấy lại trỗi dậy lần nữa thông qua bom tấn sử thi The Great Battle (Đại Chiến Thành Ansi).
Vào thế kỉ thứ 7, nhà Đường ngày càng phát triển thịnh vượng và bắt đầu dòm ngó sang các vùng đất xung quanh. Tháng 4 năm 645, vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân ( Park Sung Woong) đích thân lãnh đạo hơn 20 vạn quân binh tiến đánh Cao Câu Ly, quốc gia nằm ở phía Bắc Triều Tiên ngày nay. Quyết tâm bảo vệ kinh đô Bình Nhưỡng, tể tướng Yeon Gaesomun ( Jung In Gyeom) lập tức hiệu triệu quần hùng để nghênh địch. Trong khi những tướng lĩnh khác đều nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi, Yang Man Chun ( Jo In Sung) – chủ thành Ansi – lại án binh bất động.
Đường Cao Tông Lý Thế Dân, kẻ chỉ huy 20 vạn quân xâm lược nhà Đường.
Tập hợp được 15 vạn quân, tể tướng liền tổ chức phản công thần tốc. Đáng tiếc thay, do rơi vào ổ mai phục của giặc, quá nửa lực lượng Cao Câu Ly đã bị sát hại hoặc buộc phải đầu hàng. Nghi ngờ Yang Man Chun cấu kết với kẻ thù, Yeon ra lệnh cho Sa Mool (Nam Joo Hyuk) tìm cách ám sát tên phản bội. Thế nhưng, lúc đặt chân đến pháo đài Ansi, Sa Mool hoàn toàn ngạc nhiên khi chứng kiến vị chủ thành đang chuẩn bị mọi thứ nhằm chống trả nhà Đường, bất chấp việc ông ta chỉ có vỏn vẹn 5 ngàn lính trong tay. Là lá chắn cuối cùng nằm án ngự trên đường tiến đánh Bình Nhưỡng, Ansi nhanh chóng trở thành mục tiêu tiếp theo của Lý Thế Dân.
Sa Mool, vị tướng trẻ bị mắc kẹt giữa sự trung nghĩa và lòng yêu nước.
Với cảnh mở màn đầy bi tráng, The Great Battle khiến khán giả choáng ngợp bởi mức độ hoành tráng của một bom tấn có kinh phí sản xuất lên tới 21,5 tỷ won (khoảng 442 tỉ VND). Những đại cảnh hành động, cháy nổ mà bộ phim mang lại chẳng hề thua kém các tượng đài sử thi Hollywood như Troy (2004) hay Kingdom of Heaven (2005). Nhằm san bằng Ansi nhanh nhất có thể, quân nhà Đường đã sử dụng hàng loạt vũ khí tối tân nhất thời bấy giờ, từ máy bắn đá, xe thang, trục phá cổng cho đến cả tháp công thành… Cảnh tượng hàng ngàn con người chen chúc, chém giết lẫn nhau để giành giật từng mảng tường thành một thực sự gây ám ảnh về bản chất tàn bạo và khốc liệt của chiến tranh.
Bộ phim có rất nhiều đại cảnh hoành tráng.
Trước sức mạnh tưởng chừng áp đảo từ phía Lý Thế Dân, Yang Man Chun đã có dịp chứng tỏ tài trí kiệt xuất của mình. Nếu đối phương đưa vào trận đồ những cỗ máy đáng sợ, thì nhân dân Ansi cũng kịp tung ra vô số món đồ chơi khắc tinh cực kì lợi hại. Anh lấy thang leo? Tôi dùng bàn đinh, tạ đá. Anh chơi trục công phá? Tôi bày bẫy chông. Cứ như vậy, trong suốt 88 ngày trời, 20 vạn quân nhà Đường vẫn không thể khuất phục nổi pháo đài bé nhỏ. Vốn am tường binh pháp, vị chủ thành luôn làm chủ được “nhịp phách” ở mỗi trận đánh, biết rõ khi nào cần tiến và lúc nào nên lui.
Tất nhiên, một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, sát cánh bên Yang Man Chun là những thuộc hạ tâm phúc có võ nghệ cao cường. Dưới góc quay slow-motion, người xem sẽ phải mê mệt bởi những chiêu thức liên hoàn vô cùng mãn nhãn của kiếm thủ Poong (Park Byung Eun), hộ pháp Choo Soo Ji (Bae Sung Woo) và hổ tướng Hwal Bo (Oh Dae Hwan). Chưa kể, nhân dân địa phương nơi đây cũng hết lòng hỗ trợ nghĩa quân, sẵn sàng đóng góp công sức, tài lực để đẩy lui giặc thù.
Những màn chiến đấu đẹp mắt đậm chất điện ảnh.
Tương tự Đô Đốc Yi Sun Shin, vị chủ thành này vốn là người văn võ song toàn nhưng lại không được lòng triều đình. Nổi danh với biết bao chiến công lúc tuổi đời còn quá trẻ, Yeon Gaesomun rất lo sợ Yang Man Chun sẽ thừa cơ nổi loạn, tước đoạt quyền bính khỏi tay mình. Đã vậy, việc bất tuân mệnh lệnh thường xuyên của ông càng vô tình khiến Ansi trở thành cái gai trong mắt tể tướng Cao Câu Ly. Tuy nhiên, khi vận nước lâm nguy, Yang Man Chun vẫn luôn sẵn sàng gánh vác trọng trách trên vai, quyết tâm giữ vững bức tường thành nhằm bảo vệ kinh đô.
Tướng quân Yang Man Chun, người tạo nên “phép màu Ansi”.
“Các ngươi hãy nhìn về phía sau. Gia đình, người thân của các người đều đang ở đó. Hãy vì họ mà chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Đối mặt trước một trong những quân đoàn hùng mạnh nhất thuở ấy, Yang Man Chun chỉ dặn dò quân sĩ của mình ngắn gọn như vậy. Cùng với nhau, họ đã tạo nên kì tích chiến tranh. Phép màu thành Ansi khiến cho nhà Đường phải dè chừng tiểu quốc Cao Câu Ly nhỏ bé, giúp vương triều này tiếp tục tồn tại thêm hơn hai thập kỉ.
Trailer “The Great Battle”
The Great Battle (Đại Chiến Thành Ansi) khởi chiếu tại các hệ thống rạp trên toàn quốc từ ngày 05/10/2018.
Theo Trí thức trẻ
Đạo diễn của Đại Chiến Thành Ansi chia sẻ lý do vì sao chọn Seolhyun và Nam Joo Hyuk
The Great Battle (Đại Chiến Thành Ansi) đang được công chiếu ở rạp tại Hàn Quốc và thành công vang dội. Mới đây, đạo diễn Kim Kwang Sik cũng đã có buổi trò chuyện chia sẻ những thông tin thú vị phía sau bộ phim.
Đạo diễn Kim Kwang Sik trên phim trường The Great Battle. Nguồn ảnh: Soompi
Kinh phí để thực hiện Đại Chiến Thành Ansi là 18.5 tỉ won (~$16.7 triệu) - gấp 18 lần kinh phí bộ phim đầu tay của ông (1 tỉ won, tương đương $901,000). Kim Kwang Sik nói:
"Thật tuyệt vời. 18.5 tỉ won...Đó quả thực là số tiền rất lớn mà trước giờ tôi chưa từng thấy hay có cơ hội chạm tới. Cá nhân tôi nghĩ các đạo diễn khác nên được một lần thực hiện phim với số kinh phí này bằng tiền mặt. Có như vậy thì họ sẽ có trách nhiệm với bộ phim của mình hơn."
Trong cuộc phỏng vấn, phóng viên có bình luận về phản ứng hoá học giữa Uhm Tae Goo và Seolhyun giống như phản ứng giữa Park Joong Hoon và Jung Yu Mi trong bộ phim đầu tay của ông. Ông trả lời:
"Tôi nghĩ bạn đã nói đúng. Tôi là kiểu người thích những chuyện tình khác thường. Yang Manchun (Jo In Sung) vào vai một người đàn ông tuấn tú, vì thế tôi muốn em gái của nhân vật này - Baek Ha, sẽ yêu một người nào đó không phải kiểu "soái ca". Nếu như những người yêu nhau lúc nào cũng đều xinh đẹp và hoàn hảo thì sẽ rất sến súa và không có gì thú vị."
Phóng viên cũng có nói về diễn xuất của Nam Joo Hyuk, đặc biệt là những cảm xúc dần thay đổi của anh đối với Yang Manchun, và đề cập đến những tranh cãi ban đầu khi anh được chọn vai này. Kim Kwang Sik đáp:
Nguồn ảnh: entertain.naver
"Anh ấy diễn rất tốt trong các phim truyền hình. Chuyện anh ấy không thể hiện tốt trong một bộ phim không phù hợp với mình cũng là điều dễ hiểu. Đã có nhiều tranh cãi sau bộ phim Bride of the Water God, nhưng tôi đã xem phim đó và không thấy lo lắng gì. Nam Joo Hyuk là một diễn viên tài năng. Thậm chí khi phim trường cực kì hỗn loạn, anh ấy vẫn rất tập trung và có thể thể hiện được diễn xuất đầy cảm xúc của mình. Tập trung diễn trong một cảnh phim hoành tráng và hỗn loạn không phải là điều dễ dàng."
Đại Chiến Thành Ansi là bom tấn hành động cổ trang, kể về cuộc chiến giữa 5 ngàn người lính Goguryeo và 20 vạn quân Đường trong vòng 88 ngày vào năm 645. Phim có sự tham gia của Jo In Sung, Jung Eun Chae, Park Sung Woong, Nam Joo Hyuk, Seolhyun, Bae Sung Woo, Uhm Tae Goo và Sung Dong II.
Nguồn ảnh: Han Cinema
Theo moveek.com
'The Great Battle' tiến gần cột mốc 5 triệu khán giả, dẫn đầu phòng vé Hàn Quốc tuần 28-30/09/2018 Phòng vé Hàn Quốc tuần qua tiếp tục là cuộc cạnh tranh khốc liệt của 4 bộ phim nội địa 'The Great Battle', 'The Negotiation', 'Feng Shui' và 'The Soul-Mate'. Sau khi ra mắt vào ngày 19/09, bom tấn lịch sử The Great Battle () đã liên tiếp dẫn đầu phòng vé 12 ngày liên tiếp và đã chính thức vượt qua cột...